Thưa Ba Mẹ, các Cậu Dì, các anh chị, và các bạn,

Hôm nay, ngày 28 tháng 12, năm 2013, đại gia đình Nguyễn Đăng làm lễ Đại Thọ Cửu Tuần cho Ba Mẹ, Ông Bà
Nguyễn Đăng Ngọc. Trong buổi lễ này, là người con thứ bảy trong đại gia đình 20 trai gái, dâu rễ, 26 cháu nội
ngoại, 6 chắt, và sẽ thêm một vài chắt nữa trong tương lai rất gần, đương nhiên cá nhân tôi cũng như gia đình
riêng và tất cả các con, các cháu khác trong gia đình, đều muốn gởi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới ông bà và
mong ông bà sống lâu trên trăm tuổi. Nhưng những lời chúc tụng, hoặc những lời nói như: chúng con thương Ba
Mẹ lắm, Ba Mẹ không những là Ba Mẹ, mà còn là người bạn thân thiết nhất, … v.v, mặt dầu nó nói lên cái tình
thương các con, các cháu dành cho Ông Bà, nhưng có cái tình thương rất đặc biệt mà Ông Bà dành cho nhau thì
không thể nào không nhắc đến.

Ba Mẹ tôi lúc lấy nhau, lúc đó vừa vào tuổi đôi mươi, như vậy cũng gần 70 năm cùng nhau chia sẻ cái thăng trầm
cuả cuộc sống. Hồi đó, một chàng trai trẻ đất thần kinh, cùng cô tiểu thư xứ Huế, hăng hái đưa nhau đi xây dựng
tương lai cho một gia đình riêng và cho những ước mơ xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và văn
minh. Ông bà không quản ngại gian lao, khổ cực, đi dạy ở những vùng quê hẻo lánh ở ngoài Bắc như các làng
Chương Dương, Nam Đàn, hoặc những điạ danh như TP Vinh, Hà Nội, … Nơi đất bắc, cô tiểu thư xứ Huế nhiều
hôm phải ôm con ngồi khóc, phần là nhớ nhà, phần là buồn nỗi cơ cực ở nơi xứ người, nhưng bà vẫn cương quyết
cùng chồng xây dựng một gia đình không nhỏ, gồm ba trai, một gái. Rồi sau 54, ông bà lại tiếp tục con đường dạy
học, góp phần xây dựng và phát triển nền giáo dục ở Huế, ở Tuy Hòa, ở Quảng Trị, và đặc biệt là ở Đà Nẵng với
việc phát triển trường Trung Học Phan Chu Trinh. Rồi gia đình không nhỏ, trở thành một đại gia đình với bốn trai,
sáu gái. Ba tôi sinh ra để làm thầy giáo, nhưng tôi thiết nghĩ, nếu không có sự ủng hộ trong âm thầm của mẹ tôi ở
phía sau, liệu Ba tôi có thể làm hết được trọn vẹn những điều ước muốn của một vị thầy giáo đáng kính hay không.
Sau lớn lên, tôi được may mắn gặp lại các anh chị học trò cũ của Ba tôi ở nhiều nơi trên thế giới. Ai ai cũng bùi
ngùi kể lại những kỷ niệm thân thương với người thầy cũ, nhưng cũng không quên nhắc và hỏi thăm đến Cô, và
những kỷ niệm đẹp với thầy và cô.

Ba Mẹ tôi còn là chứng nhân của lịch sử thăng trầm của nước Việt Nam. Từ việc Việt Minh thắng Pháp, rồi tới
Hiệp Định 54, rồi tới việc cải cách ruộng đất ở miền bắc, rồi chuyệnTết Mậu Thân, rồi mùa hè đỏ lửa 72, rồi cái
kinh hoàng của biến cố 75, ba mẹ tôi đều chứng kiến và trải qua tẩt cả. Cái điều đáng nói lên nhất, là trong những
cái thăng trầm này, ba mẹ tôi luôn nhẫn nhục, khiêm tốn, lo lắng nuôi dạy 10 đứa con cho thành tài, và lo cho anh
em chúng tôi được sống trong một môi trường tự do, không bị bức ép.

Cách đây 5 năm, tôi có ghé Singapore. Nhân dịp đó, tôi đi mua sắm qùa cho gia đình. Tôi có ghé một tiệm nữ
trang, và cô bán hàng giới thiệu cho tôi đôi bông tai gọi là Mandarin Ducks để mua cho bà xã. Theo tiếng Việt
Nam, gọi là Vịt Uyên Ương. Sau này, tôi có dịp đọc và tìm hiểu thêm về vịt uyên ương, thì tôi nghĩ đến Ba Mẹ tôi.
Cái đặc điểm của vịt này là khi thành đôi, chúng ở với nhau suốt đời. Vịt này rất nhỏ nhắn, con trống có bộ lông rất
đẹp nhưng không sặc sở, không phô trương phù phiếm. Vịt trống còn được gọi là con Uyên, và vịt cái gọi là con
Ương. Con Ương có nhiệm vụ đẻ và ấp trứng, nhưng khi vịt con nở ra, thì con Uyên trở về để cùng chăm nuôi đàn
vịt. Trong phong thủy, người ta hay treo hình vịt Uyên Ương, với niềm hy vọng là hạnh phúc gia đình của họ cũng tồn
tại lâu dài như gia đình vịt Uyên Ương vậy. Trong nhà tôi, thay vì treo hình Uyên Ương, tôi lại treo hình Ba Mẹ, với
ước ao, là hạnh phúc của gia đình tôi cũng được bền vững như của Ba Mẹ.

Hiện giờ, có một bức tranh phong thủy mà rất được nhiều người yêu thích gọi là Soul Mates, xin dịch là Tri Kỷ. 
Người ta treo bức tranh Tri Kỷ trong nhà, với hy vọng là nó đem lại cho họ hạnh phúc, ấm êm trong gia đình. Nhưng
đối với tôi, bức tranh Tri Kỷ này, là biểu hiện cái tình yêu thương của Ba Mẹ tôi đã từng trải và dành cho nhau trong
gần 70 năm qua. Bức tranh Tri Kỷ, bao gồm đôi Uyên Ương, tượng trưng cho hai ông bà, mặt trời và mặt trăng
(âm dương) trượng trưng cho cuộc sống hài hoà với trời đất, và một cặp hoa Sen, tượng trưng cho tình yêu tinh
kiết của ông bà dành cho nhau.
Gia Đình chúng con xin kính tặng Ba Mẹ nhân dịp lễ Đại Thọ 90.

NĐK