LAN HUỆ SẦU AI (tiếp)
Lan đã dứt câu chuyện rồi mà người mẹ vẫn chưa hết bàng hoàng. Đến thế ni ư? Người hay là thú
vật mà dám làm chuyện đồi bại đó? Người đàn bà quê mùa hiền hậu bỗng dưng có sức mạnh phi
thường. Bà vào nhà thay chiếc áo tươm tất nhất, đội lên đầu chiếc nón mới rồi bảo chị Lan:
- Mạ sẽ đưa con ra ngoài đó để làm rõ chuyện. Mạ sẽ kiện cho ông ấy đi tù, mạ sẽ, mạ sẽ …
Bà nói liên tục, nói cho hả cơn giận dữ rồi kéo chị Lan bước ra đường lớn gọi xe ôm. Tội nghiệp nó,
bây giờ mà bắt nó chở đi bằng xe đạp thì sức đâu, dù sao nó cũng đang bụng mang dạ chữa mà …
Hai mẹ con đến nơi thì cũng khá trưa, quán đã vãn khách. Vợ chồng chủ quán đang ăn cơm, thấy
mẹ con Lan bước vào mắt ông chủ như tối sầm lại. Bà Hồng ngạc nhiên:
- Ủa, Lan đó hả, có chuyện chi không con? Hôm qua thím đã thanh toán tiền bạc và nói rõ lý do
cho con nghỉ rồi mà …
Người mẹ gào lên giận dữ:
- Thím thím chú chú cái chi ... Bà ơi, bà coi ông chồng bà vô hậu chưa kìa, bà hỏi ông ta đã làm chi
con gái tui, nó có giỏi thì bằng tuổi con gái ông bà thôi. Ừ, thì nó đang có mang đó, hỏi ông ta ai là
cha đứa nhỏ trong bụng con tui đi, hỏi thử đi bà ơi? Tui thề sẽ đi kiện cho ông ở tù rục xương …
Mẹ Lan la khóc ầm ỉ khiến người đi đường hiếu kỳ kéo vào lố nhố trước quán. Bà Hồng cho người
làm ra tạm đóng quán rồi đấu dịu kéo ghế mời hai mẹ con ngồi. Đoạn bà quay sang ông lúc đó mặt
tái xanh như tàu lá, ngồi cúi gằm không nói được một lời:
- Còn ông, ông có nhận không hay là con Lan vu oan giá họa cho ông?
Hình như một chút lương tâm còn sót lại trong con người ông đã kịp dấy lên. Ông chỉ se sẽ gật đầu
thú nhận.
Bà Hồng ôm lấy ngực như không thở nổi, bà cười gằn:
- Thôi được rồi, bây giờ thì cháu Lan kể hết mọi chuyện cho thím nghe đi, thím hứa sẽ cư xử công
bằng cho con…
Lan bây giờ như được mẹ tiếp thêm sức mạnh, chị kể lại đầu đuôi câu chuyện cái đêm bà chủ vắng
nhà rồi bị ông chủ dụ dỗ cho uống ly nước có thuốc ngủ và thực hành chuyện dâm ô đó…rõ ràng
rành mạch. Bà Hồng ngồi lặng ra gương mặt hầm hầm tức giận chỉ biết nhìn lão chồng khốn kiếp với
ánh nhìn khinh bỉ. Sau một hồi căng thẳng bà thẽ thọt nói với mẹ con Lan:
- Thôi tôi xin chị. Dù sao thì chuyện cũng đã xảy ra rồi, có làm hung làm dữ cũng thiệt thòi cho cả
hai bên. Chi bằng chị cứ đưa cháu về dưới an dưỡng chờ ngày sinh nở, tụi tôi chịu trách nhiệm chu
cấp đầy đủ cho tới ngày mẹ tròn con vuông. Sau đó tụi tôi xin nhận cháu bé về nuôi dưỡng tử tế để
cháu Lan rảnh tay làm lại cuộc đời. Chị nghe có được không?
Tội nghiệp người mẹ gầy gò yếu đuối sau một hồi than khóc đã hết hơi hết sức. Phải chi bên cạnh
bà có một người đàn ông vững chãi đầy lý lẽ làm chỗ dựa thì còn hy vọng để chiếm được thế
thượng phong. Thôi thì đành chịu nghe lời bà chủ, làm sao cho êm đẹp, cho con gái mình mạnh
khỏe đang chờ ngày sinh nở chớ biết sao hơn. Thân yếu thế cô, muốn kiện tụng cũng đâu phải
chuyện dễ, biết đâu ‘’chờ vạ, má sưng’’ như câu tục ngữ ngày xưa đến nay còn truyền lại. Dù sao
bà cũng đã lên tận nơi làm hung làm dữ một lần cho thiên hạ biết được cái xấu xa, đốn mạt tận cùng
của lão chủ đó là cũng tạm nguôi ngoai.
Hai mẹ con lại lếch thếch bắt xe ôm trở về trong nỗi ngậm ngùi buồn khổ. Như lời hứa, ngay hôm
sau bà Hồng về đem theo một số tiền lớn cho mẹ Lan sửa sang nhà cửa và để dành cho Lan dưỡng
thai chờ ngày khai hoa nở nhụy. Bà cũng tâm sự rằng, tuy hai vợ chồng ăn ở với nhau đã lâu dài
nhưng hiếm muộn con cái. Nay sự việc không hay xảy ra thì bà mới biết lỗi là do mình. Thôi thì luôn
dịp, Lan sinh cho chồng bà một đứa con, hai ông bà đội ơn khôn xiết…
Rồi khoảng nửa tháng sau nghe người trên thị trấn về kể lại, ông chủ quán qua sự việc đó hình như
không chịu nỗi sự đay nghiến của vợ, không chịu nỗi búa rìu dư luận cười chê nên đã bỏ nhà đi biệt.
Bà Hồng đang cơn giận dữ cũng bỏ mặc chẳng muốn tìm chồng.
Thỉnh thoảng bà ta đích thân về nhà mẹ con Lan thăm hỏi, khi nào cũng quà cáp bánh trái, tiền bạc
dồi dào. Mẹ Lan luôn miệng khuyên nhủ con gái:
- Trả con lại cho họ đi, mạ không muốn sau ni con như mạ, phải nuôi con không cha, đời con còn
dài lắm con à!
Lan cũng chuẩn bị tinh thần là sau khi sinh nở sẽ giao đứa bé cho bà ấy để làm lại cuộc đời. Thôi thế
cũng là cách hay nhất đối với cái gia đình đã lắm điều bất hạnh này rồi. Người ta đã có câu ‘’cười
ba tháng chớ ai cười ba năm’’. Thiên hạ sau một thời gian điều tiếng dị nghị thì cũng lắng dần, có
người còn chép miệng thương hại, tội nghiệp cho mẹ con Lan và không tiếc lời thóa mạ người đàn
ông ác ôn đó. Phải chi Lan bằng vai phải lứa với lão ta cho cam…
Rồi cái ngày đứa bé chào đời cũng đến. Buổi chiều Lan chuyển bụng, mẹ đã dặn dò bà đỡ ở trong
làng đến giúp nên không đưa Lan đi bệnh viện xa. Mẹ Lan cũng chuẩn bị cho đứa trẻ vài cái áo sơ
sinh, độ hơn một chục cái tả lót, mấy cái khăn lông, toàn là những đồ đã cũ đi xin của người cùng
xóm. Bà chắc lưỡi, dù sao cũng chỉ là tạm bợ một hai ngày cho nó mặc, khi nào về với gia đình đó
họ sẽ sắm sửa đầy đủ sau. Lan nhìn mọi thứ với vẻ tủi thân đến xót xa mà không dám đòi hỏi gì
hơn.
Đứa bé như thấu hiểu hoàn cảnh đơn chiếc của mẹ mình nên ra đời một cách ngoan ngoãn và nhanh
chóng. Ôi, một đứa bé trai kháu khỉnh, bà ngoại nó thở hắt ra, mừng rỡ, vậy là mẹ tròn con vuông
rồi đó. Ngày mai phải cho thằng con trai lớn lên thị trấn báo tin cho bà Hồng để về đưa nó đi càng
sớm càng tốt, đỡ phải quyến luyến thâm tình sâu nặng cho con gái. Bà bỗng có cảm giác bất an và
nhẫn tâm làm sao ấy! Không hiểu mình làm vậy có quá ác không, có để lại hậu quả chi không?
Nhưng rồi bà tự an ủi, thôi cũng như đưa nó trả về chỗ có đời sống khá giả no đủ hơn là ở với mẹ
Lan. Nhưng điều quan trọng nhất là con gái của bà sẽ không vướng bận chi để làm lại cuộc đời. Nếu
cứ cưu mang đứa trẻ Lan rất khó kiếm được tấm chồng tử tế, gặp người tốt thì chớ, còn không họ
sẽ lôi dĩ vãng của chị ra mà chì chiết làm sao sống nỗi?
Lan ôm đứa bé đỏ hỏn vào lòng. Một tình cảm thiêng liêng trào dâng trong chị, bản năng muốn che
chở, bảo vệ đứa con nhỏ bé của người mẹ ùa đến. Nghĩ đến ngày mai phải rời xa con lòng chị đau
như cắt. Chị ứa nước mắt xót thương cho con, cho hoàn cảnh trớ trêu nghiệt ngã của mình. Kìa, nó
đang nhắm nghiền đôi mắt đi vào giấc ngủ thiên thần, làm sao biết được chỉ còn đêm nay nữa thôi,
ngày mai nó sẽ như núm ruột bị bứt ra khỏi lòng người mẹ tội nghiệp này. Mẹ Lan nằm bên hết lời
khuyên giả chị. Vẫn những lý lẽ thuộc nằm lòng mà Lan phải nghe theo vì không còn cách lựa chọn
nào hay hơn nữa. Thỉnh thoảng thằng bé khóc đòi ăn, bà lại lục đục ngồi dậy châm đèn pha một tí
sữa bò cho nó. Thằng bé đói bụng nút bình sữa ngon lành. Mẹ Lan cẩn thận đến độ không cho Lan
để bé bú sữa mẹ, sợ ngày mai cho con đi nguồn sữa thừa thãi được khơi dòng đó sẽ làm chị đau cả
về thể xác lẫn tinh thần. Hai mẹ con hai luồng suy nghĩ, trằn trọc cả đêm. Bà ngoại bất đắc dĩ của bé
thì mong cho mau sáng để giao đứa bé về cho cha nó, chấm dứt oan nghiệt cuộc đời. Còn mẹ Lan
của bé chỉ mong sao đêm dài vô tận để được ấp ủ đứa con thơ vô tội trong vòng tay bất lực này
mãi mãi…
Sáng thật sớm mẹ Lan đánh thức thằng con trai lớn, giục nó đạp xe lên báo tin cho bà Hồng. Và chỉ
mấy tiếng đồng hồ sau đó bà ta tất tả bắt xe ôm về đầy háo hức. Bà vào nhà chỉ kịp hỏi thăm qua
loa sức khỏe Lan, xong bà chìa tay ra ẳm đứa bé được quấn kỹ trong tấm chăn và vội vàng bước ra
khỏi cửa như sợ mẹ con Lan đổi ý. Lan vật vã khóc không thành tiếng, chỉ biết đưa đôi tay ra như
muốn níu giữ lại hình hài đứa con thơ. Chị nghẹn ngào thốt lên dặn dò được vài câu:
- Thím ơi, nhớ chăm sóc thương yêu nó nghe thím, và nhớ đặt tên cho nó là Long, là Long… Nhớ
nghe thím, con biết ơn thím nhiều lắm …
Cả nhà không kìm được cũng cùng nức nở khóc theo. Ôi còn cảnh tượng nào đau xót hơn đây…
Những ngày sau đó Lan nằm liệt giường bỏ cả ăn uống vì nhớ thương con. Mẹ chị hết nói ngon, nói
ngọt đến dọa nạt đủ điều nhưng hình như Lan đã mất cảm giác nên chẳng buồn ư hử lấy một lời. Chị
cứ nằm ôm chiếc gối vỗ về, dỗ dành ầu ơ như ru con ngủ khiến cả nhà lo lắng không yên. Người mẹ
bắt đầu hoảng hốt, làm sao bây giờ đây? Có lẽ mình đã hại con gái rồi…Ai ngờ nó tình cảm và nặng
lòng với đứa bé đến vậy, nếu hay nó như thế ni thì mặc kệ, cho nó khổ cực không chồng mà nuôi
con một mình cho biết. Lan ơi là Lan?
Bà vội bắt xe lên lại thị trấn, hy vọng nói khó, nói dễ với bà Hồng hầu đưa đứa nhỏ về cho mẹ nó
gặp lại một lần may ra có làm cho Lan nguôi ngoai mà vượt qua được cơn bệnh ngặt nghèo. Ai dè
vừa bước tới quán café, bà cảm thấy đất như sụp xuống dưới chân, quán đã tháo dỡ bảng hiệu và
đóng cửa im ỉm. Hỏi thăm người chung quanh thì mới hay bà Hồng đã sang nhà cửa, quán xá lại cho
người khác và ẳm theo thằng nhỏ đi vào tận miền Nam đoàn tụ cùng ông chồng cả nửa tháng nay
rồi. Thôi thế là hết…Lan ơi, mẹ vô tình giết con mất rồi, mẹ chỉ nghĩ đơn giản là làm điều tốt cho
con, ai ngờ…Biết ăn nói làm sao khi về nhà gặp con đây? Hết hy vọng rồi Lan ơi!
Bà thất thểu trở về nhà, lòng lại càng quặn thắt khi nhìn đứa con gái xanh xao, vàng vọt nằm bất
động trên giường. Nghe người ta bày phương thuốc gì khó khăn, đắt đỏ đến mấy bà cũng tìm mua
để cho Lan uống, nhưng vô phương cứu chữa. Chị bị cú "sốc" tâm lý sau sinh mạnh quá nên cơ thể
không hồi phục nỗi. Và điều đau đớn nhất đã xảy ra, sau một tháng lâm vào cơn bệnh trầm kha, Lan
xuôi tay nhắm mắt ra đi mãi mãi. Đất trời hôm đó nổi giông gió lạ thường xót thương cho thân phận
người con gái trẻ bạc phước vô phần. Người mẹ như muốn điên lên, bà đưa tay đấm ngực liên hồi,
khóc than kể lể, tại mạ, tại mạ ngu dại quá con ơi!
Chòm xóm, láng giềng đưa tiễn Lan đến nơi an nghỉ cuối cùng trong nỗi xót thương vô hạn. Người
mẹ như cái xác vô hồn, đi sau quan tài con mà miệng cứ lẩm nhẩm khôn thôi, dậy đi con, dậy đi, để
mạ đưa cháu về cho con, tội con của mạ quá đi …
(còn tiếp)