Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Một chuyến chơi xa
Khi chiếc Honda Civic vượt liên tiếp mấy ngọn đèo thì chị bắt đầu thở ra mệt nhọc. Hôm nay đã là ngày thứ ba của cuộc hành trình, chị vẫn cảm thấy đầu nằng nặng, nghiêng nghiêng khi ngồi trong chiếc xe bốn chỗ kín như bưng đang chạy nhanh trên đường. Đó là chứng say xe chị bị từ thời thơ ấu. Quay qua chị, anh hỏi:
- Sao, khó chịu hả em?
- Dạ, lên đèo mà.
Anh quay kính xe xuống. Không khí mát mẻ ùa vào bên trong. Dễ chịu hẳn ra. Chị ngó cột cây số bên đường. Chỉ con ba mươi cây số nữa là lên tới Đà Lạt. Hai bên đường bạt ngàn thông. Khi xe lên đỉnh đèo, chị ngó xuống bên dưới thấy những cây thông thẳng tắp hình như càng vươn cao như muốn theo chân khách. Cái nóng gay gắt mùa hè của miền trung du đã thật sự bị đẩy lùi.
Xe của anh chị và xe của bốn gia đình khác dừng chân bên một dòng suối khá lớn đang chảy nhẹ nhàng men theo các tảng đá. Xe của gia đình Thắng, mà chị vẫn thường gọi vui là Gia đình bác Tám, vì cô vợ và hai cô con gái lúc nào cũng bám sát theo người đàn ông duy nhất trong nhà, dừng ngay dưới chân suối để ba mẹ con tạo dáng bên mấy khóm hoa dại bên đường. Bé Su vừa xong lớp hai của gia đình Khánh chạy theo bám váy mẹ, và bên cạnh cô bé là cu Bo con của vợ chồng Kỳ. Cu cậu đã giúp cho không khí của đoàn vui hẳn lên vì mấy phen hài hước khi thật tự nhiên, và thật ... lì đeo bám bé Su. Cu Bo hơn bé Su một tuổi, nhưng bị áp đảo về chiều cao và cân nặng, cứ hồn nhiên chạy theo Su bất cứ khi nào và ở đâu. Cu cậu đã bỏ hẳn xe của ba mẹ để được cùng đi với cô bạn mới quen. Thậm chí khi bé Su chọn một nơi xa xa để đi tiểu, Bo cũng chạy theo, đứng một bên và cũng chẳng ngại ngần giải quyết nhu cầu của mình. Chị tức cười vì sự hồn nhiên của hai đứa trẻ, nghĩ không biết mai này khi lớn lên, hai đưa có nhớ những tháng ngày này? Cô gái con vợ chồng Ngọc chuẩn bị lên lớp mười hai, miễn cưỡng theo ba mẹ, đã dần hòa nhập với không khí thân mật của đoàn.
Chỉ có anh chị là không có con cùng đi. Đây là lần đầu tiên từ ngày có riêng cho mình một gia đình, chuyến đi xa này thật thong thả và chỉ có hai người. Không phải về quê với mục đích gì đó, chúc Tết hay ngày kị giổ, không thể không về, vì đó là trách nhiệm. Vội vã đi và vội vã về. Không phải là những chuyến viễn du chỉ một mình chị, hay một mình anh. Cũng vui, cũng cười nói hả hê nhưng hình như vẫn thấy niềm vui chưa tròn đầy. Lần đi này anh chị để mọi thứ lại căn nhà nhỏ. Không lo sợ trộm đột nhập vào nhà khi vắng chủ vì anh chị đã quyết định không năn nỉ thằng Út cùng đi. Có nó ở nhà chăm sóc con chó Lu, lo cho nó ăn uống, cũng cất cho chị một nỗi lo. Bây giờ thằng Út cũng đã thực sự lớn. Nó có thể tự lo cho bản thân rồi. Mọi việc ở công ty anh giải quyết ổn thỏa trước khi lên đường. Còn chị, phân vân không biết có nên đi xa khi sức khỏe của ông bà ngoại sồi sụt vì thời tiết năm nay xấu. Cuối cùng chị quyết định, thôi kệ, không có mợ chợ vẫn đông, ông bà còn có những người con khác chớ không chỉ một mình chị.
Vậy là khi lái xe ra khỏi nhà, anh chị thật thoải mái, không bận tâm gì ngoài chuyến đi.
Khi đến Bình Định thì đã ba giờ chiều, đoàn vào thăm bảo tàng Quang Trung. Ở đây có phòng trưng bày các bức vẽ, tranh khắc gỗ tái hiện lại những biến cố thời ấy. Có cây me hơn hai trăm tuổi, được chú thích là cây cổ thụ trong vườn nhà Tây Sơn Tam Kiệt. Nó xanh tươi và được tạo dáng rất đẹp. Ngoài ra còn có giếng nước cũng được giới thiệu là nằm trong khuôn viên nhà thân sinh vua. Nước giếng mát lạnh, vốc lên khỏa mặt thấy thật là dễ chịu. Mọi người tranh nhau rửa mặt bằng cái gàu nhựa. Nếu đó là cái gàu bằng gáo dừa, hay đại loại thứ gì đó xưa cũ một chút, thì hay biết mấy.
Trên đường vào thành phố Quy Nhơn, anh chạy xe chậm lại, chỉ cho chị nhà máy, nhà nghỉ nơi anh từng lưu lại để hoàn thành một công trình mà công ty anh ký hợp đồng. Nơi ấy cách nội thành hơn mười cây số, buồn hiu và có lẽ thiếu thốn tiện nghi. Chị chạnh lòng nghĩ đến khoảng thời gian ấy chị ở nhà, một mình nên thong thả, muốn đi chơi thì đi, muốn ăn gì cũng có, thậm chí cả ngày không thèm nấu nướng gì, đến bữa ăn đại ổ bánh mì cũng xong, hay chỉ nấu nồi cơm ăn cùng với thức ăn để trong tủ lạnh mấy ngày rồi. Những điều ấy khi có chồng con ở nhà, chị chưa bao giờ dám ... sướng vậy. Chị tung hê hết mọi nỗi lo. Và đã từng cười khoái chí khi nghe cô bạn sửa thơ HMT:
Người đi một nửa hồn tôi ... khoái.
Một nửa hồn kia bỗng ... nhẹ nhàng.
Trong khi ấy anh phải chịu áp lực công việc, và phải trải qua một thời gian khá dài sống tạm bợ trong thiếu thốn. Chị liếc nhìn anh, gương mặt anh lúc này thật bình thản. Tự nhiên chị thấy mình có lỗi vì những tháng ngày thoải mái ấy. Té ra làm người vợ trong gia đình, chị đã được anh gánh vác thay khá nhiều nỗi vất vả, nhưng chị vô tư, hay vô tâm không hiểu hết, chỉ thấy vất vả của mình, và có lúc nghĩ mình là người ... thiệt thòi nhất khi phải bận bịu chuyện nhà sau giờ làm việc ở sở. Chỉ là vì anh hay giữ riêng cho mình những khó khăn bên ngoài, chỉ là vì chị là người nhạy cảm, nên có khi cả hai sống cùng nhau mà chưa thật cảm thông nhau.
Đoàn nghỉ đêm tại khách sạn bốn sao của thành phố với một giá rẻ không ngờ, có lẽ vì đang vắng khách. Tất cả phòng đều nhìn ra biển, nên lúc bình minh, anh chị thấy được cảnh mặt trời lên. Anh mở cửa ra balcon định làm vài động tác thể dục thì choáng ngợp vì vẽ đẹp của biển nên quay trở vào đánh thức chị. Đây là lần đầu tiên anh chị thong thả ngắm mặt trời dần ló ra sau dãy núi, thả thứ ánh sáng vàng đỏ trong veo xuống mặt nước biển xanh thẩm ánh lên màu bạc. Và đây có lẽ cũng là lần đầu tiên anh kiên nhẫn đứng bên chị khá lâu mà không bỏ đi. Với anh, có biết bao thứ cần quan tâm trong từng giờ, từng ngày. Cuộc sống thì hối hả, tốn thời gian cho một vẽ đẹp thiên nhiên nào đó thì thật là lãng phí. Nhưng hôm nay, anh cũng thấy buổi sáng trôi qua lặng lẽ và chậm rãi. Chẳng có gì cần phải giải quyết trong sáng nay cả, anh chị chỉ chờ đến giờ hẹn để cùng đoàn ăn buffet tại khách sạn rồi trả phòng, đi thăm khu du lịch Gềnh Ráng, nơi Hàn MạcTử đã sống những năm tháng cuối đời.
Ngôi mộ của nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh được xây dựng lại trong khu đất cao gối đầu bãi biển Gềnh Ráng. Khung cảnh ở đây lãng mạn, nên thơ, nhưng rất tiếc vẽ đẹp ấy đã bị đánh mất phủ phàng vì nhà hàng Hoàng Hậu gần đó chiều chiều ngập tràn mùi bia rượu, và gian hàng của người đàn ông tự cho mình là người tạo lửa cho thơ Hàn, đã buôn bán những bài thơ của Hàn bằng cách khắc chúng lên những tấm gỗ đủ kích cỡ, rồi bán chúng cho du khách bằng giá không hề phải chăng.
Sau khi ghé thăm nơi nhà thơ chửa bệnh rồi qua đời, năm chiếc xe lăn bánh thẳng tiến Nha Trang, thành phố biển giống y thành phố quê hương anh chị. Cũng con đường ven biển mùa hè luôn đông nghẹt du khách, chỉ khác là biển nằm trong lòng thành phố. Từ khách sạn, đi qua vài con phố sầm uất là ra đến biển. Và chỉ khác là ở đây người ta khai thác các dịch vụ du lịch hết sức khéo léo.
Đến Nha Trang, du khách không chỉ tắm biển. Đoàn của chị ngay chiều hôm đó đã mua vé vào tắm bùn và ngâm nước khoáng ở khu suối khoáng Tháp Bà. Tắm xong thấy da mình trơn láng. Nghe đâu nhờ bùn ở đây mà da của phụ nữ ửng hồng rất đẹp. Tối ấy khi về khách sạn, chị hỏi anh:
- Anh,anh thấy da mặt em có hồng lên không?
- Có. Anh cười cười, trả lời.
- Thiệt không đó cậu? Chị nghi ngờ hỏi lại.
- Không tin soi gương biết liền. Cái mặt đỏ lựng kìa
Chị vội vàng chạy đến trước bàn phấn. Có gì đâu, mọi thứ vẫn vũ như cẩn. Biết bị anh chọc quê, chị xì một tiếng quay đi, vớt vát:
- Cũng có ửng lên thiệt chớ bộ.
Chẳng mấy khi vợ chồng chị nói chuyện tầm phào mà vui vậy.
Ngoài ra du khách có thể ra đảo cách bờ chỉ chừng mười lăm phút đi cano để lặn biển ngắm san hô, hoặc để ghé một trong các đảo, chọn các loại hải sản còn sống được gom trong các mảng lưới. Muốn con nào thì chỉ, chúng sẽ được nhà hàng ở đó bắt lên, nấu ngay để phục vụ. Từ đó, du khách có thể dùng cano ra thẳng một đảo du lịch nổi tiếng của Nha Trang. Chủ nhân của nó là một người Nga gốc Việt. Một lần về thăm quê hương, người này đã dừng chân ở Nha Trang và quyết định chọn một trong số các đảo của Khánh Hòa để đầu tư thành khu du lịch, đặt tên là Vinpearl. Đó là lý do du khách nước ngoài dến Nha Trang đa số là người Nga. Bỏ ra bốn trăm năm chục ngàn là tha hồ dạo chơi, thăm thủy cung, tham gia tất cả các trò chơi, từ đơn giản của trẻ con cho đến những trò căng thẳng dành cho người lớn.
Chị rủ:
- Mình trượt nước đi anh.
Rủ chỉ là để cả hai cùng nhớ về lần đi chơi Water Park ở Sài gòn cùng hai con trai. Lần ấy thằng Cả chỉ mới học lớp mười nên cả nhà mạnh dạn tham gia trò trượt nước. Sợ kinh khủng mà rất thú vị khi nhắm mắt trượt dài theo con nước từ cao đổ xuống. Chị chỉ dám chơi trò đó thôi, nhưng ba ba con còn tham gia vượt thác nước trong lòng ống. Trò này đáng sợ hơn nhiều vì cảm thấy mình rơi trong lòng ống tối thui. Khi về đến đích, mặt mày ai cũng căng thẳng.
Cũng đã mười mấy năm rồi. Bây giờ anh chị chỉ có thể ngồi đó nhìn mọi người chơi, vui vì chứng kiến những gương mặt trẻ thích thú xen sợ hãi khi về đích. Gương mặt mỗi người biểu hiện mỗi cảm xúc khác nhau. Có hai con trai chị và anh lẫn trong những gương mặt ấy. Những gương mặt tuổi trẻ thích cảm giác mạnh và không biết sợ là gì.
Chị nhìn anh, thấy anh đang cầm điện thoại mân mê trên tay. Có lẽ đó là thói quen chờ những cuộc gọi đến bàn công việc. Anh bây giờ tóc đã muối tiêu, và đã hết những nông nỗi thời trai trẻ. Ngày anh mới cưới chị, phải mất một thời gian khá dài anh mới quen những gò bó của cuộc sống có hai người. Dĩ nhiên là vui vì có người chia sẽ ngọt bùi đắng cay, nhưng cũng không thú vị gì việc phải từ bỏ cuộc sống tự do ưa chi làm nấy, và nhất là tảng đá mang tên trách nhiệm đè nặng lên mọi cảm xúc. Thời gian ấy không dễ dàng gì cho cả hai. Trong mắt chị, anh không còn là anh của những ngày yêu nhau. Trong mắt anh, chị đã mất dần những cuốn hút thời con gái. Cả hai rơi vào vòng xoáy của chán chường và thất vọng. Khi các con ra đời, chị càng tất bật hơn với việc nhà, việc sở. Còn anh, gánh nặng cơm áo để lo cho con cái cũng chẳng nhẹ nhàng!
Anh đón trái quýt đã lột vỏ chị đưa. Ở đây người ta cấm mang thức ăn vào, nhưng như một điều thú vị - cái thú của những ngày tuổi trẻ thích làm điều không được hoan nghênh, ví như lén ăn me xoài cốc ổi trong lớp học, hay hái trộm hoa quả nhà người khác - chị đã cất trong giỏ xách của mình mấy trái quýt để chia cho các bạn cùng đoàn. Anh đón trái quýt trên tay chị, dễ dãi đưa vào miệng thay cho cái lắc đầu như trước đây. Chị biết anh ít ưa trái cây. Nếu là trước đây, anh sẽ cương quyết lắc đầu khi chị cố nài anh ăn một ít:
- Trái cây tốt mà không chịu ăn. Anh ăn đi, ăn đi.
Chị cố làm được điều mình cho là đúng, cho anh, còn anh, phản kháng để không làm điều mình không thích. Một thời gian dài anh và chị vẫn sống như vậy, cho đến một ngày, cả hai chợt hiểu ra, nếu cùng nhau nhìn về một hướng, sẽ có thêm nhiều niềm vui khi thấy người kia hạnh phúc. Bây giờ, khi anh đã gần chạm tay vào cái đích sáu mưoi năm cuộc đời, chị thì đã bưóc qua tuổi năm mươi hơn, cái tôi ích kỷ chẳng còn lại nhiều. Chị không nài ép anh làm những điều anh không thích nữa. Anh thì dần xóa đi cảm giác bực bội vì nghĩ chị đang muốn thay đổi mình. Anh đã biết mềm mỏng hơn để chìu lòng chị. Con cái thì cũng đã lớn khôn. Cuộc sống anh chị dần dần thay đổi. Bây giờ thì không còn cải cọ, không còn bươn chải. Một thời cố gắng đạt được điều mình mong muốn bằng mọi giá đã qua rồi. Anh chị đã hiểu, mưu sự tại nhân nhưng thành sự tại thiên. Có những cái người muốn nhưng trời không cho thì cũng đành chịu.
Anh hay nói vui với bạn bè:
- Tui bây giờ vui vẻ sống như cày xong thửa ruộng.
Chị cười thầm nghe anh triết lý. Ông tướng ơi, bây giờ có muốn cày cũng liệu còn đủ sức?
Buổi tối ở Vinpearl, anh chị cùng đoàn người lũ lượt vào hội trường lộ thiên để xem nhạc nước. Anh đạo diễn người Nga đã rất tâm lý khi lồng vào chương trình biểu diễn một bài hát Việt tình cảm và có âm điệu bay bổng:
Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi,
Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời ...
Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả ...
(Việt Nam quê hương tôi - ns Đổ Nhuận)
Đêm ấy khi cùng chị nằm trong phòng khách sạn, anh quàng tay ôm ngang lưng chị. Cử chỉ âu yếm hình như anh đã ít thể hiện từ lâu. Chị thì cũng chẳng có nhu cầu, nhưng trong căn phòng không phải là nhà mình, cùng hai ngày thảnh thơi không lo nghĩ, vòng tay ôm dịu dàng bất ngờ của chồng làm chị xúc động.
Sáng hôm sau đoàn lên đường đi Đà Lạt. Khi rời Vinpearl, ấn tượng để lại cho du khách là sự phục vụ chu đáo gây thiện cảm rất lớn. Chị ngạc nhiên khi thấy chỉ khoảng cách chừng một trăm mét là có một nhà vệ sinh sạch đẹp không thua kém nước ngoài. Một điều mà mới cách đây không lâu, khi có dịp ra nước ngoài du lịch, chị đã thầm hỏi không biết đến bao giờ dân Việt Nam mới có thể hưởng được sự phục vụ ấy.
Khi chỉ còn cách Đà Lạt chừng mươi cây số, đoàn dừng xe ăn cơm trưa ở một quán ven đường. Quán không đẹp, chỉ sạch sẽ thôi nhưng đã cho đoàn một bửa cơm đậm chất Đà Lạt, ngon mà giá cả khá rẻ. Chị thích nhất là đĩa rau xà lách trộn. Rau mới hái của xứ cao nguyên ngọt ngào, nhai rồi cứ muốn giữ mãi trong miệng. Vợ Khánh gọi thêm món rau, vì kinh nghiệm những lần đi trước. Khi lên tới Đà lạt rồi, rau sẽ biến thành sâm, giá rất đắt, mà chưa chắc đã ngon như ăn ngay tại vườn như bây giờ. Chị nửa tin nửa ngờ. Nhưng đúng là như vậy. Khi vào một nhà hàng ở trung tâm thành phố, chỉ riêng phần rau, đoàn đã tốn hơn một triệu đồng.
Thời tiết mát mẻ giúp bao mệt nhọc tiêu tan. Đoàn chọn khách sạn ngay chợ Đà Lạt nên giá khá đắt đỏ, tận lầu ba nhưng không có thang máy, không điều hòa không khí và hệ thống nước nóng thì cà giựt cà tang. Tuy vậy không ai phàn nàn vì gần chợ, sẽ thuận lợi khi muốn mua quà cho gia đình, bạn bè lúc quay về.
Nhận phòng xong là đoàn đi thăm Trúc Lâm Thiền Viện ngay chiều hôm đó. Anh lái xe chầm chậm qua những con đường lên xuống. Những con dốc nhỏ và thời tiết mát mẻ hình như đã giúp người dân ở đây trở nên trầm tỉnh, hiền hòa. Chị không gặp cảnh phóng nhanh vượt ẩu, không thấy vẽ hối hả của ai trên đường. Nhịp sống hình như chậm lại ...
Trúc Lâm thiền viện nằm trên núi Phụng Hoàng, cách Đà Lạt chừng năm cây số. Đường đến nơi hai bên chỉ toàn thông.Đẹp nao lòng.Anh đố chị vì sao chùa được gọi là thiền viện.
- Dễ ợt. Vì ở đó các tăng ni thiền suốt ngày chớ chi.
- Đúng. Nhưng họ không thiền suốt ngày đâu. Mỗi ngày chỉ thiền ba thời thôi, mỗi thời hai giờ, và thời đầu tiên trong ngày bắt đầu lúc ba giờ sáng.
- Mà sao không gọi là lần mà gọi là thời?
Anh cười. Cái đó thì chịu, đọc sao nhớ vậy thôi. Chị thầm nghĩ không biết cô bạn có mối tình đầu và là cuối nơi cửa Phật có giải đáp được thắc mắc này không?
Viện Trúc lâm đẹp thật. Anh chị vào chính viện thắp hương, đi lang thang ngắm cảnh, dạo chơi trên đồi Thanh Lương. Những cây thông in bóng xuống hồ Tịnh Tâm thầm lặng mà ngạo nghễ. Chị chỉ cho anh ngôi nhà hai tầng phía trước có rừng trúc xanh tươi nằm lưng chừng đồi. Anh lại giảng giải:
- Nếu em chán đời muốn tu tập ngắn hạn thì xin vào đó.
Cũng có lúc đời buồn tênh.Nếu có một nơi để tâm có thể tịnh cũng thật là tuyệt đó.
Hai ngày ở Đà Lạt, đoàn còn đi thăm nơi ở của vua Bảo Đại, thung lũng Vàng, suối Vàng và làng Cù Lần. Nghe tới vàng là chị khoái, vì có cơ hội chụp những tấm hình có hoa vàng. Hoa ở đây rực rỡ dù nắng chỉ lao xao.Đà lạt bắt đầu vào mùa mưa rồi. Nghe nói nếu lên đây vào tháng ba, du khách sẽ mê mẫn vẽ đẹp của Đà Lạt khi cả thành phố đều tràn ngập sắc hoa. Còn cái tên làng Cù Lần thì chị chỉ ngạc nhiên thôi nhưng không hứng thú mấy. Đã cù lần rồi thì còn chi thú vị. Nhưng khi leo lên chiếc xe jeep địa hình, vượt qua hơn hai cây số lội suối, băng rừng, lên xuống những con dốc ngoặc lắc léo để đến được làng Cù Lần, chị mới biết làng Cù Lần chẳng cù lần tẹo nào. Nó đã khiến chị phải nhiều phen la lên mới bớt sợ. Sau đó anh cười trêu chị:
- Tiếng la của em lúc đó giống tiếng con ... heo bị chọc tiết.
Chị háy anh một cái nhưng cũng thầm công nhận. Khi sợ quá, chị la to, nghe tiếng la của mình the thé tức cười. La như vậy sẽ thấy sự sợ hãi vơi bớt đi ít nhiều, thay vào đó là cảm giác thích thú. Mà không sợ sao được khi có những khúc quanh ngặt nghèo, chỉ cần tài xế run tay một chút thôi, xe có thể rơi xuống thung lũng bên dưới. Quá nguy hiểm nên khi trở về an toàn, dù rất phấn khích, nhưng khi chị hỏi có thích đi thăm làng Cù Lần nữa không thì anh ... làm lơ, không trả lời.
Nó có cái tên kỳ cục đó vì ở đây nuôi những con cù lần lúc nào cũng có đôi. Cứ mỗi lồng là hai con, và dù bị bé Su và cu Bo dùng cây thọt thọt bụng, hai con vẫn không rời nhau ra.
Dân Đà Lạt ưa đi ngủ sớm. Mới chín giờ, đường phố đã vắng tanh. Cùng với vợ Khánh lui tới mấy gian hàng bán áo ấm trở về, chị định đi ngủ sớm nhưng thấy bụng đói cồn cào. Rủ vợ Khánh kiếm gì ăn nhưng cô nàng kiêng ăn khuya vì sợ mập. Gọi cho anh thì biết anh đang ngồi ở một quán cafe gần khách sạn cùng vợ chồng Ngọc và Thắng. Phía trước quán là một gánh cháo trắng vịt muối và cá kho khô đang bốc khói. Thì ra du khách vẫn có thể thức đến một hai giờ sáng, ăn uống và cảm nhận cái lạnh teo teo khi trời càng khuya.
Chị ngồi bên anh, ăn một tô cháo đầy nóng hổi với cá kho, thấy ngon kinh khủng.
Có tiếng chuông điện thoại. Thằng Út gọi lên, nghe nói Đà Lạt hôm nay bị cúp điện vì nhà máy phát điện bị giông đánh trúng trong cơn mưa lớn.
- Đâu có, chị trả lời. Mẹ có nghe gì đâu. À, có lẽ tại mẹ đi chơi cả ngày nên không biết bị cúp điện, mà cũng chẳng thấy trời mưa. Đà Lạt rộng lắm con à.
May không thôi là chị quên cậu con đang ở nhà. Có anh bên cạnh, đi chơi nơi này nơi kia vui quá, lòng chị nhẹ phơi phới và hình như không nhớ tới ngôi nhà của gia đình chị, nơi có cậu con đã bắt đầu ngóng ba mẹ về.
Đêm cuối cùng ở xứ hoa anh đào, anh chị thuê một chiếc xe đạp đôi, thong thả cùng nhau đạp dọc theo hồ Than Thở. Đây là thú vui của những cặp tình nhân trẻ. Anh dĩ nhiên là không thích mấy trò lãng mạn này rồi, vì tính anh rất ngại bị chú ý, nhưng lần này anh vui vẻ chìu ý chị. Đường phố vắng tênh, anh tha hồ đánh tay lái bên này bên kia, mặc chị la oai oái. Đoạn đường dài năm cây số bao quanh hồ cuối cùng rồi cũng hết. Lúc này đôi chân chị mới thật sự mỏi tê tái.
- Mỏi chân bắt chết nè.
Anh đã quen chạy bộ thể dục rồi, nên tuyên bố xanh dờn:
- Chuyện nhỏ, đã thấm gì đâu.
Sau đó, khi về đến khách sạn anh ân cần hỏi:
- Hết mỏi chưa em?
Cũng đã lâu rồi, anh chị ít quan tâm đến những điều nhỏ nhặt của nhau. Chị không còn kể lể với anh những khó khăn của riêng mình. Vì thấy anh hờ hững, hay vì ngại để anh phải lo lắng những điều nhỏ nhặt? Anh thì dành thời gian nhiều cho công việc, cho bạn bè bên ngoài, chẳng mấy khi có mặt ở nhà, nên chị cũng thôi hỏi han mà để anh tự xoay xở...
Ngày vui chóng qua. Sau hai ngày ở Đà Lạt thì đoàn lên đường trở về nhà. Ngồi trên xe anh lái xa dần vùng núi cao, chị bỗng dưng thấy tiếc nuối khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng quá là tuyệt vời này. Phải chi chị biết điều này sớm hơn, rằng đôi khi nên để mọi trách nhiệm trong đời lại phía sau lưng, đừng để những tính toán thiệt hơn chi phối, cùng người bạn đời đi chơi đâu đó xa nơi mình ở. Chỉ có hai người, không con cái, không công việc. Chỉ có thương yêu và chăm sóc, chỉ có hưởng thụ và xẻ chia. Ngoài ra tất cả đều tạm thời xóa bỏ hết. Phải chi chị hiểu ra điều này sớm hơn, thì anh chị đã sống cùng nhau hạnh phúc hơn nhiều ...
ĐN 2/7/2012
Chin Bon
Chin Bon