Món Quà Tuổi Mười Lăm

Năm 1974, tôi tròn mười lăm tuổi, má tôi bắt đầu bày đặt tổ chức sinh nhật cho các con. Tám đứa con trong nhà chia đều cho tám tháng. Ba tôi thường đùa sẽ cố gắng để cho đủ mười hai tháng trong năm đều có sinh nhật, nghĩa là có thể chúng tôi sẽ có thêm bốn đứa em đang sắp hàng chờ đợi để ra đời.

Má tôi cho phép người được mừng sinh nhật sẽ ưu tiên đòi hỏi món ăn gì sẽ được má tôi tự nấu để đãi cho cả nhà. Mừng sinh nhật thật ra chỉ là một bữa ăn thật đặc biệt vậy thôi, không thấy có quà cáp chúc tụng gì cả.

Tôi ra đời vào tháng giêng nên sinh nhật tôi là bữa tiệc sinh nhật mở hàng cho cả năm. Thuở đó tôi thích món bánh canh cua nấu bằng bột gạo. Tôi mê tô bánh canh có cái càng cua và những miếng chả cá chiên vàng thật hấp dẫn, có gạch cua đỏ au lẫn với những hạt ớt khô, tiêu, rau răm, hành ngò rắc lên thơm phức. Năm đó tôi được toại nguyện. Tiếp theo tháng ba là sinh nhật cậu em trai thứ bảy, năm đó nó còn nhỏ nên chỉ ngọng nghịu nói với má “Con thích chè đậu xanh đánh”, thế là cả nhà phải ăn theo món chè đậu xanh của nó.

Lần thứ nhì tôi được chọn món ăn cho sinh nhật là năm 1975, tôi yêu cầu má nấu món cơm hến. Má tôi tuy gốc gác Quảng Nam nhưng nấu món cơm hến ngon tuyệt, những con hến Hội An được má tôi xào, nấu thấm tháp. Rổ rau sống đầy đủ các loại rau thơm, khế, bạc hà. Nồi nước hến thật ngọt và thơm nồng mùi sả, mùi gừng lẫn với mùi ớt xanh nồng nàn. Chén nước ruốc cay xè, những hạt đậu chiên dầu óng ả cùng với đĩa mè rang thơm lừng như trang điểm cho món cơm hến thêm phần hấp dẫn. Má tôi hứa sang năm tròn mười bảy tuổi má tôi sẽ cho phép được mời bạn bè đến nhà cùng chung vui. Cái ước mơ một bữa tiệc sinh nhật đúng nghĩa cùng bạn bè chẳng bao giờ đến bởi vì sau năm 1975 thì cuộc sống gia đình tôi đã lâm vào cảnh tan tác, khốn cùng. Những năm tiếp theo hầu như hai chữ sinh nhật bị lãng quên, nếu có nhớ đến thì chỉ còn lại một nỗi ngậm ngùi, tiếc nuối cho một thời vàng son trong quá khứ.

Năm ngoái nhân dịp sinh nhật mười lăm tuổi của một đứa cháu gái, lần đầu tiên tôi mới biết thêm một phong tục của người gốc Tây Ban Nha. Sinh nhật năm mười lăm tuổi thật là quan trọng, được bố mẹ tổ chức rất chu đáo. Đứa con gái được bố mẹ đưa đi trang điểm, làm móng tay, chưng diện thật đẹp. Trong bữa tiệc có một phong tục thật vui là cô bé mười lăm tuổi trong trang phục đầm lộng lẫy được ngồi trên chiếc ghế cao, chính tay ông bố sẽ tháo đôi giày teenage shoe trong chân con gái ra để thay vào đó bằng một đôi giày cao gót thật đẹp. Điều này chứng tỏ rằng cô con gái mười lăm tuổi đã giã từ “lứa tuổi thích ô mai” để bước vào ngưỡng cửa người lớn. Đôi giày cao gót tượng trưng cho một bước tiến trong đời sống, bắt đầu có quyền lái xe, đi làm bán thời gian ...Và quà tặng cho tuổi mười lăm cũng là những món quà khá đắt tiền. Đó là một phong tục của người phương tây, người Việt mình thì thường tặng những món quà gây sự ngạc nhiên thích thú.

Cô cháu tôi năm đó được ba mẹ tổ chức sinh nhật tại nhà ông bà ngoại, sau khi thổi nến ở cái bánh sinh nhật, cô bé chỉ  nhận được một thùng quà lớn. Cả nhà bắt cô bé phải đoán là quà gì, cô bé đá qua đá lại cái thùng và đoán là TV… Sai rồi, thùng quà to và nặng lắm, đoán hoài không trúng. Thôi thì lấy dao kéo bắt đầu khui thùng quà vĩ đại ra trong hồi hộp. Mời bấm vào để xem hình …


Bên trong là món quà độc đáo, cô chị tên Thiên Thư toát mồ hôi vì bị nhốt trong thùng, trên tay chìa ra tặng cô em một tấm vé máy bay cho chuyến du lịch California một tuần lể trong dịp nghỉ Spring break (nghỉ vào mùa xuân) kém theo một vài phong bì lì xì để tiêu vặt.

Món quà tuổi mười lăm thật bất ngờ, thích thú. Cháu tôi cười trong nước mắt.

Anh Trinh
Tháng 2 năm 2011