Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang

LAN HUỆ SẦU AI…



Mẹ mất sớm, trách nhiệm với hai đứa em trai côi cút lại đổ dồn lên đôi vai mỏng manh của Huệ. Chị
không thể bỏ mặc tụi nó để về lại nhà chồng. Vẫn biết là xuất giá thì phải tòng phu nhưng ở hoàn
cảnh này làm sao cho toàn vẹn đôi đường đây? Suy nghĩ nát óc và dù rất suy sụp sau sự việc đau
buồn nhưng chị gắng gượng cứng rắn để vượt qua, không bước lên vết xe đổ là sinh tâm bệnh như
mẹ với chị của mình. Huệ bàn với chồng về xin phép ba mẹ anh cho chị được ở lại cùng hai em một
thời gian để chờ ngày sinh nở. Tuy mẹ đã qua đời nhưng còn hai đứa nhỏ lơ ngơ lâu nay toàn ỷ lại
vào hai người phụ nữ đang rất cần bàn tay chăm sóc, sự bảo ban bày vẽ mọi công ăn việc làm của
người chị giúp tụi nó ổn định dần dần.
Mẹ chồng chị dù không muốn chút nào nhưng cũng không thể từ chối thẳng thừng yêu cầu chính
đáng đó, đành nói xa nói gần, tùy bây, miễn sao công việc nhà bên đây rất nhiều mà thu xếp cho
xong, cho khéo là được…
Vậy là Thương xắn tay vào chuẩn bị nơi cho vợ ‘’nằm ổ’’ ở bên nhà ngoại. Anh cùng Tuấn đi đốn
cây, đốn nứa, cắt tranh về đánh mấy tấm lợp và thưng thêm một gian buồng nhỏ cho Huệ. Nhìn anh
lăng xăng Huệ rất cảm động, biết ơn anh vô vàn. Nếu không có anh thì những ngày vừa qua Huệ làm
sao cáng đáng mọi việc và lo toan hậu sự tốt đẹp cho mẹ mình được. Cảm ơn anh đã là một bờ vai
vững chắc cho chị em em nương tựa, từ giờ trở đi, chắc anh còn phải bận rộn, khó nhọc hơn nhiều
nữa đó anh à! Huệ thầm nghĩ tới đoạn đường dài sắp tới sẽ phải vượt qua với cõi lòng đầy lo âu, e
sợ…

Anh Thương chồng Huệ là một người cần cù chịu khó và chu toàn trong mọi công việc. Sợ gia đình
và họ hàng dị nghị là nghe lời vợ nên sau khi lo cho Huệ chỗ ở ấm cúng xong anh đi đi lại lại, đảm
đương công việc cả hai bên, vất vả cảnh ‘’một chốn đôi quê’’. Việc bên mẹ ruột vừa hoàn thành
xong thì Thương lại quay sang giúp mấy chị em Huệ nhổ đám đậu phụng đã tới ngày thu hoạch một
cách nhanh gọn.
Đậu phụng năm nay nhờ trời mưa thuận gió hòa nên được mùa trông thấy. Bui đậu nào cũng rinh
rích những củ là củ chắc nùi nụi và bóng nhây nhẫy. Anh cùng hai đứa em phơi phong khô ráo,
đóng được hơn mười bao chắc nịch. Huệ ước tính cũng được hơn ba tạ đậu vỏ, nếu bán đi sẽ có số
tiền kha khá đủ để trang trải cho cuộc sống của mấy chị em trong vài tháng tới trong khi chờ vụ thu
hoạch sắn. Huệ mừng thầm, vậy là yên tâm có thể nằm nghỉ sinh thoải mà không phải lo nghĩ gì
nhiều.

Nhắc tới đậu phụng Huệ lại cười khẽ một mình khi nhớ lại chuyện lạ mà có thật xảy ra khi chị chỉ
còn hơn tuần nữa là sinh em bé. Số là hơn mười bao đậu phụng vỏ chắc nịch sau khi khô khén xong
thì mấy anh em phụ nhau gác lên giàn trữ lại bán dần lo việc chi tiêu ăn uống, chỉ chừa lại một bao ở
dưới đất để bóc vỏ lấy hạt rang làm thức ăn.
Ban đêm anh Thương lại về bên mẹ, chỉ có ba chị em ở nhà và đi ngủ sớm. Một buổi sáng mấy chị
em thức dậy thì không thấy bao đậu còn lại đâu, cái vách nứa bị kéo xệch qua một bên trống huơ,
trống hoác. Chẳng lẽ ăn trộm vào nhà ư? Tuấn chạy vội ra ngoài và thấy bao đậu đang nằm chỏng
chơ ngoài vườn. Lạ ghê! Chẳng lẽ ai ăn trộm rồi lại quăng ở đây, thôi, may mà còn đó. Ba chị em
thắc mắc nhưng cũng mừng rỡ vì chưa mất của, anh em Tuấn hì hục vác bao đậu để vào chỗ cũ.
Đến gần trưa thì thấy thấp thoáng ngoài cửa bóng anh Tí, là người quen ở cách đó không xa. Anh ta
lễ mễ trên tay nãi chuối thẻ hương bước vào với thái độ e dè, ngần ngại. Tí xin phép lên thắp hương
cho mẹ Huệ với cung cách rất chi là thành kính. Xong Tí bước ra ngoài kể lại sự thực câu chuyện kỳ
lạ với mấy chị em:

- Nói ra thì ngại lắm, mong mấy em thứ lỗi cho anh. Số là mấy hôm trước anh lỡ chơi bài bị thua một
số tiền. Thấy nhà em năm nay được mùa đậu mà lại đơn chiếc nên anh lợi dụng lúc đêm khuya thanh
vắng làm liều phá bức vách vô nhà vác đại một bao. Vậy mà lúc vác ra cửa rồi, anh cứ như bị ai bịt
mắt không thấy đường đi, cứ lộn quanh mãi. Hoảng quá anh nghĩ thầm chắc là bác gái che mắt
không cho anh lấy của khỏi nhà nên anh thầm van vái bác và quăng đại bao đậu xuống đất. Xong
anh thấy rõ ràng cái cổng đi ra nên nhắm thẳng hướng đó chạy bán sống bán chết về nhà. Nằm hoài
ngủ không được vì sợ quá, anh chỉ mong cho trời sáng để ngày mai qua xin bác tha tội kẻo bị bác
quở sinh đau ốm thì chết chắc. Mắc cỡ với mấy em lắm nên anh chần chừ mãi đến giờ mới đánh bạo
vô nhà thắp hương cho bác đây. Mong mấy em tha lỗi và bỏ qua cho anh…

Mấy chị em nghe xong mà giật mình, không ngờ mẹ lại linh thiêng như vậy. Thôi thì ‘’đánh kẻ chạy
đi, ai đánh người chạy lại’’, Huệ chỉ biết mỉm cười tha thứ cho Tí và chợt nhớ lời mẹ trăn trối lúc
lâm chung là sẽ phù hộ cho mấy chị em . Chắc mẹ thương mấy chị em côi cút quá nên quyến luyến
không rời, thương mạ quá mạ ơi!

…Rồi cũng tới ngày Huệ khai hoa nở nhụy. Chị mau mắn sinh được một bé trai kháu khỉnh, bụ bẩm
giống cha như đúc. Bà nội tất tả chạy sang mang theo biết bao là quà cáp, thức ăn với nỗi vui mừng
khôn xiết. Tuy đã có mấy đứa cháu nội rồi nhưng toàn là ‘’vịt trời’’, đây là thằng cháu trai đầu tiên
của bà, không vui sao được. Huệ ôm con vào lòng và bùi ngùi chợt nhớ mẹ mình, phải chi mẹ ráng
sống chỉ thêm một tháng nữa thôi là đã nhìn được mặt cháu ngoại rồi.
Huệ ở lại với hai đứa em đến hơn bốn tháng thì gia đìnhThương chia đất ruộng cho vợ chồng Huệ ra
riêng như hai người anh trai. Hai thằng em cũng dần quen với việc phải tự lập, sống dựa vào nhau để
chị về bên chồng cất nhà ở riêng. Huệ cũng an tâm phần nào vì hai đứa nó ngoan, biết lo lắng lên kế
hoạch làm ăn, mùa nào thức ấy. Cu Bi được tám tháng là Huệ gởi nhờ lúc thì chị dâu, lúc thì hàng
xóm và sau này nhà trẻ thành lập Huệ gởi nó cả ngày để ra chợ buôn bán kiếm đồng ra đồng vào.
Anh Thương chịu khó lo việc nhà, xong lại giúp  hai đứa em trai lúc công việc đồng áng bận rộn.
Huệ luôn thầm nghĩ mẹ tuy mất nhưng hình như lúc nào bà cũng ở bên mấy chị em để phù hộ cho
mạnh khỏe và làm ăn tấn tới.

Thấm thoát mẹ mất đã được ba năm, cuộc sống vẫn đều đặn trôi qua, mùa nọ nối tiếp mùa kia. Huệ
chịu khó chạy chợ nên cũng lo được việc chi tiêu cho gia đình. Thỉnh thoảng chị lại tạt qua nhà hai
thằng em, mua ít cá khô mắm muối và dặn dò công việc đâu vào đó cẩn thận. Trong thâm tâm Huệ
vẫn luôn ghi nhớ lời mẹ trăn trối là phải lo cho hai em tới nơi tới chốn. Chị nghĩ phải chi mà không
ngại mẹ chồng xét nét thì chị sẽ đưa hai đứa nó về ở chung cho thuận tiện. Chị không muốn nhà
chồng nghĩ là hai em ăn bám nên phải chịu cực qua qua lại lại vất vả như vầy.
Cu Bi lớn nhanh và ngoan ngoãn, không quấy rầy ba mẹ nhiều. Cu cậu đã được hơn ba tuổi. Hai vợ
chồng Huệ vẫn bươn chải vừa nuôi con vừa lo cho hai đứa em vô cùng chật vật, nhưng anh Thương
không than vãn, trách móc lấy một lời. Huệ thầm biết ơn anh vô cùng, cảm thấy rất bằng lòng và
hạnh phúc khi lấy được người chồng tốt tính như Thương. Nhưng cuộc sống thì vẫn khó khăn chưa
có chiều hướng tốt đẹp hơn.
Rồi một ngày đầu mùa khô, xã chị ở bỗng có đoàn đâu trên Tây nguyên về tuyển công nhân cho
một nông trường café. Anh chị suy nghĩ cả đêm và quyết định xin phép ông bà nội làm đơn đi lên
đó. Ông chỉ ậm ừ nhưng bà quyết liệt không cho. Bà bảo đó là nơi rừng thiêng nước độc, có đi mà
không có về, rồi đơn thân cô quạnh chẳng ai là họ hàng bà con ruột thịt. Ở đây đất đai cũng có, hơn
nữa sau này cha già mẹ yếu lỡ khi đau yếu, nhắm mắt qua đời làm sao về kịp…Muôn vàn lý do để
ngăn vợ chồng Huệ không cho đi. Nhưng Huệ lại có cách nghĩ khác. Nếu bây giờ đi lên đó, gia đình
chị và hai thằng em sẽ được đoàn tụ, chị sẽ có điều kiện để lo cho hai đứa nó nhiều hơn. Vả lại ở
đây quá nhiều chuyện buồn rồi, nhìn đâu cũng nhớ mẹ, nhớ chị Lan. Thôi thì cứ đi lập nghiệp ở
phương trời mới, biết đâu cuộc sống sẽ khá giả hơn cái xứ sở này, quanh đi quẩn lại cũng mấy sào
đất ruộng làm lụng vất vả mới đủ ăn. 
Và mặc cho lời lẽ ngọt nhạt của mẹ chồng ngăn cản, hôm sau chị ra xã lấy giấy tờ về nào là đơn xin
làm việc rồi sơ yếu lý lịch…hồ sơ đầy đủ cho hai vợ chồng và hai thằng em đã đủ vào tuổi làm công
nhân Anh chị viết xong đem nạp lại cho người phụ trách. Anh này bảo chị ngồi chờ rồi đọc kỹ hồ sơ
và bỗng giật mình lên tiếng hỏi:

- Cô là Nguyễn thị Huệ quê ở Quảng Trị có cha là ông Nguyễn Tiến và mẹ là Trần thị Dung…

- Dạ phải…

- Có phải hồi đó mấy mẹ con bà Dung từ Quảng Trị chạy vô Đà Nẵng và sau đó vô đây luôn
không?

Huệ ngạc nhiên:

- Ủa, răng anh biết rõ như rứa?

- Trời, vậy thì ra em là con chú Tiến, anh là Tâm con bác Tấn, bác ruột của em đây nè…Cũng hơn
mười năm rồi còn chi, chính xác là mười một năm rồi đó. Hồi ở ngoài kia, tụi em nhỏ chút xíu, bây
chừ lớn hết, em có chồng con rồi, anh nhìn chi ra. May mà anh đọc hồ sơ của em mới biết.

Huệ cứ ngẩn người ra nhìn anh thanh niên nọ, cố tìm một dấu vết quen thuộc nào trên gương mặt
của anh ta, cháu ruột ba mình. Với Huệ, hình ảnh của người cha tệ bạc mờ nhạt qúa rồi, có để lại
chút ký ức nào trong chị đâu. Mười một năm dài đăng đẳng, mấy mẹ con chị sống với toàn người
dưng nước lã, không hề có lấy một mối quan hệ ruột thịt nào. Nay bỗng dưng có người tự xưng là
anh em chú bác với mình không khỏi khiến Huệ cảm thấy xốn xang. Dù sao thì cũng ‘’một giọt máu
đào hơn ao nước lã’’mà…

Tiếng anh Tâm dường như nhỏ lại, nghẹn ngào:

- Anh coi trên sơ yếu lý lịch của em mới biết, không ngờ thím đã qua đời. Đau lòng quá em ơi, từ
dạo mẹ con em dắt díu nhau chạy loan bỏ quê vô Đà nẵng rồi đi biệt đến nay bà con họ hàng ở
ngoài kia không ai biết tin tức chi cả. Đường xá xa xôi cách trở, rồi kinh tế khó khăn, ăn còn chưa
đủ lấy chi mà đi tìm…

Huệ cũng không ngăn được nỗi tủi thân nhưng chị cố dằn lòng không khóc trước anh Tâm:

- Thôi anh à, chuyện cũng qua rồi. Vợ chồng em mời anh chút nữa về nhà em ăn cơm trưa để gặp
hai đứa em trai, luôn thể qua nhà chồng em thuyết phục hai ông bà đồng ý cho tụi em lên đó nghe
anh.

Cả nhà ăn bữa cơm sum họp đầm ấm vui vẻ. Bao nhiêu chuyện để hàn huyên tâm sự trong suốt thời
gian qua. Anh Tâm nghe Huệ kể  về cái chết của chị rồi của mẹ mà bàng hoàng, không ngờ số phận
gia đình Huệ lại nghiệt ngã đến vậy. Tâm không khỏi thầm trách người chú ruột, tham chi đèo bòng
vợ nọ con kia mà phụ bạc, bỏ bê mẹ con bà thím dâu tội nghiệp. Chị em Huệ với tâm trạng oán giận
người cha nên không mặn mà hỏi thăm nhưng theo lời Tâm thì ông bác anh bây giờ cũng khó khăn
vất vả vô cùng với bà vợ hai và ba đứa con trai. Ông làm đủ nghề thậm chí là cả đạp xích lô nữa để
kiếm sống nên chẳng còn bụng dạ nào để đi tìm mẹ con người vợ lớn mà ông không biết đang phiêu
bạt ở tận phương trời nào.

Còn phần Tâm, anh đã đi học Trung cấp nông nghiệp ở Huế xong là được phân công về Tây
nguyên và vào làm việc ở nông trường café. Đất lành chim đậu, anh thấy cuộc sống ở đó cũng tạm
ổn, đất đai màu mỡ nên về Huế đưa cha mẹ và mấy đứa em vào lập nghiệp cả mấy năm nay. Nông
trường đang thiếu công nhân nên giao cho anh và mấy người nữa đi tuyển thêm người. Trời đất run
rủi sao cho anh về đây và gặp được gia đình Huệ, thật là may mắn.

Nghe anh Tâm kể chuyện, trong lòng Huệ lại càng nung nấu ý định ra đi. Dù sao lên trên đó cũng sẽ
đoàn tụ cùng người bác ruột, một mối liên hệ dòng tộc mà gia đình Huệ đã thiếu vắng lâu nay.
Ông bà nội cu Bi sau khi nghe anh Tâm thuyết phục cũng đã có phần xuôi thuận. Thôi thì ‘’trời
không chịu đất thì đất phải chịu trời’’ vả lại ‘’giữ người ở chớ ai giữ người đi’’, bà nội cu Bi chép
miệng than thở một mình.

Gần đến ngày đi, Huệ làm mâm cơm tươm tất cúng mẹ và chị, cầu nguyện hai người phù hộ cho cả
nhà bình yên mạnh khỏe nơi miền đất mới. Chị lầm thầm khấn vái và hứa  sau này làm ăn khấm khá
sẽ về lại để bốc mộ cả hai lên nơi đang sinh sống cho hồn mẹ và chị được ấm cúng với gia đình. Bát
hương tự dưng lóe cháy sáng và Huệ biết là mẹ mình đang chứng giám cho lòng thành của con cái
đây rồi…

Đúng như lời anh Tâm diễn tả, vùng đất mới này của nông trường café đang khai hoang thêm diện
tích. Ngày ngày ầm ào tiếng máy ủi rồi máy cày lật tung những tảng đất bazan  
màu mỡ, bụi đỏ bay mù mịt. Nông trường chia đất vườn cho mọi người, Huệ xin họ cấp cho hai đứa
em một mảnh sát bên mình thật là thuận tiện và thỏa niềm mong ước bấy lâu. Người ta tạo điều kiện
cho những người mới đến, cung cấp cây cột, tấm lợp để làm nhà ở tạm và lương thực, thực phẩm
bước đầu. Khi đã tương đối ổn định họ mới phân công cho mọi người làm việc  hưởng lương bổng
và chế độ công nhân, tuy không nhiều nhưng cũng có thêm một ít tiền để chi tiêu. Công việc của
nhóm đàn ông là đào hố trồng café, nhóm phụ nữ chịu trách nhiệm ươm cây giống chờ mưa xuống
sẽ trồng cho kịp vụ.
Các chị có con nhỏ thì tập trung gởi vào nhà trẻ cho các cô nuôi trẻ chăm sóc. Cu Bi cũng được
mẹ gởi trẻ suốt ngày như vậy.
So ra thì cuộc sống cũng tạm ổn nếu không có chuyện lạ nước lạ cái và phát sinh bệnh tật. Đó là
những cơn sốt rét rừng bùng phát đã lấy đi biết bao sinh lực của mọi người. Hầu như nhà nào cũng
có người bị sốt. Người ta bảo là tại đất rừng mới khai phá còn độc địa, rồi cộng thêm muỗi mòng
sên vắt bao đời nay ở chốn hoang vu, bây giờ có hơi người nên tích tụ lại để hoành hành.
Anh Thương cũng nằm trong số người bị sốt rét hành hạ. Đầu tiên là những cơn sốt phừng phừng
người nóng đến phát cuồng, tiếp sau đó là rét, lạnh. Người cứ run lên cầm cập, rét từ trong ruột rét
ra, đắp bao nhiêu cái chăn cũng không đủ ấm. Và khi dứt cơn rồi thì đầu đau như búa bổ, đau
không chịu nỗi. Qua vài cơn sốt rét như vậy người nào người ấy trở nên xanh xao vàng vọt vì mất
máu, mặt mày hốc hác, bơ phờ không dậy được.
Sốt mãi mà không bớt Thương cũng được mọi người gánh võng đưa ra trạm xá. Huệ vất vả vừa phải
đi chăm chồng, vừa lo hoàn tất việc của nông trường rồi còn lo cho cu Bi nữa. Chị ốm rạt người,
đêm về chong chong hai mắt, lo lắng không ngủ được cứ luôn miệng khấn vái mẹ phù hộ độ trì cho
chồng mau lành bệnh. Thôi thì ai bày phương thuốc gì để chữa bệnh chị cũng nghe theo. Thậm chí
có người bảo chị đi đào mấy con mối chúa,  những con trùn khoang to như chiếc đũa ghê thật ghê
về cho Thương nuốt sống chị cũng không ngần ngại và bắt anh nhắm mắt nhắm mũi nuốt ực vào làm
thuốc. Thương ngoan ngoãn nghe lời với ước mong mãnh liệt là khỏi bệnh kẻo làm khổ vợ con. Huệ
chợt nghĩ lời mẹ chồng khuyên ngăn ngày trước: ‘’đó là nơi đi dễ khó về..’’ bất giác giật mình.

Ấy vậy mà không hiểu nhờ thuốc của trạm xá hay thuốc dân gian mà anh Thương cắt được những
cơn sốt rét quái ác, dần dần hồi phục trở lại. Anh về nhà và bây giờ hai đứa em trai Huệ lại là người
cáng đáng giúp anh trong mọi việc. Huệ lại lanh lẹ tranh thủ ngày chủ nhật nghỉ việc để đi ‘’đổi
Thượng’’ nghĩa là mua mấy thứ lặt vặt như thuốc lá, cá khô, muối hạt…ở chợ cách xa các buôn
làng người dân tộc rồi mang vào đó để đổi lấy gạo, bắp…các thứ nông sản của họ và chở đi bán lại
lấy lời. Nhờ vậy cũng có thêm đồng ra đồng vào mua thức ăn bồi bổ sức khỏe cho chồng.
Anh Thương đã khỏe lên trông thấy và với vùng đất rộng lớn màu mỡ này khiến một người ham
thích lao động như anh phấn chấn hẳn lên. Anh cùng hai đứa em vợ nay đã là những chàng trai
cường tráng đi tìm thêm đất dọc bờ suối khai hoang để trồng đậu, bắp và thu hoạch được rất nhiều.
Đây lại là vùng rừng già mới được cày ủi để lấy đất trồng café nên cây cối ngỗn ngang, mấy anh em
Thương lại làm thêm nghề thợ cưa xẻ gỗ  bán cho người có nhu cầu làm nhà ở cũng kiếm được kha
khá tiền. Cuộc sống ổn định dần.
Thời gian sau chị em Huệ có nhận được lá thư của người cha từ Huế gởi qua bưu điên. Có lẽ anh
Tâm đã cho địa chỉ mấy chị em cho ông ta. Huệ đọc thư một cách thờ ơ. Ừ thì ông cũng hỏi thăm
sức khỏe mấy chị em, tỏ ý ăn năn, hối hận về việc đã qua và mong các con tha thứ cho ba. Ông
than thở đời sống khó khăn chưa thể lên thăm mấy chị em một lần cho biết, mong sẽ có ngày cha
con gặp lại…

Tuấn không thèm đọc thư, nó quăng lên bàn gằn giọng:

- Lẽ ra biết tin chị em mình còn sống thì có khổ, có khó khăn chi ông ta cũng phải lên đây một
chuyến cho biết, phải không chị? Rốt cuộc thì ông ta coi bà vợ hai và mấy đứa con sau ni hơn chị
em mình nhiều. Em không cần ông ta nữa, sau ni ông có lên thì lên, em cũng chẳng thèm nhìn mặt
làm chi…

- Thôi Tuấn à, nếu ba có lên thăm thì càng tốt. Để ba thấy rằng không có ông ta chị em mình vẫn
sống đàng hoàng từ trước đến nay đó thôi…


…Mấy năm sau anh chị quyết định sinh thêm đứa con thứ hai, lần này cũng là một thằng cu dẫu cả
nhà nó rất mong có con gái. Chị Huệ tự an ủi, thôi, sinh con trai cho khỏe, làm con gái tội lắm, thân
gái như hạt mưa sa…

Những lô café được chăm sóc kỹ qua bốn năm đã cho thu hoạch, trái café chín mọng đỏ cành nhìn
thật thích mắt. Thuở đó đang còn ngăn sông cấm chợ và café của nông trường càng được quản lý
gắt gao hơn. Họ làm những trạm gác ngăn không cho người dân đưa café ra ngoài bán, nhưng cái gì
càng cấm thì buôn bán càng có lãi to. Huệ hay đi chợ nên bắt được mối lái, chị tìm mua lại café của
người dân với giá rẻ rồi liều lĩnh nửa đêm cùng chồng chở đi đường tắt tránh mấy trạm gác, đến chợ
lúc trời chưa sáng để bán cho bạn hàng. Nghe chị kể thì mẹ rất linh thiêng, những khi xuyên đường
tắt chở café ra chợ vào đêm hôm khuya khoắc, khi nào bên tai chị cũng như văng vẳng tiếng mẹ: ‘’
đi đi con, yên tâm có mạ che chở cho rồi’’ và anh chị hầu như chưa hề bị bảo vệ nông trường bắt
giữ bao giờ. Công việc thuận lợi như vậy nên vợ chồng Huệ cũng tích lũy được một số vốn kha khá.
Nhớ lời hứa ngày trước, vợ chồng Huệ về Bình thuận trước là thăm viếng ông bà nội sau nữa xin bốc
mộ mẹ và chị lên nơi ở mới cho thỏa ý nguyện.
Tuấn cũng đã tới tuổi lập gia đình. Nó lấy vợ người cùng thôn, đẹp người đẹp nết, Huệ rất ưng ý.
Ngày cưới Tuấn, chị có viết thư về Huế báo tin cho ba mình nhưng không hiểu sao chẳng thấy ông
về dự. Tuấn bực mình la chị:

- Em đã nói chị rồi, ông ta có coi chị em mình ra chi đâu. Mình ở đây nhờ bác Tấn rồi thêm anh chị
lên đại diện cho họ nhà trai là được, cần chi ông ta.

Nhìn Tuấn có đôi có cặp, Huệ vừa mừng vừa cảm thấy chạnh lòng nhớ mẹ. Phải chi mẹ còn sống
để được thấy con dâu…

Thằng út cũng đã đi học nghề sửa xe và làm việc trên thị xã. Không lâu sau nó cũng tìm được người
vừa ý để nên vợ nên chồng. Huệ thở phào, vậy là đã làm tròn lời hứa với mẹ trước lúc lâm chung,
lòng chị rộn lên vui sướng.
Người cha tệ bạc cuối cùng rồi cũng một lần lên thăm con cái. Nhìn ông già nua, khắc khổ đến tội
nghiệp lòng Huệ cảm thấy xót xa. Huệ muốn hỏi ông : ‘’ Thời gian qua ba sống như thế nào, có cảm
thấy hạnh phúc không? Trách nhiệm làm cha, làm chồng ba để ở đâu, có khi nào ba thấy lương tâm
cắn rứt khi nghĩ đến mẹ vì buồn khổ mà mất sớm, đến tụi con đang côi cút bơ vơ không?’’ Nhưng
rồi Huệ thôi không muốn làm khó dễ ba mình chi nữa. Huệ lo cho ông ăn uống đàng hoàng, chẳng
một lời nặng nhẹ. Ông cũng ra vẻ ăn năn xót thương cho mẹ và chị Lan, nhưng Huệ cảm thấy như
ông có chút gì gượng gạo trong lời nói, trong ánh mắt khi đối diện mấy chị em. Tuấn thì lộ vẻ bất
mãn ông ra mặt, nhất là khi có chút hơi men vào, nó kể lể chì chiết ông không tiếc lời. Buồn tình ông
ở chơi mấy hôm rồi viện cớ không hợp khí hậu lạnh lẽo nơi đây và đón xe về Huế chẳng hẹn ngày
trở lại.

Cuộc sống gia đình Huệ có thể nói là êm đềm và hạnh phúc dần trôi như thế. Hai đứa con trai lớn
cũng được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm rồi lập gia đình ở gần nhà ba mẹ. Bây
giờ vợ chồng Huệ đã là ông bà nội của bốn đứa cháu, trai có gái có như ý muốn. Anh Thương tới
tuổi nghỉ hưu và ở nhà chăm vườn tược, cái tính hay lam hay làm vốn dĩ của anh không thay đổi.
Huệ hàng ngày vào ngôi chợ ở gần nhà bán hàng tạp hóa nhưng công việc chính là làm chủ một vài
dây hụi nhỏ khá uy tín được mọi người tin tưởng ‘’chọn mặt gởi tiền’’.
Thoắt cái mà đã tròn ba mươi năm trôi qua vợ chồng Huệ như cội cây xanh bám chặt rễ và sinh sôi
nảy nở ở vùng đất này. Huệ vẫn đau đáu nhớ về ngày xưa, nhớ một thời khổ cực với nhiều biến cố,
nhớ mẹ, nhớ chị Lan và không hiểu sao mình có thể vượt qua được quãng thời gian đau khổ đó.
Phải chi mà mẹ còn sống, Huệ đã có thể phụng dưỡng mẹ an nhàn đầy đủ trong lúc tuổi già.
Rồi Huệ lại canh cánh trong lòng về đứa cháu thất lạc từ bấy đến nay. Việc tình cờ biết được tin tức
về người đàn ông đó  làm chị thấy nôn nao. Phải liên lạc với ông ta để biết tin tức về Long, đó chẳng
phải là điều mà mẹ và chị Lan hằng mong ước, tuy hai người đã không còn trên cõi đời này nhưng
vẫn phải thực hiện nguyện vọng đó cho bằng được. Và còn cho Huệ nữa chứ, dù sao Huệ cũng là
dì ruột của thằng Long kia mà. Huệ thở hắt ra và quyết định cầm điện thoại lên, bấm số…

(Còn tiếp)
Chin Bon
Chin Bon