LAN HUỆ SẦU AI… (tiếp)
Sau đám tang con gái, người mẹ như gục ngã hẳn. Thảm thương thay cho cảnh tre khóc măng, lá
xanh rụng xuống lá vàng trên cây. Bà cứ nằm nhìn trân trân lên trần nhà, nỗi đau người chồng phụ
bạc tưởng đã nguôi ngoai theo năm tháng ai ngờ nỗi đau mất con này lại lớn lao đau xót hơn gấp
nhiều lần. Và lại là do lỗi của mình nữa chứ, bà cứ tự trách mình hồ đồ, nông nỗi. Ừ, thì cứ cho nó
sinh con ra và tự nuôi con đi thì đã sao, cũng như bà không chồng mà cũng gồng gánh vượt qua
được để đưa bốn đứa con trưởng thành khôn lớn. Như vậy mà còn thấy mặt nó trên đời, lại còn
thằng cháu ngoại nữa chớ, không biết nó sẽ theo họ phiêu bạt về đâu?
Huệ đau lòng nhìn mẹ, chị chỉ biết lựa lời khuyên giải:
- Thôi thì chuyện cũng đã rồi, có than van trách móc chi thì chị cũng đã mồ yên mã đẹp. Mạ hãy
sống vì tụi con, còn con và hai em nữa đây mạ nì …
Bà nhìn Huệ, hai hàng nước mắt ứa dài lặng lẽ và chợt tỉnh ra. Đúng rồi, còn đứa con gái thứ hai nữa
đây nè, Huệ, con của mạ, không biết rồi đời con sau này sẽ ra sao? Mạ nghe lời con, mạ sẽ sống để
lo cho con và hai em trai nữa chớ, Huệ của mạ sẽ không sầu ai như chị Lan của con đâu, mạ tin
mà…
Rồi bà trỗi dậy, búi vội lại búi tóc cứng quăn queo như rễ tre, biểu hiện của cái số cực khổ, đội lên
đầu chiếc nón cời và mạnh mẽ bước ra thăm đồng ruộng. Dù muốn dù không cũng phải lo cho mấy
đứa con còn lại, ba nó đã bỏ bê rồi chẳng lẽ mình là mẹ mà cũng buông xuôi…
Huệ trở lại công việc chằm nón của mình, hai đứa em trai đã lớn và hiểu biết dần. Trong đôi mắt
thằng anh bước vào tuổi mười lăm thỉnh thoảng lại lóe lên tia lửa căm hờn:
- Chị Huệ à, sau ni lớn lên em hứa sẽ tìm cho được ông đó để trả thù cho chị Lan.
Huệ giật mình:
- Thôi đi Tuấn ơi, oan nên giải không nên buộc, mình cứ lo sống cho tốt phần mình, trời có mắt em
à! Chị chỉ mong sau ni tìm được thằng cu Long, cho nó biết mẹ ruột nó là ai, để nó thắp cho mẹ nó
nén hương là mãn nguyện rồi.
Thằng Tuấn chỉ cười gằn rồi thuận chân đá cái lon nằm lăn lóc bên hè văng xa đầy bực bội:
- Còn ba mình nữa, ông ta không xứng đáng phải không chị? Em không hiểu tại răng mà nhà mình
toàn gặp những người đàn ông xấu xa quá chừng, em mà lớn thì em không làm những chuyện tồi tệ
như rứa đâu…
- Ừ, mình cứ ăn ở cho đàng hoàng đi, chắc trời phật không bỏ rơi mình đâu Tuấn ơi!
Huệ cũng đã hơn mười tám tuôi. Tuy không trắng trẻo xinh đẹp như chị Lan nhưng Huệ cũng duyên
dáng với gương mặt phúc hậu, làn da bánh mật và được cái là ăn nói khéo léo, ngọt ngào, lại rất giỏi
quán xuyến việc nhà. Cũng có vài đám trong làng rắp ranh, ngấp nghé nhưng Huệ thấy hoàn cảnh gia
đình mình quá nhiều chuyện không vui nên chị chưa nghĩ đến. Bây giờ có lẽ Huệ là chỗ dựa vững
chắc nhất cho mẹ và và hai thằng em trai đang bước vào tuổi niên thiếu với nhiều suy nghĩ bồng bột,
Huệ lo lắng vô cùng.
Người mẹ sau cơn hoảng loạn cũng dần lấy lại thăng bằng. Khổ một điều là bây giờ bà đâm ra hút
thuốc lá ngày càng nhiều hơn. Nhớ ngày trước lúc còn tuổi mười tám đôi mươi ở vùng quê nghèo
Quảng trị, đa số phụ nữ đều biết hút thuốc. Các cô gái cũng tập tành hút thử những lá thuốc trồng
trong vườn theo các bà các chị lúc nghỉ ngơi giữa đồng ruộng ngày mùa. Bà cũng vậy, thói quen
đó ăn sâu từ thuở còn con gái cho đến mãi sau này. Mỗi lúc rảnh rỗi là bà lại lôi trong túi áo ra
những lá thuốc tự trồng đã phơi khô rồi quấn một điếu rõ to ngồi châm lửa, bập bập trên môi, tự
thưởng cho mình phút giây thanh thản thả hồn theo khói thuốc. Mỗi lần thấy mẹ như vậy, mấy chị
em đều nhăn mặt và khó chịu bỏ đi vì mùi thuốc lá khét lẹt nồng sặc đó. Nhưng lỡ ghiền rồi làm sao
dứt được, bà tự an ủi, thì mình có niềm vui chi nữa đâu mà phải bỏ thuốc chứ, các con có trách mạ
cũng chịu thôi.
Đó là khi chị Lan chưa mất thì bà còn hút có chừng có mực, còn sau sự việc xảy ra bà ngày càng
phì phèo nhả khói nhiều hơn. Nhiều lúc nửa đêm thức giấc, Huệ thấy mẹ mình đang ngồi bó gối, trên
môi đỏ rực điếu thuốc to như con sâu kèn, bà cứ ngồi lặng lẽ một mình như vậy suy nghĩ mông lung
giữa trời khuya, sương xuống lạnh thấm ướt vai. Không nói ra nhưng Huệ biết bà đang buồn đến
bầm gan tím ruột. Đời người phụ nữ bị phụ tình phải nuôi con một mình thật là đắng cay, chua chát.
Rồi sự ra đi của đứa con gái mơn mởn xuân xanh có phần lỗi do bà nữa thì làm sao chịu nỗi. Có
câu nói, cuộc sống lấy đi của bạn cái này thì cho lại bạn cái khác. Vậy mà sao gia đình bà khổ hoài
không biết nữa, ông trời nở lấy đi tất cả có cho bà được gì đâu ngoài nỗi đau chồng chất. Cứ thế bà
thức thâu đêm và tìm quên trong khói thuốc. Huệ lặng lẽ trở dậy dìu bà đứng lên tới chỗ nằm nhỏ
nhẹ:
- Thôi mạ đi ngủ cho rồi, hút thuốc nhiều sinh bệnh khổ lắm đó!
Bà cũng biết ý nên vội vã dụi điếu thuốc đang hút dở và nghe lời con gái. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, nên
chỉ thỉnh thoảng Huệ thức giấc bắt gặp mẹ mình như vậy và nói lời khuyên nhủ, còn làm sao mà
ngăn cản được bà, một người đang sống trong buồn phiền, ân hận dày vò…
Cuộc sống tẻ nhạt cứ bình lặng trôi qua đã ba năm sau ngày chị Lan qua đời. Rồi một anh chàng
làng bên hiền lành, chí thú, gia đình cũng có ruộng vườn, nhà ngói cây mít nói lên sự sung túc ở
nông thôn ngấp nghé để ý Huệ. Mẹ chị tìm hiểu kỹ càng và đồng ý cho họ dạm ngỏ. Trong thâm
tâm bà cầu mong Huệ của bà sẽ có cuộc đời sung sướng, hạnh phúc bên chồng con đàng hoàng
chứ không bất hạnh như bà.
Hoa đến kỳ thì hoa kia phải nở
Đò đầy rồi đò phải sang sông
Tới duyên em, em phải lấy chồng …
Bà đọc câu ca dao và khuyên Huệ:
- Con gái có lứa có thì, nay mình đang còn xuân sắc mà bỏ qua nhiều đám quá, lỡ mai kia mất
duyên rồi thì biết đâu lại đâm đầu vô chỗ khổ. Mạ coi tướng hắn cũng được, hiền lành tử tế như rứa
là mạ yên tâm gởi gắm con cho hắn rồi. Mau lấy chồng cho mạ có cháu ngoại bồng chớ …
Bà vừa nói vừa cười, mắt lại ngân ngấn nước vì sực nghĩ tới thằng cu Long, không biết nó ở đâu,
mới đó mà đã ba tuổi rồi, họ có thương yêu hay hắt hủi nó không nữa, trời ơi, thương nó quá!
Dù lòng Huệ không muốn xa mẹ, xa em nhưng chẳng lẽ cứ ở vậy hoài với gia đình. Nhất là ở vùng
quê, con gái bước qua tuổi ‘’hâm’’ thì lo lắm, cứ sợ ê sắc ế, thôi thì dù sao lấy chồng ở gần nhà
như vậy cũng được, có chi chạy qua chạy về đâu có bao xa, hai thằng em trai cũng đã lớn, có thể lo
lắng việc đồng gúp mẹ. Có đám nào hơn anh Thương hiền lành ni nữa, Huệ tự nhủ lòng mình…
Đám cưới đơn giản đưa Huệ về nhà chồng. Chị khóc hết nước mắt, nghĩ thương mẹ thương em, chỉ
biết dặn dò:
- Mạ ơi, mai mốt không có con mạ lo giữ gìn sức khỏe đừng hút thuốc nhiều, có việc chi là nhắn
con sẽ qua liền nghe mạ! Tuấn bữa ni ra thanh niên rồi, ban đêm ở nhà với mạ không được đi chơi
khuya nghe!
Bà cũng ôm Huệ nức nở, lòng tuy buồn vì phải xa con nhưng cũng mừng cho nó, dù sao nó cũng
lấy chồng có đám cưới đàng hoàng tử tế hẳn hoi, bù lại cho con chị. Bà gạt nước mắt tiễn con đi…
Thương, chồng Huệ là con trai thứ ba trong nhà, hai anh đầu đã lập gia đình đã ra riêng, sau anh còn
một em trai kế và hai đứa em gái nữa. Ba chồng Huệ rất thật thà chất phác, ít ăn ít nói nhưng bà mẹ
thì có phần sắc sảo, chanh chua. Lẽ đương nhiên vì bà làm nghề mai mối nên ăn nói gãy gọn, bắt bẻ
chi li, khoan nhặt đến nơi đến chốn. Nhưng Huệ vốn khôn khéo biết cách cư xử lại ngọt ngào lễ
phép, cơm bưng nước rót hầu hạ ba mẹ chồng hết mực nên rất được lòng bà. Huệ chỉ nghĩ đơn
giản, mình có ăn đời ở kiếp với họ đâu. Mai mốt có con cái rồi sẽ được họ chia đất ruộng ra ở riêng
lo làm ăn, bây giờ chịu khó một chút có sao đâu, lại còn được tiếng là dâu hiền nữa chứ!
Thỉnh thoàng vợ chồng Huệ lại xin phép hai ông bà cho về thăm bên ngoại, bà vui vẻ đồng ý và
không quên khi thì vài lon nếp, khi thì chục trứng gà gởi biếu bà sui, rất hoan hỷ.
Về nhà nhìn mẹ Huệ bất giác chạnh lòng. Bà ốm hẳn đi, nhìn hom hem lụi cụi nhưng lộ vẻ vui mừng
khi con gái và rể về thăm. Huệ nghe bà ho khúc khắc nhưng hình như cố giấu đi và huyên thuyên hỏi
chuyện:
- Nì, có chi chưa, nói cho mạ mừng…
Huệ bẽn lẽn:
- Dạ chắc cũng nghi nghi rồi đó mạ. Mấy bữa ni con thấy trong người khác lắm, không biết có phải
không?
- Rứa là chắc rồi đó, lấy chồng được hơn ba tháng rồi chi nữa. Thằng Thương lo mà chăm sóc con
Huệ nghe, về nói với bà bên cho biết để con Huệ làm việc chi nhẹ nhẹ thôi cho khỏe.
Rồi bà lăng xăng biểu Tuấn ra nhử gà bắt giết thịt cho anh chị ăn, làm như vợ chồng Huệ ở đâu xa
lắm mới về. Huệ hiểu mẹ mình rất đau khổ về chuyện chị Lan nên bao nhiêu tình thương bây giờ trút
hết cho Huệ, đứa con gái thứ hai.
Cứ mỗi lần về thăm mẹ rồi qua nhà chồng lại, lòng Huệ lại thắc thỏm không yên khi nhìn mẹ gầy gò
ốm yếu, lâu lâu lại lên cơn ho dài đỏ cả mặt mày mà cố giấu. Huệ dặn Tuấn phải để ý nếu thấy mạ
ho nhiều thì chở mạ lên bệnh viện khám bệnh. Nhưng Huệ đâu biết là bà sợ tốn tiền, nghĩ cứ lên tới
bệnh viện để bác sĩ khám thì không bệnh này cũng lòi ra bệnh khác, tiền đâu mà trả. Thôi chịu khó
ra ngoài vườn tìm mấy lá thuốc nam uống cho qua cơn ho đã rồi tính. Do chủ quan rồi thêm mấy
đứa con trai hời hợt nên bệnh bà ngày càng nặng.
Một hôm bà nổi sốt cao, ho rũ rượi, mặt mày tím ngắt nằm thở dốc khiến Tuấn hoảng hồn đạp xe
chạy qua kêu chị . Huệ xin phép mẹ chồng xong ngồi lên yên sau cho thằng Tuấn đạp chở về thăm
mẹ. Chị hết lời vừa khuyên nhủ vừa dọa nạt bà mới chịu cho thằng Tuấn bắt xe ôm chở đi khám
bệnh
Huệ đạp xe theo sau tới bệnh viện huyện, để mẹ và em ngồi chờ bác sĩ, chị lặng lẽ ra một tiệm vàng
gần chợ tháo chiếc nhẫn cưới của mẹ chồng cho, bán lấy ít tiền chuẩn bị cho mẹ chữa bệnh. Thôi thì
tới đâu tính đó, nhờ trời sau này làm ăn khá giả sẽ mua lại sau chớ biết sao hơn. Huệ thầm nghĩ và
nhanh trí ghé vào một hàng bán nhẫn, vòng giả trong chợ tìm mua một chiếc tương tự như chiếc
nhẫn cưới kia rồi đeo vào ngón tay hầu đề phòng mẹ chồng xét nét. Còn anh Thương thì dễ thôi, chị
sẽ nói thật với anh, chắc anh hiểu cho vợ mình trong lúc khó khăn.
Về lại bệnh viện là lúc bác sĩ vừa khám bệnh cho mẹ xong. Ông ta bảo mấy chị em làm thủ tục cho
bà nhập viện vì bà bị sưng phổi mà để lâu quá rồi, bệnh đang trở nặng.
Bà mẹ nghe vậy hoảng hốt:
- Bác sĩ ơi, tui không nhập viện mô! Tui mà lên đây thì ở nhà ai lo cho mấy đứa nhỏ, rồi ai ở đây
chăm tui. Thôi cho tui về nhà uống thuốc đi nghe bác sĩ!
- Tùy bà thôi, nếu muốn hết bệnh thì phải ở đây để theo dõi và điều trị.
Huệ xót xa nghĩ tới bệnh tình của mẹ, đây là hậu quả của những đêm khuya lạnh lẽo một mình ngồi
đốt thuốc để quên nỗi sầu đời. Dù sao bây giờ chị cũng đã là dâu con nhà người, lại đang bụng
mang dạ chữa mệt mỏi. Có thương mẹ cách mấy đi nữa cũng không thể ở hẳn trên bệnh viện chăm
sóc cho bà được. Mà giao cho thằng Tuấn thì không xong rồi còn thằng út ở nhà ai lo cơm nước
cho nó. Nhà neo đơn quá, biết tính sao đây…
Bà mẹ một hai nằng nặc đòi về, bà giả bộ mạnh mẽ đứng dậy bước ra ngoài, thấy vậy Huệ đành xin
bác sĩ kê đơn mua thuốc men đầy đủ về nhà điều trị. Vị bác sĩ lắc đầu và dặn dò:
- Cô về cố gắng cho bà uống và tiêm thuốc đủ liều, bệnh nặng lắm đó, nhất là dặn bà không được
hút thuốc nữa nghe!
Hai chị em Huệ đưa mẹ về nhà, xong Huệ tất tả đi nhờ người y tá trong làng chịu khó tới nhà tiêm
thuốc cho mẹ, tỉ mỉ dặn thằng Tuấn nhớ cho mẹ uống thuốc đúng giờ sau bữa ăn… rồi mới qua lại
nhà chồng. Chị cứ áy náy, biết mẹ đau nặng như vậy thì khoan vội lấy chồng, sau này sinh đẻ nằm
một chỗ lấy ai lo cho mẹ đây? Hai đứa em trai có biết gì, đang tuổi mới lớn ham vui nào nghĩ chi
chuyện chăm sóc mẹ sớm hôm…
Huệ mang thai đã bước qua tháng thứ tám rồi nên mệt mỏi, nặng nề không thường xuyên về thăm
mẹ như trước được. Lòng chị bồn chồn lo lắng không yên nên nhờ chồng chạy qua chạy lại thăm
nom mẹ mình mà cứ ngại mẹ Thương xét nét. May là bà ấy cũng thông cảm hoàn cảnh đơn chiếc
của mẹ con Huệ nên không hề khó chịu như bản tính thường ngày.
Thằng Tuấn sau khi nghe bác sĩ dặn đừng cho mẹ hút thuốc, qua ngày mai chẳng nói chẳng rằng,
nó đem cuốc ra phá bỏ hết sạch những bụi thuốc lá bà mẹ chắt chiu chăm bón lâu nay một cách
không thương tiếc. Bà mẹ ngồi trong nhà nhìn ra xót xa than vãn:
- Răng mà ác rứa con ơi, cây cỏ có tội tình chi. Làm răng mà bắt mạ bỏ thuốc ngày một, ngày hai
liền cho được hè...
Bà buồn bã trách móc con nhưng Tuấn cứng rắn và cương quyết:
- Con muốn cho mạ khỏe, lành bệnh nên con phá hết sạch luôn. Mạ hỏi thử coi chị Huệ có muốn để
thuốc cho mạ hút không?
Bà chịu thua lủi thủi bước vô nhà để khỏi nhìn cảnh tan hoang đau lòng của những lá thuốc quý giá
rất mực với bà.
Đúng là tiêm và uống thuốc đủ liều thì bệnh bà có giảm bớt phần nào. Nhưng rồi nỗi thèm thuốc lá
nó còn làm bà bứt rứt hơn bội phần. Bà cứ thấy lạt miệng, ăn uống không ngon lành, hết đi ra lại đi
vào. Theo thói quen, bà lục túi áo định moi gói thuốc ra hút, nhưng sờ vào thì thấy trống không.
Nhất là vào ban đêm, trằn trọc không ngủ được, bà cứ bần thần thao thức muốn phát điên. Chao ơi
là khó chịu, làm răng chịu cho nỗi mấy con ơi, thà để cho mạ chết đi, ‘’chết no hơn sống thèm’’
mà…Bà tự than thầm.
Huệ nghe em trai báo tin mẹ mình đỡ ho, bớt bệnh thì mừng lắm. Chị mong sớm tới ngày khai hoa
nở nhụy cho mẹ được nhìn cháu ngoại rồi nếu nó lớn hơn một chút sẽ nhờ mẹ qua giữ cháu để rảnh
tay kiếm việc mua bán thêm đồng ra đồng vào. Cứ nghĩ tới nỗi vui mừng của mẹ khi có cháu là lòng
chị lại lâng lâng.
Niềm vui chưa được bao lâu thì bỗng một buổi sáng sớm trời chưa rõ mặt người thằng Tuấn hớt hãi
đạp xe qua gọi Huệ thất thanh:
- Chị ơi, mau về mà coi mạ mình bị chị rồi…
Chị không kịp xin phép mẹ chồng, leo vội lên yên sau cho Tuấn chở về. Bước vào nhà chị thấy mẹ
nằm ho rũ rượi, rờ trán nghe nóng buốt. Tuấn mếu máo:
- Mấy đêm ni mạ cứ thức khuya đi ra đi vô hoài không chịu ngủ. Hồi hôm mạ ngồi cả đêm ngoài
cửa, em nói cách chi mạ cũng không chịu vô ngủ. Bà nói mạ thèm thuốc quá làm răng ngủ được. Mà
trời khuya rồi, thuốc mô cho mạ hút chừ, em giả bộ nạt bà, nói mai con méc chị Huệ la mạ đó. Bà
khóc hu hu, nói, thà mấy con cho mạ chết đi, còn hơn bắt mạ bỏ thuốc. Nói một hồi không được
em bực quá đi ngủ luôn. Sớm dậy thấy mạ ngồi còn ngồi đó mà người nóng như lửa. Em hoảng quá
bồng mạ vô giường rồi qua kêu chị liền.
Huệ hối em mau kêu xe ôm chở mẹ lên bệnh viện. Bà đưa tay khua khua cản lại, nói không thành
tiếng:
- Thôi, không cần nữa. Mạ không đi mô hết, mạ biết sức khỏe mình rồi, có chết mạ cũng chết ở
nhà. Lên trên nớ không có tiền rồi mạ cũng chết mà khổ cho mấy con thôi. Mạ cương quyết như rứa
đó…
Bà lại ho từng cơn dài rồi lịm đi. Cả mấy chị em lay bà khóc thảm thiết. Bà tỉnh lại đôi chút đưa bàn
tay gầy guộc nắm lấy tay Huệ nói một cách tỉnh táo mà như trăn trối:
- Huệ ơi, chắc mạ không qua khỏi, mạ chết rồi ai lo cho hai đứa em con đây? Có chi con tìm ba con
bảo ông ấy phải có bổn phận lo cho tụi nó nghe con. Mà làm răng tìm được chớ, bây chừ ông ta
cũng vợ nọ con kia rồi, nhớ chi tới mạ con mình nữa …Thôi con ráng lo cho hai đứa thay mạ nghe,
mạ có ra đi cũng luôn phù hộ rồi đời con rồi sẽ không khổ như chị Lan của con mô …
Bà quờ quờ tay trong không khí như bắt chuồn chuồn, Huệ hoảng hốt:
- Mạ ơi, mạ ơi đừng bỏ tụi con. Làm răng con lo được cho hai em đây? Mạ ơi, ráng sống với tụi con
đi, chỉ gần một tháng nữa thôi là mạ được thấy cháu ngoại rồi nì …
Hai thằng con trai cũng khóc như ri, nhưng bà đã hết hơi hết sức, nhắm mắt xuôi tay, từ giã cõi đời
sau khi nói đôi lời trăn trối đầy đủ với ba đứa con tội nghiệp. Thương thay thân phận người đàn bà
bất hạnh làm vợ làm mẹ cả quãng đời chưa có nỗi ngày vui …
Huệ xỉu lên xỉu xuống trong đám tang. May nhờ có Thương và gia đình chồng cùng hàng xóm láng
giềng đứng ra cáng đáng công việc ma chay hoàn tất tốt đẹp. Ai nấy đều cám cảnh cho cái gia đình
nhiều bất hạnh này, chỉ trong vòng có ba năm mà hai cái tang chồng chất. Chỉ tội hai thằng con trai
lộc ngộc giờ côi cút, mẹ qua đời, còn cha mà cũng như không.
(còn tiếp)