Lời tuyên thệ của người thầy thuốc
GS Bùi Duy Tâm, Khoa Trưởng
Đại Học Y Khoa Huế (1967-1972)

        Tình cờ tôi đọc được bài “Viết cho con ngày tốt nghiệp” đăng trên trang mạng Quê Choa ngày 21/10/2013 theo blog Cánh Cò. Nội dung của bài viết như là một lời tâm sự của bà mẹ với người con là một bác sỹ y khoa ra trường được một năm, phần chính yếu của bài viết nhằm mạn đàm về lời thề của sinh viên y khoa nước ta ngày nay.
        Là một cán bộ giảng dạy của trường Y khoa Huế, nhiều năm tôi cũng được nghe lời thề này (1) nhân ngày lễ ra trường của sinh viên y khoa, đôi khi tôi cũng muốn đóng góp cho nội dung của lời thề này, nhưng nghĩ lại “liệu mình góp ý mà có ai nghe không?” Nên thôi đành chấp nhận như vậy.
        Đọc kĩ bài viết, tôi thấy tác giả có nhiều nhận định sâu sắc về nội dung của lời thề, tôi không bàn luận gì thêm. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn từ lâu rồi, đó là tôi vẫn thấy thiếu ba điều mà trong lời thề không nói đến. Thứ nhất, lời thề trước nhiều yếu tố, kể cả trước cán bộ công nhân viên, trước đồng nghiệp tức là trước bạn bè thế mà không hề nhắc đến cha mẹ, những bậc sinh thành, mà chính họ đã trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả nuôi dưỡng mình ăn học nên người. Không biết tác giả bài “viết cho con…” có thấy buồn tủi khi dự buổi lễ ra trường của con mình, nghe con đọc lời thề mà không
hề nhắc đến mình hay không? Nhưng đối với tôi, điều đó làm tôi cảm thấy phần nào hụt hẫng cho thân phận làm cha làm mẹ, chính vì vậy lúc con tôi, cũng là sinh viên Y khoa Huế làm lễ ra trường tôi đã không vào trong hội trường dự lễ như mọi năm. Tuy nhiên hôm đó gia đình tôi vẫn có mặt ở sân trường cùng với nhiều bậc cha mẹ của các SV khác nữa. Chúng tôi chờ ngoài hội trường diễn ra buổi lễ, có nhiều phụ huynh khép nép ở phía cửa ra vào chỉ để lén nhìn niềm tự hào của mình sắp sửa bước vào đời, trong trang phục như thế nào và nhận chiếc bằng tốt nghiệp ra sao? Nhiều bậc cha mẹ rất sung sướng với lần đầu tiên đến trường đại học, chờ đợi dưới những gốc cây của ngày nắng hạ để chứng kiến ngày thành danh của con mình, để chờ chụp vài tấm ảnh kỷ niệm với đứa con thương yêu của mình trong bộ áo mão cùng tấm bằng bác sỹ trên tay. Thật sự lễ tốt nghiệp hằng năm, trường tôi không mời phụ huynh đến tham dự vì vậy trong hội trường không dành riêng chỗ cho cha mẹ của các tân khoa, đây là một sự khác biệt với các nước khác mà tôi biết như Hoa Kỳ, Úc và nhiều nước trên thế giới, ngày ra trường của con luôn luôn mời cha mẹ và gia đình đến dự. Điều thứ hai mà tôi thấy còn thiếu sót đó là trong lời thề không thấy nói đến thề trước lương tâm chức nghiệp của chính người bác sỹ, tôi nghĩ rằng trước lương tâm của chính mình là điều quan trọng nhất. Điều cuối cùng, nếu các trường y của chúng ta có sinh viên nước ngoài học, hay cũng đã có sinh viên nước ngoài đến học rồi như: SV Lào, Campuchia thì họ sẽ suy nghĩ như thế nào khi họ đọc lời thề chỉ mang tính cục bộ cho SV Việt Nam…Hay là chúng ta cũng có một lời thề dành riêng cho SV nước ngoài học y khoa tại Việt Nam mà tôi chưa biết.
       Tôi còn nhớ rất rõ, năm thứ nhất, thầy tôi đã dạy cho chúng tôi về lời tuyên thệ của người thầy thuốc.
Vào một buổi chiều đầu xuân năm 1972, sắp tan học rồi, bỗng nhiên: “Nghe thông báo đây! nghe thông báo đây!” giọng nói dõng dạc của bạn lớp trưởng vang lên: “Ngày mai GS Khoa trưởng Bùi Duy Tâm sẽ dạy lớp mình”, cả lớp reo hò, vui vẻ lắm. SV mới vào trường mà được Khoa trưởng (bây giờ gọi là Hiệu trưởng) dạy thì còn gì hạnh phúc và vinh dự bằng, hơn nữa GS khi đó đang ở Sài Gòn, trường chúng tôi lại ở Huế, điều đó khiến chúng tôi rất khó hiểu là làm Khoa trưởng Y khoa Huế mà ở tận trong Sài Gòn.
       Chúng tôi ai nấy đều chuẩn bị tinh thần để được học với Khoa trưởng, sáng hôm đó tôi rất háo hức, đến trường từ sớm để mong được ngồi bàn đầu, nhưng không ngờ khi đến nơi thì đã hơn nửa lớp có mặt, điều đó cho thấy rằng tinh thần học tập của lớp tôi rất cao. Gần bảy giờ, một chiếc ô tô chạy vào trường, chúng tôi đoán chắc là xe đưa Khoa trưởng đến dạy chúng tôi. Mọi người trong lớp ai nấy đều hồi hộp gần như nín thở chờ đợi. Một lúc sau, một người đàn ông ăn mặc giản dị, cao vừa tầm, khuôn mặt chữ điền với vầng trán cao, bước vào giảng đường, chúng tôi nhanh chóng nghiêm trang đứng dậy chào. Thầy còn rất trẻ, nói giọng Bắc, có lẽ khi đó tuổi chưa quá 40, chúng tôi thì thầm: “trẻ thế mà đã làm Khoa trưởng nhiều năm rồi”.
Nhiều thế hệ SVYK Huế
ra trường trước năm 1975
       Tôi còn nhớ lần đó Thầy không dạy chúng tôi những bài chuyên môn của năm thứ nhất như sinh lý, sinh hoá, giải phẫu mà Thầy chỉ giảng giải như buổi nói chuyện về y thuật, y đạo và phương hướng phát triển sắc thái riêng của Trường Đại học Y khoa Huế.
Buổi đầu tiên, ngoài việc giảng về đạo đức, lương tâm của người Thầy thuốc, Thầy còn giảng về con đường phát triển của y khoa Huế, vì sao giảng dạy y lý đông phương tại đây, Thầy có cho chúng tôi xem những bài viết
đăng trên các báo tại Sài Gòn và báo nước ngoài về cải cách nền giáo dục y khoa tại Huế, có một tính chất đặc biệt, bên cạnh Tây y có giảng dạy y lý Đông phương. Bên cạnh học tiếng Anh, Pháp có học tiếng Hán.
       Buổi thứ hai, Thầy diễn giải rất rõ tại sao lại có lời tuyên thệ của người thầy thuốc ở Đại Học Y khoa Huế mang một sắc thái riêng, khác với y khoa Sài Gòn, khác với lời thề Hippocrates ngày xưa. Lời tuyên thệ và các bài phỏng vấn Thầy cũng được đăng trên các báo tại Sài Gòn thời bấy giờ.
       Lớp tôi là những SVYK Huế vào trường năm 1971, ra trường sau năm 1975. Ngày ra trường chúng tôi nhận quyết định lên đường, không lễ tốt nghiệp, không áo mão, không tuyên thệ, không bằng cấp (2), chỉ tổ chức một buổi liên hoan đạm bạc chia tay thầy cô và bạn bè.
       Tôi chỉ nhớ những lời Thầy dạy năm xưa như kim chỉ nam, như là hành trang cho bước đường hành nghề y đạo vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo của chính mình cho đến hôm nay và mãi mãi về sau.
       Tôi xin ghi lại lời tuyên thệ do GS Bùi Duy Tâm biên soạn và những diễn giải của Thầy. Lời tuyên thệ này đã được SVYK Huế tuyên thệ trong các lễ đề biện luận án (lễ ra trường) từ khóa đầu tiên niên khóa 1967-1968 cho đến năm 1975.


LỜI TUYÊN THỆ CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC

Trước đấng tối cao mà tôi tin tưởng
Trước các Y Tổ của thế giới và Việt Nam Hippocrates và Hải Thượng Lãn Ông
Trước các Thầy và các Bạn Đồng Môn đã gây dựng y-nghiệp cho tôi
Trước các Bậc Sinh Thành ra tôi
Và nhất là trước lương tâm chức nghiệp của chính tôi


TÔI XIN TUYÊN THỆ


        Coi nghề Thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại,
       Trong khi hành nghề, tôi chỉ dùng mọi hiểu biết về người bệnh để phục vụ Y-Đạo,
       Vì tình yêu tổ quốc, tôi sẽ cố phát triển những sắc thái
đặc biệt của nền y học Việt Nam,
       Vì tình yêu thương nhân loại, tôi sẽ cứu tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ những ai có khả năng và thiện chí,
       Vì tôn trọng sinh mạng của người bệnh và tư tưởng cao đẹp của nghề Thầy thuốc, tôi sẽ phải học hỏi và nghiên cứu trọn đời,
       Hôm nay chỉ mới là bắt đầu. 


       GS Bùi Duy Tâm giải thích cho chúng tôi tại sao lại biên soạn lời tuyên thệ này, Thầy cho biết lời thề Hippocrates chỉ có một giá trị lịch sử, đánh dấu một giai đoạn căn bản cho nền y học, còn lời tuyên thệ của người thầy thuốc cần phải đổi lại cho thích hợp. Thầy bảo lời tuyên thệ này mang một triết lý Nho học mà người Việt chúng ta quen thuộc.
       Trong đoạn mở đầu mang ý ngh
ĩa Quân-Sư-Phụ. Thực vậy, Quân là đấng tối cao, là các Y Tổ, như vậy mỗi tân khoa có thể có một đấng tối cao riêng biệt có thể là Đức Phật, có thể là Đức Chúa…Sư là các thầy, là bạn đồng môn, Phụ là cha mẹ, gia đình vì buổi lễ trang trọng ngày ra trường của các tân khoa bác sỹ bao giờ cũng có cha mẹ, anh em đến dự, khi nghe lời tuyên thệ có mình trong đó, cha mẹ suốt cả cuộc đời hy sinh cho con cái thì không thể không xúc động. Nhiều bậc sinh thành đã bật khóc vì sung sướng khi nghe con mình tuyên thệ ra trường, hạnh phúc cho con mình sắp bước chân vào đời. Về điểm các tân khoa phải thề trước lương tâm chức nghiệp của chính tôi, GS Tâm cho biết: “Tôi là cái đáng ghét nhưng cũng là cái tối quan trọng”. Đúng vậy, không có một tòa án nào quang minh chính đại hơn tòa án lương tâm khi phải phán xét những sai sót của chính mình. 
       Trong phần tuyên thệ thể hiện quan niệm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” khi bác sỹ tân khoa thề sẽ học hỏi, nghiên cứu trọn đời, thề chỉ biết về người bệnh để phục vụ Y-Đạo, thề sẽ phát triển sắc thái đặc biệt của nền y học Việt Nam, thề sẽ cứu tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ những ai có khả năng và thiện chí.
       Thầy còn giảng thêm trong lời tuyên thệ còn có
điểm “chính tâm” khi các tân khoa thề coi nghề thầy thuốc mà mình đã tự chọn như một con đường cứu người giúp đời chứ không xem như một phương tiện thương mại và một điểm khiêm nhượng khi các tân khoa chấm dứt lời tuyên thệ bằng câu “hôm nay chỉ mới là bắt đầu”.
       Để kết thúc bài diễn giảng về lời tuyên thệ, Thầy cho rằng trong tương lai nền y học của Việt Nam sẽ phát triển, khi đó sẽ có sinh viên nước ngoài vào học y khoa tại Huế. Đối với sinh viên nước ngoài thì lời tuyên thệ này có vài thay đổi cho phù hợp với từng sinh viên có quốc tịch khác nhau. Thay tên Việt Nam bằng tên Quốc gia của người tuyên thệ và thay tên Hải Thượng Lãn Ông bằng tên Y tổ của quốc gia người tuyên thệ. Thực hiện được như thế mới trọn vẹn đối với sinh viên nước ngoài.
       Là một thầy thuốc và thầy giáo của Trường
Đại Học Y Dược Huế vừa mới nghỉ hưu năm 2012, nhân đọc bài “Viết cho con ngày tốt nghiệp”, tôi xin ghi lại những dòng mà các Thầy đã dạy tôi năm xưa như là một lời giáo huấn đến các con tôi trên bước đường phục vụ Y-Đạo cho tổ quốc, cho nhân dân.
       Đã mấy mươi năm làm việc trong ngành y, yêu nghề, yêu người, nhưng hành nghề y cũng lắm gian truân để đạt được hoàn hảo trong nghĩa cử cao đẹp là cứu người giúp đời, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến các con tôi biết rằng: sai sót, tai biến y khoa và tai nạn nghề nghiệp luôn luôn rình rập và sẵn sàng hủy hoại cuộc
đời của một bác sỹ y khoa bất cứ khi nào.

BS Tr
n Đc Thái
Hu
ế, mùa thu năm Quý T

Chú thích:
(1).
Lời th trong bài “Viết cho con ngày tt nghip” có ni  dung gn ging như li th ca sinh viên Trưng Đi Hc Y Dưc Huế dưi đây.

                         LỜI THỀ TỐT NGHIỆP
                    CỦA NGƯỜI CÁN BỘ Y TẾ VIỆT NAM

Sau nhiều năm học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được các thầy giáo, cô giáo hết lòng dạy dỗ, dìu dắt, được các bạn cùng học chân tình giúp đỡ.

Trong buổi lễ tốt nghiệp trọng thể này.
          + Dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc,
          + Dưới chân dung của Hồ chủ tịch muôn vàn kính yêu,
          + Trước các thầy giáo và các cán bộ công nhân viên kính mến,
          + Trước các bạn đồng học thân thiết,


                                       TÔI XIN THỀ

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, phấn đấu hết sức mình để bảo vệ và xây dựng đất nước thân yêu.
2. Luôn luôn tôn trọng Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh các quan điểm và quy định của ngành y tế Việt Nam, không bao giờ có những hành động làm ảnh hưởng đến truyền thống nhà trường, trái với lương tâm người cán bộ y tế nhân dân.
3. Giữ gìn bí mật nghề nghiệp, tôn trọng phẩm chất người bệnh, hết lòng hết sức phục vụ sức khỏe nhân dân, làm đúng lời dạy của Hồ chủ tịch: Lương y như từ mẫu.
4. Khiêm tốn, đoàn kết và hợp tác chân thành với các bạn đồng nghiệp, yêu ngành, yêu nghề, tự hào chính đáng với công việc của chính mình.
5. Vì sự nghiệp tạo nên sức khỏe và
đem lại hạnh phúc cho nhân dân, tôi nguyện tích cực lao động và học tập, phấn đấu không mệt mỏi nâng cao trình độ chính trị và khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam.

                                  XIN THỀ
                                  XIN THỀ
                                  XIN THỀ

(2).
Sau năm 1975, sinh viên chúng tôi (nhiều khóa) ra trường chỉ nhận quyết định lên đường đi nhận nhiệm sở, sau tối thiểu 2 năm công tác, được cơ quan chủ quản cấp giấy chứng nhận công tác tốt, trình
độ giác ngộ cách mạng cao, tức là vừa hồng vừa chuyên. Hồ sơ chuyển về trường cứu xét, sau đó trường cấp bằng tốt nghiệp Bác Sỹ Y Khoa. Quy định này xem qua có vẻ đơn giản, nhưng lại rất phiền phức đối với những sinh viên được phân lên miền núi, đi vùng sâu, vùng xa…SV làm việc một thời gian, chịu không nổi bỏ về thành phố hoặc vô Nam thì việc được cấp bằng tốt nghiêp trở nên khó khăn, phức tạp. Về sau quy định này được bãi bỏ không rõ vào năm nào, SV ra trường là nhận bằng tốt nghiệp luôn.