Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Tino Rossi, ca sĩ người Pháp, là người đầu tiên "giới thiệu" bài hát "O Sole Mio" cho tôi, một đứa trẻ mười tuổi non. Ngày đó tôi học ở trường tiểu học gần nhà, me tôi cũng dạy ở đó. Tôi chỉ có lớp học buổi sáng, me tôi cũng vậy, buổi chiều ở nhà làm bài tập hay chơi lò cò, ô làng với cô bạn hàng xóm. Những ngày mưa, không đi đâu, me tôi ngồi ở phòng khách làm việc và nghe nhạc. Tôi cũng ngồi với me tôi, đọc sách hay tập làm văn. Me tôi thích nghe nhạc, đủ loại, nhạc cổ điển Âu Châu, nhạc tình cảm của Pháp, của Ý, nhạc Việt, và cả ca hò Huế... Bộ sưu tập đĩa nhạc của me chứa đầy cả tủ chạy dọc theo tường của phòng khách. Ngồi nghe mặc dù chẳng hiểu gì, nhưng những âm điệu của bài hát đi dần vào trong tâm thức, nên bây giờ mỗi lần nghe lại những giòng nhạc quen thuộc, là hình ảnh những buổi chiều xưa hiện ra trước mắt, rất rõ ràng. Hồi đó chưa nghe đến Pavarotti, chỉ biết Tino Rossi. Không hiểu sao tôi lại thích bài hát đó, tôi hỏi me tôi "O Sole Mio" có nghĩa là gì, là "Mặt Trời của Tôi", me tôi giải thích. Một ánh đèn chớp nhanh trong trí óc, tôi ngồi lắng nghe bài hát, hí hoáy viết một bài luận văn về ..."mặt trời ...". Tiếc là không còn giữ lại, chứ bây giờ cũng muốn đọc vì không biết lúc đó "con bé con" nghĩ gì ...
Rồi thời gian trôi qua nhanh, tôi có dịp nghe lại bài hát "ruột" của ngày nào. Mùa hè 1972. Mùa hè đỏ lửa. Cả thành phố Huế trống vắng. Dân Huế phải di tản vì chiến trường, bom đạn cận kề. Gia đình tôi phải vào Đà Nẵng tạm trú. Chúng tôi ở một apartment nhỏ đằng sau một khách sạn có tên rất buồn cười: Khách Sạn OK ! Mùa hè đó tôi phải chuẩn bị thi tú tài bán phần, nên suốt ngày phải ngồi một chỗ ôn bài. Căn phòng ngủ của tôi nhìn ra một con hẻm, rất yên lặng, chỉ có buổi sáng sớm và buổi chiều giờ tan trường là lao xao tiếng chân và tiếng cười nói của một đám học sinh ở xóm sau. Tụi trẻ phần đông là con trai, mặc đồng phục, tuổi từ mười đến mười sáu, mười bảy.
Một buổi chiều, ngồi ở bàn học nhìn ra, thấy bụi đất tung mù vì những bàn chân chạy nhảy, hối hả của lũ trẻ, tôi đứng lên vói tay đóng cửa sổ, và bất ngờ bắt gặp một vài cặp mắt đang nhìn mình, cái nhìn ngạc nhiên, thảng thốt. Tôi đóng vội cửa, và quay trở lại cuốn sách, tai vẫn nghe tiếng nói lao xao, âm điệu lên xuống quen thuộc, nhưng tôi không hiểu một chữ nào : đám trẻ nói tiếng "Tàu" ! Từ hôm đó, mỗi buổi chiều, cứ đến giờ tan trường, tôi lại nghe bước chân đi sột soạt trên sỏi, và dừng lại ở cửa sổ. Cứ đúng giờ, tôi lại phải đóng cửa, hoặc dời sách vở qua phòng khác.
Đêm cuối cùng trước ngày tôi trở lại Huế để dự thi, trời trăng đẹp nhưng nóng hừng hực, tôi phải mở cửa sổ để hóng chút gió. Đánh thức tôi từ giấc ngủ chập chờn là một giọng ca nam ấm cúng, một giai điệu quen thuộc tự lúc nào: O Sole Mio! Mặt trời của tôi! Nhưng không phải tiếng Pháp hay tiếng Ý tôi nghe đã rất quen, mà ở đấy, lúc này O Sole Mio được diễn tả bằng tiếng ...Hoa (tiếng Tàu!).
Tôi nhìn ra cửa sổ, nhận ra khuôn mặt quen thuộc, trắng trẻo thư sinh của người "hát dạo". Tôi phải lấy cả bàn tay bịt miệng cô em gái sợ nó cười lớn quá ba me tôi nghe thấy. Hai chị em ngồi trong bóng tối, im lặng nghe đến hết bài hát. Thật là một sự ngẫu nhiên: thằng bé chọn bài hát "ruột" của tôi mà hát, hát say sưa, như hát cho riêng hắn, ánh trăng đêm dội xuống trên khuôn mặt thật thanh thoát và ngây thơ.
Đó là lần cuối cùng tôi chạm mặt người "hát dạo" trong xóm, và lần duy nhất được nghe hắn hát. Trường học đóng cửa nghỉ hè, kể cả ngôi trường dạy tiếng Hoa đó. Bắt đầu mùa thu, gia đình tôi trở lại Huế, cố gắng trở lại cuộc sống bình thường, nhưng sâu trong tâm, tôi biết những ngày vô ưu không còn bao nhiêu nữa. Tôi đi lại trên con đường quen thuộc, lá xanh um vì vắng bóng người đã lâu, đi để nhìn và thở lại bầu không khí thân tình một lần nữa, hiểu rằng một ngày gần đó sẽ mất đi mãi mãi.
Vào những năm trong thập niên 90, tôi thường nghe lại bài hát cũ. Luciano Pavarotti, và hai người bạn cùng giọng tenor, Plácido Domingo, và José Carreras luôn có bài hát này trong chương trình "concerts" của họ. Bài hát xưa, và vẫn "nồng nàn" như tựa đề, Mặt Trời của Tôi.
"Thật là một ngày đẹp trời
Tươi sáng nắng đẹp và gió nhẹ sau cơn bão
Không khí trong lành...
...
Nhưng có một mặt trời
Tươi sáng hơn nữa
Đó là mặt trời của tôi
Là khuôn mặt của em..."
Thế giới bình an vô ưu mà tôi đã sống không còn nữa, đã đảo lộn hoàn toàn chỉ mấy năm sau mùa hè đỏ lửa đó. Tôi cũng đã đổi thay dần dần, từ cách sống đến lối suy nghĩ để thích ứng với một nền văn hoá khác hẳn nền văn hoá mình đã hấp thụ từ thuở sơ sinh. Nhưng như những hành tinh xoay quanh quĩ đạo với sức lôi hút của mặt trời ở giữa, bên ngoài mặc dù có nhiều thay đổi, tôi vẫn cảm thấy một sự lôi kéo mãnh liệt vào sâu bên trong, ngược chiều...và nhờ vậy mà tôi tìm được thăng bằng trong cuộc sống. "Mặt Trời của Tôi" ở trọng tâm nhắc nhở tôi về những niềm vui đơn sơ của thuở ấu thơ, về những tình cảm chân thật, không phức tạp, nhưng tha thiết như bài "Mặt Trời của Tôi" được hát ngày nào bên khung cửa sổ, về những mong ước giản dị, không cầu kỳ, bởi vì cuộc sống không đo lường bằng những của cải mình tích lũy, mà bằng những giây phút hiền hoà, tĩnh lặng với những người yêu thương, và với thiên nhiên.
Tháng Sáu, 2017
Chin Bon
Chin Bon
Mặt Trời của Tôi
(O Sole Mio)
Thanh Thu