MỜI NÁC

Lúc gia đình tôi mới đến lập nghiệp ở đây, chung quanh đa phần là những người dân quê xứ Nghệ được nhà nước đưa vào định cư. Dĩ nhiên là họ có những phong tục tập quán riêng mà người mình chưa hiểu hết.

Một buổi trưa sắp tới giờ cơm, anh hàng xóm gần bên chạy qua lễ phép mời:

- Mời anh ả qua nhà uống nác.

Anh ta đi quanh một vòng và tới nhà ai cũng nói như vậy. Hai vợ chồng tôi nghĩ chắc họ có tổ chức đám kỵ giỗ chi đây nên mới qua mời mà nói tránh đi như vậy. Ông xã liền lên đồ, giày vớ đàng hoàng rồi bước ra dặn ở nhà ăn cơm trước, đừng chờ. Thế là tôi và đứa con nhỏ cơm nước rồi vào nghỉ trưa, nghĩ chắc giờ này chàng đang làm thực khách bên nhà hàng xóm rồi. Ai ngờ mới nằm lơ mơ thì chàng bước vào nhà, tay ôm bụng:

- Vợ ơi, mau lấy cơm cho anh ăn, ruột gan cồn cào hết rồi, chịu không nổi nữa đây nè ...

Tôi vùng dậy bước ra thấy anh mồ hôi mồ kê túa ra như tắm, tay chân run rẫy thì hoảng hồn:

- Ủa, ren rứa, bị trúng gió hả?

- Không, anh say ...

- Trời, uống chi cho lắm mà say.

- Có phải say rượu đâu, say nước chè xanh gần chết đây nè.

Trời ạ, vậy là tôi vội lấy cơm canh ra cho chàng ăn. Ăn no và đỡ mệt hơn chàng mới kể lại sự tình.
Thì ra, ai ngờ là quê họ có tục mời uống nước chè xanh thiệt. Đi mời một vòng, hàng xóm tới đông đủ ngồi xung quanh một ấm nước chè đặc quánh cùng với đĩa cau trầu, một ống điếu thuốc lào đặt cạnh bên. Ông xã tôi lúc ấy cũng lấy làm lạ vì chỉ có mình là ăn mặc đàng hoàng, còn lại nhiều anh cứ quần cộc, áo thun vô nhà chào hỏi tỉnh bơ. Chủ nhà rót nước vào những cái chén B52 - loại chén bằng nhôm to gấp rưỡi chén ăn cơm, đưa từ ngoài Bắc vào - và họ vừa uống nước, ăn trầu hút thuốc lào, vừa nói chuyện thời sự, chuyện làm ăn, linh tinh đủ thứ. Chồng tôi cứ ngỡ chắc ở dưới đang sửa soạn để dọn mâm. Lạ, nước cứ rót, người ta cứ trò chuyện cười ha hả và lúc sau họ đứng dậy cáo ra về dần dần. Ông xã tôi đang khi bụng đói lại uống vào ba bốn chén nước chè đặc, mồ hôi bỗng tuôn ra như tắm, có cảm giác cồn cào gan ruột khó chịu vô cùng. Anh hàng xóm thấy vậy mới nói:

- Rứa là anh uống nác chè không quen bị say rồi đó. Gớm, say cái thứ ni còn dễ sợ hơn say rượu nữa đó anh à!

Vậy là chồng tôi vội vàng cáo từ chủ nhà và chân thấp chân cao bước vội về với bộ dáng thê thảm chưa từng thấy.

Từ đó trở đi, hễ nghe ''mời nác'' là chàng thất kinh, có lúc nể quá cũng qua ngồi tham gia câu chuyện một lúc cho vui . Và lần nào chàng cũng lo dằn bụng một vài chén cơm nguội trước khi đi cho đỡ say nước chè xanh.

                                                                                    CÁI ĐÀI

Cũng là chuyện về những người dân xứ Nghệ. Hồi đó, nhà nào cũng có giếng để lấy nước dùng và múc nước ở dưới giếng lên bằng cái gàu. Một hôm tôi qua nhà người hàng xóm Nghệ đó chơi, bỗng nghe có tếng chị vợ la con:

- Cu Tí ơi, răng mi làm rớt cái đài xuống giếng rồi.

Tôi vội chạy ra giếng coi thử:

- Ủa, cái đài mà đem ra giếng làm chi cho rớt rứa hè ...

Tôi cứ nghĩ cái đài là cái Radio. Một lúc sau thấy thằng cu Tí lấy cái cây sào dài khoắng khoắng xuống nước và kéo lên một cái ...gàu, mừng quá nó hô:

- Vớt được cái đài rồi mẹ ơi!

Tôi ngớ người, thì ra cái đài là cái gàu múc nước.

Tiếng địa phương của họ rất tức cười, mới nghe lần đầu bố ai hiểu nổi. Này nhé, nếu họ nói:

- Cho ''mạn cái liệp'', tức là cho mượn cái nón lá.

Còn:

- Cho ''mạn một ít gấu'' tức là cho mượn một ít gạo.

- Con gái tui sắp lấy ''nhông'' tức là con gái sắp lấy chồng.

Bây giờ thì họ cũng đã bỏ dần được những tiếng khó hiểu đó rồi, nhiều khi ngồi nhớ lại tôi thấy cũng vui vui.