MỘT CHUYẾN GHÉ THĂM QUÊ THẦY NGUYỄN THÚC HÀO
Thầy Nguyễn Thúc Hào là giáo sư Toán lâu năm ở trường Quốc Học Huế. Vào quảng 1944 trở đi thầy còn dạy ở một vài trường khác: Lycéum Việt Anh và hình như cả ở Thiên Hựu. Dáng người thấp bé, nhưng cân đối. Mô tả thầy một số học sinh thường nói thầy nhỏ bé chứ không phải là “lùn”. Đôi mắt sáng, vẻ mặt thông minh, vầng trán cao so với khuôn mặt, ăn mặc lúc nào cũng chững chạc, thầy đã tự nhiên làm cho học sinh kính trọng. Tính tình hòa nhã, trầm lặng, ít nói, nhưng vẻ xa cách bên ngoài hình như che dấu một tâm hồn tài tứ. Nghe đồn thầy vẽ đẹp, đàn vĩ cầm rất hay, nhưng riêng tôi chưa được nghe thầy đàn và thấy thầy vẽ. Hình như thầy chẳng có mấy tham vọng chính trị hay địa vị. Sau đảo chính Nhật ngày 9 tháng 3 năm 45 và sau lúc Việt Minh lên nắm chính quyền, không thấy thầy lên tiếng hay tham gia vào một phong trào nào, trong lúc phần đông giáo sư ở Huế đều tỏ thái độ hay có những hoạt động mang ít nhiều màu sắc chính trị. Nếu tôi nhớ không sai thì thầy có làm hiệu trưởng Quốc Học một thời gian ngắn, từ lúc thầy Phạm Đình Ái được bổ dụng làm Giám đốc Học Chánh miền Trung cho đến lúc thầy đi Hà Nội để dạy ở Đại học hay vì biến cố 19 tháng 12 năm 46, trường đổi ra khu IV.
Dù sao lúc trường Quốc Học dời ra khu IV (Hà Tĩnh) đổi tên là Huỳnh Thúc Kháng, kết hợp với trường Quốc Học Vinh (Nguyễn Công Trứ) thành trường cấp 3 của Nghệ An, không thấy thầy tiếp tục dạy. Thầy đã trở lại quê nhà sống một cuộc sống lặng lẽ.
Mãi vào quảng 1950, trước thời kỳ Phóng tay phát động quần chúng cải cách ruộng đất, cảm thấy cơn sóng gió sắp đến, một nhà trí thức không thể sống kiểu trùm chăn trong một chế độ chuyên chế, thầy nhận lời mở lớp Toán Học Đại Cương ở quê nhà, cùng thời kỳ với lớp Dự bị Văn Khoa của Giáo sư Đặng Thái Mai mở ra ở Thanh Hoá.
Sau hiệp định Geneva 1954, hình như thầy trở lại Hà Nội, dạy ở Đại học Khoa học mãi cho đến sau 75.
Quê thầy Hào là làng Xuân Hồ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, không xa làng Đan Nhiệm quê của cụ Phan Bội Châu và cũng không xa với quê của thầy Nguyễn Dương Đôn ở Hưng Nguyên bao nhiêu.
Một rủi ro cho gia đình tôi đã tình cờ đưa tôi đến quê hương thầy Nguyễn Thúc Hào, nơi tôi còn giữ một kỷ niệm khó quên, một cảm tình sâu đậm với đại gia đình Thầy, đặc biệt với cụ thân sinh Thầy, cụ Nguyễn Thúc Dinh.
Năm ấy tôi dạy học tại trường Huỳnh Thúc Kháng tại Bạch Ngọc, Nghệ An. Cuộc sống của một giáo sư cấp ba, xa gia đình đến một vùng đương thời gọi là hậu phương, cơ cực khó lòng nói cho hết. Ở trong một xã hội nông nghiệp khép kín, thiếu thốn, nghèo đói, chúng tôi phải “lao động” dưới mọi hình thức sơ đẳng nhất để tồn tại. Ngoài việc soạn bài, chấm bài và những giờ giảng dạy ở lớp, chúng tôi phải đi gánh nước, kiếm củi xa đến 2, 3 và cũng có lúc đến 4, 5 cây số để tắm rửa và nấu nướng hàng ngày. Chúng tôi phải nuôi gà, trồng rau, làm hàng xáo (giã gạo bán ra để kiếm tấm cám) … bù đắp vào tiền lương chỉ đủ sống ở mức rất thấp trong vòng 2, 3 tuần lễ.
Tuy nhiên trong thiếu thốn nghèo khổ chúng tôi không thấy quá buồn phiền, chán nản. Nề nếp, lối sống của dân chúng đã đổi thay nhiều nhưng chưa đổi thay trong căn bản. Phong tục tập quán còn nhiều nét hiền hòa của truyền thống Việt Nam. Trước lúc xảy ra phong trào phê bình và kiểm thảo giáo chức trong học đường và phong trào cải cách ruộng đất trong xã hội, học sinh và dân chúng nói chung còn chơn chất. Trừ ra một số ít may mắn còn tích luỹ lại được ít nhiều của cải, dân chúng, đại đa số là nông dân, cũng có lúc thiếu thốn như chúng tôi. Cảnh nghèo đói chung hình như làm cho cảnh nghèo đói riêng nhẹ nhàng hơn. Học sinh vẫn có tinh thần hiếu học và còn giữ tình cảm thầy trò. Nhiều người bữa đói, bữa no, cũng chăm chỉ cần cù và đặc biệt họ hiểu được cái khó khăn của thầy. Chia sẻ gian khổ, có lúc họ đến gánh giúp gánh nước, vác hộ một cành củi nặng …Tình cảm thầy trò khá chân thật không làm cho tôi nhận thấy nghề dạy học là nghề bạc bẽo như người ta thường nói.
Hơn nữa sống gần gũi với thiên nhiên nhiều lúc cũng có những giây phút thư thái, mộng mơ, quên đi những khổ cực thể xác. Những cảnh ”ngàn dâu xanh ngắt một màu”, ”một đàn cò đậu cuối ghềnh chiều hôm”, hay “cành lê trắng điểm một vài bông hoa” như vẽ ra trước mặt với những bãi dâu mênh mang, những khóm lau bàng bạc giữa giòng sông Lam xanh biếc, và những cây mận đầy hoa trắng bên một ngọn đồi. Bạch Ngọc lại có những di tích lịch sử đã vô tình tạo ra một tình cảm gắn bó với đất nước. Tương truyền có một vị thái tử nhà Lý bị thương trên đường đánh Lão Qua trở về, đã mất ở đó nên ở núi Ghềnh thuộc Bạch Ngọc có đền thờ ngài. Đền kiến trúc theo hình chữ “Công”, một lối kiến trúc đặc biệt Việt Nam, xây trên một ngọn đồi cao, nhìn xuống sông Lam, uy nghi, hùng vĩ. Trước năm 1944, thời còn nhà Nguyễn, chính phủ Nam triều hàng năm có đứng ra tổ chức tế lễ.
Nhưng cái lý do chính giúp cho tôi chịu đựng được mọi gian khổ là sự hy sinh vô bến bờ của nhà tôi. Cực khổ, thiếu thốn nhưng không bao giờ than van, rên rỉ, còn khuyên tôi cố gắng chịu đựng. Chúng tôi lại vừa có đứa con trai đầu lòng, mũm mĩm, ngây thơ. Cưới nhau từ Huế chưa được bao lâu, tưởng cùng nhau đi hưởng tuần “trăng mật” thì bị vất vào trong nghèo túng gia diếc. Nhưng giữa gian khổ, chúng tôi cảm thấy gần gũi, gắn bó với nhau hơn lúc nào hết, nhất là sau lúc sinh đứa con đầu lòng. Nếu câu nói yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng (St. Exupéry) là đúng thì chính lúc đó chúng tôi đã cùng nhìn về một hướng: Chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh bằng mọi cách cho đứa con đầu lòng sung sướng. Cuộc sống có một ý nghĩa thật cao cả khi chắc chiu bảo vệ lấy đứa con.
Một buổi sáng, con tôi, bây giờ đã lên ba, chơi tung tăng ở trước sân nhà. Không có xe cộ, không có du đảng, mẹ mìn, ..., ở một nơi vắng vẻ, xa xôi, chúng tôi tưởng không thể có chuyện gì bất ngờ xảy ra được, ngoài chuyện đứa bé té ngã nên vừa trông chừng con vừa làm việc trong nhà. Chợt nghe tiếng khóc thét. Tôi vội vã chạy ra. Một con chó nhỏ, rất nhỏ, không lớn hơn con chó vừa mới sinh ra bao nhiêu, lở lói, dơ bẩn, đã từ đâu chạy đến, sấn vào cấu cắn con tôi. Có lẽ nó muốn dành miếng bánh con tôi đang cầm trên tay. Con tôi ngồi trệt xuống đất, xua hai tay để tự vệ. Càng xua, con chó càng cắn, cắn vào đầu, vào tay, vào chân, vào bụng … Khi vừa đến nơi, ẵm con lên tay, con chó đã chạy mất dạng. Tôi không có cách gì giữ được nó lại để quan sát. Những người láng giềng nghe tiếng khóc la cùng vội vã chạy đến, họ đuổi theo, đánh chết con chó nhỏ.
Bồng con trong tay, lòng tôi tràn ngập lo âu. Cả hai vợ chồng đều cùng chung một niềm buồn bã. Im lặng nhìn nhau rồi chợt òa lên khóc. Con tôi đã bị chó dại cắn. Con tôi ngày mai, sống chết ra sao … Chúng tôi sẽ ra sao …
Những giọt nước mắt làm vơi đôi chút nỗi đau đớn tuyệt cùng. Tôi trở lại bình tĩnh hơn, nghĩ đến việc đi tìm thuốc chữa bệnh cho con. Biết hy vọng thật ít ỏi mong manh tôi vẫn quyết tâm đi tìm.
Ý nghĩ đầu tiên là đi tìm “vaccin anti-rabiqua”, thuốc chủng ngừa bệnh dại mà chính tôi lúc còn nhỏ đã có lần phải chích tại nhà thương Huế.
Tôi biết Viện Vi Trùng Học bệnh viện Huế đã dời ra Nghệ An và đóng đặt bên kia chợ Rạng - Thanh Chương, cách Bạch Ngọc quảng 25 cây số. Theo lý luận chủ quan tôi nghĩ Viện vẫn sản xuất và nhất định có thuốc chủng ngừa dại. Một tay bồng con, một tay lái chiếc xe đạp cũ kỹ, tôi cố gắng đạp thật nhanh. Sau hơn ba giờ nhọc nhằn, qua hai, ba chuyến đò, ẩn tránh hai, ba cuộc báo động vì máy bay Pháp dò tìm để không tập các cơ xưởng rải rác ở nông thôn, tôi đã đến Viện Vi Trùng Học. Gọi là Viện nhưng thật ra chỉ là một vài căn nhà tranh đơn sơ với năm, sáu nhân viên và Bác sĩ quản đốc. Cũng là Bác sĩ Nguyễn Đức Kh., vị quản đốc từ lúc viện còn ở Huế. Khi tôi đến nơi thì bác sĩ Kh. cùng các nhân viên đều có mặt. Bác sĩ Kh. cho tôi biết viện đã không tiếp tục sản xuất gì nữa, rồi nhìn vào những vết thương của con tôi, ông lắc đầu ái ngại: Nếu thật là chó dại thì may ra còn được một tuần lễ.
Tôi không rõ nỗi đau buồn của một người rớt xuống chín tầng địa ngục như thế nào, nhưng lời nói khách quan của bác sĩ Kh. đã đưa tôi đến chỗ tuyệt vọng sâu nhất. Thân xác chẳng còn xúc cảm. Tay bồng con, tay dẫn chiếc xe đạp, tôi thờ thẩn ra đi, chẳng biết đi đâu.
Tôi trở lại bến đò, vẻ mặt tiều tụy. Con tôi chưa bao giờ được đi thuyền, cầm một cành cây khua vào mặt nước, cười đùa ngây thơ. Một vài người khách qua đò chú ý, hỏi thăm. Tôi kể lại câu chuyện. Những lời khuyên, những bài thuốc chữa dại, những lời mách bảo, … bỗng dưng đến tới tấp dồn dập. Có người bảo phải đưa cháu về gấp, quá ba ngày mà đi qua sông, để người bị chó dại thấy bóng mình trong sông thì hết chữa; có người thì chỉ dẫn những phương thuốc ngoại khoa. Thôi thì đủ những phương thuốc kỳ lạ như lấy một hột gấc mài với hùng hoàng, lấy nước mưa đọng ở chân cầu bằng gỗ lim sắc với nấm ở chân cầu để uống … Tôi như kẻ chết đuối vớ được cọng rơm, ghi ghi, chép chép, nghĩ rằng những phương thức ấy đều thần diệu, có thể cứu sống con tôi. Một người trong chuyến đò ngang lại khuyên tôi đi gặp cụ Nguyễn Thúc Dinh ở Nam Đàn vì cụ có thuốc chữa bệnh dại rất hay và đã giúp chữa lành nhiều người.
Tôi biết cụ Nguyễn Thúc Dinh, từng làm phủ doãn ở Thừa Thiên, là cụ thân sinh thầy Hào.
Những lời chỉ dẫn chính xác như vậy hẳn phải đúng. Ý nghĩ đó đã làm cho tôi phấn khởi hẳn lên. Tôi cảm ơn Trời Phật đã thương xót con tôi, thương xót chúng tôi.
Qua khỏi bến đò, nghĩ đến chuyện có thuốc và việc phải trở về nhà càng sớm càng tốt cho con dại không phát ra sớm như lời người ta đã khuyên, tôi lại cặm cụi ra sức đạp xe. Con đường dài còn lại khoảng 30, 40 cây số. Cố gắng chắc cũng có thể đến nơi trong đêm. Nhưng từ sáng chưa ăn uống, xúc động và cố gắng quá sức, tôi đã rả rời không thể đạp quá 10 cây số. Dừng lại một cái quán bên đường, mua một ít cơm với thức ăn sơ sài, ăn qua bữa rồi xin chủ quán ngủ lại trên cái chõng tre nhỏ ông ta dùng để bán hàng. May ra trời không lạnh lắm. Tôi cởi chiếc áo ngoài, quàng cho con tôi, giữ chặt nó vào lòng để truyền sang hơi ấm. Ngây thơ, chẳng biết đau đớn và cũng chẳng biết bố mẹ đang lo lắng, con tôi đã ngủ một giấc thật ngon trong vòng tay tôi. Riêng tôi thì cứ chập chờn, lúc mệt quá thì thiếp đi những lúc tỉnh thì chỉ mong cho đêm qua mau.
Sáng hôm sau lúc trời tờ mờ sáng tôi lại lên đường. Ghé lại quán sách Sông Lam ở huyện lỵ Nam Đàn của anh Nguyễn Thúc Cương, em ruột của thầy Hào, bạn hướng đạo với tôi lúc còn ở Huế, để hỏi đường. Anh chỉ đường thật chu đáo và nói sẽ tin cho gia đình biết để cụ ông ở nhà.
Tôi tiếp tục xuôi con đường số 8, đi qua huyện lỵ chừng 4, 5 cây số, vượt một cánh đồng dài bên tay trái thì đến quê thầy Hào. Nghĩ đến chuyện đến nhà thầy Hào, sắp sửa được thuốc để chữa bệnh cho con lòng tỉnh táo lại, nhân dịp nhìn ngắm quê của một vị thầy khả kính. Làng khá trù phú, có nhiều nhà gạch khang trang. Cây cối xanh tươi, có nhiều vườn trái. Đúng như tên gọi, làng có rất nhiều hồ, hồ này nối tiếp với hồ khác. Và cái tên đầy thơ mộng, Xuân Hồ hay hồ ở độ xuân sang cũng khá đúng. Mặt nước phẳng lặng có một màu ngọc biếc quyến rũ. Xung quanh hồ trồng nhiều cây có bóng mát. Một vài nơi hoa Mưng màu đỏ nhạt, rụng xuống phủ trên mặt hồ, tạo thành một bức tranh thôn dã tươi thắm. Hồ là gia sản của các gia đình giống như ruộng nương vì trong lối sống ngày xưa, “thứ nhất là nuôi cá, thứ nhì là gá bạc. Hồ cũng là chỗ chứa nước để dùng quanh năm. Ở cách xa sông đến 7, 8 cây số, người ta không thể hàng ngày đi gánh nước, giếng lại khó đào nên trừ những nhà giàu có bể chứa nước lớn, phải nhờ vào hồ để có nước tắm, giặt, rửa và cả ăn uống nữa. Nhưng vì tù đọng nên nước hồ cũng là nguồn gốc gây nên nhiều bệnh tật, đặc biệt những bệnh về đường ruột và choẹt mắt hay mí mắt bị lở.
Tôi đến nhà thầy Hào vào lúc cũng đã quá trưa. Thầy đi vắng, chỉ có cụ thân sinh ở nhà. Khi bước qua khỏi cái sân rộng lát gạch, đến ở thềm thì cụ cũng vừa trong nhà đi ra. Cụ cất tiếng hỏi:
- “Anh Ng đó hả?”.
Tôi quá đổi ngạc nhiên khi nghe cụ gọi tên. Nhưng nghĩ lại, lúc còn ở Nam Đàn, một người em trai của thầy Hào đã có học với tôi, vả lại chắc anh Cương đã tin cho cụ biết trước nên không còn bỡ ngỡ. Cụ lại vui vẻ đùa:
- “Hôm nay tôi đoán thế nào cũng có người Huế lại thăm. Mấy khi người Huế mình gặp nhau, thôi cứ vào đây nói chuyện đi.”
Tôi dẫn cháu vào nhà, rụt rè ngồi xuống trên chiếc ghế nhỏ chứ không dám ngồi vào chiếc ghế cụ chỉ tay mời. Tôi sợ sệt, giữ gìn ý tứ một phần vì kính trọng một bậc trưởng lão thân sinh của thầy học, mặt khác vì đến để cầu xin thuốc chữa bệnh cho con. Tôi càng e dè bao nhiêu thì cụ lại càng tỏ ra thân mật bấy nhiêu, đối đãi với tôi như một người bạn đồng lứa, quen biết lâu ngày. Cụ châm biếm nhẹ nhàng những đổi thay trong nếp sống xã hội, trong thủ tục hành chánh, sự bê bối của cán bộ. Những nhận xét sâu sắc của cụ tôi không thể nhớ hết, chỉ nhớ ý chính cụ nói bấy giờ cộng sản đã lợi dụng danh nghĩa kháng chiến chống Pháp để củng cố quyền lực và bòn rút của cải của dân chúng. Chuyển hướng câu chuyện, cụ hỏi thăm tin tức nhiều gia đình và riêng gia đình chúng tôi ở Huế, rồi lại hỏi đến hoàn cảnh của chúng tôi. Tôi thì chỉ nghĩ đến chuyện xin thuốc cho con, với lại xa Huế đã lâu, chẳng có tin tức gì rõ rệt, chỉ lễ phép gọn gàng trả lời những gì tôi biết được. Hình như thấy rõ tâm trạng của tôi, cụ nhìn vào con tôi và hỏi:
- Có phải anh Ng. đến thăm tôi để xin thuốc chữa bệnh dại cho cháu không?
Tôi mừng rỡ thú thật là ý cũng muốn đến để thăm cụ và thầy Hào nhưng mục đích chính đúng là đến xin thuốc. Tôi không che dấu được nỗi vui mừng, phấn khởi như muốn đưa hai tay ra để đón nhận phương thuốc thần diệu và nghĩ quì lạy để cảm ơn đức tái sinh của cụ. Nhưng chưa kịp thực hành ý nghĩ của mình thì nghe cụ nói:
- Nói thật với anh tôi chẳng có thuốc men gì cả.
Lại một lần nữa tôi thất vọng và không che dấu được nỗi ủ dột, vẻ buồn hiện ra trên nét mặt. Ái ngại cụ tiếp:
- Tôi không có thuốc nhưng nếu anh muốn tôi sẽ đi xin thuốc giúp anh.
Nói xong cụ khoác vội chiếc áo ngắn tứ thân, với lấy chiếc ô cầm tay, tất tả ra đi. Tôi ngồi lại chờ đợi, lòng nôn nao hồi hộp. Chừng nửa giờ sau cụ trở lại, tay phải cầm cái ô làm gậy, tay trái cầm gói thuốc mà tôi còn nhớ rất rõ, gói trong một trang giấy học trò cũ kỹ. Tôi đi ra sân đón cụ vào nhà. Trao gói thuốc cho tôi cụ bình tĩnh nói:
- Thuốc đây, anh đem về cho cháu uống. Tôi nghe nói thuốc làm bằng thổ huỳnh (thứ đất màu vàng dùng làm màu, quậy với vôi trắng để sơn tường hoặc dùng vào việc tẩm liệm người chết) trộn với xương người chết vì sét đánh nghiền nhỏ. Tôi cũng có thằng cháu ngoại bị chó dại cắn, cũng uống thuốc này. Hay lắm, nhưng nó đã chết.
Tay đỡ lấy gói thuốc, lòng tôi hoang mang vô cùng. Bấy giờ tôi không hiểu những lời nói sau cùng của cụ. Nhưng về sau nghĩ lại mới cảm thấy tấm lòng cảm động yêu thương trong lời nói châm biếm hài hước của một nhà nho. Có lẽ cụ đã xúc động nghĩ đến người cháu xấu số và cũng nghĩ rằng nếu chó dại cắn thì không có thuốc nào cứu được, nhưng đã kín đáo nhắn nhủ tôi cứ thử xem, may ra có hiệu quả.
Từ giã cụ Thượng Dinh, đưa cháu về nhà, chúng tôi bắt đầu sống những ngày chờ đợi phập phồng kinh hãi. Những người bị tùng xẻo, nghe một tiếng trống bị cắt mất một miếng thịt, chắc đau khổ lắm. Vợ chồng chúng tôi cũng ở trong hoàn cảnh đó. Mỗi ngày qua, lo âu lại chồng chất, mỗi một ngày qua lại nhìn vào con để xem trong ánh mắt, trong cử chỉ có gì thay đổi. Ban đêm nghe tiếng con ậm ừ cứ tưởng chừng như con đã lên cơn dại. Hồn phách thất lạc, rồi thức trắng đêm. Nhưng nếu mối lo âu gia tăng mỗi ngày thì mỗi ngày qua cũng đem lại cho chúng tôi thêm một chút hy vọng. Ba ngày trôi qua, con tôi vẫn uống nước bình thường, không có chút gì sợ hãi khi nhìn vào nước như người ta nói. Một tuần lễ như bác sĩ Kh. tiên đoán cũng đã hết. Rồi đến một tháng, rồi 49 ngày, rồi ba tháng 10 ngày, những mức thời gian đầy huyền bí trong tín ngưỡng cũng qua đi. Dấu vết cắn cấu của con chó đã khô trở thành những vết thẹo đỏ, nổi phồng lên trên làn da. Nhưng con tôi vẫn cười đùa ngây thơ, vẫn khôn lớn bình thường như những đứa trẻ bình thường khác.
Con chó cắn con tôi không phải là con chó dại, con tôi không chết về bệnh dại. Thế nhưng 26 năm sau, năm 1976, sau lúc tốt nghiệp bác sĩ trường Y Sài Gòn, chẳng bao lâu thì còn tôi đã chết trong một trại gọi là trại học tập cải tạo ở Long Khánh, quản trị bởi một lũ người ngu dốt, man dại. Năm 1984 lúc cải táng con tôi từ đồi Long Khánh, tôi muốn sờ lại những vết thẹo đỏ trên thân con, nhưng thịt da đã nát tan, chỉ có vết thương ở đầu, nhận lãnh từ trại học tập là còn thấy rõ và vẫn mãi ám ảnh tôi.
Tôi đã nhớ đến thầy Hào, nhớ đến cụ thân sinh của thầy, nhớ đến gia đình thầy không phải chỉ vì là một người học trò cũ của thầy mà cũng vì hoàn cảnh trớ trêu đã đưa tôi đến quê hương thầy. Lòng thương nhớ con tự nhiên đã gắn liền với cuộc gặp gỡ không bao giờ quên ở làng Xuân Hồ năm ấy.
Mùa Thu 95
Hoàng Nguyễn