Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Lái Thiêu



             
Chin Bon
Chin Bon
Vào năm 1978, gia đình chúng tôi bị lấy nhà và buộc phải dọn đến vùng kinh tế mới. Cũng may, lúc đó mợ tôi (em dâu của mẹ tôi) đã đưa được mẹ tôi và chín anh em tôi về tạm trú ở Lái Thiêu, quê ngoại của mợ, để chúng tôi khỏi phải đi kinh tế mới.

Lái Thiêu là một vùng thôn quê trù phú của miền Nam, thuộc tỉnh Bình Dương,  cách Sài Gòn khoảng 17 cây số và có trồng rất nhiều loại cây ăn trái. Những khi có việc cần, tôi thường đạp xe lên Sài Gòn rồi về lại Lái Thiêu trong cùng một ngày. Ở Lái Thiêu, hầu hết người dân đều theo đạo Thiên Chúa và đều rất sùng đạo.  Các phụ nữ ở đây đa số đều đảm đang và xinh đẹp, có lẽ nhờ họ thường xuyên đi lễ nhà thờ và chiêm ngưỡng tượng Đức Mẹ.

Ở miền Nam, người ta thường gọi nhau theo thứ tự trong gia đình.  Thí dụ như người con đầu thì gọi là anh/chị Hai, rồi đến anh/chị Ba, anh/chị Tư, hay Út nếu là người con nhỏ nhất trong gia đình.  Gia đình nào cũng có tên Hai, Ba, Tư, Út, v.v… nên tên ai cũng có kèm thêm một biệt hiệu.  Trong xóm tôi, ông chủ vườn cho chúng tôi ở tạm là ông Bảy Râu, chị Tư có chồng làm nghề câu tôm ở cuối xóm tên là chị Tư Tôm, còn mẹ tôi thì được gọi là cô Tư Huế vì mẹ tôi người Huế và là người con thứ ba trong gia đình ông bà ngoại tôi.

Căn nhà nhỏ của chúng tôi làm bằng gỗ, nền đất, mái tôn do ông nội tôi từ Huế vào dựng lên bên chái nhà bếp của người chủ vườn tốt bụng.  Đây là lần đầu tiên anh em tôi sống ở thôn quê nên mọi công việc đều mới lạ với chúng tôi. Ông nội tôi rất giỏi về nghề nông và trồng trọt, và ông đã “truyền” cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm về cuộc sống ở thôn quê. Ông đã làm một cái giàn bằng tre cho chúng tôi trồng bí, bầu, và mướp.  Ông còn hướng dẫn cho chúng tôi trồng khoai lang, khoai mì trong những vồng đất được xới cao, và dạy em trai út của tôi cách trồng bắp.  Tôi còn nhớ đứa em nhỏ của tôi rất thích những cây bắp mà nó trồng được. Mỗi khi đi học về là nó chạy ra sau vườn xem những cây bắp có “lớn” lên chưa. Rồi cứ vài ba hôm nó lại nhổ những cây bắp lên để đo xem rễ cây có dài thêm chút nào không, xong lại bỏ xuống đất trồng lại.  Vậy mà những cây bắp này vẫn cứ sống và sau đó còn có trái nữa :).

Ở Lái Thiêu, những người hàng xóm của chúng tôi đều cởi mở và thân thiện. Về đây, chúng tôi có dịp thưởng thức các loại trái cây thơm ngon của miền Nam như măng cụt, xoài, bòn bon, mít tố nữ, v.v….  Dừa thì khỏi nói, trên cây lúc nào cũng đầy trái, chỉ cần nhờ ai đó leo lên cây hái xuống là có ngay một ly nước dừa thật ngọt và mát. (Những ngày lênh đênh trên biển cả trong chuyến vượt biên, đói và khát đã làm tôi cứ mơ đến ly nước dừa của Lái Thiêu!) Sau này, em trai tôi học được cách leo dừa từ một đứa nhỏ hàng xóm, thế là chúng tôi "tự túc" được, khỏi phải nhờ vả ai hái dừa nữa.

Đến mùa măng cụt, người chủ vườn bán hầu hết trái cây của mấy cây ăn trái trong vườn, nhưng cũng “tế nhị” để dành lại một cây không bán để chúng tôi có măng cụt ăn.  Hết mùa măng cụt, lá vàng trên cây rụng xuống trải đầy cả vườn, cảnh vật trông thật êm đềm và nên thơ.  Vào hoàng hôn, có lúc ngồi giữa khu vườn ngập lá vàng, tôi thấy lòng mình thật vui và thanh thản. Những khi quét lá măng cụt khô và gom lá dừa để nấu bếp, tôi lại nhớ đến bài hát Góp Lá Mùa Xuân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Người phu quét lá bên đường, (Tôi đổi lại là “Người phu quét lá trong vườn”)
Quét cả nắng hồng, quét hạ buồn tênh….”

Hồi mẹ tôi còn nhỏ, gia đình ông bà ngoại tôi có lần phải tản cư và sinh sống ở làng quê trong một thời gian.  Những kinh nghiệm sống trong giai đoạn đó đã trở nên hữu ích và được mẹ tôi đem ra áp dụng khi chúng tôi về Lái Thiêu, như chặt và  phơi khô vỏ dừa, vỏ măng cụt để làm củi nấu bếp, ngâm phèn chua trong nước ao để lắng lấy nước trong…  Mỗi khi tắm, chúng tôi xách nước từ cái ao gần nhà rồi đổ vào hai cái lu đựng nước trong phòng tắm để dùng, vì ở đây không có máy nước.  Nước để uống và nấu ăn là nước mưa hứng được mỗi khi trời mưa hoặc nước giếng gánh từ giếng của nhà hàng xóm. Tiện nghi là những gì tôi thấy rất thiếu thốn ở đây!

Điều đặc biệt ở Lái Thiêu là xe ngựa. Bến xe ngựa nằm ngay chợ Lái Thiêu, và có  những lần chúng tôi thuê xe ngựa đi từ chợ về nhà.  Ngựa chạy nhún nhảy, cộng thêm đường sá gồ ghề ở thôn quê nên người cứ bị dằn xóc lên xuống, phải cố bám chặt vào thành xe để khỏi bị văng xuống đường, và đôi khi vì thế mà chúng tôi cười rất vui (cười cho đời đỡ khổ đó mà!). Ở Lái Thiêu một thời gian, nhờ không khí trong lành và vận động nhiều, nên các em tôi đều trông có vẻ khỏe mạnh hơn.

Lái Thiêu có trường học dành cho người câm điếc do các bà Sơ giảng dạy và chăm sóc.  Thỉnh thoảng tôi có gặp những trẻ em câm điếc nói chuyện với nhau bằng cách ra dấu, và trông chúng có vẻ cũng nhiều chuyện lắm. Các em sống trong một thế giới rất yên tĩnh, không nghe và không nói gì cả, chỉ ra dấu thôi, và đa số là con cái của những gia đình khá giả ở Sài Gòn.

Ở Lái Thiêu còn có lò gốm chế tạo các đồ dùng bằng đất nung.  Chén bát, bình hoa, chậu trồng cây, lu đựng nước, khạp đựng gạo, v.v... đều là thổ sản ở đây nên nhà nào cũng có nhiều lu đựng nước và những chậu trồng cây rất đẹp.  Những đồ gốm và đồ sứ sản xuất ở Lái Thiêu thường được chở bằng thuyền lên Sài Gòn và các tỉnh lân cận để bán.

Sau hơn mười tám tháng sống ở Lái Thiêu thì chúng tôi được thông báo trả lại nhà.  Đó là nhờ một người cậu của ba tôi đã quyết tâm kiên trì làm đơn khiếu nại để đòi lại nhà cho chúng tôi.  Cuộc sống ở Lái Thiêu tuy khó khăn vất vả (vì chúng tôi lớn lên ở thành phố, chưa quen với điều kiện sống của thôn quê), nhưng tôi rất yêu mến miền quê này, và cũng có lúc tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi sống ở đó (có lúc thôi!).  Lái Thiêu có trái cây thơm ngon và người dân hiền hoà, nhưng chúng tôi cũng rất vui mừng được dọn về lại căn nhà của mình ở Sài Gòn. 

01/21/09