Mẹ tôi
Vậy mà thấm thoát Ba tôi ra đi vĩnh viễn cũng đã tròn chín tháng. Chín tháng, nói như AT, mẹ tôi trở thành chim sáo lẻ đôi vò võ một mình không cất nổi lên tiếng hót. Mẹ giờ sống lặng lẽ cô đơn với nỗi tiếc thương khôn nguôi người đã khuất. Ôi, thương quá là mẹ! Cả một đời vì chồng vì con với nhiều gian nan khổ cực chẳng có mấy ngày vui.
Nghe mẹ kể, ngày xưa, lúc còn là thiếu nữ, mẹ cũng thuộc hàng hoa khôi của làng quê nghèo khó. Sau khi bà ngoại qua đời sớm, mẹ lên Huế ở với bà con và có một thời gian bán hàng trong một sạp vải của người dì tại chợ Đông Ba. Rồi mẹ gặp ba, duyên số như trời sắp đặt. Đám cưới mẹ rước dâu bằng đò đưa trên sông cũng thơ mộng vô cùng. Ba là lính thuyên chuyển rày đây mai đó, mẹ cũng phải lặn lội đi theo nay nơi này mai nơi khác. Cuối cùng thì ba cũng được đóng quân nhất định một nơi và làm việc tại phi trường ĐN, thành phố tuổi thơ của cả đàn con ba mẹ sau này. Mẹ nấu ăn rất ngon, đặc biệt là món cá bống kho khô. Những con cá bống thệ chỉ nhỉnh hơn ngón tay út một tí, nằm sắp lớp trong chiếc nồi gang nhỏ. Cá được ướp với mỡ nước hoặc dầu ăn, nước mắm, vài trái ớt đỏ xé ra, một chút hạt tiêu và một muỗng đường vàng, mẹ thắng nước đường riêng cho có màu nâu đỏ rất đẹp rưới đều vào. Đun lửa đến độ chỉ vừa sền sệt là cá có vị ngòn ngọt, bùi bùi béo béo, bảo đảm ăn với cơm mấy cũng không thấy no dù bụng đã căng. Là con gái của mẹ nhưng có cố gắng học mẹ cách mấy để kho cá, tay nghề lũ tụi tôi cũng không thể nào bằng mẹ. Mẹ còn có sở trường là nấu bún bò rất ngon. Đàn con ngày một lớn khôn, nhu cầu ăn học càng nhiều, để phụ thêm vào đồng lương lính của ba, mẹ mở quán bán bún. Là dân Huế chính gốc nên nồi bún bò Huế dưới bàn tay của mẹ đậm đà, ngon không sao kể xiết và rất đắt hàng. Cứ thế, đời sống bình yên, không giàu có như người ta nhưng các con của ba mẹ vẫn học hành ngoan ngoãn, đàng hoàng.
Rồi tháng ba năm bảy lăm bỗng về mang theo nhiều xáo trộn, lấy đi bình an, hạnh phúc của nhiều mái ấm, không ngoại trừ gia đình tôi. Mẹ lại phải lao ra chợ trời buôn bán đủ thứ hàng hóa mà cũng không kiếm đủ bữa ăn cho đàn con. Rồi tha phương cầu thực, rồi bỏ phố lên rừng...Mẹ cũng mau chóng thích nghi với cuộc sống mới, cũng cuốc đất trồng khoai, cũng biết giần sàng lúa gạo. Thời gian rảnh mẹ lại ra chợ, hàng họ chỉ là những bát đường đen, những con cá khô, những lon mắm cái...của vùng quê mới nghèo nàn, mẹ tần tảo kiếm thêm mắm muối cho cả nhà. Thương mẹ nhất là cái tính lạc quan vô tư, hay cười hay hát. Còn nhớ mấy ông chú ruột của tôi có đôi lần lên thăm anh chị ở trên này lúc về cứ mãi nhắc:
- Chị Hai thiệt là hay, khổ như rứa mà chị cứ vui vẻ như không. Ai đời vừa cực nhọc chẻ củi vừa hát, rồi đang lặt rau nấu ăn, sảy gạo nấu cơm cũng hát, phục chị ghê!
Mẹ có giọng ca trầm ấm, truyền cảm. Những bài hát xưa như ''Làng tôi có cây đa cao ngất trời xanh, có con sông lơ lững vờn quanh...'' hoặc Đồi thông hai mộ: ''Một chiều rừng gió lộng một chiều rừng nhớ chuyện bên đồi thông...'' Mẹ hát rất hay và đúng tông nhạc, ai cũng tấm tắc ngợi khen. Tụi tôi thường nói đùa,'' phải chi hồi đó mẹ học hát đi làm ca sĩ chắc là nổi tiếng lắm nghe'', mẹ cười,'' ôi, hát cho vui cửa vui nhà thôi chớ làm chi được...''
Tôi nhớ ngày trước, ba mẹ có rất nhiều khách là anh em, bà con họ hàng ở miền quê Huế vào ĐN tìm kiếm việc làm. Ba, đặc biệt là mẹ rất rộng rãi, sẵn sàng cưu mang và bảo bọc người thân ở đi ở lại bao lâu cũng được mà không hề so đo, tính toán. Bởi vậy, sau này khi gia đình tôi sa cơ thất thế, anh em bạn bè ở thành phố đều cảm thương và giúp đỡ rất nhiều cả tinh thần lẫn vật chất, âu cũng là niềm an ủi lớn lao cho cả gia đình.
Thương thêm nữa là cái tính mềm mỏng chịu đựng của mẹ. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, ba tôi rất là gia trưởng. Lịnh ba đã ban ra thì dù đúng hay sai cũng không ai được cãi lại chỉ một lời. Lúc nhỏ và mãi sau này lớn lên đã lập gia đình, nhiều lần tôi chứng kiến cảnh ba la mẹ rất là oan ức nhưng mẹ vẫn lặng yên ngồi rưng rưng, đôi mắt đỏ hoe không dám nói một tiếng nào. Nhưng bù lại là ba rất thương yêu và quan tâm đến mẹ, việc gì trong nhà ba cũng lo toan, khi mẹ có việc vắng nhà, ba chăm sóc đàn gia súc heo gà rất cẩn thận chu đáo không nề hà gì. Đàn con lớn khôn đã ra riêng hết thảy, chỉ còn hai ông bà hủ hỉ với nhau. Tội nhất là thời gian ba lâm bệnh. Có lẽ vì cơn đau hành hạ nên ông đâm ra khó tính, bẳn gắt và nhăn nhó, bao nhiêu bực bội đó mẹ đều gánh phần hứng chịu. Lại nỗi cực nhọc mất ăn mất ngủ thức đêm thức hôm, chỉ trong vòng mấy tháng mà mẹ sút đến gần mười ký, mẹ phờ phạc hốc hác hẳn đi. Rồi ba không qua khỏi cơn bạo bệnh, trước khi ra đi ba còn nhiều trăn trở vì lo cho mẹ. Ba vẫn tỉnh táo dặn dò các con đừng để mẹ ở một mình lỡ đêm hôm trở trời trái gió, nhất là mẹ lại bị áp huyết cao. Ba mẹ có cả thảy ba con trai và năm con gái. Ông anh đầu ở xa, cậu em trai thứ hai thì vợ bị bệnh tim nên không thể rời nhà ban đêm được. Cậu út lại đang trục trặc chuyện gia đình chưa giải quyết xong cũng chưa thể dọn về ở chung với mẹ. Hai em gái út đang còn con nhỏ, vậy là chỉ còn ba chị em trong đó có tôi thay phiên nhau tối tối tới ngủ lại với mẹ cho vui. Cũng nói thật là ngoài lý do sức khỏe ra thì bản tính mẹ tôi rất sợ...ma. Vậy đó, chung sống với nhau hơn năm chục năm dài đầu gối tay ấp, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, nhưng đến khi người kia khuất núi thì người ở lại tuy hụt hẩng nhưng vẫn sợ hồn ma bóng quế còn lẩn khuất quanh đây.
Mẹ tâm sự: Thấy những người già cả, như ba chẳng hạn, đau lên ốm xuống rồi hành hạ vợ con mà mẹ sợ. Mẹ chỉ mong sao sau này trăm tuổi, đêm ngủ một giấc an lành, sáng ra là nhắm mắt xuôi tay cho khỏi phiền con cái. Rồi mẹ tự chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống ngủ nghỉ điều độ, thỉnh thoảng lại đi phố mua đủ thứ lá thuốc nam về nấu uống thay nước trà, nhờ trời vậy mà mẹ cũng khỏe ra.
Không biết tôi kể chuyện này các bạn sẽ nghĩ thế nào, có cho là tôi thêm thắt hoặc thêu dệt gì không. Chỉ mới đây thôi, đêm nọ, tới phiên tôi đến nhà mẹ ngủ lại. Hai mẹ con sau khi coi TV thì tắt đèn nằm nói chuyện một hồi. Mẹ than thở:
- Khổ thiệt, đêm mô cũng phiền mấy đứa tới ngủ lại, mẹ ngại lắm. Trời nắng thì được chớ mưa gió thì hành tội con cái, mẹ không ưng.
- Thì có sao đâu, lâu nay cũng mưa cũng gió, rồi cũng qua mà mẹ.
Mẹ nói trong tiếng khóc:
- Mà răng mẹ cứ nhớ ba hoài con ơi, nhìn cái chi cũng nhớ. Từ cái ấm nước trà ba hay uống, cái ghế dựa ba ngồi, tới cái bếp củi mà ba hay chịu khó sắp cho đầy...Rồi khi cái chuồng gà, chồng heo hư cũng nhớ ba con lo lắng sửa sang. Mẹ nhớ, nhớ hoài chẳng quên được...
Tôi khuyên lơn và an ủi mẹ:
- Mẹ kìa, nhìn chung quanh đi. Bà L, bà T cũng mất chồng mấy năm rồi, họ cũng sống vui vẻ đó thôi. Mẹ mà tiếc thương nhiều quá là ba quyến luyến không siêu thoát được đâu.
Chuyện vãn một hồi rồi hai mẹ con cũng đi vào giấc ngủ. Bỗng tôi tỉnh giấc, he hé mắt ra thì thấy ánh đèn sáng rực trước gian thờ. Trong cơn mơ màng tôi cứ nghĩ là mình đang ở nhà và tưởng thằng út đang ngồi máy tính. Định thần lại tôi mới giật mình, nhìn đồng hồ thấy vừa đúng 12h khuya. Qúai, lúc đi ngủ hai mẹ con đã tắt đèn rồi mà, chỉ có hai mẹ con, dứt khoát là không phải mẹ dậy bật đèn. Nhìn sang thấy mẹ ngủ say, tôi rón rén dậy tắt đèn rồi nhẹ nhàng quay lại chỗ nằm, không cho mẹ biết ngại mẹ...sợ. Sáng hôm sau tôi về kể chuyện với ông xã, ông trấn an, chắc là đèn bị mad thôi mà, nghĩ vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy sờ sợ, hay là...
Tụi tôi vẫn đều đều thay phiên nhau trực nhà mẹ. Sau cái đêm đèn tự sáng đó bỗng dưng tôi có cảm giác như ba vẫn còn quanh quẩn đâu đây, ba nghe lời than thở, biết những giọt nước mắt tiếc thương của mẹ và ba linh thiêng hiển hiện. Tôi thắp hương khấn vái ba. Vậy mà chỉ cách mười ngày sau, cũng đúng tối hôm tôi ngủ lại, hiện tượng đèn tự sáng lại xuất hiện, lúc này là 11h khuya. Tôi cũng giấu không nói cho mẹ và những đứa em biết, ngại tụi nó sợ mà không dám tới nhà mẹ ngủ. Tuy lòng cảm thấy bất an nhưng tôi thầm nghĩ, chắc là đèn bị mad như lời chồng tôi nói. Rồi ít hôm sau, một chuyện kỳ bí lại xuất hiện. Mẹ kể, buổi sáng hôm đó mẹ lên nhà đứa em gái thứ tư coi nhà cho nó đi công việc. Lúc đi mẹ cẩn thận khóa cửa trong, ngoài kín mít, buổi trưa sau khi cơm nước xong mẹ mới về lại nhà. Mẹ lấy chìa khóa mở cánh cửa lớn, bỗng bên trong nghe dội ra tiếng tụng niệm đều đều. Mẹ hết hồn bước vào, không thể tin được, âm thanh đang phát ra từ chiếc máy niệm Phật đang đặt trên bàn thờ ba. Chiếc máy này mẹ để đây từ ngày ba mất đến giờ, coi như là kỷ vật, không hề dùng tới. Nó chạy bằng pin, nhưng dễ đến cả tám chín tháng trời, có dạo mưa dầm cả tháng, cục pin chắc đã rỉ ra và nhão nhoẹt rồi, làm sao máy hoạt động được. Và nếu có chạy được thì ai là người mở máy chứ? Mẹ thấy hoang mang...Lúc ba mất cũng có mời thầy ở chùa về làm lễ cầu siêu với đầy đủ nghi thức rồi mà, sao ba vẫn chưa siêu thoát, chưa từ bỏ hẳn cõi đời này, có lẽ vì nỗi quyến luyến thiết tha, nhất là của người vợ thương yêu. Chị em tụi tôi hết lời trấn an cho mẹ khỏi lo, dù tự thâm tâm đứa nào cũng không lý giải được vì sao?
May là chỉ mấy ngày sau là cậu em út và hai đứa con nhỏ sắp xếp xong việc gia đình dọn về ở với mẹ. Từ nay trong nhà có tiếng trẻ con, đêm về có bóng người con trai trong nhà chắc mẹ sẽ thấy vui và an tâm hơn.
Như một câu thơ của tác giả nào đó đã viết, tôi chỉ biết hằng đêm:
Chắp tay cầu với Phật trời
Nguyện cho hiền mẫu sống đời với con.
TN
Tháng 5/2011