Món Quà Của Ông Ngoại                               Nguyễn Diệu Anh Thư

Sợi dây đeo cổ là món quà ông ngọai tặng tôi lúc chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên. Năm đó tôi mới lên năm. Chỉ là sợi dây đeo cổ đơn giản, không phải bằng kim loại lấp lánh nhiều màu sắc như những món đồ trang sức khác. Sợi dây da nhỏ xíu được luồn xuyên qua một viên đá cũng tròn trịa láng bóng như được mài dũa cẩn thận. Thỉnh thoảng, mân mê sợi dây đeo cổ với viên đá nhỏ trong tay tôi vẫn còn hình dung được lần gặp gỡ thú vị đó.

Ngày tôi chào đời, nghe đâu ông tôi đang bị giam cầm, đó là số phận chung của những người thất trận sau khi chiến tranh chấm dứt. Một hôm hai mẹ con dắt nhau đi cắt tóc, từ trong hiệu tóc đi ra, chúng tôi thoáng thấy một ông cụ gầy gò đang ngơ ngác như bị lạc đường, với cái ba lô trên vai và bộ áo quần cũ mèm, tóc hớt cao; ông cụ giống như một người từ miền núi xuống thành phố. Mẹ tôi lại gần hỏi thăm thì mới nhận ra đó chính là ông ngoại tôi, sau hơn mười năm cách biệt, khoảng thời gian tuy dài nhưng cũng không thể làm cho người ta quên đi hình ảnh người thân của mình, nhất là đó là một người cha, một chỗ dựa tinh thần, là trụ cột của gia đình. Sau ngày chiến tranh chấm dứt, ông tôi cũng như bao nhiêu người trong quân đội thuộc chế độ cộng hòa trước kia đã phải vào tù, không rõ ràng là một bản án chung thân, người ta gọi bằng một từ văn hoa hơn, đó là “tập trung cải tạo không rõ ngày về”. Chúng tôi đưa ông về nhà trong nỗi vui mừng có lẫn nhiều giọt nước mắt. Sợi dây đeo cổ là món đồ ông tôi tự làm lấy trong những ngày bị giam cầm.

Nhặt được ở đâu đó một đoạn dây da, ông tôi tự mài dũa để xỏ sợi dây xuyên qua hòn sỏi nhỏ. Sợi dây da nay đã sờn nhưng không đứt, tôi liên tưởng đến sức khoẻ dẻo dai, lòng kiên nhẩn của ông tôi trong suốt thời gian bị tù tội, cái thân thể gầy gò vì thiếu ăn nhưng tâm trí lúc nào cũng bền bỉ, một sức chịu đựng vô hạn trong một tấm thân già nua vì năm tháng và tuổi đời chồng chất.

Mười một năm bị giam cầm, đói rét bịnh hoạn thêm vào đó là sự làm lụng cực khổ mỗi ngày, mọi sinh hoạt tối thiểu đều bị kiểm soát chặt chẽ, đời sống của một tù nhân chỉ có thể được tính từng ngày, chẳng phải bằng năm tháng vì trong cảnh vừa thiếu thốn về vật chất, vừa cách biệt bao nhiêu người thân, phải chăng hai chữ “tự do’’ được đánh đổi bằng cả một mạng người? Trong suốt thời gian tù tội ông tôi không bao giờ đòi hỏi người nhà phải thăm viếng hay tiếp tế thức ăn vì ông hiểu rằng với đàn con 8 đứa, tất cả đều còn tuổi đến trường, gia đình ông đương nhiên gặp rất nhiều khó khăn để sinh tồn trong chế độ cai trị của những người cộng sản. Thuở đó, mọi liên lạc của tù nhân và thế giới bên ngoài hầu như bị cấm đoán triệt để. Mỗi đợt thăm viếng hàng năm hình như chỉ để cho gia đình xác định là ông tôi vẫn còn sống, còn tồn tại trên thế gian này và cũng để cho ông tôi biết rằng ông vẫn còn một mái ấm đang chờ mong ngày ông về đoàn tụ.
Ngược lại với cái dẻo dai cuả sợi dây là sự cứng rắn cuả viên đá nhỏ. Ông tôi xưa nay được biết là người rất bướng bỉnh, khó chịu. Điều gì ông đã quyết định thì khó mà thay đổi, cho dù là sự đổi thay làm cho sự việc khá hơn. Ông tôi luôn luôn cho rằng mọi điều ông làm, mọi lời ông nói đều chín chắn, cương quyết. Ông bảo đó là tính khí của một người đàn ông được trưởng thành trong quân đội, dứt khoát rõ ràng trong suy nghĩ và hành động. Tôi không biết đó là tính tốt hay xấu, chỉ thấy là có khi vì vậy mà ông bà tôi hay sinh ra cãi cọ trong khi các dì cậu và mẹ tôi thì thường nhịn ông, không có ý kiến nhưng cũng không mấy ai được vui lòng.

Ngày còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, tôi là đứa cháu có được cơ hội gần gũi ông nhiều nhất. Ông đưa tôi đến trường, đón tôi về nhà, hướng dẩn tôi làm homework, cùng xem TV, xem phim với tôi, ông giảng cho tôi những điều tôi chưa rỏ, và cũng nhiều khi ông cháu tôi cãi nhau vì những chuyện không đầu đuôi trong phim ảnh. Khi tôi đau ốm, mẹ đi làm vắng nhà ông là người chăm sóc tôi. Món cháo ông nấu thật không giống ai nhưng thấy ông cặm cụi với những dụng cụ bếp núc tôi thật cảm động và phải khen ngon để ông vui lòng. Bài học về yêu thương đầu tiên trong đời tôi hiểu và thấm thía không phải từ trong sách vở mà bắt nguồn từ cách cư xử của ông tôi.

Càng lớn tuổi ông tôi càng khó chịu và độc đoán, cái lẩm cẩm cuả một người già không chấp nhận mình già, chuyện gì ông tôi cũng đem ra trách móc người khác được. Tuổi già hình như trở lại như một đứa trẻ, nhớ nhớ quên quên, đi đứng cũng trở nên vụng về lẩm chẩm. Đầu óc chỉ nhớ toàn chuyện xưa, ăn uống cũng thích ăn những món gắn liền với kỷ niệm, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ, không cần biết bác sĩ dặn dò kiêng cử ra sao, thèm thì cứ ăn, ăn không còn thấy ngon thì đổ lổi là không biết cách nấu. Ông không biết rằng tất cả bộ phận trong cơ thể con người theo năm tháng cũng hư hao như một cổ máy hoạt động lâu ngày cũng có ngày trục trặc. Dù vậy ông tôi vẫn còn yêu đời lắm. Ông thường nói: không ai thoát ra khỏi qui luật của tạo hóa, buồn rầu lo âu rồi cũng qua một đời, tại sao ta không sống vui vẻ, chuyện gì phải đến nó sẽ đến.

Tôi thường nhìn sợi dây đeo cổ với viên đá nhỏ, món quà ông tặng tôi ngày xưa và nghĩ đến một cuộc đời của ông tôi, tôi liên tưởng đến hình ảnh, tính cách của ông vừa dẻo dai, kiên nhẫn vừa cứng rắn, bướng bỉnh. Nghĩ đến những gì ông đã hy sinh cho đất nước, gần gũi hơn là những gì ông đã vì gia đình mà chiụ đựng, không hề ân hận quãng đời đã trải qua, đã quyết định. Từ bé đến giờ, tình cảm của tôi đối với ông có khi vui khi buồn, có khi hài lòng khi hờn giận nhưng tận đáy lòng tôi, ông mãi mãi là người ông thương yêu đầy bao dung, kính mến.