Lần đầu trở lại
Như AT giới thiệu, mình sẽ không viết một lần trở lại tập 2 đâu mà mình sẽ viết “Lần đầu trở lại”
với hy vọng rằng mình sẽ trở lại Đà Nẵng thêm nhiều lần nữa.
Tôi hứa với KL sẽ về thăm lại Đà Nẵng, nhưng hứa rồi lại thấy ngao ngán làm sao. Tiến thoái lưỡng
nan, nhưng nàng KL quá nhiệt tình cứ phone cho tôi nhiều lần dặn dò đủ thứ: Nào là hỏi thăm xem tôi sắp
xếp đi được hay không? Đưa ra lịch trình chuyến đi, dặn tôi phải đem theo dép thấp, quần lững để dễ
dàng trong lúc đi tham quan, vân ...vân … Có khi nghe điện thoại mà nhìn đồng hồ thấy 12 giờ, tôi biết
bấy giờ ở Mỹ sẽ là giữa khuya. Rồi lịch đón tiếp các bạn ở xa về lại Đà Nẵng được post lên trang WEB
Hồng Đức Chín4. Rồi mail của TH dặn dò tôi phải đem áo ấm vì thời tiết dạo này còn lạnh lắm. Nghĩ đến
tình cảm của bạn dành cho mình, tôi quyết tâm thu xếp chuyện công sở, chuyện gia đình để về thăm lại
Đà Nẵng cùng KL một chuyến.
Ngày 5/3 tôi đi TP lúc 4giờ sáng, xe vừa đến TP thì Ngân điện cho tôi biết sẽ đến TP để gặp tôi và
KL. Tôi và Ngân hẹn nhau tìm một quán cà phê uống và chờ gặp KL. Ba chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt
mừng, có lẽ chúng tôi đã nhìn thấy nhau trên trang WEB nên không ai ngỡ ngàng cả. Tất cả đều quen
thuộc, chỉ khác chăng là như các bạn nhận xét “Bồ đẹp và trẻ hơn trong hình nhiều lắm đó”. Cứ thế đứa
này khen đứa kia rồi cười vang bất chấp mọi người ngồi uống cà phê gần đó. Rồi thì mỗi đứa đem máy
chụp hình ra bấm để làm kỷ niệm. Hết góc này đến góc kia, đứng ngồi, đủ kiểu bất kể người xung quanh
nhìn ngó. Rồi thời gian cũng hết, chúng tôi chào tạm biệt nhau, mỗi người đi một hướng. Ngân về Biên
Hòa, tôi về nhà cô em gái, KL về lại khách sạn.
Chuẩn bị về ĐN, bọn tôi chỉ có 3 đứa (KL,Thục Trang, Tôi) hẹn nhau 5 giờ chiều gặp mặt ở sân
bay để về Đà Nẵng. Thục Trang chưa có hình trên trang WEB nên chúng tôi tìm kiếm rất khó khăn. KL
gọi điện liên lạc tới điện lui với Thục Trang, tôi ngồi giữ đồ đạt để KL đi tìm. Cuối cùng chúng tôi cũng
nhận ra nhau vui mừng khôn xiết, rồi lại đem máy ảnh ra nhờ người ngồi gần bên chụp một vài tấm hình
để làm kỷ niệm.
Chuyến bay 336 ngày 5/3 của Vietnam airlines cất cánh lúc 7 giờ 20 phút đưa chúng tôi về lại Đà
Nẵng. Lòng tôi hồi hộp khôn tả, mong cho máy bay mau hạ cánh để tôi ngắm nhìn TP Đà Nẵng thân yêu.
Đà Nẵng mảnh đất miền Trung giàu tình người mà cũng không kém phần khắc nghiệt. Ngày gia
đình tôi di chuyển ra Đà Nẵng, tôi có cảm giác khó chịu làm sao ấy với thời tiết khắc nghiệt: mùa nóng thì
như thiêu đốt, mùa lạnh rét cứng người nói ra khói, mưa suốt ngày đêm như trút nước. Người dân nơi đây
tứ xứ, nào là người Huế, người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hội An … Đa phần giọng nói tôi không thể
nghe và hiểu tiếng địa phương được. Thức ăn món nào cũng có ớt bột cay xé miệng rồi lại nêm một chút
mắm ruốt. Rồi thì mùa ruốt, nhà nào cũng phơi ruốt, mùi khai nồng nồng làm tôi cũng khó chịu. Khi ấy
tôi mới 10 tuổi, cái tuổi chưa nhận thức được những thay đổi chung quanh, chỉ thấy khó chịu khi những gì
quen thuộc không còn nữa.
“Tôi xa Đà Nẵng năm lên 16 khi vừa biết yêu”, vâng, năm tôi 16 tuổi do biến động của đất nước,
Mẹ tôi đã đưa cả gia đình về Nam nơi tôi sinh ra. Khi ấy tôi đã bắt đầu yêu Đà Nẵng từ giọng nói, tính
cách của người Huế, người Quảng, người Hội An. Biết hít hà khi thưởng thức bún mắm, bún bò Huế, bún
chả cá. Biết tận hưởng mùi khai nồng của mắm tôm, mắm ruốt mà chỉ có ở Đà Nẵng hương vị mới đậm
đà. Biết làm duyên với những chiếc áo len, khăn choàng cổ mỗi khi đông về. Vâng khi tôi đã yêu con
người, yêu khí hậu, yêu cả những món ăn cay nồng ấy thì tôi lại chia tay với Đà nẵng.
Khi rời xa Đà Nẵng, ngày ấy gia đình quá khó khăn, tôi chưa một lần nghĩ tới sẽ lại về thăm quê
hương thứ 2 này.
Ba mươi sáu năm lăn lộn với đời, học hành tiếp tục để có một nghề nuôi thân. Lập gia đình nuôi
con nhỏ trong thời gian bao cấp, nghèo khổ khó khăn. Năm nay con đã lớn, đở phần vất vả, kinh tế thì
cũng bớt khó khăn nhưng cũng không thể nghĩ đến một chuyện đi xa. Cứ ao ước, hứa với các bạn nhưng
rồi lại thôi, nhiều lý do mà không làm sao nói ra được. Ba mươi sáu năm nghĩ đến thấy quá dài nhưng
nghĩ lại thì thấy thời gian qua mau quá. Ngày ấy tôi chỉ là một cô bé 16 tuổi, cái tuổi trăng rằm nhưng
chưa “trỗ mã” hết, bây giờ quay lại tôi là người phụ nữ ngoài ngũ tuần bắt đầu “trổ đồi mồi” rồi ... hi
hiiiiiiii
Tôi rùng mình khi nghỉ tới khỏang thời gian dài thăm thẳm ấy.
Đà Nẵng quê hương thứ hai của tôi
Đà Nẵng là một thành phố đẹp tuyệt vời của miền trung Việt Nam. Hơn tám năm gắn bó với Đà
Nẵng, từ khi Đà Nẵng còn là một thành phố nhỏ ít người biết đến cho đến bây giờ Đà Nẵng phát triển
thành đô thị lớn thì tình yêu dành cho thành phố này trong tôi vẫn không thay đổi. Tôi đã tự nhận nơi này
là quê hương thứ hai của mình. Không chỉ bởi thời gian của quãng đời học sinh mơ mộng, cái thời trẻ
trung sôi nổi của mình đã qua mà còn cả thời gian còn lại của mình, tôi cũng sẽ nghĩ nhiều, gắn bó dài lâu
với nó, vì nơi ấy còn có những bạn bè thân yêu của tôi.
Tôi nhìn bầu trời qua khung kính cửa khi máy bay từ từ hạ cánh. Một dãy ngân hà, hàng ngàn ngôi
sao lấp lánh sáng cả bầu trời, nhìn kỹ tôi biết đó là TP ĐN ở độ cao về đêm. Máy bay hạ cánh lúc 10 giờ
30 phút, cảm giác nghèn nghẹn lại dâng trào trong tôi, nước mắt chực ứa ra nhưng tôi cố kìm lại. Một
cảm giác lâng lâng bỗng ập đến, tôi vui sướng biết bao khi nhận ra mình đã trở về nhìn thấy quê hương
thứ 2 này. Đà Nẵng hiện ra trước mắt tôi sau một chuyến đi dài vì đường xa, lần đến Đà Nẵng sau 36 năm
xa cách, tôi đã cảm nhận được cái chất đầm ấm và tình yêu thương nhân hậu trong mỗi con người nơi
đây.
Hơn ba mươi sáu năm, tôi mới có dịp trở lại chen chân trên đường phố Đà Nẵng mà cứ ngỡ như
mình mới xa Đà Nẵng hôm qua..Bước xuống sân bay, mọi cảnh vật đều xa lạ làm sao hay có lẽ ngày xưa
tôi chưa từng đặt chân đến sân bay. KL đã chuẩn bị kỹ xe đến rước và đặt phòng ngủ ở khách sạn Xuân
Hưng đường Phan Chu Trinh. Sau khi đến khách sạn cất hành lý chúng tôi quay lại xe để đi ăn tối. KL
bảo tài xế chạy một vòng Đà Nẵng để chúng tôi ngắm TP Đà Nẵng về đêm. Ôi ĐN thay đổi quá làm tôi
nhận không ra sau ba mươi sáu năm xa cách.
Xe chạy hết đường này qua đường khác, KL giải thích, tài xế cũng giới thiệu những đổi thay của
ĐN, không nơi nào tôi nhận ra cả. ĐN thay đổi nhiều hay vì thời gian xa cách quá dài và tôi đã già để
không còn nhìn ra nữa.
Đi hết các con đường của TP ĐN xe lại chạy qua Cầu Thuận Phước là cây cầu bắc qua sông Hàn
tại cửa biển, nối đường Nguyễn Tất Thành với cầu Mẫn Quang, thuộc thành phố Đà Nẵng. Đây là cầu
treo dây văng dài nhất Việt Nam. Ôi thích quá khi được ngắm thành phố về đêm, thích đến mê mẩn khi
được đắm chìm trong không gian ấm áp của sắc màu và ánh đèn nhấp nháy như muôn ngọn nến nơi phố
Lê Duẩn, Trần Phú, Bạch Đằng. Thành phố “chìm” trong muôn “vì sao” rơi từ hai hàng cây dọc bên
đường. Tôi không thể tả tỉ mỉ với các bạn về những thay đổi của ĐN vì thời gian xa cách quá dài mà thời
gian trở lại thì rất ngắn, chỉ trong chớp mắt.
Dù không phải là dân Đà Nẵng, nhưng 8 năm sống tại mảnh đất này, tôi đã không còn nghĩ đây chỉ
là “chốn tạm” nữa. Đà Nẵng đã là nơi đi - về trong trái tim tôi, hiển hiện như quê hương thứ hai của mình.
Qua cầu Thuận Phước chúng tôi quyết định tiếp tục đi đến Hội An trong đêm để ngắm nhìn thành
Phố về đêm. Hội An là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ 16
và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Phố cổ Hội An được công nhận là một di sản thế giới
UNESCO từ năm 1999. Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến
trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng,
chợ và những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố
phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính trông hư hư, thực thực như một bức tranh sống
động
Lịch trình của chúng tôi là sáng hôm sau đi du ngọan Bà Nà, cách thành phố Đà Nẵng khoảng
48km về phía Tây có một đỉnh núi cao 1.487m so với mặt biển. Trên đỉnh núi cao ấy, có địa hình bằng
phẳng như một vùng cao nguyên nhỏ và khu du lịch Bà Nà tọa lạc giữa bốn bề thiên nhiên mát dịu
Từ Đà Nẵng theo Quốc lộ 1 ra phía Bắc, đến Hòa Khánh, có con đường rẽ trái, đó là con đường
lên Bà Nà. Con đường từ An Lợi lên Bà Nà dài 15km quanh co, uốn lượn đã được rải nhựa nên rất thuận
tiện cho việc giao thông.
Để đến được Bà Nà, chúng tôi phải đi bằng cáp treo vì vậy phải mua vé. Tôi tìm hiểu được biết
rằng: đây là tuyến cáp treo hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, được Công ty CP dịch vụ Bà Nà đầu tư
khoảng 300 tỷ đồng, xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Châu Âu. Công trình gồm 22 trụ đỡ, 94 cabin
với công suất phục vụ 1.500 khách/giờ. Và là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới" với tổng chiều dài
5.042,62m, và "Tuyến cáp có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới" với độ chênh
1.291,81m. Đây là lần đầu tiên tôi đi cáp treo đó các bạn, thật là thu vị làm sao đâu, tôi cố chụp hình để
có làm kỷ niệm, nhưng lại không có tôi rồi hiiiiiii.
Bà Nà có khí hậu miền ôn đới rất giống với Đà Lạt. Tôi cảm nhận một chút rét vào lúc sáng sớm,
buổi trưa có chút nắng le lói nhưng êm dịu chỉ vừa đủ sưởi ấm. Cái mát của không khí ở Bà Nà làm cho
tôi quên hết cái nắng chói chang với những ngọn gió bỏng rát của những ngày hè nơi quê tôi. Lên đến Bà
Nà có xe chở đi lên tham quan chùa Linh Ứng, nhưng đòan chúng tôi mỗi người một ý, đa số có lẽ muốn
quay về nhiều hơn vì đã thấm mệt. Tiếc quá các bạn nhỉ?????? Hiiii
Tôi và các bạn đi tìm những dấu vết của thời mà chúng tôi cùng chung dưới một mái trường, đó là
Chợ Cồn. Chúng tôi đến chợ Cồn, bây giờ là trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng. Nằm ở trung tâm thành
phố (đường Hùng Vương- Ông Ích Khiêm) Chợ Cồn là khu chợ nằm ở trung tâm và là chợ lớn nhất thành
phố Đà Nẵng. Tôi nghe nói cái tên "Chợ Cồn" có từ thập niên 1940, do chợ nằm trên một cồn đất cao
giữa lòng thành phố nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên. Chợ có một mặt hướng về
đường Hùng Vương, một mặt hướng về đường Ông Ích Khiêm, phía Bắc là một con hẻm, phía Đông sát
đường xe lửa. Bây giờ chợ được xây dựng lại gồm 3 tầng, khang trang và có tên chính thức là Trung tâm
Thương nghiệp Đà Nẵng. Nhưng người dân thành phố Đà Nẵng vẫn quen gọi là "Chợ Cồn" thay vì tên
chính thức. Không còn đường rầy xe lửa, không còn cầu vòng nữa vì thế không còn dấu vết ngày xưa để
tôi nhớ ra những gì quen thuộc nơi đây. Nhưng tại nơi đây tôi đã thưởng thức thêm đăc sản nữa của ĐN là
cháo chả bò và chè đậu ván.
Nghĩ đến mai này xa Đà Nẵng tự nhiên tôi có cảm gíác như mình là kẻ phụ tình với ĐN. Đà Nẵng
vẫn lặng lẽ chờ đợi như người tình trăm năm mà tôi thì cứ dứt áo ra đi mãi tận đâu đâu không hẹn ngày trở
lại.
Bạn Cũ Trường Xưa
Gặp nhau ở nhà TH.
Chuyện người học trò miền Nam thi đậu vào trường Hồng Đức từ khi ngôi trường trung học này
mới xây xong ở Đà Nẵng vào cuối năm 1967. Hơn 36 năm trôi qua chúng tôi như những cánh chim bay
khắp bốn phương. Nhưng chúng tôi cũng là những trái cây cùng chung một gốc. Có trái đã rơi rụng từ
lúc còn xanh. Những bạn bè còn sống thì nay đã tuổi trên 50 tuổi, vẫn tìm đến bên nhau thắm thiết như
chùm khế ngọt. Tôi lẩm nhẫm 4 câu hát.
Bốn phương trời ta về đây chung vui.
Không phân chia giọng nói tiếng cười.
Cùng nắm tay ta kết tình thân ái.
Trao cho nhau những gì thiết tha.
Các bạn nhìn xem chúng tôi có giống như 4 câu hát ở trên không nhé? Trong hình có 16 bạn
nhưng chưa đủ đâu, còn một vài bạn bận ở nhà sau đó. Này nhé, các bạn đa số ở tại Đà Nẵng, KL ở Mỹ,
Thu Hương ở Biên Hòa, Thục Trang, Thanh Vân ở Thành Phố HCM, còn tôi ở Bến Tre. Mỗi người mỗi
cảnh, tay bắt mặt mừng, ai nấy đều rạng rỡ vui tươi. Chúng tôi hỏi thăm nhau, khen ngợi nhau, hứa hẹn
với nhau đủ thứ. Mỗi người mỗi hòan cảnh, nhưng đa phần đến tuổi này đã qua thời vất vã. Rồi thì mỗi
bạn đem máy ra chụp hình, chen nhau cố chụp làm sao cho đủ để về làm kỷ niệm
Chao ơi vui quá, thức ăn tràn ngập không biết của bạn nào đài thọ. Trên bàn bày biện nào là gỏi
sứa, bánh xèo, súp cua, bánh nậm, bánh tráng, bưởi da xanh…. Thức ăn đầy bàn, món nào cũng hấp dẫn
quá. Nhưng tôi biết tác giả của 2 món ăn đó là Mộng Linh làm gỏi sứa, Phạm T. Ba thì có món bánh xèo,
còn nhiều món khác bọn tôi cùng thưởng thức mà vô tư không biết tác giả. Nhà TH rộng rãi, mát mẻ, đủ
chỗ để chứa chúng tôi khoảng 20 bạn nữ từ nhiều nơi tụ tập về, tiếng cười nói chào hỏi rộn ràng, mỗi
người mỗi giọng nói khác nhau.
Chúng tôi ăn uống no nê, rồi chen lấn nhau chụp hình, trò chuyện rôm rã, hơn 10 cái máy chụp
hình sắp lớp để thay phiên nhau chụp, ai cũng muốn có ảnh để làm kỷ niệm. Sau đó chúng tôi chơi trò
chơi làm họa sĩ, các bạn chia làm 2 đội và lấy 2 tấm bảng ra. Trò chơi như sau: Bịt mắt để vẽ hình mặt
người, đội nào vẽ đẹp có thưởng. Cuộc vui rất hào hứng và sôi nổi mỗi khi có bạn vẽ xấu cả nhóm cười
vang.
Trong chuyến trở về này, trước tiên chúng tôi tụ tập nhà TH, kế họach tiếp theo là thăm một số
bạn. Chúng tôi đến thăm nơi buôn bán của Phương, nhà sách Phương mới trên đường Hoàng Diệu, đây
có lẽ là một cửa hàng sách buôn bán sĩ và lẽ lớn nhất Đà nẵng. Nhà của Ba là doanh nghiệp tư nhân Hòa
Hảo ở đường Điện Biên Phủ, nhà có 2 mặt tiền, một mặt là buôn bán vỏ xe hơi, mặt kia để sinh họat. Cửa
hàng sách báo văn phòng phẩm Minh Quang ở đường Điện Biên Phủ của QA. Chúng tôi đến thăm Kim
Hằng, bạn là người kém may mắn trong các bạn mình vì hiện giờ bạn bị di chứng của bệnh tai biến làm
bạn nói khó nghe và di chuyển cũng yếu.
Chúng tôi rất hạnh phúc khi được vợ chồng Hằng chở đi Hội An tham quan rồi chiêu đãi món cao
lầu. Được đi ăn sáng cùng vợ chồng Thu Sương với món bún bò Huế. Không được đến thăm nhà các
bạn khác nhưng chúng tôi cũng có một buổi uống cà phê với Bạch Nhạn, Lệ Hồng, Hoa rất vui vẽ. Thế là
lại có những tấm hình tại tại quán cà phê hôm ấy để kỷ niệm.
Chúng tôi còn có lịch trình đi thăm thầy Thụy và thầy Nguyên, nhưng thầy Thụy không có ở nhà
nên chỉ ghé thăm được thầy Nguyên và thắp nhang cho cô Khuê. Thầy rất vui và kể nhiều điều về cô, sau
đó thầy tặng cho mỗi đứa một tấm hình của cô trong những ngày gần nhất.
Ngày cuối cùng trước khi rời ĐN, chúng tôi đi bộ dạo quanh TP, đi ngang qua trường Nữ Trung
Học Hồng Đức địa điểm nằm trên đường Thống Nhất, cạnh trường trung học Phan Châu Trinh và Nam
tiểu học ngày ấy. Trường mang tên Nữ Trung Học Hồng Đức từ niên khóa 73-74. Đây là trường nữ của
chúng tôi học trước năm 1975. Sau năm 1975 trường đã đi vào quá khứ từ cái tên cho đến ngôi trường
không còn nữa, trường đã trở thành The University of Danang Địa chỉ: 41 Lê Duẩn. Đứng đục mưa trước
cổng trường mà tôi không nhận ra, chỉ biết khi được KL giới thiệu. Tôi dáo dát tìm hai hàng cây bạch đàn
xanh mướt trong sân trường ngày xưa không còn nữa. Lòng tôi bùi ngùi khôn tả khi nhớ đến những kỷ
niệm của bạn bè dưới mái trường thân thương này.
Chia tay với bạn bè trong nỗi quyến luyến vô vàn. TH gửi tôi và TT đặc sản ĐN là mỗi người 2
chục tré, bảo của các bạn chín bốn thân tăng. Quang Ấn thì tặng chúng tôi mỗi người một hộp ly mang
về kỷ niệm có dòng chữ Minh Quang kinh doanh sách báo văn phòng phẩm … Ô có cả địa chỉ và số
điện thọai đầy đủ nữa các bạn ơi. Thế là mỗi khi uống nước tôi lại đọc tên cửa hàng sách báo văn phòng
phẩm của Quang Ấn.
Đến nhà PT Ba chia tay chúng tôi được tham quan nơi buôn bán và nơi ở của Ba, được ăn bánh
xèo và bánh tráng gói thịt luộc trước khi lên đường vào lại Sài Gòn. Ôi đây là một giang sơn rộng lớn của
gia đình Ba, vừa làm nơi kinh doanh và nơi ở. Chúng tôi lại lấy máy ra chụp hình để làm kỷ niệm nữa đây.
Hình này sao không có tôi nhỉ? Có lẽ tôi đang chụp hình cho các bạn đó. Sau đó tôi và TT còn được 2
phần quà nữa các bạn ạ. Cũng là đặc sản ĐN nhưng là Chả bò và Nem, các bạn thấy chúng tôi sung
sướng chưa. Sẽ về nữa đấy tôi tự hứa như vậy, nhưng về hòai có quà nữa không nhỉ? Tôi thầm hỏi như
thế :)
23 giờ 20 chuyến bay 339 ngày 8/3 của Vietnam airlines đưa tôi và TT trở về Sài Gòn trong thâm
tâm còn hối tiếc, để lại KL tiếp tục cuộc hành trình về quê thăm bà con.
Ba mươi sau năm xa cách, chỉ có 3 ngày trở lại, thời gian ngắn quá không đủ cho tôi đi tìm những
dấu vết xưa, không thể đến thăm nhà từng bạn. Còn rất nhiều bạn có mặt hôm ấy, nào là Mộng Linh, Lân,
Thu Cúc, Kim Liên, Bạch Nhạn, Hoa, Thu Sương, Điệp … Mong sao tôi có thời gian, khả năng quay trở
lại thăm các bạn mình trong tình thân ái.
Hôm nay tôi cố nhớ lại, ghi đầy đủ, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa nói hết trong chuyến đi này do
tuổi đời đã ngoài 50, khi quên khi nhớ, các bạn thông cảm nhé.
Mỗi chúng tôi mỗi người mỗi cảnh, tuy ở cùng TP ĐN nhưng chưa chắc nhận ra nhau vì thời gian
xa quá làm cho mỗi người đều thay đổi vóc dáng, họăc có khi mặc cảm với bạn bè vì cuộc sống quá khó
khăn. Riêng tôi lại lưu lạc về đồng bằng sông Cửu Long quá xa có bạn nào biết đến xứ sở đó. Chẳng ai
nhận ra nhau nếu không có hình ảnh, địa chỉ của các bạn trên trang web hongduc-chin4 này. Vì vậy tôi
viết bài này để thân tặng cho người chủ trang web hongduc-chin4.com như một lời cám ơn chân thành
của tôi. Nhờ có trang web mà chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh nhưng có thể xích lại gần nhau hơn để
chia sẻ niềm vui nỗi buồn, trải lòng với bạn trong những lúc cảm thấy hụt hẫng trong tâm hồn. Và tôi rất
cám ơn các bạn AT, KL, các bạn khác nữa, đã chung tay góp sức trong chuyến trở về thăm lại Đà Nẵng
của tôi.
Cuộc hành trình tiếp tục về Biên Hòa nơi ở của bác sĩ Ngân và nha sĩ Thu Hương và sau đó về quê
hương xứ dừa của tôi. Xin nhường lại cho Thu Nguyệt tường thuật nhé hiii, bạn đã hoàn thành trước tôi
rồi.
Châu Mỹ Lợi
NK 74 - 75