Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
LAN HUỆ SẦU AI…

Chị Huệ ngồi thừ ra, tần ngần mãi trước chiếc điện thoại cầm tay. Gọi hay không gọi đây? Một cảm
giác khó tả ngấm ngầm âm ỉ trong chị suốt từ hôm qua đến nay, khi tình cờ biết được số điên thoại
của ông ấy. Trong đám cưới con của người thân có bạn bè gần xa về tham dự, Huệ đã gặp lại người
bạn gái một thời khổ cực ngày xưa ở miền quê Bình Thuận. Qua hàn huyên tâm sự chuyện cũ, bạn
đã vô tình nhắc đến tên ông ta. Huệ như muốn nghẹt thở và hỏi đi hỏi lại kỹ càng. Thì ra ông ta vẫn
còn sống nghĩa là tin tức về đứa cháu ruột của Huệ sẽ được ông ấy xác nhận, đó là lý do chị Huệ có
ý muốn tìm gặp ông ta qua điện thoại dù lòng chẳng mấy thiết tha gì. Người đàn ông có vẻ ngoài
đáng kính bằng tuổi cha chú của hai chị em Huệ, vậy mà…Trời ơi, mãi đã hơn ba mươi mấy năm rồi
nhưng sự việc ấy, câu chuyện khó tin và đáng sợ ấy vẫn theo đuổi chị vào những giấc mơ không thể
xóa nhòa cho dù người chị đầy tội nghiệp đáng thương và ngây thơ của chị - chị Lan - đã vĩnh viễn
ra đi từ dạo đó. Gọi hay không gọi đây, không hiểu khi nghe được giọng nói của ông ấy, chị có thét
lên để nguyền rủa hay sẽ lặng người đi trong giận dữ vì chuyện ngày xưa…
Những dĩ vãng buồn bỗng như những thước phim trắng đen mờ ảo quay về trong tâm trí chị.

Ngày ấy có một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con thơ sống ở thị xã Quảng Trị đầy khói
lửa thời chiến tranh. Người chồng là lính với những chuyến đi công tác xa nhà thiếu vắng bàn tay
chăm sóc của người phụ nữ nên dần dần sinh ra xao lãng trách nhiệm với gia đình. Những đồng
lương gởi về nuôi vợ con mòn mỏi dần đi vì phải sẻ chia cho một người đàn bà khác. Ông ta đã vô
tình quay lưng nghe theo tiếng gọi mù quáng của con tim, để lại nỗi đau khổ cả về vật chất lẫn tinh
thần cho người vợ gầy gò tội nghiệp. Mẹ của Huệ đó, âm thầm tần tảo thức khuya dậy sớm, buôn
thúng bán bưng nuôi đàn con khờ dại khi ba Huệ đành đoạn phụ tình chối bỏ trách nhiệm làm
chồng, làm cha để sinh sống cùng người đàn bà thứ hai ở ngay thành phố Huế. Hai đứa con lớn là
chị Lan và Huệ cũng phải từ giã trường lớp sớm để lao vào cuộc mưu sinh quá sức của mình. Với 
chiếc thúng nhỏ đội trên đầu khi là những chiếc bánh chưng, bánh ú còn nóng hổi, khi lại là mấy
mươi cái trứng vịt lộn, hai chị em rảo bước khắp hang cùng ngõ hẻm và khan cả cổ để rao bán giữa
đêm hôm khuya khoắc, trong lúc những đứa trẻ cùng lứa tuổi đang sung sướng giữa vòng tay cha
mẹ, nệm ấm chăn êm. Và cứ nửa khuya về sáng chợt thức giấc ngồi ngắm nhìn đàn con dại ngủ say
trong giấc mộng trẻ thơ, lòng người mẹ trẻ bất hạnh ấy lại dấy lên nỗi đau quặn thắt và se sẽ ru câu
hò đắng ngắt:

"Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ..,"

Lời ru sao mà thống thiết và dằn xé lòng người đồng cảnh ngộ này đến vậy…

Huệ còn nhớ, Quảng Trị năm 1972 mà nhiều cái tên được nhắc nhớ không quên, Mùa hè đỏ lửa với
Đại lộ kinh hoàng … Biết bao gia đình đã ly tán, bỏ nhà cửa ruộng vườn để chạy giặc. Cả mấy mẹ
con Huệ cũng nằm trong số đó, dắt díu nhau chạy vào Đà Nẵng sống trong trại tạm cư là những
ngôi trường học đóng cửa lấy chỗ trú ngụ cho đoàn người mất nhà cửa quê hương. Sau đó một số
người được chính quyền đưa vào lập nghiệp ở vùng đất hoang hóa của tỉnh Bình Thuận, mẹ con
Huệ chẳng còn gì để quyến luyến nơi này nên xin được đi theo. Bước đầu nhà nước cung cấp lương
thực, tiền bạc, lo cho chỗ ăn, chỗ ở và chia đất đai ruộng vườn đầy đủ cho mọi người. Lúc này Huệ
đã hơn mười ba tuổi, chị Lan bước vào tuổi mười lăm, hai đứa em trai còn đang trên ghế nhà trường.
Thôi thì tạm ổn cho cuộc sống mấy mẹ con, mẹ Huệ chép miệng, coi như chồng đã chết, coi như
gãy gánh giữa đường, chỉ tội lũ con, có cha mà cũng như không…Nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ cô bé
Huệ nhỏ dại ngày đó vẫn biết mẹ đang rất buồn và đau khổ. Qua những đêm tỉnh giấc nồng, lúc nào
cô cũng thấy chiếc bóng cô đơn vò võ của mẹ hiu quạnh đến thắt lòng. Cứ thế, mẹ con no đói khổ
cực cùng nhau cho đến ngày biến động năm bảy lăm của đất nước.
Sau ngày ấy, tình hình kinh tế cả nước càng lúc càng khó khăn. Người cha vô tình vẫn bặt vô âm tín,
muốn về lại nơi chôn nhau cắt rốn xưa cũng không có lộ phí đi đường nên cả mấy mẹ con Huệ coi
như đoạn tuyệt hẳn với quá khứ để nhận nơi này làm quê hương thứ hai. Hai cô con gái lớn là Lan và
Huệ cũng đã thành thiếu nữ, dù hoàn cảnh cơ hàn vẫn không che giấu được nét rạng rỡ xinh tươi,
duyên dáng. Huệ học thêm nghề chằm nón lá, chị Lan được người quen giới thiệu cho ra thị trấn làm
việc trong một quán café. Hai vợ chồng chủ quán cũng cỡ tuổi bằng ba mẹ Lan và Huệ. Họ giàu có
nhưng hiếm muộn đường con cái, chỉ có một đứa con gái nuôi vừa mới lên mười. Chị Lan gọi bằng
chú thím xưng con rất lễ độ và hai ông bà cũng coi Lan như con cháu, đối xử tử tế, lương tiền hậu
hĩnh. Chị Lan bấy giờ được ăn trắng mặc trơn nên ngày càng xinh đẹp dễ thương với làn da trắng
mịn, đôi mắt đen huyền say đắm lòng người. Thỉnh thoảng chị Lan mang về tiền lương tháng và quà
cáp của ông bà chủ biếu tặng khiến cả nhà cảm thấy hạnh phúc vui vẻ hơn. Người mẹ như an ủi
được phần nào, cứ nghĩ con gái mình có phước được mọi người yêu mến. Trong tâm tư bà nghĩ xa
hơn, sẽ có ngày Lan lấy được tấm chồng có của ăn của để ngoài thị trấn rời xa nơi ruộng vườn chân
lấm tay bùn…

Nhưng ông trời dường như chưa hết đọa đày số phận gia đình cút côi nhỏ bé này.
Một buổi chiều hoàng hôn ảm đạm, bầu trời vần vũ báo hiệu những cơn mưa dữ dội, chị Lan bỗng
đạp xe đạp về nhà với gương mặt ủ dột nặng nề. Cả nhà đang ăn cơm tối dưới ánh đèn dầu tù mù,
mặc cho mẹ và các em nói đi nói lại nhiều lần gọi chị cùng ngồi xuống ăn uống cùng gia đình nhưng
chị chỉ lắc đầu và nằm vật xuống cái chõng tre. Cơm nước dọn dẹp xong xuôi, người mẹ bắc chiếc
ghế đẩu ngồi bên con nhẹ nhàng hỏi chuyện. Huệ ngồi dưới nền nhà chăm chú chằm nón nhưng tai
vẫn lắng nghe. Chị Lan nằm quay mặt vào trong hình như đang nén tiếng khóc nức nở, bờ vai cứ
rung lên từng chặp, từng hồi thật tội.

- Răng rứa con, có chuyện chi mà khóc dữ rứa? Có ai ăn hiếp con hay ông bà chủ ngoài nớ la rầy.
Hay là ngày mai để mạ ra nói chuyện với họ, con gái mạ hiền hậu như ri mà…

Chị Lan chỉ lắc đầu:

- Không có chi mô mạ ơi, con chỉ mệt một chút thôi. Mạ đừng đi chi mất công.

Dỗ dành đủ cách nhưng Lan cũng một mực im lặng, người mẹ đành để yên cho con nghỉ ngơi và
tiếp tục công việc chằm nón cùng Huệ. Hai đứa em trai đã vào tuổi thiếu niên biết phụ mẹ công việc
đồng áng nên gia đình cũng đỡ bớt khó khăn. Trong lòng người mẹ  linh cảm mơ hồ con gái mình
đang gặp chuyện gì khó nói lắm nhưng rồi lại suy nghĩ trấn an rằng có lẽ chỉ là những chuyện tình
yêu trai gái, giận hờn nhau của lứa tuổi cập kê.

Chị Lan ở lại nhà một ngày vẫn cứ với tâm trạng buồn bã ủ rủ. Huệ cũng có vài lần hỏi chuyện
nhưng chị chỉ ừ hử lấy lệ không mặn mà đáp trả nên Huệ nản bỏ qua luôn. Hôm sau Lan từ giã mẹ
và các em, lóc cóc đạp xe đạp lên thị trấn, ánh mắt buồn thăm thẳm. Cả nhà chỉ biết nhìn theo ái
ngại. Người mẹ thấy bồn chồn không yên, lại tự trách mình sao lại đặt cho con gái toàn là tên những
loài hoa như vậy. Trong sâu thẳm tâm hồn bà vẫn mơ hồ câu thơ định mệnh:

"Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo…"

Phải chi tụi nó có người cha đàng hoàng có trách nhiệm như người ta thì đâu đến nỗi khổ dữ vậy…

Chị Lan dạo này ít về nhà hơn trước, dù mỗi lần về vẫn quà cáp tiền bạc đầy đủ, có phần còn dồi
dào  hơn một chút, nhưng gương mặt chan chứa u buồn và hiếm khi nụ cười rạng rỡ trên môi. Nhìn
chị ốm và xanh xao hẳn, chị chỉ về ở chơi chừng vài tiếng đồng hồ rồi lấy cớ: ‘’quán đông khách
chú thím trên không cho nghỉ lâu’’ và lại đạp xe đi ngay. Mẹ nhìn theo thở dài, mấy đứa em thương
chị lắm nhưng chẳng biết sao hơn, những đồng tiền của chị đem về rất quý giá cho cái gia đình thiếu
thốn này, làm sao được, chị phải đi  thôi…
Chuyện gì đến thì phải đến, không sao giấu được mãi. Sau cái ngày chị về nhà và khóc thầm lặng lẽ
ấy chừng hơn ba tháng thì cũng vào một buổi chiều hiu quạnh lại thấy chị đạp xe về với cái túi xách
nặng đằng sau yên xe dừng trước hiên. Cả nhà chạy ra dò hỏi, chị không nói không rằng chỉ cúi gầm
mặt tháo chiếc túi ra bước vào nhà. Chị buông một câu:

- Mạ ơi, chắc con không làm ở trên đó nữa đâu. Đừng buồn con nghe mạ!

- Lại có chuyện chi hả con, thôi nếu con không thích làm việc ở đó nữa thì nghỉ đi. Ở nhà bữa ni
cũng tạm ổn rồi, mùa màng cũng tới nơi rồi, có chi phụ mấy em gặt hái cũng được.

Tội nghiệp mẹ, bà loay hoay dọn dẹp chỗ ngủ cho con gái trong khi chị cứ ngồi buồn, ánh mắt lơ
đãng như thả hồn đi những đâu đâu đầy phiền muộn.

Buổi sáng cả nhà đã thức dậy cơm nước xong, hai đứa em trai đi làm đồng, Huệ và mẹ lại bận rộn
với công việc chằm nón, tuy thu nhập không được bao nhiêu nhưng cũng có đồng ra đồng vào lo
chợ búa, thức ăn. Riêng Lan có vẻ mệt mỏi, chị không ngồi vào mâm cơm mẹ để phần trong chiếc
lồng bàn, uể oải bước ra sau vườn. Mẹ ái ngại rảo bước theo sau quan sát. Sao dạo này con bé có
phần đẫy đà hơn trước, hai mông như nở to ra, cái cần cổ như dài hơn, bước đi có vẻ nặng nề. Coi
kìa, mới sáng ra mà đã tới đứng dưới cây xoài xanh đưa tay bứt một trái. Người mẹ sinh nghi, với
kinh nghiệm của bốn lần mang thai sinh nở, bà giật mình tái mặt. Hay là nó đã…Không, không thể,
nó là đứa hay e thẹn, nhút nhát và hiền ngoan, có lý nào…
Bà không dám nghĩ nữa, quay lưng bước vào nhà. Chị Lan vô tình xuống bếp lấy dao cắt từng
miếng xoài chua lè ấy ăn một cách ngon lành. Cơ hội đã tới, người mẹ lấy hết bình tĩnh và can đảm
se sẽ tới ngồi bên con hỏi nhỏ:

- Lan con, kể cho mạ nghe đi , có phải con lỡ dại với ai rồi phải không?

Chị Lan giật mình đánh rơi miếng xoài xuống đât, cúi đầu lí nhí:

- Mô có mạ ơi!

- Mạ ngó con là biết liền, không qua mắt mạ được mô. Nói đi con cho mạ đỡ lo. Có chi để mạ ra
nhà người ta lạy lục năn nỉ kẻo khổ cả đời con ơi!

Không giữ được bình tĩnh nữa, bà khóc lên hưng hức khiến Huệ đang ngồi ở nhà trên cũng vội vàng
chạy xuống và nghe lời than thở bi ai của mẹ:

- Trời ơi là trời, răng tui khổ dữ ri nì…Ông ơi là ông, ông ở mô răng không về mà coi con cái lỡ dại
đây nì…

Lan cũng không kìm được nỗi lòng, chị khóc như mưa như gió:

- Mạ ơi, cứ la cứ chửi con đi. Con cũng muốn chết cho xong cho rồi. Ôi trời ơi, ai hiểu được cho
tôi…

Sau hồi xúc động khóc lóc thở than, hai mẹ con đã bình tĩnh trở lại. Lan lau khô nước mắt chậm rãi
kể lại câu chuyện kinh hoàng của đời cô.
Buổi sáng hôm ấy, bà Hồng, vợ ông chủ đi lấy hàng trên tỉnh cùng đứa con nuôi là bé Hà định là
chiều sẽ về tới như mọi chuyến khác. Nhưng rồi xe cộ trục trặc sao đó ở nhà chờ mãi mà chẳng thấy
bà về. Lại thêm cô bạn làm cùng xin nghỉ vì mẹ đau nặng, trong quán chỉ còn hai chú cháu. Ông
chú buổi tối uống rượu với bạn bè ngà ngà say, thấy Lan ở nhà một mình bèn kêu lại nói chuyện hỏi
thăm ra chiều thương yêu lắm. Ánh mắt của người đàn ông mới qua tuổi bốn mươi sung mãn sáng
rực lên một cách lạ kỳ nỗi dục vọng đê hèn. Ông đưa tận tay Lan ly nước ngọt pha sẵn bảo uống
cho khỏe rồi đi ngủ sớm. Lan nào có nghĩ chi, thấy ông ấy quan tâm đến mình như con cháu thì vui
vẻ nâng ly uống cạn. Một hồi sau chị nhíu mắt lại, cơn buồn ngủ kinh khủng ập đến không cưỡng
được, Lan về phòng và nằm lăn ra ngủ như chết. Nửa khuya thức giấc đầu đau như búa bổ nhưng
Lan bỗng giật mình vùng dậy vì trên người không một mảnh vải che thân, cạnh bên là ông chủ đang
ngáy như kéo gỗ. Chị hoảng hốt mặc vội áo quần rồi la lên và đấm thùm thụp vào người ông ấy:

- Trời ơi, sao chú ác quá vậy, chú làm chi tui rồi, tui chỉ đáng tuổi con chú thôi mà…

Ông ta choàng tỉnh hẳn, ngồi lên quấn chặt chiếc mền và hết lời năn nỉ Lan:

- Cháu ơi, tha lỗi cho chú. Tại hồi hôm chú say rượu quá đó thôi. Ngàn lần xin lỗi cháu, chuyện này
chỉ chú biết, cháu biết thôi, đừng nói cho ai nghe kẻo mang tiếng cháu ơi!

Còn nỗi đau nào hơn, cô gái mới tròn hai mươi tuổi, cái tuổi phơi phới xuân xanh hứa hẹn một cuộc
đời tươi đẹp ai ngờ bị dập vùi trong tay một tên háo sắc đồi bại đáng bậc cha chú của mình. Lan chỉ
muốn chết đi, chết đi cho quên hết nỗi nhục nhằn khó gột rửa này nhưng nghĩ tới người mẹ lam lũ
bất hạnh, những đứa em cực khổ trăm bề chị không đủ can đảm để quyên sinh.
Hôm sau bà chủ về chị nhiều lần định bụng muốn kể lại câu chuyện đốn mạt của ông ta cho bà rõ
nhưng rồi lại sợ, sợ đủ thứ. Sợ bà chủ nói ngang nói ngược là do cô, sợ tai tiếng lan truyền, sợ mẹ
và em mình sẽ không chịu nỗi sự thực này. Rồi chị câm lặng và xin về thăm nhà trong bộ dạng đau
khổ đến ngẩn ngơ trong buổi chiều u ám ấy. Chị định về rồi ở nhà hẳn luôn không muốn lên lại quán
café nhơ nhuốc đó, nhưng nghĩ tới lời tra hỏi lý do của mẹ và mấy đứa em, nghĩ tới nỗi vất vả khi
gia đình thêm một miệng ăn… Lan lại đổi ý. Dù sao như ông ta nói, chỉ có hai người biết chuyện
này, Lan và ông ấy. Thôi thì nhắm mắt coi như một tai nạn xảy ra, ráng làm một thời gian kiếm thêm
ít tiền bạc rồi sẽ vĩnh viễn từ giã nơi này, về với mẹ với em.

Lan lên lại thị trấn và vẫn làm việc như cũ nhưng cố không chạm mặt ông ấy. Ông ta cũng vậy, mỗi
khi thấy Lan là cúi gằm mặt né tránh ra điều xấu hổ, ăn năn. Cứ ngỡ giả bộ như không có gì thì câu
chuyện cũng sẽ qua, nào ngờ đâu…Một mầm sống đã bắt đầu hình thành trong bụng Lan. Chị xanh
rớt, mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn và sợ nghe mùi cơm sôi, mùi cá kho, mùi hành tỏi phi…không thể
tả. Người bạn cùng làm việc thỉnh thoảng lại nhắc nhở Lan:

- Em coi đi khám bệnh đi, nhìn như thiếu máu hay giun sán chi mà người hư dễ sợ.

Lan ngoan ngoãn dạ, chị vẫn vô tình không biết chuyện gì đang xảy ra với mình, cô gái xa nhà mới
lớn chưa có chút kinh nghiệm nào để biết mình đang sắp sửa làm mẹ một cách đầy xót xa, oan trái.

Nhưng rồi cơ thể mỗi ngày mỗi khác, gương mặt xanh xao của Lan đã khiến nhiều lời dị nghị, xầm xì
sau lưng mỗi khi chị đi ngang qua:

- Coi con Lan kìa, hình như nó đang có bầu thì phải. Mà lạ ghê, có khi nào thấy nó bồ bịch hay đi
chơi đêm với ai đâu…

Lời to nhỏ xa gần đó rốt cuộc rồi cũng tới tai bà Hồng. Một buổi trưa sau khi ăn cơm bà cho gọi
Lan tới hỏi nhỏ:

- Thím thấy con khác lắm, con nói thiệt đi, có phải con lỡ dại với đứa nào rồi có thai không?

Lan nghe như tiếng sét ngang tai. Thôi đúng rồi, đây là triệu chứng ốm nghén mà thỉnh thoảng trong
những câu chuyện kể bạn gái với nhau tình cờ chị nghe được. Hơn nữa, đã mấy tháng nay Lan
không thấy hành kinh hàng tháng. Chị sợ đến muốn ngất đi, cố gắng giữ bình tĩnh Lan ấp úng trả lời:

- Dạ, con không biết thím ơi! Con không làm chi sai hết, thím tin con đi…

- Tình hình như vậy chắc là thím phải cho con nghỉ làm thôi. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến quán
thím không hay đâu con à!

Trời ơi, Lan có miệng mà không sao thốt được nên lời. Nếu nói được Lan sẽ gào lên rằng, thím ơi,
đây là lỗi của ông chồng đáng kính của thím đó, thím về mà đay nghiến hành hạ ông ta đi. Nhưng
Lan chỉ biết khóc nức nở trong ánh mắt ái ngại của bà chủ quán. Có lẽ bà đang thầm nghĩ con bé
này nhìn ngoan hiền mà sao lại hư đốn đến vậy?

Trong cơn đau khổ tuyệt vọng Lan chỉ còn nghĩ tới mẹ mình thôi. Mạ ơi, có lẽ chỉ có mạ và duy
nhất mình mạ là người yêu quý và bao dung sẽ tha thứ, cưu mang cho đứa con gái bé bỏng đang
đau khổ tột cùng này thôi. Con sẽ về với mạ ngay mạ ơi!
Rồi Lan thu xếp đồ đạc và leo lên chiếc xe đạp âm thầm trở về nhà với cõi lòng tan nát sau khi nhận
số tiền lương ít ỏi từ bà chủ. Hình như ông chủ đang thập thò sau cửa nhìn theo với bộ dạng lúng
túng và tâm trạng sợ sệt đầy hèn hạ. Ông không có gan để đứng ra nhận đó là giọt máu của mình và
nhận hết tội lỗi xấu xa đã gây nên nghiệp chướng cho cô gái nhỏ chỉ bằng tuổi con mình…


(còn tiếp)

                                                                  



Chin Bon
Chin Bon