Một câu hỏi
“Thiệt tội, thằng con ...”. Tôi nghe Má lẩm bẩm hoài, lần nào câu nói cũng lưng chừng như thế.
“Thằng con”, Má thường nhắc là em Trí của tôi. Năm mười tám tuổi sau khi tốt nghiệp trung học, em theo thằng bạn vào Sài Gòn học nghề vì thời đó Đà Nẵng rất khó kiếm sống, nếu bước ra đời chỉ có dăm ba chữ nghĩa mà không có một chút thân thế hoặc chút nghề nghiệp về kỹ thuật như quấn “mô tơ” hay thợ hàn, thợ điện ... nghe nói em học nghề làm thợ sửa máy suốt lúa ở tận Cần Thơ.
Mấy tháng sau, Trí nhảy tàu về Đà Nẵng trong sự ngạc nhiên của gia đình. Em cho biết, nghe bạn bè nói, công an ở địa phương đã gọi Má lên đồn nhiều lần, làm khó dễ vì nghi ngờ Má đã đưa Trí đi vượt biên. Em tự ý về để tham gia nghĩa vụ quân sự vì theo em, đi nghĩa vụ quân sự, thi hành đúng “chính sách nhà nước” thì gia đình sẽ được nhiều ưu tiên, ba sẽ mau được sum họp với gia đình. Má tôi không trả lời, chỉ la em là “Đô` điên! Cha còn chưa về thì ai mà tin tưởng, làm sao mà ra trận, cầm súng được!”. Khi tiếng loa phóng thanh của phường réo tên những thanh niên trong hạn tuổi từ 18 trở lên phải “đăng ký nghĩa vụ quân sự”, em Trí ra phường để ghi danh. Thật ngạc nhiên, em có tên trong danh sách những người sẽ lên đường đợt đầu, năm 1982. Trước khi em đi, Má tôi có thu xếp cho Trí đi Tiên Lãnh để thăm ba tôi một lần. Lần đó Trí cằn nhằn hoài khi phải lội bộ mấy cây số đường núi để cắt tóc vì người cán bộ nhận tờ đơn thăm nuôi đã phê bình Trí, để đầu tóc dài quá, chạm cổ áo. Nếu không “chấp hành”, ba tôi sẽ bị cảnh cáo, chỉ được nhận quà chứ không được gặp mặt thằng con.
Ngày tiễn Trí và một số thanh niên khác của phường lên đường, tổ Mẹ chị tặng các em mỗi người một chiếc khăn tay và một chùm bánh ú do các bà mẹ, bà chị trong phường tự làm lấy. Má tôi khóc ngất giữa đám người thân và bạn bè đưa tiễn. Xe đi rồi, chỉ còn lại lời bàn tán, lẫn sau đám bụi mờ ...” Hình như chuyến này sẽ đưa đi Cambodia hết!”
Trưa hôm đó, rất ngạc nhiên là Trí đã trở về vì danh sách ở Thành Đội điểm danh không có tên em. Không biết vì lý do gì, mấy tiếng đồng hồ sau, tự vệ phường lại mang tờ giầy báo tập trung đến nhà, buộc Trí phải đi trình diện. Lần này không có ai khóc, cũng không cờ xí đưa tiễn như lúc sáng. Em Trí đi luôn, vào đến An Sơn, Nghĩa Bình em mới thư về. Em học quân sự, học cầm súng hẳn hoi, chẳng phải như một số lính thời bình khác là học cầm cuốc, học chăn nuôi, học tăng gia sản xuất. Khi nhận được thư em cho biết sẽ đi Cambodia vào tháng tới, sau khi hoàn thành sáu tháng huấn luyện tại An Sơn. Má tôi cho Nhân, là anh, lớn hơn Trí hai tuổi vào thăm em. Quà mang vào cho đứa con, cho thằng em là mấy ký lô đường bát, loại bể vụn, giá rẻ, mấy lạng thuốc lá Lạng Sơn chưa quấn, giấy để viết thư, những giọt nước mắt người mẹ và cả tấm lòng, cả tình thương của gia đình, được gói gọn trong cái mền dù Đại Hàn đã rất cũ mà Má nói, vừa ấm vừa nhẹ, khí hậu bên Cambodia mùa đông lạnh lắm!
Thằng anh vào thăm em, về kể lại là hai anh em đã phải cự nự, sừng sộ với Ban Chỉ Huy ở nhà khách để hai anh em được ngủ chung với nhau một đêm. Nhân vừa lấy cái kiếng cận xuống để lau bụi, vừa kể, giọng bùi ngùi, ánh mắt như có lửa.
Những tháng ngày ở vùng biên giới Tây Nam, những đợt hành quân nơi “xứ bạn” được Trí kể, đều đặn qua bao cánh thư từ các địa danh xa lạ Prếch vi hia, rồi Battambang ... Thư nào em cũng mong cho đủ thời hạn nghĩa vụ để được về, hy vọng lúc đó sẽ dễ dàng kiếm việc làm ở Đà Nẵng, phụ má thăm nuôi ba và giúp chị lo cho mấy đứa em. Đôi lần em kể về những thiếu thốn trong đời lính, không nghe Trí than thiếu cơm, thiếu gạo mà chỉ là thiếu thuốc. Em gởi về mấy câu trong bài thơ “Nhớ” của thi sĩ Hồ Dzếnh “Tôi là người lữ khách. Màu chiều khó làm khuây. Ngỡ lòng mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây. Nhớ nhà châm điếu thuốc, Khói huyền bay lên mây ..., tôi đọc thư em mà cười và rất đổi ngạc nhiên, năm 1975 thì em mới mười hai tuổi, lớn lên trong thời buổi “khăn quàng đỏ”, làm sao em có cơ hội đọc và thuộc những bài thơ đã từng bị lên án ủy mị như thế! Tuyệt nhiên không có nỗi nhớ người yêu, dẫu lúc đó em khoảng hai mươi tuổi, vẫn chưa có bóng hồng nào trong tim. Má tôi sau những lần đọc thư em thì khóc hoài, thiệt tội, thằng con!
Tháng tám năm 1985, thư em báo tin vui đã mãn hạn nghĩa vụ. Em sẽ về nước trong đợt “ra quân” gần nhất. Tháng mười đến, mùa khô về nơi xứ sở Chùa Tháp, vẫn chưa thấy em về. Tháng mười một sắp tàn, một người lính trẻ là láng giềng cũng là đồng đội của Trí được về phép đến nhà chơi. Nguyện tới lui nhà tôi nhiều lần, được má tôi và cả nhà tiếp đãi như một người con, anh chàng kể lể đủ thứ chuyện về thằng em tôi, dường như hai đứa thân nhau lắm. Má tôi hỏi ngày về của Trí, Nguyện bảo, Trí phải ở lại để chờ đợt sau vì trong đơn vị có một số anh em đang đi học khóa sĩ quan, chắc vài tháng nữa.
Hai hôm trước khi về lại đơn vị, Nguyện đến nhà tôi nhận thư và quà để mang qua cho Trí. Hôm đó, Nguyện xuất hiện trong bộ quân phục, đôì mắt rất buồn, rất u uất, người trai trẻ thú thật, đợt này Nguyện ghé gia đình tôi chỉ với mục đích là báo tin Trí tử trận rồi. Vì dẫm trúng mìn. Em Trí chết. Đơn vị chôn em ở nghĩa trang quân đội Tây Ninh, sát biên giới. Khó khăn lắm Nguyện mới kể hết câu chuyện. Chính Nguyện là người đã cỏng Trí từ bãi mìn về trạm chuyển thương. Em bị thương nặng, máu ra nhiều quá, điều kiện thuốc men thiếu thốn như cố tình đưa em về cõi thiên thu. Nguyện kể, Trí cơ hồ biết mình sẽ không qua nổi sau khi đã được uống rất nhiều nước đường, loại đường Thốt Nốt, ngoài ra không có một loại thuốc cầm máu nào. Nguyện cỏng Trí trên vai về đến trạm, Trí than khát nước, hơi thở ngắn dồn dập, lắp bắp những câu Nguyện nghe tiếng được tiếng mất. Đến chiều thì Trí kiệt sức, đi luôn. Câu nói cuối cùng là ”…Ba tau ở tù chưa về, Má tau đi buôn tuốt trên Hiên Giằng, cực lắm ... nhớ, đem tấm áo mưa và cái khăn Cà Ma còn mới này về cho bả ...”. Ngoài tấm nylon và chiếc khăn rằn Cà Ma là loại khăn được phát cho những người lính VN bên Cambodia thời đó để quàng cổ trong mùa lạnh, Nguyện còn run run mở cái ba lô chứa những lá thư từ nhà gởi sang, tấm ảnh của đứa cháu chào đời khi cậu không có ở nhà và cuốn sổ tay chép những bài thơ vụng dại.
Nguyện kể mà thái độ lúng túng như người có lỗi. Má tôi vật vã, con đi lính làm chi con ơi, hòa bình rồi, thống nhất rồi mà họ còn bắt con tui đi lính, con đi lính để ba con mau về, ba chưa về, con đi rồi, con bỏ má, bỏ anh chị em đi luôn rồi, con ơi là con … Má tôi khóc kể nhiều lắm, kể xong là chưởi. Má tôi chưởi từ ông nhỏ đến ông lớn, những “đứa” những “thằng” mà sau khi em đi rồi gia đình tôi mới biết, chuyện sót tên em ở Thành Đội hôm lên đường là một màn kịch thế mạng không hoàn hảo.
Em Trí đã nằm xuống, dòng máu của em thấm trên một dải đất không mang hình cong chữ S. Theo lời Nguyện, khi chôn, em Trí mất một bàn chân, không tìm thấy. Gia đình tôi mời thầy về làm lễ cầu hồn, cầu siêu cho Trí. Bạn bè em đến rất đông, những thằng bạn lóc chóc thời đi học, thời bán thuốc lá dạo trên chuyến tàu Đà Nẵng - Huế sau 1975. Không có một giọt nước mắt thiếu nữ. Cũng không có được một tấm ảnh mặc quân phục nào, gia đình tôi phải phóng đại từ tấm ảnh học sinh nhỏ xíu, trong thẻ học sinh năm lớp 6 trường PCT của em để đặt lên bàn thờ. Hai đứa em gái để tang cho anh trai, ánh mắt ngơ ngác, thiệt tội.
Cả tháng sau, gia đình tôi mới nhận được tờ giấy báo tử từ sở Thương binh liệt sĩ. Một lần nữa, nỗi đau lặp lại. Hôm nào có người ở cơ quan hành chính địa phương đến chia buồn là cơ hội để má tôi khóc lóc, nguyền rủa. Và mãi hai năm sau, em mới được chuyển về Nghĩa Trang Liệt Sĩ Thành Phố cùng với một vài người lính đã hy sinh khác. Trí về, không có “hòm gỗ cài hoa, không trực thăng sơn màu tang trắng”, không có lá cờ phủ trên quan tài. Trí về, ba tôi vẫn còn miệt mài đói rét nơi trại tập trung nhiều năm sau đó. Trí về, không có đồng đội ngả nón chào vĩnh biệt. Trí về đến Đà Nẵng, nơi em sinh ra và lớn lên mười tám năm tròn, về với hình hài không nguyên vẹn. Giữa quang cảnh nghiêm trang một cách giả tạo, những bình hoa nylon, những khuôn mặt vô cảm, người ta chỉ cho Má tôi một cái quách nhỏ xíu, sơn đỏ, làm bằng loại gỗ rẻ tiền, được đưa về trên chiếc xe còn bám bụi đỏ, rồi nói, đây là hài cốt của Liệt sĩ Nguyễn Trí ... hy sinh tại chiến trường Cambodia khi đang làm nghĩa vụ quốc tế cao cả ...”. Má tôi nhào đến bên huyệt mộ đã được đào sẳn, quằn quại, lăn lộn, khóc với tất cả nỗi đớn đau trong đời. Nhận tờ giấy vô hồn mà người ta gọi là bằng liệt sĩ, Má tôi lại khóc ngất, lại kể lể. Thiệt tội, thằng con!
Đổi xương máu, da thịt của một đứa con, Má tôi có “tiêu chuẩn”, lãnh mấy chục đồng thuở ấy hằng tháng. Mỗi năm vào tháng bảy Má được mời lên Phường một lần để ăn bánh kẹo quốc doanh, uống ly nước trà lạt thếch, để nghe tuyên dương công trạng là mẹ liệt sĩ!
Nhiều năm, rất nhiều năm sau, khi gia đình tôi đã định cư nơi một vùng đất có tự do, có quyền sống, có quyền làm người, hằng năm đến đầu tháng mười một, đám giỗ em, Má tôi nấu vài món ăn mà ngày xưa em Trí thích, theo hồi ức của Má, rồi cả nhà cùng tụ họp, tưởng niệm đến một nhúm ruột đã lìa xa. Và cũng lâu lắm, sau này chúng tôi mới biết những người lính trẻ bị “buộc tình nguyện” đi Cambodia thuở đó chỉ có tử sĩ mà ít có thương binh, người ta không cứu làm gì những kẻ sẽ trở thành tàn phế, phải ăn bám vào đồng lương từ nhà nước. Có ai đi vắt một miếng chanh đã khô nước?
Hèn gì dẫu đã hai mươi lăm năm trôi qua, nước mắt Má tôi cứ chảy hoài, người mẹ gần tám mươi tuổi, như một chiếc lá vàng sắp lìa cành cứ tiếc nuối một chiếc lá xanh đã sớm rụng. Má tôi hay kể về những cơn ác mộng của bà, có em Trí thiếu một bàn chân, hai mẹ con cứ thất thơ thất thểu kiếm tìm trong vô vọng. Má tôi cứ lẩm bẩm hoài, thiệt tội, thằng con!
Riêng tôi, nhiều năm rồi mỗi khi nhìn tấm ảnh đã nhạt nhòa của em trên bàn thờ, lòng cứ bâng khuâng một câu hỏi, không biết cái hài cốt mà gia đình tôi nhận là em Trí có thật sự là của em chăng?
Hai mươi lăm năm, hồn phách em chắc đã tiêu diêu. Thôi, theo thuyết Nhà Phật thì chắc em đã đi đầu thai kiếp khác, đã trở về cát bụi, với hư không.
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta - Tháng 11, 2009