Một Khoảng Thời Thơ Ấu
Bắt đầu vào hè ở Đà Nẵng, khi mặt trời chưa lên, buổi sáng còn vương vấn chút lạnh phảng phất của mùa Xuân vừa ra đi và ve sầu còn ngái ngủ, Diệu Nghiêm thích nhắm mắt lại, nằm dài thật yên, chân duỗi thẳng, hai bàn chân nhỏ quấn quýt với nhau, tay thì khoanh lên đầu trên chiếc gối êm ái đang kê, như để tạo nên một ranh giới giữa thực thể của mình (khoảng cách từ đầu đến chân) và khoảng trống còn lại của không gian chiếc giường. Lối nằm đó thường đem đến cho Diệu Nghiêm một cảm giác bình yên, vì em hình dung mình như một con gấu mùa đông, đang ẩn mình thật sâu vào trong một cái động vô hình nào đó, an toàn và ấm cúng. Đó cũng là một thói quen mà Diệu Nghiêm đã bắt đầu có từ khi phải ngủ riêng một mình từ lớp sáu. Em còn nhớ những đêm đầu tiên phải vào giường ngủ một mình, mỗi tiếng côn trùng, từng tiếng động không rõ từ đâu đến, gần xa vọng lại, giọng nói, tiếng cười đứt khúc của ai đó trò chuyện trong bóng tối... đều khiến em phải giật mình, hồi hộp lắng nghe và lo sợ. Diệu Nghiêm đồng thời có cảm tưởng như dưới gầm giường của mình là một thế giới đồng bóng kỳ dị mà em phải nằm đúng ngay chính giữa giường để không bị "họ" với tới kéo đi! Cứ lo vẩn vơ như vậy mà thức trắng đêm! May mà lúc đó hai chị em Diệu Nghiêm và Diệu Huệ ngủ chung một giường đúp (double). Chị Diệu Huệ (hơn Diệu Nghiêm một tuổi) biết chuyện, bèn xuống tầng dưới nằm, nhường tầng trên cho em ngủ, em mới đỡ sợ, tạm an lòng, rồi dần dà thành quen, ngủ được qua đêm!
Nhưng bây giờ em đã được 13 tuổi, không còn "non nớt" như xưa và đã quen ngủ một mình. Hơn thế nữa, hôm nay chính thức là ngày đầu tiên được nghỉ hè, không cần phải dậy sớm chuẩn bị đi học như trong niên khoá. Tuy vậy, sáng nay em đã tự động thức giấc sớm, nằm trên giường, lắng nghe ba lục đục nấu nước sôi pha cà phê dưới bếp, vừa khe khẽ ngâm thơ một mình như mọi ngày. Cũng nên mở một dấu ngoặc ở đây là ba của Diệu Nghiêm người gốc Nam Đàn, Nghệ An, "bất đắc dĩ" vào Nam một mình rồi hi hữu gặp mẹ là người Bao Vinh, Thừa Thiên, Huế. Lịch sử vì sao ba lẻ loi lọt vào Nam và kết hôn với mẹ là một câu chuyện dài mà tất cả sáu chị em gái và trai của Diệu Nghiêm từ nhỏ thường yêu cầu ba mẹ kể cho nghe nhiều lần. Tóm tắt là trước khi gặp mẹ, ba đã yêu và lập gia đình với một cô gái Huế con nhà dòng dõi, có học thức, có tinh thần yêu nước và tính mạo hiểm, đã trốn gia đình từ Huế để ra Bắc theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Cô Công Tằng Tôn Nữ Thị Thái, hay "mẹ đích", (nói theo lối ngày xưa mẹ và gia đình của Diệu Nghiêm thường gọi cô ấy và em hiểu mò ý nghĩa của lối xưng hô nầy là vì cô là người vợ chính, vợ "đích" tôn, hay là vợ đầu tiên của ba), đã sánh vai chiến đấu trong cùng một đơn vị với ba và đã hy sinh tính mạng trên chiến trường, trong một trận phục kích. Lần đó, ba cũng bị bắt và bị đem về nhốt tù ở Huế. Mẹ ruột của "mẹ đích" là chị lớn của mẹ vợ của cậu của Diệu Nghiêm, anh cả của mẹ. Bà mẹ già Việt Nam đó đau lòng khóc thương cuộc đời ngắn ngủi của con gái và thương hại số phận hẫm hiu của con rễ, nên thường xuyên đi thăm nuôi ba trong tù. Vài năm sau, khi ba ra tù và làm trợ y ở Huế, duyên số lại đưa đẫy, có người "đâm mối" tạo cơ hội cho ba mẹ gặp nhau. Ba mẹ làm lễ thành hôn năm 1953. Con đầu lòng của ba mẹ ra đời tháng 12 năm 1954, là chiếc cầu nối giữa hai miền Nam Đàn - Bao Vinh, và cũng là định mệnh đã ràng buộc ba ở lại miền Nam mãi mãi, bỏ rơi đi ý định và cơ hội độc nhất mà lịch sử đã cho phép để trở về lại quê hương miền Bắc sau Hiệp định Genève. Nhờ vậy mà gia đình Diệu Nghiêm có thêm được tất cả sáu chị em, bốn gái hai trai. Hai chị đầu sinh ở Huế, Diệu Nghiêm sinh ở Sài Gòn, và hai em trai kế Diệu Nghiêm cùng em gái út đều sinh ở Đà Nẵng.
Từ lúc nhỏ, Diệu Nghiêm đã để ý đến sự khác biệt giữa lối nói và những từ ngữ của ba dùng, so với của mẹ hay gia đình bên ngoại. Em thích lắng nghe Ba ngâm thơ truyện Kiều của Nguyễn Du mỗi buổi sáng sớm. Mặc dù em không hoàn toàn thấu hiểu ý nghĩa của những lời thơ, tính chất du dương của âm hưởng miền Bắc trong giọng ngâm của ba thường ru em vào một cảm giác ấm cúng, dễ quay về với giấc ngủ bình yên, vô tư của một thiếu nữ đang lớn. Cũng vì vậy mà suốt niên khoá, "hệ thống đánh thức" mỗi sáng của ba khá phong phú, và bao gồm nhiều "chiến lược": phát thanh xa (ra-đi-ô lớn của gia đình được vặn lên cho cả nhà nghe), đánh thức tại chỗ (ba đến từng giường mỗi đứa), phát thanh gần (ra-đi-ô cầm tay đến tận giường cho cá nhân "lì" nhất trong ngày), hay báo động khẩn cấp (phát biểu hiệu lực nhất của ba, "Cái roi đâu rồi?"). Ra-đi-ô Đà Nẵng sáng nào cũng phát thanh nhiều ca khúc thời tiền chiến mà Diệu Nghiêm rất thích. Không biết có phải vì vậy mà em cũng là "cá nhân lì trong ngày" nhiều lần nhất trong năm! Để giúp em tỉnh ngủ, ba thường đem cái ra-đi-ô nhỏ bỏ vào trong giường cho em nằm nghe nhạc một lúc. Diệu Nghiêm thường chờ nghe xong bài Buồn Tàn Thu của nhạc sĩ Văn Cao, do ca sĩ Thái Thanh trình bày rồi mới chịu dậy!
Diệu Nghiêm cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là trong ba tháng hè sắp đến, em sẽ tha hồ dậy trễ và "có quyền" dành nhiều thì giờ cho những thú vui mà suốt niên học, vì ưu tiên dành cho bài vở, hay vì thời tiết không cho phép, đã bị hạn chế tối đa: đi biển Thanh Bình hay Mỹ Khê cuối tuần với ba, đạp xe đạp quanh xóm mỗi ngày với các chị hay các bạn, thả hồn vào những thế giới đầy kích thích mới lạ của những cuốn sách về du lịch hay tiểu thuyết và tạp chí mà Diệu Nghiêm sẽ được đọc trong suốt mùa hè, chưa kể đến bao nhiêu là trò chơi trẻ thơ khác mà mấy chị em Diệu Nghiêm chơi với nhau không kém hứng thú ở nhà: chơi thẻ, nhảy dây, chơi sạn, nhảy lò cò, chơi trốn tìm... Diệu Nghiêm tự mỉm cười, hài lòng với thời gian và không gian vây quanh.
Ngoài hiên đâu đó, tiếng hát lẻ loi, ngập ngừng ban đầu của một con ve sầu, đã đánh thức dậy bản hợp ca rộn rã quen thuộc của đàn ve mùa hè. Diệu Nghiêm thiêm thiếp ngủ lại từ bao giờ. Trong giấc mơ, em thấy mình đạp xe qua những con đường giăng đầy hoa phượng vĩ đỏ rực dưới nắng mai và thơm ngát những đóa hoa màu hồng mảnh mai yêu kiều của những cây mi-mô-da (mimosa) còn đọng sương đêm. Đây đó, một vài con diều giấy vướng mắc vào các cành cây cao đang vô tư, tung tăng vẫy mình theo gió.
Nguyễn thị Đoan Trang
10/11/2015
TH: Mới cmt xong thì được đọc thêm một bài. Bài ni chắc đoán đúng tên tác giả. Bài viết hay, vui và nhiều cảm xúc.
Nhất là được ngắm ảnh của Joshua,.. hehee "thần tượng vong niên" của tui.
QA: ĐT viết bài KỶ NIỆM Ở HUẾ dễ thương ghê, QA thích nhất câu của cu cậu J "Mẹ ơi ! con học thêm một điều mới
là hoa súng ngủ buổi tối và thức dậy buổi sáng như người" dễ thương thật...
NA: Văn sĩ ẩn mình lâu quá. Mới xuất hiện đã có nhiều độc giả hâm mộ :) (5/5)
TH: TBT ơi làm ơn ghi trong phần cmt các bài viết dùm tui với, bài nào cũng hay. Mỗi bài mỗi đề tài, phong phú, cảm
xúc tràn trề. Tui đều chấm 5/5 hết. Chỉ có bài QUỲNH ƠI, SẼ CÓ MỘT NGÀY, ĐỪNG KHÓC ghi thêm dùm tui dấu +
nhé.
Đúng như Lân thi sĩ nhận xét, hai bài "Người Thầy" và "Sẽ Có Một Ngày" là của một người, không biết là của ai, nhưng
có lẽ là bạn hữu chớ không phải dân chín bốn. Của ai cũng được, hay ghê.
Comments: