Má, dòng nước mắt chảy xuống


Có bầu đến đứa con thứ tám được chừng bốn tháng, má tôi cạo mất mái tóc dài đến tận gót chân. Mái tóc đẹp vốn được má cưng chìu, chăm chút, hoàn toàn gội bằng những nồi nước nấu bằng trái bồ kết với lá dứa thơm lừng lựng.

Năm đó tôi chừng mười lăm tuôỉ, tôi thật sự hoảng hốt khi thấy hình ảnh của má lần đầu tiên trở về tự tiệm cắt tóc với cái đầu cạo trọc trắng hếu, sau đó được trùm lại bằng một vuông khăn màu sẩm, nó có vẻ quái đản, kỳ lạ và để lại trong lòng tôi một nổi thất vọng đến vô cùng. Có người nói má tôi vì ghen tuông, muốn dằn mặt ba tôi mà cạo mất đi mái tóc dài yêu quí. Tôi vốn không tin vì tôi chẳng bao giờ nghe ba má tôi hục hặc hay cải vả. Buổi tối, như một thường lệ, má tôi hay thắp nhang trước khi đi ngủ, tôi lén nghe má van vái, lời cầu xin như thế này; “Lạy Đức Phật từ bi, lạy Đức Quan Thế Âm, cho con được mẹ tròn con vuông, con đã nguyện xuống mái tóc và xin được ăn chay một tháng cho lời cầu nguyện…” Tôi đứng nép vào cánh cửa, thương má, nước mắt chảy ròng ròng.

Ngày má tôi chuyển dạ sanh em, tôi là đứa con gái lớn đi cùng vơí má. Hai mẹ con đi xích lô, còn ba thì chạy xe Sprint theo bên cạnh, xuống bảo sanh viện Cô Hạnh ở gần sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng. Ba tôi đứng bên ngoài, tôi gắng lại thật gần phòng sanh, nghe tiếng má tôi rên rỉ đau đớn, sau đó một hồi là tiếng em bé oe…oe…nghe giọng cô Hạnh reo lên: con gái, ba ký sáu. Ba tôi mừng rỡ ra mặt. Như vậy là ba má tôi có đủ bốn trai, bốn gái cân đối như mong muốn.

Đứa em gái tuổi Giáp Dần ra đời, hợp với ba má tôi thành tam hợp: Dần Ngọ Tuất, em trông mạnh mẽ, láu lỉnh ngay từ thuở sơ sinh. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, qua năm 1975 thành phố tôi ở có nhiều biến chuyển, những thay đổi từ xã hội làm thay đổi luôn hoàn cảnh sinh sống của gia đình tôi. Ba tôi phải công tác ở những vùng xa thành phố, công việc của một kỹ thuật viên xây dựng cầu đường, hồi phục những mạch giao thông đã bị cắt đứt sau chiến tranh. Má tôi không còn là bà nội trợ nữa mà phải bôn ba ra chợ buôn bán để phụ vào đồng lương ít ỏi cái thời tem phiếu. Em gái không được nuôi bằng sữa mẹ mà phải lớn lên bằng nước gạo nấu nhừ hoặc khá hơn là bằng sữa bột nhản hiệu Liên Xô, loại cung cấp cho quân đội ngày xưa, chúng tôi thường đùa là “Sữa Bộ Đội”.

Những năm tháng sau đó, tình hình kinh tế của cả nước vẫn chưa được khả quan. Ba tôi không còn được tự do đi làm nữa, má tôi phải thay ba làm lụng nuôi con, má buôn bán chật vật mỗi ngày, cố kiếm cho đủ mấy lon gạo, thức ăn thì bữa có bữa không, khi nào “đẩy” được một món đồ xa xỉ trong nhà như quạt máy, tủ lạnh, cát xét…ra chợ trời thì chúng tôi mới có được một bữa ăn ngon. Sau cùng những chiếc áo dài, giày dép của má cũng lần lượt ra đi.

Mái tóc của má được dưỡng lại sau khi sanh em gái út nay đã bắt đầu lấm tấm những sợi bạc. Má bươi chải qua nhiều nghề vẫn không đủ thiếu gì cho tám miệng ăn. Thế mà má tôi vẫn cố gắng cho các con đến trường, má tôi quan niệm thật đơn giản, không làm được ông này, bà nọ thì cũng phải có vài chữ để trên đầu trên cổ, mai sau ra đời khỏi bị người ta ăn hiếp. Nhiều khi túng bẩn quá, thắp nhang cầu nguyện ông bà, má tôi còn trách: Ông bà ở trên cao, sao không ngó lại hoàn cảnh mẹ con tôi mà cho tôi được trúng con số độc đắc. Tôi nghe, và lần này thì cười ra nước mắt. Vậy mà không biết lời cầu xin trúng giờ linh hiển hay sao, má tôi trúng số độc đắc thiệt, chỉ từ một đồng bạc rách không xử dụng được gì, má tôi đem mua vé số. Sau đó là những lần cúng vái tạ ơn ông bà cô bác, má nấu chè đậu xanh đánh đem biếu bà con, láng giềng, xem như chia cái lộc cho mọi người cùng hưởng, còn anh em tôi thì có được một số ngày no đủ.

Má tôi có lòng thành và tin vào những lời cầu xin từ Trời Phật ghê lắm. Ngày má và ba tôi sum họp sau nhiều năm xa cách, thấy thằng con trai cưới vợ đã lâu mà chưa có con, Má lâm râm cầu xin, tôi đùa với má, bây giờ qua Mỹ rồi, không biết ông bà còn đi theo để phù hộ má không. Má tôi lẳng lặng van vái hằng đêm, một hôm má nói với tôi “Má thấy Phật Bà ẳm cho má một đứa bé gái, đẹp lắm” Tôi chỉ cười cho má vui và nuôi hy vọng. Em trai tôi năm nay bốn mươi lăm, em dâu bốn mươi sáu, cưới nhau  hơn mười năm đã là cha mẹ của một đứa con gái nhỏ hai tuổi, xinh ơi là xinh. Lần này, tôi thật tin vào những lời cầu xin của má, như là một kỳ tích.
Năm nay má tôi gần tám mươi tuổi nhưng còn khỏe và minh mẫn so với những bà mẹ cùng tuổi, da dẻ má hồng hào, mùa đông xứ lạnh làm đôi gò má ửng hồng như con gái mắc cở. Má ăn uống rất kỹ càng, siêng năng đi bộ dù trời nóng hay lạnh. Má đối xử với bạn bè tôi cũng rất tình cảm, chu đáo. Các bạn tôi ở xa đến nhà chơi đều được má nấu những món ăn đậm đà hương vị quê nhà để tiếp đãi.

Thiệt là buồn cười, tôi nghe má nói hoài, sao tụi bay làm biếng quá, con T răng mà chỉ sanh có một đứa rồi im luôn? Thế rồi, đầu mùa trồng trọt, Ba tôi trồng được dây bầu, có trái bầu đầu tiên lủng lẳng trên giàn xinh lắm, má nhất định bắt ba tôi phải cắt vào, má lụi hụi cắt cắt gọt gọt nấu canh cho tôi ăn, má nói, ăn được trái bầu đầu giàn, đầu mùa thì sẽ có bầu liền, trời ơi, thì ra má đang cầu mong cho tôi và anh Tín có được thằng con trai để hủ hỉ.

Khoa học không thể chứng minh được nhiều chuyện, như không giải thích được vì sao những lời cầu xin của má đều trở thành hiện thực. Tôi không biết, nếu chỉ ăn món canh bầu của má mà… tôi có bầu và sanh con trai ở cái tuổi O 50 này thì chắc chắn má tôi sẽ nhận được giải Nobel khoa học, Nobel hòa bình, Nobel…tùm lum,…tà la…nhưng cao cả hơn là giải Nobel…vì các con thân yêu. Bởi tất cả công trình cầu nguyện hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ của má tôi, đều dành cho các con của mình, như dòng nước mắt cứ chảy xuống.

Riêng tôi, nếu các đấng trên cao cho tôi một lời xin, tôi không cầu mong mình sẽ sanh ra thằng con sau khi ăn trái bầu đầu giàn, đầu mùa như má hằng cầu nguyện, tôi chỉ cầu cho má tôi luôn vui vẻ, khỏe mạnh bên các con các cháu. Nhà thơ Trần Trung Đạo đã viết nên những câu thơ làm xúc động lòng người khi nhớ về mẹ.

”Ví mà tôi đổi thời gian được, đổi cả thiên thu, tiếng mẹ cười…”. Tôi thì xin được đánh đổi một ước mong thầm kín gói ghém trong “trái bầu đầu mùa”, chỉ để cầu mong ba má tôi luôn có chuổi ngày dài bình an bên con cháu, thỉnh thoảng có chướng một chút cũng không sao, tuổi già, ai cũng vậy mà!

                                                  Nguyễn Diệu AnhTrinh
                                                     Mother’s Day 2010