Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang

LAN HUỆ SẦU AI…



- Alô!

Một giọng  trầm khàn yếu ớt của người đàn ông già cả vang lên, Huệ cảm thấy hồi hộp, nhịp tim chị
như đập nhanh hơn. Đúng, đúng là ông ta rồi. Chị áp tay vào ngực lấy lại bình tĩnh trả lời:

- Chào ông, xin hỏi ông có phải là ông Trọng không?

- Vâng, tôi là Trọng đây. Xin lỗi, cô là…

- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Huệ em của chị Lan. Chắc ông còn nhớ chị Lan làm việc cho ông bà nơi
quán café ở Bình thuận vào năm bảy bảy chớ?

Im lặng một hồi lâu, Huệ sốt ruột không chờ được, chị nói vội vàng:

- Ông có nghe tôi hỏi không, ông có nhớ chị Lan, cái người mà ngày đó…

Huệ chưa nói dứt câu thì tiếng ông Trọng cắt ngang, nhỏ nhẹ:

- Thôi tôi xin cô. Chuyện đã qua lâu lắm rồi, tôi cũng đã ân hận dày vò mấy chục năm qua rồi. Cho
tôi hỏi chị Lan của cô nay ở đâu, rồi chồng con ra sao, có được hạnh phúc không?

Tới lúc này thì Huệ không chịu nỗi nữa, cô giận run và muốn chì chiết mắng cho ông ta một trận. Ái
chà, ông ta còn dám hỏi chị Lan có hạnh phúc không sau những chuyện mà ông ta đã gây ra cho chị
ấy. Ông ta không biết vì vợ chồng ông ta mà chị Lan đã ra người thiên cổ khi mới hai mươi cái xuân
xanh. Nhưng rồi Huệ bình tĩnh lại. Nếu làm hung làm dữ có lẽ làm ông ta sợ và cúp máy thì coi như
công cốc, sẽ không dò la được tin tức thằng Long.

Chị sẽ sàng dịu giọng:

- Thì ra ông không biết chuyện chi sao? Chị Lan của tôi đã mất ngay sau khi sinh con được một
tháng. Chị ấy bị bà vợ ông lấy đi đứa con nên buồn rầu sinh bệnh mà qua đời, có thật là hai ông bà
không biết chút chi không?

Lại im lặng một hồi lâu rồi tiếng ông ta như hụt hơi, ngắt quãng:

- Trời ơi, chuyện như vậy mà thật tâm vợ chồng tôi đâu có biết. Vợ tôi sau khi bồng thằng bé về là
bán nhà cửa quán xá đi vào Bình Dương ở với tôi luôn. Nói thật, tụi tôi sợ búa rìu dư luận thì ít mà
sợ bên nhà cô đòi lại thằng nhỏ thì nhiều nên bỏ đi biệt xứ và cũng muốn giấu tung tích sau này cho
nó khỏi biết đó cô à! Thôi ngàn lần xin cô tha thứ cho tôi…

Huệ vào chuyện luôn vì không muốn nghe đi nghe lại lời cầu xin tha thứ của ông ta:

- Hôm qua tình cờ tôi biết được số điện thoại của ông qua người bạn. Nói thật dù vẫn mang tâm
trạng oán hận ông nhưng tôi cũng mừng lắm vì lâu nay chúng tôi vẫn có ý muốn đi tìm đứa cháu thất
lạc lúc còn đỏ hỏn. Đó là lý do tôi gọi cho ông. Hồi đó chị tôi có dặn bà nhà là đặt tên Long cho
nó, không hiểu bà ấy có thực hiện không?

- Có, có cô à! Bây giờ cháu nó đã ba mươi sáu tuổi rồi đó. Nó cũng lấy vợ và có một đứa con trai
rồi.

- Long có ở đó không? Phiền ông cho tôi nói chuyện với cháu.

- Nó không ở với tôi đâu cô. Tôi bây giờ sống một mình, vợ tôi cũng qua đời cách đây mấy năm
rồi. Cháu Long lập gia đình và có nhà cửa ở Sài gòn. Nhưng cháu làm việc nhà nước và hay đi công
tác lắm.

- Ông có thể cho tôi số điện thoại của Long không?

- Xin cô thông cảm. Nó làm việc gì đó cũng bí mật lắm, nó dặn tôi đừng gọi điện thoại cho nó, trừ
khi nó gọi về và cũng không được cho ai số.

- Ông nói thật hay là có ý chi khác, tôi mong ông hãy vì hương hồn của chị tôi và là mẹ của Long
mà hãy nói sự thực. Bây giờ tôi chỉ muốn tìm lại cháu để cho Long biết mẹ ruột của nó là ai và thắp
cho mẹ cháu nén hương. Nếu ông còn chút lương tâm thì ông nên  cho thằng Long biết chuyện dì
ruột của Long đang đi tìm cháu.

- Mong cô hãy tin tôi. Bây giờ Long đã trưởng thành có vợ có con, tôi còn sợ chuyện chi nữa chứ.
Nếu nó tìm được bên ngoại thì cũng là điều tốt. Tôi gần đất xa trời rồi, làm việc thiện không hết thì
gây chuyện thất đức làm chi. Cô yên tâm, khi nào Long về liên lạc với tôi, tôi sẽ cho nó biết số điện
thoại của cô. Chắc nhận được tin này nó sẽ mừng lắm. Nhưng tôi chỉ xin cô một điều là nếu nói
chuyện với Long mong cô giấu đừng kể cho cháu nghe về việc tôi đã làm với mẹ Lan của nó. Trong
mắt Long bao giờ tôi vẫn là người cha đáng kính.

Đến thế nữa ư? Thì ra lâu nay Long không biết chút chi về thân thế của mình sao? Nếu vậy thì bất
công cho nó quá! Chị bực tức hỏi:

- Tại sao khi thằng Long đã trưởng thành mà vợ chồng ông cũng không cho nó biết chuyện nó
không phải là con ruột của vợ ông? Ông định giấu nó suốt cả cuộc đời à?

- Không phải đâu cô, đúng là vợ chồng tôi đã nói cho nó biết về việc đó khi cháu đã lớn khôn.
Nhưng tôi nói tránh đi là mẹ ruột nó vì hoàn cảnh nên giao nó cho gia đình tôi nuôi nấng. Chỉ vậy
thôi…

- Thôi được rồi, tôi cũng tạm tin ông, chào ông, chúc ông mạnh khỏe…

Huệ chỉ biết ngao ngán thở dài nói vài lời đãi bôi với ông ta rồi tắt máy. Biết làm sao được, trước
mắt hãy như vậy đã. Chắc ông ta không nói dối mình đâu, năm nay có lẽ ông ấy cũng bước vào tuổi
tám mươi rồi và như lời ông ta thì bao năm qua ông cũng bị dày vò vì chuyện xưa ghê lắm. Nếu làm
được điều tốt cho Long chắc ông ấy cũng không có lý do gì từ chối hầu để chuộc lại lỗi lầm dẫu
quá muộn màng.

Chị không thể hình dung ra đứa cháu lạc loài như thế nào nữa. Nếu nó giống mấy cậu nó thì sẽ to
con đẹp trai lắm đây? Đêm nay có lẽ chị sẽ không ngon giấc được vì hình ảnh mơ hồ tưởng tượng
của thằng cháu mà chị đang khao khát gặp mặt ấy mãi chập chờn trong giấc ngủ đầy mộng mị.

Sau cuộc nói chuyện với ông Trọng mà vẫn chưa nói chuyện được với thằng cháu lòng chị thắc
thỏm không yên. Mỗi lần nghe chuông điện thoại reo là chị lại giật mình nhìn kỹ coi thử số lạ hay
quen và…thất vọng. Ba, năm rồi bảy ngày trôi qua mà cuộc gọi chị chờ đợi vẫn chưa thấy tới. Ông
ta lừa mình chăng? Chị cứ tự hỏi và bực bội trong lòng, anh Thương khuyên chị:

- Từ từ thôi mình à! Nghe ông ta kể thì thằng Long nó làm công việc chi quan trọng và phải giữ bí
mật. Biết đâu nó chưa về nên chưa liên lạc được.

Đôi lúc chị muốn bấm máy gọi lại cho ông Trọng nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy không tiện và hơn cả là
chị không muốn nghe lại giọng nói yếu ớt và lúc nào cũng cảm thấy có lỗi của ông ta. Rồi mười
ngày, nửa tháng nữa trôi qua, chắc là ông ấy không nói cho thằng Long biết về mình rồi, chị bực tức
nghĩ thầm. Thôi ráng chờ cho hết ngày hôm nay, tới tối nếu cũng chưa có tin gì thì sáng mai nhất
định phải điện thoại cho ông ta lần nữa. Chị lên giường đi ngủ sớm mà lòng áy náy không yên.

Chiếc điện thoại cầm tay để sẵn trên đầu nằm bỗng rung lên, nhạc đổ hồi  khiến chị giật mình vói tay
chộp lấy, ai mà gọi vào giờ này? Hình như là số máy lạ, chị hồi hộp, có lẽ nào là thằng Long?

Chị lên tiếng:

- Alô!

Một giọng nhẹ nhàng rặt miền Nam trả lời:

- Dạ xin hỏi đây có phải là số của dì Huệ không ạ?

Chị giật thót người, đúng là Long rồi. Chị mừng rỡ reo lên:

- Phải, phải rồi, dì Huệ đây, con có phải là Long đó không?

- Dạ, cháu là Long đây dì. Làm phiền dì giữa đêm hôm, cháu mới đi công tác về và gọi cho ba cháu
hỏi thăm sức khỏe. Ba cháu kể chuyện dì  tìm cháu, và giục cháu gọi cho dì. Mừng quá cháu gọi 
liền  không thể chờ đến sáng mai được. Dì có buồn ngủ không, dì có thức để nói chuyện với cháu
được không?

- Có, có Long ơi, dì chờ cuộc điện thoại này lâu lắm rồi.

Vây là Huệ tỉnh táo hẳn, cầm máy ra ngoài phòng khách chuẩn bị cho cuộc nói chuyện chắc chắn sẽ
kéo dài của hai dì cháu. Ôi biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, bao dâu bể cuộc đời mà hôm nay chị
mới có dịp kể cho cháu nghe. Riêng phần Long cũng trải qua rất nhiều thăng trầm gian nan trong
cuộc sống mà Huệ không ngờ tới. Chị nghe Long kể về đời nó mà nước mắt cứ ứa ra thương cảm.

Giọng Long đều đều:

- Thì ra mẹ ruột cháu qua đời sớm quá, hồi tối nay cháu nghe ba kể mới hay. Thật lòng cháu rất mù
mờ về thân thế của mình dẫu rằng năm cháu chừng hai mươi tuổi ba cháu và mẹ Hồng đã kêu cháu
lại và kể về chuyện cháu không phải là con ruột của bà. Hai người chỉ nói qua loa rằng mẹ ruột cháu
lấy ba cháu và sinh con nhưng vì hoàn cảnh gia đình không thể cưu mang nên giao lại cho hai người
nuôi. Cháu nghe chuyện cũng có ý oán trách mẹ ruột của mình sao nở bỏ rơi cháu khi còn trứng
nước nhưng rồi cháu suy nghĩ chắc mẹ cũng có nỗi khổ riêng. Lâu nay cháu vẫn tưởng bà đang còn
tại thế nhưng chẳng biết ở đâu mà tìm. Nghe mang máng chừng đâu như mẹ Lan cháu ngày xưa ở
Bình thuận, vậy là cách đây mấy năm có dịp đi công tác về đó, cháu ghé vào nhưng rồi cảnh lạ
người xa, biết hỏi ai. Cháu đứng ngẩn ngơ một lúc rồi lên xe đi lại mà lòng cứ bâng khuâng buồn bã.
Cháu lớn lên ở Bình dương mà hồi đó gọi là tỉnh Sông Bé. Dì biết không, lúc cháu vào học cấp
một, mỗi lần ba cháu đi họp phụ huynh cho cháu là ai cũng ngạc nhiên hỏi: ‘’Cha mẹ nó đâu mà để
ông nội đi thay?’’ thì dì cứ tưởng tượng là ba cháu già đến mức nào. Nhưng cháu nào có suy nghĩ
chi về chuyện đó, dù tình cảm của hai người dành cho cháu rất lạnh nhạt. Mỗi lần cháu làm sai trái
điều chi là mẹ Hồng hết lời mắng mỏ trong khi ba cháu dửng dưng quay đi không một lời bênh vực.

- Còn nữa, lúc cháu mới lên mười hai tuổi vào học lớp sáu là ba mẹ gởi cháu vào trường Thiếu sinh
quân luôn đó dì. Cháu dù không muốn chút nào nhưng làm sao cãi lại lời người lớn. Phía bên bà
con anh em của mẹ Hồng toàn làm lớn trong ngành công an nên mẹ Hồng bảo là sẽ tạo điều kiện
cho cháu sau này. Cháu làm quen với môi trường tập thể quá sớm, quá kỹ luật và cứng nhắc, rất
thiếu thốn tình cảm gia đình. Thời gian đầu cháu buồn và khóc suốt, luôn thắc mắc không hiểu sao
ba mẹ chẳng thương yêu mình mà nở đẩy mình đi như vậy. Rồi cháu cũng học hết lớp mười hai và
thi vào Đại học An ninh như ý nguyện mẹ Hồng. Sau bốn năm học gian khổ rèn luyện để có thể trở
thành một cảnh sát hình sự cháu ra trường và được phân công về Sài gòn bắt đầu cuộc sống của
một trinh sát chuyên phá các vụ án về ma túy. Mà dì lạ gì các băng nhóm ma túy nữa, cháu như một
người sống hai mặt tiếp xúc với tội phạm và cái chết trắng hằng ngày. Trên người cháu không biết
bao nhiêu là vết sẹo lớn nhỏ đó dì. Có thể nói cháu như hạt gạo trên sàng, cả chục lần thoát chết
trong gang tấc. Cứ mỗi lần ra đi làm nhiệm vụ là đối diện với thương tật, chết chóc nên rồi cũng lì ra,
chỉ thương vợ con cháu, toàn sống trong âu lo thắc thỏm chờ chồng. Mãi đến hơn ba mươi tuổi
cháu mới lập gia đình mà người vợ này cũng là do mẹ Hồng mai mối cho chớ cháu đi suốt thì làm
sao tìm hiểu được ai. Bây giờ cũng vậy, nay cháu ở Sài gòn nhưng có tình hình khó khăn khẩn cấp
gì là cấp trên lại điều cháu đi khắp nơi, từ thành thị nông thôn đến biên giới xa xôi. Do vậy ba cháu
nói rất khó liên lạc với cháu là đúng dì à!

Cứ thế, dì và cháu rì rầm to nhỏ với nhau quên cả thời gian. Chị Huệ chợt nhìn lên đồng hồ treo
tường, ôi, đã quá mười hai giờ khuya rồi kia à! Bên kia đầu dây, Long, người đối thoại hình như
cũng đồng cảm với dì của mình và bất giác hỏi:

- Dì ơi, khuya quá rồi phải không? Cháu quên mất là ngày mai dì còn phải đi chợ sớm. Thôi, dì cháu
mình tạm ngưng nói chuyện ở đây nghe, cháu hứa sẽ có một ngày sớm nhất trong nay mai khi nào
có dịp đi công tác lên đó sẽ ghé thăm gia đình dì, mấy cậu, các em rồi còn ra mộ bà ngoại và mẹ
Lan của cháu để thắp nén hương tưởng nhớ nữa chớ, phải không dì?

- Ừ, dì cũng chỉ mong như vậy thôi.  Bây giờ cũng đã khuya rồi, con chắc đi công tác về cũng mệt
lắm cần phải nghỉ ngơi. Vậy nghe, chúc con khỏe, và hẹn gặp con…

Huệ thở phào như cất được gánh nặng trong lòng. Vậy là yên tâm rồi, Long đã hứa mai mốt đây nó
sẽ ghé thăm mình, ôi thằng cháu lần đầu gặp lại dù chỉ qua điện thoại, qua giọng nói mà chứa chan
tình cảm như có sợi dây thiêng liêng ràng buộc tự bao giờ. Chị chìm dần vào giấc ngủ ngon với nụ
cười mãn nguyện trên môi, trong cơn mơ đoàn tụ đẹp đẽ, thấp thoáng bóng đứa cháu vừa tìm lại
được. Mạ ơi, chị Lan ơi, hai người có thể yên tâm mỉm cười nơi chốn vĩnh hằng rồi đó…

(hết)
        
TN
12/2013
Chin Bon
Chin Bon