Mạc Huyền Phương
Tặng Ngọc Anh
Họ Mạc làm vua, chính thức từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Kính Chi là bảy đời, 66 năm. Nhưng gọi là nhà Mạc thì phải kể thêm các đời Mạc Kính Cung, Mạc
Kính Khoan, Mạc Kính Vũ, nghĩa là họ Mạc thật sự chấm dứt việc tranh giành ngôi báu vào năm 1677, tổng cọng thời gian là 150 năm.
Nhưng sách Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn, cũng như Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu của Đặng Xuân Bảng đều lấy năm Giáp Tỵ, 1593 là năm nhà
Mạc bị xóa sổ.
Đã rõ, việc thay ngôi đổi chủ là lẽ thường tình ở đời. Nhưng với họ Mạc, để chấm dứt việc tương tranh với các thế lực khác lúc bấy giờ như với họ Lê, với họ
Trịnh, kể cả với họ Nguyễn…thì họ Mạc đã để lại một di ngôn hiếm có do chính Mạc Ngọc Liễn viết ra và dặn riêng với Mạc Kính Cung: “Họ Lê phục hưng
là do số trời. Dân ta vô tội, để họ chịu nạn binh đao thì sao đành lòng. Ta nên lánh ra nước ngoài, thận trọng giữ mình là hơn, chớ có đánh nhau với
họ nữa. Cũng chớ nên mời người Minh (Trung Hoa) vào nước ta để gây ra cảnh lầm than cho dân ta”.
Trong tư cách là một nhà lãnh đạo, Mạc Ngọc Liễn quả thật đã nhìn thấy việc gì nên làm, việc gì nên tránh để không gây nên cảnh nồi da xáo thịt cho dân
chúng. Đó là một nhận thức sáng suốt của một lãnh tụ có trách nhiệm. Người xưa mà đã tiến bộ như vậy, hỏi ai có thể học được bài học chính trị về việc
hành sử quyền lực đối với nhân dân? Có phải vì mưu đồ cho quyền lợi cá nhân hay phe nhóm của mình mà muốn làm gì thì làm, bất chấp cả số phận của tập
thể quần chúng phải gánh lấy mọi tai ương trong cuộc chiến, mọi hậu quả của sự thao túng để củng cố sự cưỡng chế cai trị nhân dân do một phe nhóm có
tham vọng chính trị cầm quyền?
Khi suy nghĩ về nội dung di ngôn có một không hai này, sử gia Trần Trọng Kim đã phải thốt lên lời khâm phục: “Trung hậu thay mấy lời dặn lại của Mạc
Ngọc Liễn!”. (VNSL q.ll, tr 25)
Số là họ Mạc mang tiếng cướp ngôi nhà Lê, nhưng chính sự bạc nhược của 5 ông vua cuối đời hậu Lê, kể từ Lê Túc Tông đến Lê Cung Hoàng (1504 - 1527)
quả là một thời cực bỉ của lịch sử.
Khách quan ghi nhận cũng có thể nêu lên một thắc mắc, tại sao và do nguyên nhân nào tác động đến nỗi đã xảy ra một hiện tượng thoái trào liên tục như vậy?
Có phải đây là một biến tướng khác thường của lịch sử sau một thời gian dài tương đối thịnh trị của nhà hậu Lê, nhất là sau 37 năm vinh quang sáng chói dưới
triều đại của vua Lê Thánh Tông (1460-1496)?
Sự thoái hoá gây ngạc nhiên cho nhiều người, đến nỗi chỉ nhìn vào ngoại hình của “An Nam Quốc Vương Lê Uy Mục”, sứ giả Trung Hoa lúc bấy giờ là
Hứa Thiên Tích đã phải tự đặt câu hỏi:
An Nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giáng quỹ vương?
(Bốn trăm năm nước Việt sáng dặm trường,
Sao rày Trời khiến hiện một quỹ vương?).
Cũng vậy, khi nhận định về Lê Uy Mục và thời đại mấy ông vua cuối cùng của thời hậu Lê. sử gia Trần Trọng Kim cũng phải ngạc nhiên ghi xuống: “Từ Lê
Uy Mục trở đi, cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, vì rằng từ đó về sau không có ông vua nào làm được việc nhân chính và lại thường hay say
đắm tửu sắc, làm nhiều điều tàn ác, cho nên thành ra sự giặc giã thoán đoạt, đến nỗi về sau dẫu có trung hưng lên được, nhưng quyền chính trị vẫn về
tay kẻ cường thần…Đã làm điều trái ngược, lại say đắm tửu sắc đêm nào cũng cùng với cung nhân uống rượu rồi đến khi say thì giết đi. Có khi bắt
quân sĩ lấy gậy đánh nhau để làm trò cười. Tính đã hung ác mà lại hay phản trắc. Cho nên sứ Tàu sang làm thơ gọi Uy Mục là Quỹ Vương” (VNSL,
q. l, tr 265).
Với cái nhìn mới hơn, gần đây cố giáo sư Trần Quốc Vượng đi tìm cái họa tiêu vong nằm trong cái gọi là đại thắng khi thấy… “những đám địa chủ nông
dân nhờ khởi nghĩa và chiến tranh nâng lên chót đỉnh vinh quang để làm vua và tranh nhau ngôi vua, làm quan và giành nhau thu quyền đoạt lợi,
quên rất nhanh những ngày hội họp bí mật trong gian khổ (ở chiến khu), nay lao vào đấu đá và hưởng lạc:
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
(Phúc hoạ khơi mầm đâu một ngày,
Anh hùng ôm hận cả ngàn năm).
Mầm hoạ bắt bắt nguồn ngay từ sau ngày chiến thắng, đúng như phép biện chứng Héraclite đã chỉ ra: Những chiến thắng lớn có thể mau chóng trở
thành những thất bại lớn”. Bệnh đã ủ, đã nung từ cuối thế kỷ XV, để phát ra ngày một nặng từ đầu thế kỷ XVl. Gia dĩ bọn nông dân học làm sang ấy
sớm tách rời và lìa xa dân chúng. Vừa thắng Minh đã vội bắt chước Minh, dựng lên một mô hình quân chủ Nho giáo cứng nhắc và đạo đức giả”.(Trần
Quốc Vượng, Trong Cõi, 1993, tr 92).
Rõ ràng, và như một nhận định thời cuộc hôm nay, bài học lịch sử thường được lặp lại nhiều lần. Chỉ tiếc là người sau thường mau quên việc trước!
Cũng vậy, Nếu không họ Mạc thì bất cứ họ nào khác, khi muốn thay đổi sự bế tắc do các ông vua thời hậu Lê đã đẩy nhân dân vào cảnh khốn cùng, đều
phải chấm dứt chính sự bằng việc cướp ngôi, thu tóm quyền lực để mở ra một vận hội mới theo khả năng chủ quan của chính mình. Họ Mạc không đi ra
ngoài tham vọng bình thường đó.
Chung quanh họ Mạc có khá nhiều huyền sử. Chẳng hạn, Mạc Đăng Dung có 10 con trai, 7 con gái. Dĩ nhiên họ là những công chúa, mà tên gọi thường là
một loại hoa đẹp như ngọc lan, ngọc quỳnh, ngọc phượng… Để nói về một Mạc mỹ nhân, có tên gọi là Mạc Huyền Phương một công chúa rất đẹp trong giai
thoại một loài hoa quý của núi rừng Cao Bằng - Lạng Sơn, vùng đất biên giới mênh mông giữa Việt Nam - Trung Hoa, vốn là lãnh địa cuối cùng dành cho họ
Mạc.
Chuyện kể rằng, một hôm công chúa Mạc Huyền Phương vì mãi mê đi tìm kỳ hoa dị thảo, đã lạc vào giữa một vùng núi rừng thâm u của Cao Bằng Sơn
Động. Khi đoàn gia nhân họ Mạc phát hiện ra công chúa Mạc Huyền Phương một mình bên dòng suối, thì rất ngạc nhiên thấy công chúa đang nâng niu một
cành hoa đẹp, với tâm hồn mê mẫn mà không biết mình đang làm gì, ở đâu? Kỳ hoa là một cây đứng thẳng. Bông nở ra từ mỗi nách của thân cây. Bông có
màu vải điều, trong đậm, ra ngoài nhạt dần trên từng cánh mỏng. Loại kỳ hoa này thường được trồng trước tiền đinh họ Mạc, nên có tên gọi là MẠC ĐÌNH
HỒNG. (Cũng có nơi nói trại ra là Mã Đình Hồng). Mỗi lá của cây hoa Mạc Đình Hồng có 7 đường gân rõ ràng. Có người nói rằng, con số 7 kỳ bí này
vận vào 7 đời họ Mạc và 7 công chúa diễm lệ của Họ Mạc ngày xưa?
[Dĩ nhiên không phải lá của cây nào cũng có 7 đường gân, và lá nào có 7 đường gân cũng có liên quan đến Mạc Đình Hồng].
Nghiêm Đức Thảo
(Làm quà cho Ngọc Anh. Thanksgiving 2013)