Thấm thoát mà đã hơn 40 năm kể từ khi chúng tôi rời bậc trung học (1970) để bước vào ngưỡng cửa đại
học. Thời gian đẹp nhất với chúng tôi là khoảng cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70. Cái thời yêu mà
chẳng dám nói, khi chuẩn bị tinh thần, tư thế để tỏ tình lại tự bảo thôi, cho nên những hương xưa ấy đã đi
vào dĩ vãng chỉ còn lại trong ký ức. Thế mà đã hơn 40 năm trôi qua, bây giờ lứa con trai chúng tôi cũng
đã trên 60, đang vui thú điền viên, trà đàm, tửu đạo với bạn bè đồng trang lứa hay vong niên. Nhóm con
gái thì đã là những mệnh phụ có dâu, có rể, có cháu bế bồng cả rồi, ôi thời gian sao mà trôi nhanh quá.
Thời đại công nghệ phát triển, internet, facebook, các trang mạng xã hội đã giúp cho chúng ta gần gũi nhau
hơn, tìm lại bạn bè xưa đã lâu không gặp. Những nữ sinh thướt tha tà áo dài của xứ Huế ngày xưa bây giờ
ra sao rồi, tôi đang đi tìm để mà nhớ lại một thời đã qua, hồn nhiên, yêu đương, mộng mơ… nhưng bọn
con trai không quên học hành vì “thi hỏng mất rồi là đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc”. Con trai thời
chiến thật nghiệt ngã, nhiều bạn bè tôi đã an giấc ngàn thu ở cái tuổi thanh xuân.
Hồi đó vẫn có câu chúng tôi tự đặt ra là Nguyễn Tri Phương thương Đồng Khánh, mặc dầu bên cạnh ĐK
còn có Quốc Học. Mỗi chiều tan trường, chúng tôi thường dạo lên ĐK một vòng trước khi về nhà, mỗi
bạn đều có một bóng hồng riêng để mà theo đuổi. Tôi theo cô bé ban C, bạn tôi theo cô em ban
A…không ai bảo ai, linh hồn ai nấy giữ, đứa nào cứ theo bóng hồng đứa đó. Khi nhìn được em của mình
là xem như hôm đó chuyến đi ngược đường Lê Lợi mỹ mãn, về nhà vừa học hành vừa mơ mộng. “…Cô
gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu sau buổi học rồi/ Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài
dáng đẹp khi còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi…” qua tiếng hát truyền cảm, rất Huế của
ca sỹ Hà Thanh. Bây giờ chị đã đi xa, xin vĩnh biệt chị.
Bạn tôi ở đường Nguyễn Công Trứ, tôi ở Triệu Ẩu (bây giờ là Bà Triệu), một bạn trong cư xá GS đại học
(KS Xanh) và bạn khác trên Lịch Đợi, khi nào rảnh là bạn NCT vào rủ tôi đến bạn cư xá cùng nhau lên
Lịch Đợi chơi. Năm đó là năm thi tú tài I, phải lo học chứ thi rớt là quân trường gọi, nhưng bạn cứ rủ đi lên
Lịch Đợi nhiều lần, nên tôi có chút hoài nghi. Đường Huyền Trân Công Chúa (bây giờ là Bùi Thị Xuân) có
cô em út của ca sỹ Hà Thanh thường đi chiếc Yamaha nữ màu xanh, con gái đi xe loại này rất xinh, cô bé
nhí nhảnh, vui tươi, hồn nhiên, hồi đó tôi đã quen cô bé này vì cùng tham gia hội thanh niên thiện chí, trong
hội ai cũng gọi em là bé, tôi chỉ hơn em 3-4 tuổi thôi. Mấy năm gần đây em ở Mỹ về, tôi cũng có diễm
phúc đưa em đi chơi đây đó. Dọc theo Huyền Trân lên một đoạn nữa có cô nữ sinh ĐK xinh đẹp, trắng
hồng như Mỹ, thì ra bạn tôi đã trồng cây si với cô bé đi chiếc xe honda PC này tự bao giờ. Bạn ở cư xá
GS con nhà quyền quý lại bỏ xa các bạn khác mê luôn cả bạn của chị mình, lúc đó KN đã là cô SV Luật
cũng đi chiếc Yamaha màu xanh, yêu nhưng ngại ngùng không dám nói nên chỉ thổ lộ qua bài “tuổi cằn”
đăng trên tạp chí của trường Nguyễn Tri Phương nhân dịp tất niên hồi đó…
Nữ sinh xinh đẹp xứ Huế không chỉ tập trung ở Đồng Khánh mà còn ở nhiều trường khác như Nữ Thành
Nội, Jeanne d’ Arc, Kiểu Mẫu, Bồ Đề, Thành Nhân, Bán Công…và cả các khoa đại học. Trường Đồng
Khánh, Thành Nội, Jeanne d’ Arc toàn nữ sinh, bọn con trai chúng tôi lại học trường toàn nam, mấy
trường tư có cả nam lẫn nữ, đến các trường tư đôi khi có xung đột với bọn con trai ở đó, nên chúng tôi
thường nhắm vào ĐK trực chỉ.
Cái tuổi học trò thời đó, bọn con trai chúng tôi mê ai đi nữa, cũng không bằng mê mảnh bằng tú tài, nên
tạm thời xếp lại chuyện yêu đương, mơ mộng, chúng tôi lao vào học hành, hồi đó thi tú tài khó lắm. Đậu tú
tài I chúng tôi lên học đệ nhất, dù sao cũng có vốn rồi nếu có đi lính thì cũng mang lon sỹ quan, hoặc đi
pilot được nhiều cô mê lắm. Nhiều giai nhân yêu luôn cái áo liền quần của mấy chàng phi công mặt còn
non choẹt vì chỉ cần tú tài I là đi pilot, lái máy bay oai lắm rồi.
Con gái đẹp xứ Huế không chỉ ở các đường phố của các quận Hữu Ngạn, Tả Ngạn, Thành Nội mà hình
như hang cùng ngõ hẻm nào cũng có.
Một người bạn cùng lớp tôi là học sinh giỏi của trường Nguyễn Tri Phương, năm đệ nhị (lớp 11) đã được
phần thưởng danh dự toàn trường, tôi cứ nghĩ bạn ấy không biết gì ngoài học hành, nhưng ai mà ngờ cậu
học trò mọt sách này cũng bị gây mê bởi cô nàng Hoa Hoàng nhỏ hơn mấy tuổi ở trong kiệt đường Phan
Đình Phùng gần cầu An Cựu. Nhưng đáng tiếc, chí học hành đã đưa cậu bạn vào Sài Gòn học đại học nên
mối tình đó trở thành dang dở. Mới đây bạn tôi về Huế chơi Tết Giáp Ngọ, đi uống café Sông Xanh ven
sông Đập Đá, cậu ấy còn kể sau này trồng cây si ở nơi đây. Café Sông Xanh là nhà người bạn tôi thời
trung học, bạn có bốn cô em gái mang tên Cẩm xinh xinh đang ở cái tuổi trăng tròn. Hồi đó, cũng vì mơ
mơ mộng mộng các cô em mà tôi hay viện cớ để đến chơi và học chung với ông anh trai. Có khi ngồi học
dưới gốc vú sữa, lâu lâu lại lén nhìn vào chỗ các em hay ngồi, mùa hè thì bơi lội trên dòng sông Đập Đá
hiền hòa. Bây giờ ghé thăm lại chốn xưa, ngôi nhà vẫn còn đó, cảnh vật vẫn bình yên nơi đây, nhưng các
em đã đi đâu rồi?
Nói đến những mối tình thời đi học thì không thể không nhắc đến mối tình của em họ tôi. Chàng ấy học
cùng khóa với tôi, nhưng học Thiên Hựu, trường toàn con trai, lớn hơn một tý thích học trường có con gái
nên chuyển qua Bồ Đề Hữu Ngạn, học không bao lâu thì mê tít một cô họ Mai cùng lớp, nhà xóm Chuối
gần trường Bồ Đề, là hoa khôi của Bồ Đề một thời. Mỗi chiều tan trường, không chịu về nhà mà khi nào
cũng đi đường Lê Quý Đôn qua khỏi lao tạm (nhà tạm giam những ai bị nghi ngờ tội phạm) là dừng chân ở
đó nhìn qua bên xóm ngắm trong vườn chuối có bóng hồng lấp ló không? Em tôi cũng vì yêu đương mà
học hành sa sút hẳn đi, một thời gian sau cậu ấy nhận ra rằng đàn ông con trai trước khi nói chuyện yêu
đương thì phải học giỏi, mà muốn vậy thì cần đổi trường, phải xa con gái may ra học hành tốt hơn, thế là
lên lớp 11 trở lại Thiên Hựu, thi đậu tú tài I chuyển qua học lớp 12 Nguyễn Tri Phương đậu tú tài II. Bấy
giờ là ông tú rồi, đã ghi danh vào học năm thứ nhất Đại học Luật Khoa Huế, nhưng một chút tình đầu đời
thì đã ra đi tự lúc nào. Là SV Luật, chàng oách lắm, đẹp trai, con nhà giàu, học cũng giỏi, có chiếc xe
Suzuki M12 mới toanh, nhưng lại cô đơn. Dòng thời gian vẫn trôi êm ả, tình cờ gặp cô bạn SL, cùng
trường tiểu học An Cựu hồi xưa, mới ngày nào em còn bé tý mà lúc gặp nhau, em đã là một thiếu nữ xinh
đẹp, kiêu sa. Từ đó, đôi trai gái có những lúc hẹn hò nhưng hiếm khi được đưa đón em đi học. Gia đình
em thuộc dòng dõi quyền quý, kín cổng cao tường, hồi đó bố em đã có xe hơi riêng. Một mùa thi lại đến,
năm đó, em thi tú tài II Kiểu Mẫu, bố nàng đi công tác xa nên chàng được dịp đưa đón em đi thi thật là
diễm phúc. Cặp đôi trẻ đó cứ đi đi về về mặt nhìn mặt nhưng lòng thẹn thùng không dám tỏ tình. Đến buổi
chiều cuối cùng đưa em về đến nhà rồi mới ngại ngùng mở miệng: “đường về nhà em sao mà ngắn quá”.
SL, cô bé tinh nghịch, đáp ngay lại: “là tại anh không biết lái”, mặt ửng hồng lên chạy một mạch vào nhà
mất dạng để lại cho chàng một sự tiếc nuối cho đến tận bây giờ: “Ừ nhỉ, đường lên Linh Mụ, Thiên An thật
thênh thang, thơ mộng sao mình khờ khạo thế”. Tại chàng không biết lái, nên vài năm sau có người biết lái
đã mang nàng đi đâu rồi.
Một cuộc tình buồn khác nữa của bạn tôi thời tiểu học. Vì cha mẹ làm giấy khai sinh lớn hơn tuổi thật, nên
sau khi đậu tú tài II không được tiếp tục lên đại học mà phải đi Thủ Đức do bị kẹt tuổi “đôn quân”. Rời
quân trường chỉ một thời gian sau đã có hoa mai (thiếu úy) nở trên áo. Bạn đã có người yêu là nữ sinh ĐK
sau này là SV văn khoa, hai người yêu nhau tha thiết, thề non, hẹn nước từ thời trung học cho đến sau
30/4/75. Anh đi học tập, còn em ở nhà thỉnh thoảng bới xách thăm nuôi, mặc dầu chỉ là yêu nhau. Lần nào
vào thăm trong trại, anh cũng nuốt nước mắt vào trong mà khuyên em nên chia tay anh đi, anh có ngày đi
nhưng không biết ngày trở về, còn con gái thì chỉ có một mùa xuân mà thôi. Thấm thoát thoi đưa, ngày
anh trở về thì biết em vừa mới sang ngang, hai bên chỉ còn nhìn nhau ngậm ngùi, ứa lệ mà than lên câu ca
“tóc mai sợi vắn sợi dài lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”. Mỗi khi tình cờ gặp nhau, em thường
bảo: “bây giờ em như chim vào lồng, duyên phận của chúng mình đã lỡ làng rồi, anh hãy đi lấy vợ đi”.
Chàng buồn lòng bảo nàng: “Em đi rồi còn ai nữa mà yêu”. Từ đó chàng theo một kiếp giang hồ, lãng du,
rầy đây mai đó để tìm quên em, mãi đến mười năm sau trở về Huế (1987) mới nên bề gia thất. Chuẩn bị
cho phòng tân hôn, chính nàng là người trải chiếc chiếu đầu tiên cho đôi uyên ương, trong một túp lều
tranh nho nhỏ, đơn sơ. Nghe qua như câu chuyện tình buồn chỉ có trong tiểu thuyết, tình nghĩa giữa hai
người chỉ có duyên mà không có phận. Tuy nhiên cho đến bây giờ họ vẫn là đôi bạn tốt của nhau.
Cũng là bạn học của tôi hồi tiểu học, sau biến cố Tết Mậu Thân, phải bỏ An cựu qua thuê nhà ở Chi Lăng;
con đường này có nhiều cô xinh lắm: Lan Xuân, Phụng Kim,… người trong mộng của tôi cũng ở đường
này. Bạn tôi học đại học sư phạm toán, lại có vẽ tranh cho báo Tuổi Ngọc do nhà văn Duyên Anh làm chủ
bút, nên cũng được một số cô ĐK để ý. Hồi đó trước rạp ciné Lido ở đường Chi Lăng có 2 quán café Dạ
Thảo và Sương Lan đều có con gái xinh đẹp, bọn con trai trồng cây si ở đây cũng khá nhiều. Cậu bạn tôi
dạy kèm toán thiện nguyện cho cô con gái út café Sương Lan, cũng nảy sinh tình cảm với cô bé thích ô
mai, thế là nhóm con trai trồng cây si liền lập kế hoạch thanh toán ‘gã gia sư’ này. Cũng may kế hoạch
chưa được tiến hành thì ông gia sư trẻ này đã được một người bạn báo tin và kịp thời giải quyết ổn thỏa.
Nghĩ lại thật buồn cười, “đơn đao phó hội anh hùng” chỉ vì một giai nhân. Tuy đã dàn xếp được với đám
cây si kia, nhưng cuối cùng cũng không ai rõ vì lí do gì cuộc tình giữa gã dạy kèm và cô gái út nọ tan vỡ,
có lẽ chỉ có đôi trai gái trong cuộc mới hiểu rõ ngọn nguồn.
Một thời gian sau, tôi mới biết cậu sinh viên ấy chuyển mục tiêu về hướng khác cũng trên đường Chi Lăng,
nhưng không trùng mục tiêu của tôi.
Nói đến café, thời bấy giờ trong thành nội có café Tôn, bên Gia Hội có Sương Lan, Dạ Thảo, bên này
sông Hương có café tổng hội (tức là phía sau tổng hội sinh viên ở đường Trương Định), nhưng có lẽ khá
nổi tiếng là café chị Lợi, chỉ là một quán café nhỏ trong hẻm ở đường Lê Đình Dương, nhưng không hiểu
sao có rất nhiều nam thanh nữ tú, học sinh, sinh viên đến uống café tán gẫu, khi nào quán cũng đông
nghẹt, có nhiều bạn trông như triết gia trên tay luôn luôn cầm cuốn sách triết học của Phạm Công Thiện, để
tóc dài, hút thuốc Bastos xanh, móng tay vàng khè do khói thuốc, có khi ngồi hàng giờ đọc sách dường
như đang chờ đợi ai đó. Mấy cô nữ sinh ban C Đồng Khánh quý phái, diễm lệ, nhưng thỉnh thoảng cũng
vào đây uống café. Bọn tôi vào quán chị Lợi thì lại thích nhấm nhí cốc café và lắng nghe những bản nhạc
trữ tình bất hủ vang vọng Mùa thu chết, Ngậm ngùi, Nữa hồn thương đau, Ngày xưa Hoàng thị, Trả lại em
yêu…Thích nghe nhạc TCS và nhiều nhạc sỹ tiền chiến khác…
Trở lại một thoáng hương xưa, một người bạn của tôi sau khi đậu tú tài II, được đi du học ở Tây Đức, mấy
năm đầu viết thư về cho tôi liên tục, nhờ tôi giới thiệu cô nữ sinh ĐK học cùng lứa ở trước bưu điện. Lúc
học NTP cậu ấy đã để ý rồi, nhưng lớp 12 học hành căng thẳng quá, sợ thi hỏng tú tài là đợi ngày đi nên
chẳng dám tỏ tình. Lên đại học tôi cùng học Khoa học một năm với cô ấy, cũng muốn nói giúp bạn mình,
nhưng mới lên đại học nên rụt rè không dám nói. Sau năm 1975, tôi mất liên lạc với bạn. Cách đây vài năm
có dịp qua Đức tôi ghé thăm người bạn cũ này, hai đứa hàn huyên có nhắc lại câu chuyện ngày xưa cùng
với cô gái đó. Bây giờ mệnh phụ đã lên chức bà và đang sống tại Pháp.
Lại thêm một người bạn nữa trồng cây si đến quên cả học hành, cậu ấy học sau tôi một khóa, lại học ở
Trung học Thành Nhân, mê mệt, say đắm tiểu thơ Ngọc Bội, nhà ở ngã giữa Phan Bội Châu (bây giờ là
Phan Đăng Lưu) bấy giờ vẫn thường được gọi là người đẹp trường Thành Nhân, nàng thường đi chiếc
Honda dame màu đỏ. Cô nàng đã cướp đi trái tim của cậu bạn, khiến cậu bỏ bê cả học hành, bạn bè hết
lời khuyên bảo, răn đe cậu ta mới chịu học để lấy được 2 tấm bằng tú tài. Do tình yêu đơn phương, để tìm
quên tiểu thơ xinh đẹp ấy cậu quyết định bỏ lên Đà Lạt học đại học, nhưng rồi cà tàng cà dập học hành
không đi đến đâu, suốt ngày chỉ nghiên cứu Triết học và Phật học…
Còn tôi thì sao? Là hội viên của Hội Thanh Niên Thiện Chí-Công Tác và Nghị Luận, sau khi đậu tú tài
một, tôi thường tham gia nhiều trại xã hội với chức vụ ủy viên công tác. Một hôm đi trại bên Cồn Hến, tôi
làm trại phó phụ trách công tác, đó là sở trường lao động của tôi. Đã đến giờ ăn trưa, nhưng công việc
chưa xong nên tôi chưa thể đi ăn được. Sau đó, có một giọng nói nhẹ nhàng rất đặc biệt khẽ vang lên mời
tôi vào ăn cơm, tôi ngước nhìn có một chút choáng ngợp, đó là cô em làm trưởng ban ẩm thực, em thật
xinh, nước da trắng sáng có vài tia gân máu nhỏ trên đôi má ửng hồng, chắc là vì em thẹn thùng. Chỉ mới
gặp nhau mà đã đem lòng yêu thương, cô ấy như đã cuốn hút tôi tự bao giờ.
Lần theo dấu vết tôi đi tìm, em là nữ sinh ban C Đồng Khánh, nhà ở đường Chi Lăng, nhưng nhà nàng cao,
to quá, có cả xe hơi mới kít. Một chút buồn bã và thất vọng thoáng qua, em đi xe mới, anh đi xe tàn, bìm
bìm làm sao leo được nhà ngói. Mỗi lần lên trường ĐK tôi tìm em, thấy ô tô còn đó là em chưa về, đợi em
lên xe đi khuất dạng tôi mới quay về, mỗi lần thoáng thấy em, người tôi run lên, tim tôi như trống đánh
thình thịch. Nhưng đó vẫn chỉ là yêu thầm mà thôi, tôi nào dám tỏ bày với nàng.
Một người bạn khác nữa của tôi, sau khi thi đậu tú tài I, ba mẹ thưởng cho chiếc Honda 67, hồi đó oai lắm,
vài ba buổi chiều bạn lại đón tôi đi quanh một vòng sau những giờ học thi mệt mỏi, không ai bảo ai, mười
lần như một lộ trình duy nhất Duy Tân (Hùng Vương bây giờ), cầu Trường Tiền, Trần Hưng Đạo, cầu Gia
Hội, Chi Lăng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đỉnh Chi, Tô Hiến Thành, Chi Lăng, trở về lộ trình cũ. Tôi hỏi
mãi nhưng cậu ấy không tiết lộ cây si ở đâu khiến tôi cứ phải đoán già đoán non, nhiều lần tôi tự hỏi sao
cậu ấy không trồng cây si cô láng giềng. Gần nhà cậu ta cũng có người đẹp Lê Quý Đôn xinh lắm, cô ấy
đã có lần là người đẹp được chọn để đóng vai Bà Triệu cởi voi chống quân thù trong một lễ hội lớn của
trường ĐK. Riêng tôi, đi đến góc đường Nguyễn Du-Chi Lăng là tim tôi như ngừng đập, người tôi rung
cảm, chỉ mong được thấy dáng dấp cô em ban C ấy trên balcon hay trong khung cửa sổ. Mỗi lần nhìn
được bóng hồng, tôi thường năng nỉ bạn tôi quay xe lại để được nhìn em thêm lần nữa, nhưng em ở trên
cao có hay chăng biết tôi đang nhìn. Vì si mê giai nhân mà tôi chọn học y khoa, một chút tài mọn không
biết có được em cảm mến tôi không?
Thế nhưng sau năm 1975, bao nhiêu mộng ước tan theo mây khói. Ít lâu sau tôi được tin em lấy chồng tim
tôi như tan nát, lòng tôi buồn biết mấy. Ngày nhà em pháo nổ, tôi lang thang trên bãi biển Thuận An, bơi ra
thật xa mong chờ cơn sóng lớn cuốn trôi tôi đi, đưa tôi về miền viễn xứ.
Gần 40 năm trôi qua kể từ khi em lấy chồng, em đã xa tôi mãi mãi, thế mà mỗi lần tôi đi ngang qua ngôi
nhà đó cảm xúc xưa vẫn còn lâng lâng trở về.
Suốt cả thời gian trung học và đại học tôi sống với cô tôi, mấy cô em họ đều là nữ sinh Đồng Khánh nên
có rất nhiều bạn bè xinh đẹp đến chơi, học chung với nhau…phải kể đến những người đẹp ở Phan Bội
Châu, Đồng Phát (có hai chị em xinh đẹp là nữ sinh ĐK từng đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị), Lê Thanh
Tuân, Gia Long, Ưng Hạ, Huyền Trân Công Chúa, Lê Quý Đôn, Ngô Quyền, Tô Hiến Thành, Lý Thường
Kiệt, Thuận An…nhiều lắm. Nhưng hình như một trái tim chỉ rung động với một giai nhân và chỉ một mà
thôi.
Trên đại học thì có người đẹp Văn Khoa, Luật Khoa, Sư Phạm có nhóm Tỷ Muội, ngược lại Y khoa lại là
nơi tàn phá nhan sắc (học 7 năm dài đăng đẳng) nên ở đây rất ít người đẹp, tuy ít nhưng không phải không
có, BS Thụy Bích là tiêu biểu, bấy giờ đã làm điêu đứng không biết bao nhiêu SVYK cùng trang lứa.
Lớp dự bị 3, đại học Khoa Học của tôi (1970-1971), có người bạn cùng lớp là người đẹp MN, ở bên kia
Đập Đá, người dong dỏng cao, đi chiếc Honda dame đỏ, mỗi lần ngang qua Đập Đá, tóc nàng bay bay
làm gió cũng mừng, ướt gì tôi là gió để quyện trên má, tựa trên tóc nàng mỗi chiều tan trường về. MN
không chỉ đẹp, thùy mỵ, đoan trang mà còn hiện hữu cái đẹp trong tâm hồn, nàng cũng có giọng ca truyền
cảm. Con người đó, vẽ đẹp đó đã làm cho người nhạc sĩ tài ba đất thần kinh đã từng yêu mến nàng, nhưng
với MN, trước sau nàng vẫn quý trọng, kính mến người nhạc sĩ như một người anh và tình yêu không đến
giữa hai người nên TCS đã viết lên những ca từ “…Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia…/…
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình …” trong ca khúc Nguyệt Ca.
MN sắp về thăm quê trong một ngày gần đây, sẽ thăm lại những con đường xưa em đã đi, nhớ lại mỗi
chiều qua Đập Đá để "gió sẽ mừng vì tóc em bay" thăm thôn Vỹ nắng vàng, ngắm vầng trăng khuya để
biết rằng trăng muôn đời vẫn còn là nguyệt.
Gia nhập cộng đồng Facebook, tôi nhìn lại rất nhiều khuôn mặt quen xa xưa, thời đẹp nhất là tuổi học trò,
tình cờ tôi gặp cô họ Đoàn vẫn còn trẻ đẹp như xưa. Tôi nhớ lại, ngày xưa có chàng họ Hoàng (học sau
tôi 3 lớp) ở đường Phan Châu Trinh yêu thích cô nầy lắm, mặc dầu nàng cùng lớp với chị của chàng. Đó là
câu chuyện đàn em tâm sự với đàn anh trong một đêm trực bệnh viện lúc học y khoa Huế.
Thời học y khoa tôi oai lắm, ra tranh cử và đắc cử ban đại diện sinh viên y khoa niên khóa 1974-1975.
Chúng tôi tổ chức Đêm Y Khoa trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán thật hoành tráng. Hồi đó có đêm Khoa
Học, Sư Phạm, Luật Khoa, Văn Khoa. Đêm Y Khoa Xuân Ất Mão là cuối cùng (sau năm 1975 không còn
những đêm như thế này nữa), tổ chức tại giảng đường K. SV năm thứ nhất được mời làm trật tự (mà BS
Nông Tam bây giờ là một thành viên). Đêm Y Khoa, với bộ cánh veston đàng hoàng, tôi dẫn một đoàn
mấy cô nữ sinh ĐK kiều diễm như Hương Thu, Hồng Thu, Thảo Thu…con nhà quý phái, ở góc đường Hà
Nội-Hùng Vương bây giờ đến dự. Sau nầy SV Nông Tam thổ lộ, Nông Tam thấy đoàn giai nhân đi vào
cửa mà chàng đứng lặng người, chết trân quên luôn nhiệm vụ, nàng đến làm tim chàng bối rối, thì ra Nông
Tam đã si mê Hương Thu từ nhiều năm nay. Hương Thu, cô nữ sinh ĐK xinh đẹp, nết na, thùy mỵ, nàng
thường hay mặc chiếc áo lụa Hà Đông, rảo bước trên đường Lê Lợi-Lê Thánh Tôn (đường Hà Nội bây
giờ) mỗi khi tan trường, chừng đó thôi đã làm cho Nông Tam ngày ngày sớm theo chiều về, có khi đứng
bên ty kiến thiết nhìn sang xem bóng hồng có xuất hiện trên balcon hay lờ mờ trong cửa kính không? Nông
Tam thầm yêu, thầm nhớ nhưng chẳng có dịp gặp được, dù có dịp thì chàng ta chắc cũng không nói nên
lời.
Hồi đó truyền thống SVYK Huế hơn nhau một lớp là đã kính nể nhau rồi, huống gì lại dẫn theo người mà
mình thầm yêu trộm nhớ! Nông Tam thấy đàn anh oai phong như vậy thì bái phục lắm. Sau này Nông Tam
hỏi tôi: “sao hồi đó anh oai thế dẫn luôn mấy cô gái đẹp đi xem Đêm Y Khoa”. Tôi bảo: “có oai gì đâu
chẳng qua anh dạy kèm (gia sư) ở đó nên anh mời mấy em đi xem cho biết sinh hoạt của SVYK thôi.
Nhưng người anh muốn mời, mà không dám là cô sinh viên xinh đẹp mà anh cũng thầm yêu, thầm nhớ, ước
mơ từ nhiều năm nay, đang học bên đại học Sư Phạm kia kìa (cô nữ sinh ban C ĐK, lúc đó đã là SVSP
ban Việt Hán). Anh cũng giống em mỗi người trồng một cây si khác nhau, không may mà gặp nền nhà của
nàng cao quá, lại thêm kín cổng cao tường nên đành phải chịu thôi”.
Dòng đời đang trôi êm đềm, bạn bè cùng trang lứa với tôi, học các phân khoa khác đã ra trường lên đường
phục vụ tổ quốc, không mấy ai trong chúng tôi được mối tình đầu mĩn cười. Ra trường không được bao
lâu thì ngày 30/4/1975 đến, chấm dứt chiến tranh, đất nước không còn tiếng súng, nhưng lê thê những ngày
lao động, meeting, học chính trị…và…rồi nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh, cơm không đủ ăn, áo không
đủ mặc…
Chừng đó sự kiện đã làm cho những kỷ niệm êm đềm, vô tư, mộng mơ một thời đi học của chúng tôi chỉ
còn lại trong ký ức, dường như chẳng bao giờ lãng quên.
Mùa Xuân năm Giáp Ngọ (Valentine 2014)
Trần Đức Thái