Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Một chuyến đi …                       Hà Thi Thu Vân                
Chin Bon
Chin Bon
     Xuống nhà ga Nam Định, chúng tôi đón xe đò đến vùng núi Ba Sao rồi từ đó đi bộ đến trại học tập cải tạo Hà Nam Ninh. Con đường mòn dẫn lên trại xa xôi, hẻo lánh và ngoằn ngoèo, phải đi bộ vất vả hơn hai tiếng đồng hồ trong rừng núi, nhưng tôi không thấy mệt mà luôn thấy vui với niềm hy vọng sẽ được gặp lại Ba tôi. Tới được nhà thăm nuôi của trại và đăng ký tên tuổi xong thì trời cũng đã xế chiều, họ hẹn ngày mai sẽ cho gặp Ba và chú của tôi, hai anh em ở chung một trại.
    
     Chúng tôi thấy như trút được gánh nặng trên vai và thấy khỏe khoắn hẳn khi tìm đến được nơi đây để thăm Ba tôi. Tôi rủ Mẹ tôi đi quanh đồi núi nơi đây nhưng Mẹ tôi từ chối vì muốn nghỉ ngơi. Một mình, tôi đi bộ lòng vòng ngoài trại để xem cho biết vì tò mò, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến miền Bắc Việt Nam mà lại đến một trại tù học tập cải tạo, một danh từ rất mới lạ đối với tôi.

     Đang men theo con đường mòn bên sườn núi đi xuống tôi thấy một đoàn người mặc áo quần màu xanh dương đã bạc màu đang chậm chạp đi lên dốc, người thì cầm cuốc, người thì cầm xẻng, … theo sau là hai cán bộ đang cầm súng. Thoáng nhìn qua, tôi đoán đó là những người đang bị “học tập” và họ đang trên đường đi lao động về. Tôi đứng sang một bên để nhường lối đi cho họ, chợt một giọng nói hỏi nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:
   
     “Ở đâu ra đây vậy cháu?”

     Tôi đáp nhỏ: “Dạ, Sài Gòn.”

     Rồi có tiếng hỏi: “Con ai?”

     Tôi trả lời: “Dạ, con ông …”.

     Một giọng nói khác: “nhìn dưới mấy lùm cây bụi cỏ, nếu thấy có giấy gì thì lượm và giấu đi!”. 
    
     Rồi họ ra dấu bảo tôi đi lãng đi kẻo bị theo dõi. Tôi tiếp tục đi loanh quanh xuống dốc núi và chú ý nhìn vào các bụi rậm hay hốc đá. Chợt thấy có một miếng giấy được xếp rất gọn gàng bằng khoảng ba lóng tay nằm cạnh một hòn đá nhỏ dưới bụi cây, tôi vội nhặt lên và nhét vào túi quần rồi tiếp tục đi. Sau đó tôi còn nhặt thêm được vài mẩu giấy khác cũng được xếp lại một cách rất cẩn thận như vậy.
    
     Thấy trời cũng sắp tối nên tôi quay trở về lại nhà thăm nuôi, một cán bộ gọi tôi lên và hỏi là tôi đã lượm cái gì. Lúc đó tim tôi đập loạn xạ nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh và trả lời là lượm mấy cục đá đẹp quanh đây, vừa nói tôi vừa xoè tay đưa ra vài viên đá đẹp mà tôi đã lượm được trên đường đi. Tôi rất thích đá, đi đâu tôi cũng hay lượm những viên đá đẹp về làm kỷ niệm, vậy mà hên cho lần này vì nhờ vậy mà họ không xét hỏi gì thêm nữa. Đợi lúc vắng người, tôi lấy mấy miếng giấy lượm được ra cho Mẹ tôi xem, và không ngờ một trong những miếng giấy đó là thư của Ba tôi. Phía ngoài Ba tôi viết: “nếu ở Huế xin gởi thư này cho ông … ở địa chỉ … . Nếu ở Sài Gòn xin gởi cho Hà thị Thu Vân ở địa chỉ …”. Trong thư nội dung Ba tôi muốn cho gia đình biết tin là Ba tôi vẫn bình an và đang học tập ở ngoài Bắc. Ba tôi cũng như các sĩ quan chế độ cũ bị đưa ra miền Bắc giam giữ và không được báo cho thân nhân biết, đó là lý do hơn một năm nay gia đình tôi không ai được thư từ gì của Ba tôi cả. Những người học tập cải tạo này cũng biết là gia đình lo lắng cho họ nên đã viết những mẩu giấy vất vào những bụi rậm hai bên lề đường trong những ngày đi lao động với hy vọng ai đó lượm được và có lòng tốt thì gởi giùm để vợ con họ yên tâm phần nào. Đó là một sự tình cờ hy hữu chính tôi lại nhặt được lá thơ của Ba tôi trên vùng núi Ba Sao ở miền Bắc.

     Tôi cẩn thận cất giấu thật kỹ những lá thư rơi đó, và khi về lại Sài Gòn tôi đã trao tận tay hoặc chuyển qua bưu điện những “mẩu nhắn tin” này cho thân nhân của họ.

     Sáng sớm hôm sau, chúng tôi xuống núi tìm đến một gia đình ở ngoài trại và xin nấu nhờ nồi xôi để ăn sáng và để đem vào cho Ba tôi. Gia đình này rất tử tế và hết lòng giúp đỡ chúng tôi. Khi trở lại nhà thăm nuôi, tôi ra đứng trước cửa chờ gặp Ba tôi. Tôi thấy một người bận đồ màu xanh dương đã bạc màu từ đằng xa đi tới. Tôi chăm chú nhìn mà không nhận ra, mãi đến khi người đó đến gần, tôi mới thấy rõ mái tóc chải ngược ra sau rất quen thuộc và nhận ra đó là Ba tôi. Ba tôi gầy ốm đi rất nhiều!
    
     Vào nhà thăm nuôi, chúng tôi ngồi quanh một cái bàn dài, Mẹ tôi ngồi cạnh Ba tôi, còn tôi ngồi phía đối diện. Từ lúc gặp Ba tôi, nước mắt tôi cứ tuôn trào ra mãi, mặc dầu tôi không muốn khóc chút nào cả. Chú tôi ngồi bên cạnh cứ nói nhỏ nhắc tôi đừng khóc vì không muốn cho mấy cán bộ nghĩ là mình ủy mị. May mắn là Mẹ tôi giữ được bình tĩnh và nói chuyện với Ba và chú tôi. Đằng sau luôn có vài người cán bộ cầm súng đi qua đi lại theo dõi nên chúng tôi phải nói năng rất cẩn thận và phải luôn tỏ ra vui vẻ. Khi người cán bộ báo cho chúng tôi biết là đã hết giờ thăm viếng, tôi vẫn còn khóc và chưa nói được với Ba tôi câu nào :( Hai mươi phút thăm viếng quá ngắn ngủi, nhưng dù sao cũng giúp chúng tôi yên tâm về Ba và chú tôi. Ba tôi gầy ốm đi nhiều, nhưng cách nói chuyện và tinh thần vẫn vững vàng, đầy nghị lực như xưa và luôn hy vọng ngày trở về đoàn tụ với gia đình.

     Kể từ sau chuyến đi thăm nuôi đó, tôi bắt đầu có một cái nhìn khác về cái xã hội mà tôi đang sống và … tôi có ý muốn rời khỏi nơi này....

6/2009