Người ta nói,

Ngày đầu con đi học mẹ cười con khóc.
Ngày đầu con vô Đại học mẹ khóc còn con cười.

Hôm nay em gái tôi giúp đứa con gái lớn dọn vào nội trú ở trường Đại Học.
Mấy ngày này đã nghe em tôi ỉ ôi, than thở khi thấy đứa con thu dọn đồ đạc cá nhân. Trường cách nhà khoảng một giờ rưởi lái xe, nhưng đi đi về về trong ngày thì ngán cho nạn kẹt xe nên gia đình chọn cách cho Bé vào nội trú, mỗi tuần về nhà một lần để thăm gia đình và được tiếp tế thức ăn.

Không giống như con gái tôi ngày ấy, bước chân vào Đại học mà không biết mình muốn gì, sở thích thay đổi liên tục. Cháu gái tôi ngay khi xong bậc trung học đã chọn ngành yêu thích là Sư phạm. Không làm ra được nhiều tiền, nhưng nhàn hạ. Ngày Bé tốt nghiệp với nhiều dây đủ màu quàng ở cổ cùng với mũ mảo tốt nghiệp. Bé là một học sinh xuất sắc, chăm ngoan, ba mẹ cháu và cả nhà tôi đều rất vui mừng cho kết quả học tập của cháu mỗi năm.

Em gái tôi sau khi đi mua sắm đồ đạc cho con gái theo tiêu chuẩn con nhà quí tộc, mọi đồ dùng cá nhân đều có thêu tên ở góc. Chăm chút từng li từng tí theo sở thích của con bé. Thế rồi ngày nào em tôi cũng than, cũng thở. Con chưa đi mà đã nhớ!
Cháu gái tôi thì vui mừng cho những ngày sắp được tự do, Bé đã biết lái xe hơn một năm và được mẹ mua cho chiếc xe mới toanh. Thỉnh thoảng lái xe đưa cậu em trai duy nhất đi loanh quanh, ra dáng người lớn lắm.
Hôm nay mấy mẹ con cùng nhau xuống khu nội trú để sắp đặt mọi thứ vì năm học sắp bắt đầu. Em gái tôi chụp ảnh từ phòng ăn, phòng khách, phòng tắm, phòng ngủ với những bộ trải giường rất đẹp. Những tấm ảnh được gởi cho chị em trong nhà và con gái tôi xem. Thư đang đi công tác ở Ohio cả tuần nay.
Tôi xem ảnh rồi ... ngậm ngùi gởi riêng cho con gái mình một tin nhắn, như nói với chính mình: "Hôm nay xem những tấm ảnh cháu mình được mẹ chuẩn bị chu đáo cho ngày đầu vào Đại học, mình nghĩ lại thấy tội con gái mình quá. Ngày con vào Đại học, mẹ chưa có nhà riêng, mẹ thuê nhà ở đâu thì tha con đi theo đó, chật chội, phức tạp nhưng chưa bao giờ nghe con than trách hay đòi hỏi gì hơn. Mẹ con mình, nghèo mà vui. Dù sao thì ... bây giờ con cũng học hành  đến nơi đến chốn một cách tự lập". Con Bé trả lời ngay: "Con biết mà, suy nghĩ của Má làm con rơi nước mắt. I love you, Mom".

Đây không phải là lần đầu tiên tôi cảm thấy tội cho con mình mà từ những ngày con tôi còn rất bé, lúc nào tôi cũng thấy con bé chịu nhiều thua thiệt. Tôi ở chung vơi gia đình của mình trong hoàn cảnh thất nghiệp, thiếu cơm, thiếu áo, thiếu những quyền lợi nhỏ nhoi và con tôi thì thiếu tình thương. Dù tôi cố gắng hết sức để con tôi không bị cảm giác mặc cảm nhưng đôi khi, lực bất tòng tâm. Hai mẹ con thui thủi bên nhau. Tôi ít nói nhưng chắc bé hiểu nhiều.

Khi hai mẹ con may mắn được đến xứ sở này, bé lớn lên mạnh mẻ hơn vì xung quanh cũng có nhiều đứa bạn cùng hoàn cảnh. Những ngày con gái tôi bước vào tuổi teen ... tôi cũng phập phồng nhiều đêm không ngủ. Những người bạn Mỹ của tôi có con gái mới lớn, họ đề phòng theo phương pháp rất khoa học mà mới nghe qua tôi đã giật mình! Tôi biết mình không thể nào nuôi dạy con gái mình như cách người bản xứ. Tôi chỉ biết cầu nguyện và đem mình ra làm gương cho con. Nếu mình không muốn con mình nói dối thì không nên nói dối nó, nếu mình muốn con mình tiếp tục học hành thì bản thân mình cũng phải coi việc học là quan trọng. Tôi ghi danh đi học lại, bầm dập, căng thẳng rồi tôi cũng có được chút vốn liếng chữ nghĩa. Trước hết là có cơ hội nâng cao tay nghề, sau đó là bài học cho con mình.
Con tôi mười tám tuổi đã dọn ra khỏi nhà, vừa đi học, vừa đi làm. Cái chứng chỉ cử nhân khoa học có thể hoàn thành trong 4 năm thì con tôi phải kéo dài 7 năm, nhưng kết quả tốt nghiệp điểm cũng khá cao. Giáo dục ở đây không giống Việt Nam. Học bao nhiêu lâu cũng được, miển sao kết quả cao là có cơ hội xin được việc tốt, nhanh. Với sự hổ trợ phía sau của tôi, Bé đã mua được một căn nhà mới trước khi xong Đại học. Và bây giờ may mắn sao, đã có được một việc làm tương đối hợp sở thích, hợp với ngành nghề trong bằng cấp.
Tôi có nhiều người bạn, khi gặp nhau chúng tôi hay kể lể cho nhau những kinh nghiệm nuôi dạy con ở xứ này. Mỗi lần thấy bạn tôi chăm con là tôi lại tự hỏi mình: Không biết cách nuôi con của mình có quá hời hợt chăng? Rồi một cô bạn thân khác của tôi, tiễn thằng con đi học thì phát biểu: Đưa con trai ra bến tàu xong về nhà là ... nằm vùi, tưởng như tiễn người yêu đi xa! Ôi trời, sao mà nhớ nó quá chừng không biết? Một chị bạn khác, đứa con gái có bài thi tốt nghiệp, học ngày học đêm. Đến bữa cơm mẹ phải bưng lên tận phòng, nếu không thì nó không ăn gì hết. Con gái ra trường rồi thì chị lại kiếm bạn bè, đưa mai mối để nó có đôi có cặp.Rất lạ là tất cả những người bạn tôi dạy con theo nhiều kiểu khác nhau nhưng cùng đạt kết quả tốt, nghĩa là con của họ đều công thành danh toại, gia đình êm ấm.

Người ta nói, thành công của con cái là niềm vui của cha mẹ nhưng, biết thế nào là đúng, là sai trong phương pháp nuôi dạy con? Không ai tài giõi gì vổ ngực xưng rằng mình biết cách dạy con, cũng không ai có đủ khả năng lái con cái đi theo ý mình ở xứ này. Tất cả là hai chữ: Nghiệp lành.

Cũng như nhiều người mẹ khác hôm nay đưa con vào nội trú, em tôi khóc, cháu gái thì ...cười. Còn tôi thì một lần nữa, thấy thương cho con mình, từ bé đã phải bương chải, tự lập nhưng bé không làm tôi thất vọng.

Nguyễn Anh Trinh
8/21/2014
Làm Mẹ