Một lần trở lại

Bé là con gái của một gia đình công chức. Cách đây ba năm, bé cùng gia đình qua định cư ở Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Ngày dứt áo ra đi, bỏ lại sau lưng thành phố ĐN thương yêu nhiều kỷ niệm, bé chỉ mới mười bảy tuổi. Tuổi mười bảy với nhiều ước mơ con gái, với nhiều hoài bão cho tương lai. Bé biết nếu qua đất Mỹ, tương lai sẽ nở hoa vì bé có điều kiện theo đuổi mộng ước của mình, đó là trở thành một nữ kiến trúc sư tài giỏi. Ở đất nước xa xôi đó, bé sẽ có điều kiện tốt nhất để học mà không phải tốn kém nhiều như các bạn đi du học. Bé còn nghe nói cuộc sống ở đó đầy đủ tiện nghi, ưa chi được nấy, miễn sao chăm chỉ học hành để có bằng cấp tốt. Đất Mỹ là thiên đường của ai siêng năng, cần mẫn. Ba mẹ bé khi nghe tin sắp được phỏng vấn, nhiều đêm trằn trọc, phân tích thiệt hơn. Không biết có nên bỏ quê mà đi? Ở đây ông bà có công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Đứa con lớn là bé đang là nữ sinh trường cấp ba chuyên của thành phố, thằng bé út thì mới lên lớp năm. Cả hai đứa đều ngoan và học giỏi. Ông bà nghe người ta khuyên nên vì tương lai con cái mà không bỏ lỡ cơ hội này. Dân nhà giàu bỏ tiền tỷ cho con đi du học, mà tụi nó có đứa ham chơi, đua đòi, chẳng học hành gì, chỉ tốn tiền cha mẹ. Con của ông bà chỉ mong có điều kiện để học thì lên tới đâu cũng tới. Vì cớ gì mà còn suy tính nọ kia. Cũng có người khuyên chả dại gì sang bên đó khi tuổi đã tứ tuần. Đã qua thời sung mãn thì sức lực, nhiệt huyết đâu nữa để làm lại từ đầu. Ở đây làm thầy không ưng, qua đó làm thợ liệu có đủ dũng cảm vượt lên chính mình không? Cuối cùng rồi gia đình bé cũng lên đường. Suy đi tính lại, ba mẹ bé quyết định làm một chuyến viễn du. Bao nhiêu người đi trước, chẳng ai chết đói ở đó cả. Có vất vả lúc ban đầu thì cũng ráng. Vì con thôi.

Ngày đặt chân lên đất Seatle, gia đình bé được vợ chồng cậu Hùng đón từ sân bay đưa về thẳng nhà. Nhà cậu Hùng rộng rãi, thoáng mát, phía trước có bãi cỏ xanh, phía sau có vườn hoa. Đang là mùa xuân nên hoa nở rực cả góc vườn. Bé thích màu xanh ngắt của lá, sắc rực rỡ của nhiều loại hoa. Hình như màu hoa lá ở đây tươi sắc hơn ở VN. Thật là đẹp. Nhưng mà buồn ghê gớm. Thời gian đầu chưa có lớp học, bé và thằng em tha thẩn ở nhà khi mọi người đã đi hết. Ngồi trước nhà ngóng mãi mới có một chiếc xe hơi chạy qua. Không gian tĩnh lặng làm bé càng thêm nhớ nhà ở VN. Nhớ ơi là nhớ. Ở nhà bé, bước một bước ra khỏi nhà là phố xá, là người qua kẻ lại, là tiếng nói tiếng cười, là tiếng động cơ xe ồn ào náo nhiệt, đôi khi bé cau có vì sự ồn ào, nhưng lúc này bé ước gì được nghe lại thứ âm thanh hỗn độn ấy. Chúng thân thiết dường nào. Ở đây cái gì cũng lạ. Lạ và gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt của gia đình bé. Muốn đi chợ hả? Đâu còn năm, mười phút đi bộ là đến chợ như ngày xưa. Ba bé phải vội vàng đi học lái xe để có thể đưa mẹ đi chợ, đưa bé và thằng Tý đến trường. Đưa rồi đón. Rồi còn phải kiếm việc làm. Không thể ăn nhờ ở đậu nhà cậu Hùng mãi được. Cậu mợ chỉ giúp sáu tháng đầu khi mới qua thôi. Sau đó là tự lo lấy. Ở đây không ai có thể giúp ai mãi hoài ... Bé thấy ba căng thẳng, loay hoay để có thể chu tất mọi thứ. Mẹ thì sau nỗi háo hức được sum vầy với anh, với chị, được đi thăm nơi này nơi nọ, thì cũng thảng thốt vì những đổi thay kinh khủng. Bây giờ muốn ăn một tô bánh canh, đâu còn chỉ cần xách cái tô ra ngã tư đường, mà phải lái xe gần cả tiếng đồng hồ thì mới đến nơi bán. Mà chao ơi, bánh canh ở đây mùi vị cũng khác xa tô bánh canh ở quê nhà. Lần đầu tiên ăn, cả nhà cứ thẩn thờ không biêt nó khác ở chỗ nào. Cũng tôm, cũng cua, cũng những sợi bánh bột lộc đó thôi, mà sao vị của nó khác hẳn. Khi mẹ khám phá nó thiếu một vị, nói ra cả nhà mới vở lẽ. Hèn gì bánh canh ở đây xa lạ với khẩu vị của những ai quen nếm một hương vị khác. Đó là vị ngọt của con tôm mua về còn nhảy tưng tưng, con cua lật ngữa loe ngoe mấy cái càng khi bị chạm đến. Bé ăn tô bánh canh ở đất Mỹ mà nhớ da diết tô bánh canh ở VN. Nhớ vị ngọt nồng nàn của hải sản tươi làm hương vị tô bánh canh đậm đà hơn hẳn.

Người khổ nhất có lẽ là ba. Ba là đầu con tàu đang nhả khói, phải tiến lên mà không biết nên đi hướng nào. Muốn thuê một căn nhà gần nhà dì Hoa, cậu Hùng để phòng khi tối lửa tắt đèn có nhau mà đâu có, cuối cùng đành chọn một căn nhà chung cư, cách nhà dì Hoa một giờ lái xe. Rồi còn phải xin việc làm cho ba, cho mẹ. Chọn lựa mãi rồi cuối cùng ba cũng đành chấp nhận làm trong một xưởng lắp ráp ô tô. Còn mẹ thì sau khi thử hai, ba công việc nhưng không việc nào phù hợp, đành tạm ở nhà trông coi nhà cửa, chăm sóc chồng con. Gánh nặng cơm áo vậy là một mình ba gánh vác. Ba phải xin làm thêm một công việc khác vào buổi tối. Caí job này là ba làm thay mẹ. Chỉ có mấy tháng trôi qua thôi, mà ba đã gầy đi nhiều. Bé ít khi nghe được tiếng cười sảng khoái của ba như trước đây. Có lẽ ba tiếc nhớ những tháng ngày xách cặp đi làm thong thả ở quê nhà. Thương ba quá, bé nghĩ phải để ba vui lòng vì có cô con gái học hành giỏi giang. Ba mẹ vẫn nói quyết định qua Mỹ là vì chị em bé mà. Vậy là bé chúi đầu vào học. Thời gian đầu bé sợ đến trường kinh khủng. Chung quanh toàn là người xa lạ, mà sợ nhất là họ nói gì bé đều không hiểu, hay may lắm thì cũng chỉ lỏm bỏm vài câu. Mấy năm học tiếng Anh ở trường của bé như nước trôi sông. Đến lớp học là bé thu mình một nơi, cảm thấy lạc lỏng, cô đơn, sợ hãi khi có người chú ý đến mình. May mà khó khăn nào rồi cũng qua. Sau mấy tháng ôm cái tivi xem phim, nghe nhạc bất cứ lúc nào có thể, dần dần bé đã có thể giao tiếp với bạn bè mà không còn cảm thấy sợ hải nữa.

Bây giờ thì bé đã là cô sinh viên năm thứ hai trường kiến trúc. Gia đình bé cũng ổn định cuộc sống rồi. Nói như người ta thì … sau cơn bỉ cực đến hồi thái lai. Ba mẹ đã vui vẻ chấp nhận cuộc sống mới. Mẹ đã quen với vẽ yên tĩnh nơi này, không còn than buồn thúi ruột như hồi mới qua. Ba có công việc tương đối dễ chịu, thằng Tý ăn uống đầy đủ lớn phổng phao như một chàng thanh niên dù nó mới chỉ học lớp tám. Tất cả đã trở nên tốt đẹp, chỉ duy trong lòng bé vẫn khát khao nỗi nhớ quê nhà. Nỗi nhớ  tưởng sẽ phôi phai theo năm tháng, nhưng thật ra chưa bao giờ nguôi ngoai. Ngày ba mẹ đồng ý cho bé về VN một mình và được ở chơi một tháng, bé mừng như điên. Ngồi trên chiếc phi cơ đang hạ dần độ cao, bé nhìn thấy ĐN hiện ra sáng rực trong ánh đèn đêm. Vui mà cứ muốn ứa nước mắt. Thiệt là lạ, bé đâu phải là con bé mít uớt, vậy mà sao lúc này lòng cứ rưng rưng. ĐN ơi, cuối cùng thì bé cũng về rồi nè. ĐN vẫn còn rõ nét trong ký ức. Bước chân xuống sân bay là bé đã thấy quen thuộc rồi. Hình như tất cả đều sống động  như trong nỗi nhớ. Đây là con đường đến trường  bé vẫn đi về mỗi ngày, đó là nơi cả nhà bé bốn người chất lên chiếc xe Dream của ba thời bé còn nhỏ xíu, ba chở mọi người đi tà tà dọc đường Bạch Đằng những buổi chiều hè để trốn cái nóng gay gắt cho cả nhà. Đó là cái thời cúp điện dài dài. Trời càng nóng thì điện càng cúp nhiều hơn. Mọi thứ vẫn gần gũi cho dù ĐN đã thay đổi khá nhiều. Con đường về nhà bé bây giờ nguời ta đã mở rộng ra, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên thay cho những ngôi nhà củ kỷ. ĐN thân yêu đổi thay như bé mỗi ngày mỗi lớn dần lên theo thời gian, nhưng với bé, cái hồn của ĐN thì vẫn không bao giờ thay đổi, đó là nơi bé được tạo nên hình hài và lớn lên để biết yêu thương ...

Một tháng tự do ăn chơi (nói theo nghĩa đen) không bị kềm kẹp. Bác Thanh hình như biết nỗi lòng của bé, cho bé đi chơi xã láng với bạn bè. Bạn thời cấp hai, bạn thời cấp ba, những đứa bạn dễ thương chào đón bé như đón cô công chúa bị bà phù thuỷ cho ăn quả táo độc, nay may mắn sống dậy trở về. Nhỏ Hồng hỏi:

- Nói đi, mi muốn ăn chi, đi chơi đâu. Tụi ta đáp ứng hết.

- Ăn chi hả, đi dâu hả?

Bé cười khoái chí, nghĩ đến những món ăn thời bé thơ. Những chiếc xe ba bánh đậu trước trưòng bán cóc, xoài, ổi dầm, hay mực nướng chấm tưong ớt đông nghẹt học sinh giờ tan trường. Bé hay la cà nơi ấy mặc dù bị ba mẹ cấm ăn mấy món đó vì sợ đau bụng. Đau bụng là chuyện nhỏ, uống mấy viên thuốc là hết, nhưng cái thú cùng bạn bè vây quanh chiếc xe, miệng  nhóp nhép vị ngòn ngọt chua chua của cóc, xoài, ổi dầm, hay vị cay cay đắng đắng của món mực nướng mới là lôi cuốn. Nhưng bé nhớ và thèm nhất là món nước ổi bán ở quán cóc bên kia đường của trường TV. Ngày ấy, cứ sau giờ học Thể dục trái buổi, cả đám xúm quanh cái bàn bán trái cây dầm của bà chủ quán. Riêng bé lúc nào cũng uống một ly nước ổi thơm phưng phức. Vị chua ngọt của ổi, của nước xí muội và cái lành lạnh của đá vụn bây giờ nhớ lại bé còn ... chảy nước miếng.

Thương lũ bạn quá đi, tụi nó không ngại tốn thời gian và tiền bạc, dẫn bé đi khắp nơi, cho bé ăn đủ thứ. Tụi nó làm như ba năm ở đất khách bé chết đói hay sao? Mà thật vậy, bé ăn nhiều kinh khủng, nếm lại đủ hương vị ngày xưa bé thích, hay không thích. Bây giờ tất cả đều ngon một cách nồng nàn. Như món cá hay món rau muống xào tỏi, ngày xưa bé ít ưa ăn cá thu, ngày nào mẹ kho cá hay nấu canh thơm cà, là bé ăn ... ít cơm lại một tị. Để phản đối đó mà. Còn món rau muống nữa, bé cũng không ham. Vậy mà  bây giờ, vẽ miếng cá thu tươi kho nước bỏ vô miệng là thấy ngọt ngào hương biển, gùi đủa rau muống xào tỏi chưa đưa tới miệng đã thấy muốn gắp đủa thứ hai. Còn món bánh tráng đập dập chấm mắm nêm thì không thể chê vào đâu nữa cả.

Mới hai tuần, bé leo lên bàn cân thấy mình nặng thêm hai ký. Ngại quá. Dầu sao thì cũng là thiếu nữ rồi, bể form vì tham ăn thì kỳ quá. Nhất là bến đó, người ta không thích người tròn trỉnh, chỉ muốn mình hạc xương mai thôi. Nhưng mà khổ quá, ngày nào cũng có ai đó gọi điện hỏi:

- Bé ơi, hôm nay đi (Hội An) ăn (cơm gà) không?

Mỗi ngày mỗi món, có khi … lịch xếp sáng chiều. Làm sao từ chối được. Hấp dẫn quá chừng mà. Cô Nguyệt hiểu ý bé nên nói:

- Con cứ ăn thoải mái đi. Mai mốt về bên đó rồi ăn kiêng, sút cân mấy hồi.

- Thiệt hả cô? Ăn kiêng là xuống cân liền hả cô? Vậy thôi con ... liều nghe cô.

Có người đồng cảm, bé quyết định ăn xã láng. Và chơi xã láng.Nghe lời anh họ rủ rê, bé tham gia vào nhóm đi bộ leo đèo Hải Vân. Hai mưoi hai kilô mét lên xuống đèo trong một ngày nắng gắt, Bé đen thui  và rời rả chân tay, cảm giác mệt mỏi theo bé mấy ngày. Nhưng đêm ấy chat với mẹ, bé vẫn hào hứng kể lại thành tích có lẽ không có lần hai này

Mẹ cười thán phục:

- Chà, không ngờ con gái mẹ ác chiến vậy.

Nhưng ba thì la oai oái khi nghe bé than mệt đứ đừ:

- Điên quá!

- Dạ, điên mà vui, ba à!

Khi vui hình như thời gian lướt qua vùn vụt. Mới đó mà hết một tháng rồi. Ngày cuối cùng ở ĐN, bé được các bạn rủ đi hát karaoke. Mấy bài hát tình cảm ngày trước bé không để ý, bây giờ nghe hay đến nghẹn ngào:

... Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy cứ ước muốn cho thời gian ngừng lại ...

Lúc ra về, bé yêu cầu nhỏ bạn chở bé đi một vòng quanh thành phố. Đi chậm thôi để bé có thể cảm nhận tình yêu dành cho ĐN trào dâng trong lòng. ĐN ơi, bạn bè ơi, chưa giả từ mà sao bé đã  thấy lòng tiếc nhớ, đã thấy mắt cay cay. Ngày mai bé sẽ phải trở về Mỹ rồi. Mọi thứ rồi lại y như cũ thôi. Nơi đó Bé có một tương lai dài trước mắt để phải cố gắng học thật giỏi bằng mọi giá, bé có một gia đình để sum vầy, để thương yêu và để nương tựa nhau đi hết con đường đời. Đó là lựa chọn của gia đình bé ... Chỉ có điều quê hương vẫn là nỗi thương yêu ngọt ngào trong lòng cô bé hai mươi tuổi nhìn mọi thứ bằng đôi mắt sáng trong đầy cảm tính. Người ta có đã bỏ ra chín mươi bốn ngàn tỷ đồng (?) để kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội trong lúc có nhiều nơi không có vài tỷ để xây cầu cho học sinh vượt sông đi học, đành để các em đu dây qua sông, thì bé cũng no care. Bé nhất định sẽ quay về, ĐN ơi.

Trên chuyến bay càng lúc càng mang bé xa ĐN, nước mắt bé rơi xuống như mưa, bé xấu hổ lau hoài mà vẫn không thể dấu gương mặt ướt của mình, khiến người ngồi bên cạnh phải quan tâm hỏi:

- Are you OK?

ĐN vậy là đã xa tít tắp thật rồi!
 

Tặng bé với những cảm xúc cho ĐN dấu yêu một lần trở lại.

10/2010