Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Bên ngoài cửa sổ phòng ngủ của khách sạn nhìn ra biển có một cây sứ già, lá dài xanh mướt, cánh hoa trắng tinh khiết thả mùi hương nhè nhẹ trong gió. Chiều đến, bãi cát nằm lặng im, vắng người, những con chim hải âu màu xám nhạt sà sát mặt nước xanh thẩm tìm mồi. Tiếng sóng vỗ rì rào và đều đặn như tiếng võng đưa của một ngày xưa cũ.
“Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng, nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương...” Ôi, bài hát thật dễ thương, mỗi lần nhớ đến tôi thấy lại cả một đàn chim non áo dài trắng, tóc ngắn, tóc dài, tóc thắt bím ở sân khấu của nhà hát lớn, miệng tròn vo, hát theo đôi tay chỉ dẫn của thầy THM. “Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại mẹ hiền...”
Chiều nay về ngồi lại bên cạnh “Mẹ Trùng Dương” tôi nhớ về những ngày xa xưa. Nhiều kỷ niệm đẹp và biến cố lớn trong đời của tôi gắn liền với biển. Biển trong ký ức của tôi bắt đầu mùa hè tôi lên bảy ở Thuận An. Năm đó, ba tôi bắt đầu đi du học xa, me tôi và các cô giáo dạy cùng trường tổ chức đi dã ngoại ở biển. Cô U., cô giáo lớp năm của tôi, có ba cô con gái cùng lứa với chị em tôi, nên chúng tôi có bạn để đùa nghịch, thích thú vô cùng. Chúng tôi xây nhà trên cát, chạy bắt những con còng, lượm vỏ ốc...ham vui giữa nắng đến cháy cả da, chỉ ngưng lại vào giờ ăn trưa. Buổi trưa có những nắm cơm trắng, bó thật chặt của cô U., phải dùng sợi dây gai để cắt từng khoanh tròn, ăn với thịt chà bông. Món ăn thật giản dị, nhưng có lẽ vì đói bụng, tôi thấy ngon vô cùng, ngay đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ.
Những mùa hè sau khi ba tôi về nước, ngoài Thuận An, chúng tôi đến Lăng Cô, Cảnh Dương... nhưng trong ký ức chỉ là biển bao la, nắng hừng hực, núi xanh ngắt ở chân trời... rồi không hiểu sao, tôi còn cảm nhận một chút gì đó “căng thẳng” trong không gian ngày ấy, một chút lo âu, ngần ngại ...không biết từ đâu đến, có lẽ đó là những năm khi chiến tranh bắt đầu bùng nổ, lan tràn...
Một chuyến đi chơi biển rất xa đánh dấu mùa hè năm tôi mười sáu tuổi. Cuối niên học năm đó, các trường trung học công lập của thành phố gửi một nhóm học trò giỏi đi dự trại hè ở biển Sơn Chà, gần Đà Nẵng. Ba me tôi qua một hồi lưỡng lự, cuối cùng cho phép tôi tham gia. Sau một hành trình dài, vượt đèo Hải Vân ngoằn ngoèo, lên đồi xuống núi, chứng kiến một cô bạn gái vì say xe, đã ói mửa tất cả đồ ăn sáng, và cơn gió tạt ngay các thứ đó vào mặt một anh học trò áo nâu “bất hạnh” của trường Nông Lâm Súc, chúng tôi đến địa điểm cắm trại. Lều cổng đã hoàn tất trước, nên chúng tôi chẳng phải làm gì nhọc nhằn cả... Tôi đã quên nhiều những sinh hoạt trong ngày trại, chỉ nhớ giây phút đi bộ dọc bờ biển với người bạn gái, biển rộng một bên và núi lớn một bên, nhỏ nhoi vô cùng. Chúng tôi im lặng đi bên nhau, có lẽ đó là lần đầu tiên, sự bao la của biển, vẻ chập chùng huyền bí của núi để lại một ấn tượng đậm đà trong tâm hồn mới lớn của tôi. Cũng để lại ấn tượng là những con muỗi đen ở biển. To gần bằng ...con châu chấu (có hơi phóng đại một chút), mấy con muỗi bay vo ve, có dịp là sà vào người, “chích nhéo” một cái, đau nhức nhói, để lại trên da mềm một vết sưng màu đỏ sẩm, lớn bằng hạt nút, ngứa ngáy vô cùng. Tôi vẫn còn nhớ những khuôn mặt của các cậu học trò, lần đầu tiên rút can đảm đến làm quen với nhóm con gái, làm bộ chững chạc và ân cần, thình lình, một vài con muỗi Sơn Chà sà tới, các chàng cố gắng bình tĩnh, nhưng chỉ trong thoáng giây, tay bắt đầu khua lia lịa, đánh vào mặt bôm bốp, chân thay nhau nhảy lên nhảy xuống. Chúng tôi đang làm bộ nghiêm trang cũng phải phá ra cười rũ rượi.
Tôi ghi lại cảm xúc buồn vui của những ngày hè năm đó, gửi đăng ở tờ báo TN, không biết những nhân vật ở trong bài có nhận ra mình chăng? “Mùa hè đỏ lửa” năm sau và hai kỳ thi tú tài là những cơn sóng cuốn ra khơi tất cả khoảnh khắc dễ thương trên biển của tuổi thơ và của những ngày trại đó.
Gần bốn năm sau tôi lại ra biển, lần này bằng một chiếc tàu nhỏ, chạy lẫn trốn trong bóng đêm dày đặc của dòng sông SG. Qua một đêm chen chúc dưới gầm tàu tối đen với những người lạ, bên ngoài, tiếng đạn bay vùn vụt, tiếng súng nổ gần xa; bên trong, mùi mồ hôi của người, mùi ẩm ướt của đồ đạc, quyện vào mùi xăng máy làm tôi muốn nôn ói. Khi mặt trời vừa lên, tàu ra đến biển, tôi theo mọi người leo lên “boong” tàu. Nắng chói loà trên biển thật bao la. Nhiều người oà lên khóc vì mừng rỡ đã thoát khỏi con sông hẹp, dài, đầy nguy hiểm. Tôi đứng lặng người, nước mắt lăn dài trên má, nhìn những bọt sóng trắng xoá, và dưới mặt nước trong xanh, một vài con cá mập đang lượn mình theo tàu. Cuốn phim của những ngày vừa qua quay chậm lại trong đầu... và tôi tự hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai? Hy vọng lẫn lộn thất vọng, lạc quan thay thế bi quan, trong năm ngày tiếp đó, cứ thế mà tiếp tục cho đến lúc tàu vào vịnh Subic của Phi Luật Tân. Sau nhiều ngày ngủ đứng trên biển, đặt chân xuống bãi cát mà cứ tưởng là mình ...đang bay...hai bàn chân, hai đầu gối ...mất hết cảm giác...
Ngày đến vịnh Subic đánh dấu cuộc đời tha hương của tôi. Từ đó đến giờ hơn bốn mươi hai năm dài, tôi đã đi qua không biết bao nhiêu đại dương: từ Pacific đến Atlantic... từ Caribbean đến Mediterranean, từ Baltic, Adriatic, đến Strait of Magellan...bao nhiêu khoảnh khắc đáng nhớ ở mỗi vùng biển tôi đến...nhưng tôi không bao giờ quên biển của ngày xưa đó.
Isak Dinesen, (bút hiệu của công tước Karen Blixen, một văn sĩ người Denmark, tác giả của cuốn hồi ký Out of Africa) đã nói, “Một liều thuốc để chữa tất cả mọi thứ là nước (có chất) muối: mồ hôi, nước mắt, và đại dương!” Thật đúng như thế, có những khi tôi làm việc mệt nhoài không còn sức suy nghĩ, hay lo âu; hay đã khóc thỏa thuê để làm tan biến nỗi buồn phiền nào đó đang đóng cứng trong hồn, và đã có rất nhiều lúc tôi tìm đến trời nước bao la, ngửi mùi muối mặn, nghe sóng biển thì thầm, nhắm mắt chờ gió thổi nhẹ vào mặt, để tưởng mình đang nhận những nụ hôn, đang ở trong vòng tay ôm của mẹ, mẹ trùng dương!
MẸ TRÙNG DƯƠNG
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu