Lưu ảnh Văn Hoá bộ tộc trong Lễ Tết đầu năm (Tặng nhóm chín4-Hồng Đức)

Thật khó tách rời từng phong tục riêng biệt khi muốn nói về các phong tục mang nhiều sắc thái văn hoá bộ tộc như tục Hơ lửa, Dán đào phù, Đốt pháo, Thượng nêu…thường thấy thực hiện trong các ngày lễ Tết, bắt đầu từ tối 29 hay 30 tháng Chạp năm Âm lịch, nhằm lúc năm cũ vừa hết, năm mới vừa sang, tức Đêm Giao thừa, cũng gọi là Đêm Trừ tịch.
Qua nghi thức diễn lại những phong tục tiêu biểu trong ngày Lễ Tết, từng mảnh lưu ảnh văn hoá bộ tộc đã được soi sáng, phản ánh đời sống văn hoá của từng nhóm cư dân sống rải rác từ lục địa Trung Hoa đến khắp bán đảo Ấn Trung và ra tận các hải đảo xa xôi. 
Lễ nghi, phong tục được lựa chọn để diễn tả sắc thái bộ tộc vốn mang nhiều nét đặc trưng nhất. 
Một yếu tố khác thuộc về văn hoá bộ tộc là những lễ nghi, phong tục thực hiện trong dịp đầu Năm Mới luôn luôn mang tính tập trung, đồng bộ hơn bất cứ một lễ nghi, phong tục nào khác thực hiện trong năm. Lấy phong tục Uống Mừng Năm Mới của bộ tộc Gia rai trên Cao nguyên Trung phần, gọi là lễ Mnăm Thun tổ chức trong mùa khô ráo làm thí dụ điển hình.
Mnăm Thun là một lễ Tết quan trọng của bộ tộc Gia rai, nhưng không mang tính phổ cập và đồng bộ, nên không đủ tính cách tiêu biểu, đặc trưng văn hoá cho bộ tộc Gia rai. Muốn thực hiện được Lễ Tết này, phải là người giàu có, dư dả của cải mới đủ khả năng giết nhiều trâu, nhiều heo để đãi khách bạn ăn uống trong nhiều ngày, thành ra nhà nghèo không thể cử hành Lễ Tết này được, không thể tham dự Lễ Tết này được, mặc dầu dân chúng bộ tộc Gia rai ai cũng biết Mnăm Thun là một trong ba Lễ Tết của dân tộc mình. Trái lại lễ Ăn Cơm Mới (Hua esei Mrăo) có tính phổ cập hơn, được cử hành khắp mọi nhà không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Đã là dân bộ tộc Gia rai ai cũng phải chuẩn bị theo khả năng kinh tế gia đình cho phép, nô nức thực hiện lễ Ăn Cơm Mới đúng theo lễ nghi như cha ông họ đã để lại.
Một vài phong tục tiêu biểu mang đặc tính bộ tộc còn thấy được ở làng xã Việt Nam và Trung Hoa, đó là nghi thức dựng Cây Nêu trước ngõ. Giới nho gia và khối bình dân trong làng mạc Việt Nam thường dẫn giải sự tích Cây Nêu từ một lá bùa Bốn Dọc Năm Ngang mà tên chữ gọi là Tứ Tung Ngũ Hoành.
Tương truyền, mọi nhà muốn cho trọn năm tà quái không đến quấy phá nhà mình thì ngày đầu năm phải dán lên trước cửa một lá bùa Tứ Tung Ngũ Hoành và bên dưới phải viết thêm năm chữ Khương Thái Công tại thự, nghĩa là ông Khương Thái đang ở tại nhà này.
Khương Thái Công tức Khương Thượng hay Khương Tử Nha, cũng gọi là Lã Vọng hay Thái Công Vọng là người được nhân danh Thượng đế có quyền phong tước vị cho các Linh thần ở khắp mọi nơi. Luôn luôn trên tay Khương Thái Công có một ngọn roi dài gọi là Đả thần tiên, nên dù đã được phong thần rồi, các thần cũng rất sợ ngọn roi của Khương Thái Công, khi ông vung ngọn roi lên với thế tấn quyền, vun vút bốn đường dọc năm đường ngang như tia chớp. Đến các thần mà còn khiếp sợ như vậy thì nói chi tới quỷ dữ. Bởi vậy thấy bảng niêm yết trước mỗi nhà nói là ông Khương Thái đang có mặt ở đây, thì quỷ sợ hết hồn, co giò chạy trối chết, không dám ngó lui, đâu còn dám quấy phá gì được nữa! 1
Ngoài lá bùa Tứ tung ngũ hoành với tên ông Khương Thái dán trước cửa, dân chúng thôn quê Việt Nam và Trung Hoa còn có tục lệ treo lá Bùa đào hay Đào phù trước cửa nhà mình. Niềm tin truyền khẩu nói rằng cây đào là do ngũ hành kết tinh, có sức áp tà khí, chế bách quỷ nên ma quỷ thấy cây đào thì khiếp sợ. Không có cây đào thì dùng hai miếng gỗ đào, vẽ lên đó hai hình thần linh để treo ngang trước cửa chính trong ngày đầu Xuân với dụng ý trừ tà quái, đuổi ma quỷ cho thật xa. Hai vị thần được hoạ lên trên hai miếng gỗ đào là hai vị môn thần, có tên là Thần ĐồUất Luỹ, đúng hơn phải gọi là Thần ThưUất Luật. Tương truyền hai vị thần nổi danh này đã được chỉ định thường xuyên ngồi dưới gốc cây đào để đón bắt quỷ dữ.
Cây tre cao được dựng lên trước ngõ, có mang hai tấm giấy hồng đơn bay phất phơ trên cao trong mấy ngày đầu Xuân, thay cho lá đào phù, từ nay gọi là cây nêu. Ngày dựng nêu là ngày 29 hay 30 tháng Chạp Âm lịch. Lễ dựng nêu thuờng phải đốt pháo, và có cả xôi chè để cúng thần linh. Bởi vậy mới có câu:

Bộc trực nhất thanh trừ cựu tuế
Đào phù vạn hộ cánh tân xuân.

Tạm dịch:

Pháo tre một tiếng tiêu năm cũ
Bùa đào muôn ngõ vẫy xuân tươi.

Và dân gian thường nói:

Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè.


Ở thôn quê Trung Hoa và Việt Nam, việc bận rộn và quan trọng nhất trong mấy ngày Tết, có lẽ là chuyện tế Thần linh và cúng Tổ tiên. Các thần linh cần phải cúng đầu năm như Thiên thần, Táo thần, Môn thần, Tài thần, Thổ thần…thì ở đâu cũng giống nhau, nghĩa là mỗi thần linh phải có bài vị riêng, đồ cúng riêng với đầy đủ nhang đèn chưng bày đặc biệt dành cho vị thần đó. Bên cạnh các bài vị các thần linh, có trang trí bàn thờ Tổ tiên.
Ngày mồng một Tết, khi mới tờ mờ sáng, tất cả mọi người trong nhà phải thức dậy, chuẩn bị khăn áo chỉnh tề để thực hiện việc tế Thần linh và cúng Tổ tiên. Gia chủ là người có nhiệm vụ phải động thổ, tức bước xuống “đạp đất”trước hơn ai hết, rồi tự thân bước ra mở cửa nhà, mở cổng trước và khai hoả một phong pháo dài, gọi là đốt pháo khai môn. Đợi cho phong pháo nổ đến ngòi pháo cuối cùng, gia chủ cùng với toàn thể gia nhân nghiêm chỉnh tiến về các bài vị thần linh và bàn thờ tổ tiên để bắt đầu cử hành nghi thức tế thần và cúng tổ tiên.
Ngày dựng nêu gọi là lễ Thượng nêu. Ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày hạ nêu, gọi là Khai hạ. Ngày dựng nêu và hạ nêu đều có kèm theo lễ cúng kiến với xôi chè, bánh trái, hoa quả. 
Pháo khai môn có dụng ý đuổi con quỷ dữ có tên là Sơn Tháo phải cao chạy xa bay khỏi chốn hương thôn. 
Đêm Giao thừa, cũng gọi là đêm Trừ tịch trước mỗi nhà ở thôn quê thường đốt một đống lửa thật lớn. Khi lửa đang cháy bừng bừng, người ta liệng vào đống lửa những ống tre, nứa, lồ ô đang chứa nước. Gặp lửa nóng, nước trong từng cái ống sôi lên sùng sục rồi phát nổ một tiếng thật to nghe như tiếng pháo tống, làm cho lửa, than tro, cùng với nước sôi tung tóe lên. Tiếng nổ vang động khắp thôn xóm, trong ánh lửa bập bùng, chấp chới cả một vùng không gian rộng. Cứ thế tiếng nổ tạo sức ép, gây vang động với mục đích đuổi ma quỷ đi xa và đón Năm Mới về cùng với mọi điều an lành cho muôn nhà. Đó chính là phong tục dựng nêu, đốt pháo đón chào Năm mới: “Bộc trực nhất thanh trừ cựu tuế, Đào phù vạn hộ cánh tân Xuân” (Pháo tre một tiếng tiêu năm cũ, Bùa đào muôn ngõ vẫy xuân tươi) 2.
Nếu nông dân ở vùng đồng bằng Việt Nam và Trung Hoa còn giữ phong tục đốt đống lửa lớn ở trước ngõ nhà mình, và dùng pháo tre để gây thành tiếng động mạnh với mục đích xua đuổi ma quỷ, thì ở hai bộ tộc Dao, Miêu vùng sơn cước giữ lại phong tục Hơ Lửa. Ngày xưa, khi còn phải sống trong vùng rừng núi thâm u thuộc lãnh thổ Trung Hoa, dân chúng hai bộ tộc Dao, Miêu thường có thói quen trước khi đi ngủ phải đốt một đống lửa thật lớn ngay trước hang ổ của mình. Đốt đống lửa để tạo hơi ấm, chống lại khí hậu lạnh của núi rừng, đồng thời cũng làm cho cọp, sói, rắn rết và các loài thú dữ khác không thể đến gần nơi cư ngụ của con người được. Bộ tộc Dao, Miêu giữ lại phong tục Hơ lửa này khi họ đã thiên di về Trung nguyên và cư trú ở vùng châu thổ miền Bắc Việt Nam, và chỉ thực hiện một năm một lần trong đêm Giao thừa vào dịp Tết Nguyên Đán.
Điều đặc biệt là tục Hơ lửa được thực hiện vào ngày 29 hay 30 tháng Chạp năm Âm lịch và thay vì cúng Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp như người đồng bằng cố cựu, thì bộ tộc Dao Miêu, kết hợp lại thành một trong phong tục Hơ lửa. Tối ngày 29 hay 30 tháng Chạp Âm lịch, sau khi cúng Ông Táo xong, toàn thể gia nhân quây quần bên một mâm cơm lớn để cùng ăn với nhau, gọi là bữa cơm Đoàn Niên. Bữa cơm phải phải thực sự chấm dứt khi trời vừa tối để kịp cử hành một nghi thức truyền thống của bộ tộc, đó là tục Hơ lửa. Lửa được đốt lên từ những bó rơm khô, sắp sẵn ngay cửa chính ra vào mỗi nhà. Khi lửa đang cháy lớn thì vị cao niên nhất trong gia đình hướng dẫn tất cả thành viên trong gia đình của mình, theo thứ tự tuổi tác, phải bước qua đống lửa trước khi bước vào nhà. Khi đã thực hiện xong nghi thức Hơ lửa này, thì tất cả mọi cửa ngỏ vào nhà phải đóng chặt lại. Kể từ giờ đó cho đến sáng ngày mồng một Tết, nội bất xuất, ngoại bất nhập, dù có ai tới kêu mở cửa khẩn cấp, cũng không mở. 
Người Dao, Miêu có dùng một tiếng gọi là Cổ (Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển, viết chữ Cổ với 23 nét), thông thường không thể hiểu hết ý nghĩa nếu không biết rõ về nguồn gốc và thuật ngữ khá phức tạp của tiếng này. Người Dao, Miêu có thói quen bắt đúng một trăm (100) con sâu [có lẽ một loại sâu đặc biệt], đem bỏ chung vào một cái lọ, rồi lấy nắp đậy kín lại. Từ những con sâu ấy, khi không có gì khác để ăn, chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, cho đến một lúc chỉ còn lại một con duy nhất sống sót, sau khi chiến thắng cuộc tương tàn đồng loại của nó. Con sâu sống sót duy nhất ấy gọi là Cổ. Đem con sâu phi thường này phơi khô, tán nhỏ thành bột, dùng như một món thuốc kích thích. Ai uống một chút bột của con sâu Cổ này mà thôi, thì lập tức trở thành mê cuồng, hung hãn. Đây là một tập tục cá biệt, có tính cách tiêu biểu và duy nhất, không thể lầm lẫn với phong tục nào khác và của bất cứ bộ tộc nào. 
Nói như vậy để thấy rằng, dù ở trong tình trạng cọng cư, mỗi bộ tộc có văn hoá vẫn sinh tồn và phát triển văn hoá của mình theo một cách nào đó rất cá biệt. Thành ra một chữ gọi là truyền thống mà thôi, xét ra không đủ để diễn đạt quá trình bảo tồn, thừa kế và thực hiện nét văn hoá nơi mỗi bộ tộc người, đang sống tiếp cận, xen kẻ hay phân tán giữa nhiều cộng đồng có nhiều văn hoá khác nhau.
Cũng vậy, thật khó giải thích khi thấy trong những lần cúng Thổ thần, người dân Thừa Thiên-Huế đều dùng một chiếc gùi nhỏ làm bằng bẹ chuối khô mà tiếng địa phương quen gọi là xà lẹt. Gọi đúng chữ của bộ tộc Cơ Tu là Tà lẹt, tức dụng cụ mang vai cần thiết cho sinh hoạt du canh du cư, trong đó người bộ tộc Cơ Tu đựng mọi thứ cần dùng trên đường đi giữa núi rừng, hoặc lúc canh tác ngoài nương rẫy. Khi cúng Thổ thần, người vùng Thừa Thiên-Huế bỏ vào Tà lẹt một ít mắm ruốc, cá khô, rau đậu và họ gọi là để cúng Ma Mọi. Sau khi cúng xong, người ta đem cái Tà lẹt treo cao trên một thân cây phía trước nhà mình.
Nhưng tại sao phải cúng Ma Mọi? Và Ma Mọi có phải là Thổ thần của vùng Thừa Thiên-Huế không? Để lý giải một chuổi ẩn số mang dấu tích bộ tộc đã thiên di và cả bộ tộc tiếp quản trên một vùng địa lý rộng như xứ Ngũ Châu ( kể thứ tự từ Bắc vào Nam: Châu Bố Chính, châu Địa Lý, châu Ma Linh, châu Ô và châu Lý, tức toàn bộ lãnh thổ Bình, Trị, Thiên ngày nay), tưởng phải lùi xa về một thời hoang dã với những truyền thuyết “Chuyện Trái Bầu” và “Đàn Ong độc xuất phát từ phía mặt trời mọc”.
Các truyền thuyết này đến nay vẫn còn được kể lại nơi các bộ tộc Cờ Tu, Tà Ôi, Pacoh, Vân Kiều, Bru…trong miền thượng du Trung phần Việt Nam. Chuyện kể rằng, từ ngày xa xưa, mọi người cùng sống chung trong một trái bầu khổng lồ, nhưng không biết vì lý do gì, Thần Trời, tức Yang Arobang đã nung đỏ một thỏi đá nhọn, chui thủng một lỗ trên trái bầu khổng lồ, cho phép mọi người trong trái bầu có thể chui ra ngoài. Các người Cơ Tu, Tà Ôi, Pacoh, Bru, Vân Kiều…nhanh chân chui ra trước nên mình mẩy dính đầy tro than, làm da dẻ trở thành đen thui, tóc bị cháy sém nên quăn lại. Còn người Yoan (dân Việt) đủng đỉnh bước ra sau cùng, nên da sáng, không bị cháy nám, tóc vẫn đen, thẳng và mượt mà hơn. Nhưng dù đen hay trắng, tất cả đều là anh em, vì đều do một trái bầu mà phát xuất. Họ thoả thuận chia nhau đất đai để cư ngụ và canh tác tuỳ theo khả năng của mình.
Cuộc sống đang êm đềm với tình tương thân tương ái, khi đất đai sản sinh nhiều hoa trái, đồng ruộng cho nhiều lúa ngô phong phú. Người nông dân không nhọc công chăm bón mà vẫn dư dả ấm no. Khắp thôn ấp, làng mạc ngày đêm vang tiếng cồng, tiếng trống; gái trai ca hát rộn ràng mỗi khi có lễ lạc hội hè. Bỗng dưng, một hôm từ phía mặt trời mọc, xuất hiện một đàn ong độc bay về thôn bản, phủ kín đen cả bầu trời, chích nọc độc làm chết vô vàn sinh linh. Trước tình trạng cực kỳ bất ngờ và tang thương ấy, dân chúng trong nhiều thôn bản đã hốt hoảng chạy về phía mặt trời lặn, mong nhờ núi rừng âm u che chở. Cuộc sinh tồn từ đó phải kéo dài giữa núi rừng, khuất lấp ánh mặt trời, bỏ xa vùng đất mà cha ông của họ đã sống khi chưa có đàn ong độc xuất hiện 3.
Đến đây, có lẽ chúng ta đã thấy ý nghĩa tượng trưng nơi cái Tà lẹt treo cao trên một thân cây trước ngõ khi người Thừa Thiên-Huế cúng Thổ thần vào dịp đầu năm. Đồng thời cũng đã hiểu vì sao hình trái bầu thường được thấy trên các đỉnh nóc đình chùa, miếu vũ trong kiến trúc Thừa Thiên-Huế còn tồn tại cho đến ngày nay. Có phải hình trái bầu mang tính triết học (bầu Thái cực) hay do chuyện trái bầu là lưu ảnh một mảng văn hoá bộ tộc thời hoang sơ? Muốn tìm lại cái lý sự xa xôi của từng nét văn hoá bộ tộc, chúng ta không dễ phát hiện, nếu không nhìn vào từng mảnh lưu ảnh văn hoá thấp thoáng nơi từng bộ tộc, mà các lễ nghi, phong tục thể hiện nhiều nhất có lẽ là vào các dịp lễ hội hoặc vào những ngày các bộ tộc chuẩn bị tổ chức Lễ Tết Nguyên Đán đầu năm.

Hoàng Đình Hiếu

Chú thích: 1. Theo Huynh Văn Phạm, “Le cây nêu”, France Asie, N0 68, Tom Vll, Saigon,   
                          1952, p. 712
                  2.  Theo Tăng Hậu, “Lễ Tết của người Quảng Đông tại Trung Hoa và Việt Nam”
                          Viễn Đông nhật báo, Saigon, 1966.
                  3.  Theo Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội Nhà Văn, Huế, 1992.