Một ngày không như mọi ngày

Đến nơi đúng 16 giờ, là giờ được ghi trên vé mời, nhưng nhà hàng Thiên Hoa rộng lớn chỉ mới có chừng một phần năm khách. Đón tôi là chị Bích Hạnh. Hôm nay chị xinh đẹp và khác lạ trong cái robe hai màu xám nhạt và đen. Chị Hạnh nằm trong ban tổ chức họp mặt Hồng đức ĐN lần này. Cũng đã ba bốn tháng rồi có lẽ, thỉnh thoảng tôi nhận đựoc email của chị về việc đóng góp bài vở cho đặc san, rồi văn nghệ, rồi phân phát giấy mời. Mà tôi thì chẳng nằm trong ban bệ nào cả. Các chị có lẽ vất vả nhiều để chuẩn bị cho buổi họp mặt hôm nay.

Tôi đảo mắt nhìn quanh tìm bạn. Đây rồi, các bạn của tôi đã có mặt hầu như đông đủ. Ai cũng mặc đồ đẹp, mặt mày rạng rỡ. Tôi sà vào tìm một chỗ trống cho mình. Đâu phải lâu rồi không gặp, vậy mà cả bọn nói chuyện không dứt câu. Thỉnh thoảng nhìn ngó một ai đó vừa xuất hiện xem mình có biết? Phạm Ba rủ tôi chớp cơ hội đại hội chưa bắt đầu, leo lên sân khấu chụp mấy tấm hình làm kỷ niệm. Sân khấu thiết kế đơn giản với dòng chữ “Chào mừng thầy cô giáo và cựu học sinh về dự kỷ niệm 45 năm thành lập trường Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng” bằng giấy bóng màu xanh nhạt. Sau khi bấm cho Phạm Ba và Bích Hoài mấy tấm, tôi đưa mắt ngó nghiêng ngửa đống quà xếp cao nghệu, lòng thầm nhủ nếu chút nữa mình cũng có một phần thì hay biết mấy.

Buổi lễ bắt đầu lúc năm giờ thì nhà hàng chứa ba trăm người đã không còn chỗ trống. Khi đựoc giới thiệu các em khối năm (gồm  niên khóa lớp tôi trở xuống), chúng tôi đồng loạt đứng dậy, vỗ tay và la vang. Có vẻ áp đảo các khối đàn chị. Khi ngồi xuống cả bọn vẫn còn cười hả hê, khoái chí vì màn quậy trẻ con của mình …

Đồng ca, tốp ca rồi lời ngỏ của thầy Quang, chị Ý (là người lớp tôi hay gọi là cô vì khi chúng tôi chuyển sang trường PCT, thì chị Ý đã là cô giáo trường này, dù chúng tôi không học chị năm nào), rồi … thú thật là tôi không quan tâm đến thủ tục này lắm, hình như mọi lời ngỏ hơi hơi giống nhau cho cùng một sự kiện. Nguyệt Thu ngồi cạnh tôi thì thầm:

- Cô Quy kìa. Thấy không?

- Đâu? Mặc áo vàng nhạt đó hả?

- Ừa. Cô Hồng Châu nữa kìa!


Cô Quy dạy bọn tôi môn Toán năm lớp sáu. Cô có gọng nói sang sảng, giảng bài dể hiểu nhưng hơi dữ tính. Bọn con nít thời ấy mới chân uớt chân ráo vào trường, lạ lẫm vì cứ mỗi môn học là có một thầy, cô khác nhau. Mỗi người mỗi tính, nguời thì thiệt là hiền, như cô Hồng Châu dạy môn Anh Văn, nhưng có người nghiêm khắc như cô Quy, nên đến giờ Toán là cả lớp im re vì sợ. Thời ấy nhỏ BH dễ thương luôn bị cô Quy để ý, vì chỉ mỗi tội dám mặc áo đầm ống đi học, lại thỉnh thoảng … rung đùi dưới gầm bàn. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cuời, không hiểu vì sao cô có thể quan sát kỷ vậy, vì BH đâu có ngồi bàn nhất. Thời ấy thì nói thật lòng không đứa nào thích cô cả, vì cô nghiêm khắc quá. Nhưng bây giờ ngồi nhìn lưng cô hơi còng, mái tóc đã gần như bạc trắng, thấy thương cô khi nhớ lại tiếng giảng bài giọng Quảng sang sảng của cô ngày xưa. Cô là người thầy bắt đầu mở ra một thế giới ĐẠi SỐ cho chúng tôi trong môn toán những năm trung học.

Cũng vẫn NThu thì thầm:

- Mi ơi, cô Ngọc Nga vẫn trẻ, đẹp như ngày nào.

Tôi nhìn từ xa, cũng thấy cô nổi bật trong số thầy cô đang chăm chú nhìn lên sân khấu. Ngày xưa cô dạy môn hội họa, một môn chẳng có ai bị thiếu điểm. Cô lại hiền và xinh, nên phải nói giờ học này là giờ thư giản nhất. Lại cũng thích khi được cô bày cách quan sát một vật thể, ánh sáng và vị trí của nó với môi trường chung quanh. Khi đã kết thúc cuộc vui, tôi cũng nhanh chân chạy đến thăm hỏi cô, gởi lời thăm bạn Ngọc Quỳnh, là bạn học cùng khối lớp, là em gái cô và là một trong số các hoa khôi của trường ngày ấy. Quay qua bàn của các thầy, D T Điệp thắc mắc:

- Có phải thầy Bích Sơn đó không bây?

Làm sao có thể quên thầy dạy nhạc được.Thầy bây giờ hình như mập hơn xưa nhiều, vì trong trí nhớ của tôi, thầy Sơn ốm nhom và nhỏ con, lúc nào cũng có vẽ tất bật với cái cặp to to và cái roi, à không, cái thứoc dùng để đánh nhịp, được thầy kẹp một bên cái cặp. Thầy cười toe khi được gọi tên, cái miệng móm của thầy bây giờ chắc móm hơn xưa, thấy thương quá!!!

Ngoài ra chúng tôi còn quan sát kỷ thầy Tháp, thầy Hạc … là những thầy cô ngày xưa có phụ trách lớp đệ nhất cấp. Ngó quanh quẩn, tôi chợt phát hiện ra thầy Hiệp.Vẫn gương mặt tròn xoe, dáng cao to, cười hiền khô như ngày xưa. Thầy dạy môn toán lớp10A2.

- Ê, tụi bây nhìn ra thầy Hiệp không?

Cả bọn lao xao tìm kiếm những gương mặt thầy cô ngày xưa mình từng theo học. Đứa này chỉ trỏ, đứa kia dòm dòm, ngó ngó. Chúng tôi nói cười nho nhỏ (vì trên kia vẫn còn đang làm lễ), cứ ngỡ như mình vẫn là những cô nữ sinh nhỏ bé ngày xưa luôn nhìn thầy cô, nhất là những người mình … thần tượng, một cách ấm áp nhưng tò mò.

Sau đó khi về nhà nghiên cứu đặc san Thóang Hương Xưa 2, tôi mới biết cô Bút hướng dẫn lớp tôi năm lớp bảy đã mất rồi. Người cô hiền lành dạy môn Lý Hóa đã cuời khi thấy tôi đứng lấp ló bên ngoài tấm gương của phòng Hội Đồng, nhìn vào lúc cô đang gói phần thưởng cuối năm cho lớp. Cô chỉ vào gói phần thưởng, ra hiệu cho tôi biết đó là phần dành cho tôi. Nụ cười cởi mở của cô vẫn theo tôi trong chừng ấy năm tháng. Rồi cô Bích Hà vẫn được học sinh gọi theo tên chồng là cô Quyền cũng đã ra đi. Cô Quyền ngày xua nói tiếng Pháp như gió, ai cũng khâm phục khả năng ngoại ngữ của cô, chỉ mỗi tội khi nào cô xuất hiện đều có ông thầy người Pháp dữ như sư tử và rất thực dân theo sau, nên học trò đâm ra … ghét lây cô. Nghĩ lại thì thấy thật là không phải.

Tôi vẫn hay hỏi lòng, vì sao trên đường đời tôi đi, có những người rất tốt, yêu thương tôi thật lòng, nhưng có khi họ đi qua đời tôi vội vã rồi mất hút. Nhưng các thầy cô của trường Hồng Đức thì vẫn ở lại, và cho dù năm tháng đã thay đổi nhiều, tôi vẫn biết mình luôn dành cho thầy cô một chỗ ấm áp trong trái tim đã bắt đầu lỗi nhịp. Có lẽ cảm xúc thời thơ trẻ luôn tươi sáng, và thầy cô ngày ấy hầu hết thực sự là những thần tượng của tôi.

Trên sân khấu, chị Hà Nguyễn nk 73-74 đang hát bài Chào Nữ Hồng Đức. Chị cũng là người sáng tác bài hát này. Cả nhà hàng vỗ tay ào ào khi chị kết thúc:

   Nữ Hồng Đức gởi lời chào happy, gởi lời chào healthy, gởi lời chào lucky……

Chị duyên dáng và mạnh mẽ thật.
 
Mục văn nghệ kéo dài suốt buổi tối. Bích Hoài đứng duyên dáng trên sân khấu hát Ngày xưa hoàng thị. Vẫn là Bích Hoài ngày xưa, cô bạn cùng khối lớp nhỏ nhắn nổi tiếng hát hay và xinh đẹp từ năm lớp sáu.

      Em tan trường về, anh theo Ngọ về …

Có lẽ khi nghe BH hát bài này, ai cũng lãng đãng nhớ về một ai đó đã khiến lòng mình xôn xao thuở ấy…

Khi Xuân Hương lên khuấy động sân khấu bằng bài hát O! Mê ly thì chẳng còn ai có thể giữ vẻ đạo mạo của những o50. Mấy chị khóa trước tràn lên phần trống phía trước sân khấu, nhún nhẩy theo điệu bebop(?) của bài hát. Các bạn của tôi mặt mày ai cũng tươi rói, dán mắt nhìn X Hương, cái đầu gật gật theo điệu nhạc. Tôi nghĩ nếu bài hát kéo dài chút nữa, chắc PTHoa, Mậu, Thêm hay Bích Hoài … và tôi, sẽ không thể giữ vẻ e dè được nữa, mà sẽ chạy lên cùng một hai, ba, bốn, năm … với đàn chị  thôi.

Xen lẫn vào chương trình văn nghệ là mục bốc thăm trúng thưởng. Mục này ngó vậy mà lôi cuốn lắm đó nghe. Khi nghe chị dẫn chương trình mời một chị đã không ngại xa xôi từ hải ngoại về dự, lên chọn số may mắn, D Thị Điệp kê tai tôi nói nhưng không nhỏ:

- Ồ, bưởi như thế mới gọi là bưởi chớ.

Chỉ có mấy o50 của web chin bốn mới hiểu vì đâu bưởi lại được nhắc đến. Cả bọn quan sát kỷ rồi cười rinh rich. Đúng là bưởi to và rất đẹp.

Khi số may mắn được xướng lên, cả nhà hàng im ru, rồi vỡ òa tiếng la vui vẽ khi con số ấy có trong bàn mình. Qua vài lần như vậy, hầu như ai cũng thuộc lòng số của mình, và của cả bạn mình nữa. Kể để khoe tí ti, tối đó tôi là người nhận phiếu bốc thăm cho các bạn cùng bàn, mà trời đất ơi, từ vòng đầu tiên, Phương và Phạm thị Hoa hí hửng lên lãnh quà. Sau đó là bạn Hải cùng khối lớp. Nếu không kể Nguyệt Thu lơ đãng bỏ qua số trúng của mình, bàn tôi vậy là trúng bốn lần giải may mắn.

Khi chỉ còn ba giải nặng ký cuối, hai giải do các chị ở nước ngoài gởi tặng, và một giải đặc biệt là của thầy Nguyên, tôi đã không còn quan tâm đến chuyện xổ số nữa, vì cho đến bây giờ, hơn năm mươi năm có mặt trên cõi đời này, tôi chưa bao giờ trúng một thứ gì, dù chỉ là cây kẹo, trong các lần bốc thăm. Nhỏ Ngọc bạn từ thời cấp một réo tên tôi từ đàng sau, vậy là tay bắt mặt mừng, hai đứa ẹo đầu đứng chụp hình, rồi Mộng Linh, Phạm Ba cũng tham gia. Nga thuốc Bắc vui vẻ giúp ba đứa tạo dáng. Thì đột nhiên tôi nghe tiếng la:

- Ê, Hằng, lãnh thưởng kìa.

Cô Ngọc Thanh đang đọc số 174 của tôi lần thứ hai. Khỏi nói thì bạn cũng biết là tôi sung sướng đến cỡ nào. Đưa tay trái lên thật cao (làm như sợ ai dành mất phần hay sao á), tôi vừa vội vã chạy đến tìm cái ví, thò tay phải  lục tìm mãnh giấy may mắn của mình để trong đó. Cô Ngọc Thanh hình như lây niềm phấn khích của tôi, nói to trên micro:

- Mời Tuyết Hằng lên nhận thửởng. Mà sao khối 5 nhận hết phần thuởng ri hè?

Tính cả phần này, thì vậy là năm giải rơi vào chỉ một bàn của bọn tôi. Quá may mắn và hi hữu phải không bạn? Cám ơn chị Thanh Trúc nào đó ở Canada đã cho tôi một cơ hội được sung sướng như lượm đựợc vàng. Không biết nếu lượm được vàng ký, cảm giác vui sướng có hơn lúc tôi tí ta tí tởn vừa đi vừa chạy lên sân khấu nhận quà từ tay cô Ngọc Thanh, được quay phim và chụp hình mặc dù chẳng đóng góp được chi trong suốt chương trình?

Khoảng giữa cuộc vui thì màn chụp hình lưu niệm bắt đầu chộn rộn. Phạm Ba và Phương chạy qua bàn thầy cô mời thầy Nguyên, thầy Thụy, thầy Tháp đến chụp hình chung với lớp. Lại thêm có nhà tạo mẫu Minh Hạnh nổi tiếng cũng sẵn lòng tạo dáng nên mấy cái máy ảnh làm việc liên tục. Đầu này, đầu kia chìa máy nhờ tôi bấm dùm. Một, hai ba, rẹc. Tôi làm việc không ngơi tay. Cuối cùng, khi đưa máy mình cho Lân, tôi vội vàng xê vô ngay chỗ thầy Thụy đứng vì đây là cơ hội hiếm hoi được chụp ảnh với thầy hướng dẫn, thì Lân nhà ta cứ cẩn thận ngắm tới ngắm lui. Kết quả là … như bạn thấy đó, thầy mệt mỏi quá phải dựa lưng vào tường nghỉ giải lao. Vì tấm hình này mà con bạn ở xa trêu chọc:

- Ê mi, ép dầu ép mỡ, ai nở ép thầy … rứa mi?
























Chương trình văn nghệ tiếp nối không dứt, khó mà chen thêm tiết mục, nên Ba và Phuơng phải … khéo léo lên sân khấu đăng ký cho Lân thi sĩ ngâm bài thơ Chiếc đòn gánh tre của chính thi sĩ sáng tác. Tiếng vỗ tay rào rào khi thi sĩ dứt tiếng khiến Tua gai lãng tử hăng tiết vịt xin … ngâm thêm bài nữa. Thật là vui và thân mật. Cả bọn tôi vỗ tay cổ vũ bạn ầm ầm.

Khi ra về, mọi người hình như vẫn còn lưu luyến những giờ phút vui vẻ, ai nấy đều nán lại trò chuyện với thầy cô hoặc những ngừời bạn lâu ngày không gặp. Đứng chờ người nhà đến đón, tôi không ngại ngần cười chào các chị đi qua. Các chị cũng chào tôi vui vẻ. Có lẽ mọi người cũng như tôi, đều thầm nhủ:

- Thì là dân Hồng Đức cả mà, ai xa lạ đâu chớ…

Tôi mang nỗi hân hoan vào giấc ngủ đêm hôm ấy…

ĐN 15/3/2012
Bích Hoài
Xuân Hương