Lấy Chồng Xa

                   Má ơi đừng gả con xa
                  Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, người con gái thuở xưa đã từng thống thiết van nài như thế. Tôi không biết riêng chị đã có bao giờ “Ngóng về quê mẹ, ruột đau chín chiều” hay chưa?

Chị hiền lành và học hành giỏi giang. Năm mười bảy tuổi, ba mẹ lo cho chị đi du học. Một tương lai sáng ngời chờ đợi chị. Nhưng vận nước đổi thay, kéo theo cuộc đời chị, thân tự lập thân. Thế là từ đó, nơi xứ lạ quê người, chị phải vừa học hành, bương chải cho đời sống cá nhân, vừa phải tự quyết định những điều quan trọng, quá mức so với tuổi đời non nớt của chị. Ngày chị gặp lại ba mẹ và anh chị em mình thì chị đã là người mẹ có ba đứa con. Chị có bằng cấp cao với một công việc làm vững vàng, lo cho chồng và các con chu đáo. Cả mấy anh chị em trong nhà dường như không ai quán xuyến gia đình được như chị. Mặc dầu chị bước ra đời không có bàn tay mẹ chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, không có lời ba bảo ban dạy dỗ, không có ánh mắt lo lắng của người thân khi trái nắng trở trời. Chị một mình bước đi những bước lẻ loi, thật từ tốn nhưng vững vàng. Những năm kinh tế trong nước còn khó khăn, dù ở phương xa đang phải vừa đi học vừa đi làm trong hoàn cảnh rất đơn chiếc, chị còn gồng gánh, chu cấp cho gia đình hai bên những thùng quà nặng lòng thương yêu, không so đo tính toán. Ngoài ra, chị còn giang rộng đôi tay yếu đuối của mình cưu mang đứa cháu nhỏ của chị, lo cho cháu ăn học đến nơi đến chốn, dựng vợ gả chồng. Chị đích thực xem cháu như một phần máu mủ của người anh trai đã vắng số, vùi nắm xương tàn nơi trại tù cải tạo. Tấm lòng của chị thật bao la như biển cả.

Ba mẹ không gả chị đi lấy chồng xa, để chị phải than thân trách phận như người con gái trong câu ca dao. Không thể hiểu là duyên phận hay tình yêu nồng nàn đã trói buộc đời chị, để chị mãi là cánh chim bạt xứ, lìa xa tổ ấm tự tìm cách mưu sinh. Mỗi năm một lần, chị bay hàng vạn dặm từ miền nam bán cầu sang đây thăm ba mẹ và các anh chị em. Chị không vơi nước mắt khi nhìn thấy ba mẹ đã quá già yếu. Chị dành tất cả thời gian nghỉ phép để kề cận ba mẹ. Chị thu dọn nhà cửa, nấu nướng chăm sóc ba mẹ bằng tất cả tình thương của đứa con gái đã sớm lìa gia đình năm mười bảy tuổi. Nhìn chị tỉ mỉ lau dọn bếp núc, xếp đặt mọi thứ lại cho ngăn nắp, cử chỉ của chị thật khoan thai, nhẹ nhàng, như đang thụ hưởng niềm hạnh phúc. Ba mẹ chị đã trên tám mươi. Chị luôn dịu dàng chịu đựng trước những chuyện trái tánh trái nết, hay hờn dỗi của ba mẹ già. Chị chưa bao giờ tỏ ra bực dọc hay khó chịu. Từ thâm tâm chị hiểu rằng: Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con thì mồ côi … Thời gian để cho chị còn tận hưởng niềm hạnh phúc bên cha mẹ còn ít lắm, chị lặng lẽ giấu mặt, nước mắt rơi lả chả.

Tôi chưa có may mắn gặp chị một lần, chỉ nhìn thấy hình ảnh chị qua những tấm hình bạn gởi, chị trẻ hơn so với tuổi đời. Chị thật đơn giản, thanh thoát và nhẹ nhàng như tâm hồn bao dung của chị mà tôi cảm nhận được, qua những câu chuyện rất tình cờ, vô tư. Tự dưng, trong lòng tôi cảm thấy rất gần gủi, thân quen.

Chị chính là hình ảnh một người con gái Việt Nam man mác trong những lời ca dao êm đềm tôi hằng nghe mẹ ru thuở nhỏ. Người chị đi lấy chồng xa, thuở quê hương tôi còn chiến chinh tan tác. Người chị thời đó, mỗi lần muốn về thăm cha mẹ ruột, nhìn đôi khuôn mặt già nua của hai đấng sinh thành dăm ba phút, phải băng sông lội bộ từ làng nọ sang làng kia cả ngày trời. Văng vẳng bên tai còn nghe lời người hàng xóm chế giểu: Cha mẹ thích ăn cá thu, gả con xuống biển … mù mù tăm tăm.

Chị là hình ảnh người con gái thời nay, từ nơi chị lập nghiệp và xây dựng mái ấm gia đình, muốn nghe tiếng nói của ba mẹ hay nhìn hình ảnh cũng không còn là chuyện ngăn sông cách núi nữa. Mỗi năm một lần, chị bay sang ở gần ba mẹ vài ngày, ăn chung với hai cụ vài bữa ăn và lặng lẽ rơi nước mắt khi nhận ra đoạn đường gần với cha mẹ không còn dài nữa, đó là một trong những vô thường của đời sống. Tấm lòng của chị còn mênh mông hơn biển.

Ba mẹ chị không thích ăn cá thu, cũng không gả chị đi lấy chồng xa, vậy mà chị đã đi thật xa, chắc là duyên phận. Nơi chị đang sống là phố thị phồn hoa, không nghe tiếng chim kêu vượn hú, nhưng tôi chắc, lòng chị lúc nào cũng khắc khoải …

Chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lấy, lấy chồng xa,
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm, đôi đũa, tách trà ai dâng


Nguyễn Diệu Anh Trinh
Thương mến tặng Chị
Atlanta 10/2012