Hai đứa có tên cùng vần T, học chung với nhau có hai niên khóa thôi. Tôi thuở đó là thằng con trai mới lớn, vì mới lớn nên thích học làm người trưởng thành, tập tò làm người lớn mà vẫn không che hết được cái ngu ngơ vụng dại nếu không muốn nói là khờ khạo trước những người bạn khác phái học chung lớp. Cô nhỏ thuộc vào học sinh gương mẫu, là lớp phó phụ tránh học tập, dĩ nhiên học rất khá trong lớp. Cái lớp có ba mươi nữ sinh và chỉ có mười hai thằng đực rựa. Do đó đám con gái được xếp ngồi ở những dãy bàn đầu, bọn con trai thì tụ tập các bàn cuối lớp, thầy cô thường gọi đó là xóm nhà lá. Tôi nhớ có lần đám nam nhi nói chuyện ồn quá, cô giáo dạy Địa Lý là cô Bích Hà kêu tôi đổi chỗ, lên ngồi bàn trên, tức là ngồi bên cạnh cô nhỏ. Thiệt tình suốt giờ học, tôi không ghi chép được chữ nào, cứ loay hoay mãi. Cô Hà kiểm tra vở của tôi:
- Em Tường, sao không ghi bài?
Tôi gãi đầu lúng túng:
- Dạ, … cô cho em trở về bàn dưới ngồi, gần bạn Trung đi cô.
Cô Hà trợn mắt nhất quyết từ chối lời cầu xin của tôi. Dòm qua, tôi thấy cô nhỏ che miệng cười. Hai giờ Địa lý hôm đó quả là hai giờ học dài nhất trong cuộc đời học sinh của tôi. Hết giờ học, trang vở của tôi hoàn toàn giấy trắng. Không biết ngồi bên đứa con gái sao mà hồn vía tôi đi đâu. Cô nhỏ không thuộc loại sắc nước hương trời, chỉ có đôi mắt tròn xoe, màu nâu ngơ ngác đã khiến hồn tôi đi lạc. Bản tích nghịch ngợm cố hữu của tôi cũng xoay đi cả 180 độ. Bao nhiêu trò lém lỉnh hay phá phách thường ngày giờ đây bỗng biến đâu mất tiêu, tôi đâm ra lúng túng, ngờ nghệch bên cạnh đứa con gái bé như hạt tiêu này. Hết hai giờ Địa lý, cô Hà đi ra khỏi cửa, tôi thoát nạn, ôm vở trở về xóm nhà lá, mang theo nụ cười kín đáo và ánh mắt của cô bạn nhỏ. Không ngờ đó là nỗi vương vấn suốt cả một đoạn đời tôi.
Tháng mười hai, lớp tôi đi diễn văn nghệ ở 30 Bạch Đằng, cô nhỏ có mặt trong một màn múa. Tôi dù không phận sự gì cũng lấy lý do ủng hộ gà nhà nên cứ tò tò đi theo, đó là đêm hội diễn văn nghệ mừng ngày Quân đội Nhân Dân. Trời tháng mười hai ở Đà Nẵng lạnh và mưa dầm dề, trong khi chờ màn trình diễn của lớp xuất hiên trên sân khấu tôi rủ cô nhỏ đi vòng vòng, ngang qua những quày bán đồ lưu niệm, cô nhỏ chỉ một cành hoa làm bằng giấy, loại giấy thường làm dây giăng trang hoàng cho đám cưới, cành hồng với vài cái hoa, hai cái nụ được gắn trên mấy cái nẹp bằng tre xinh xắn, cô nhỏ buộc miệng "Dễ thương há!". Tôi không nói gì, mãi đến khi xong chương trình văn nghệ, tôi phải năn nỉ tên lớp trưởng để được có nhiệm vụ đưa cô nhỏ về, đến cổng nhà tôi mới lấy từ trong túi bên trái, phía trong áo lạnh, ngay trái tim, một cành hoa hồng bằng giấy, tôi trao cho cô. Tôi thật không biết nói gì, chỉ đưa ra món quà ra trước mặt cô nhỏ. Tôi ú ớ … cánh hoa hồng bằng giấy đã thấm nước mưa, ướt nhẹp, tơi tả, vậy mà cô cũng cầm lấy. Cười với tôi rất hiền.
Ra giêng, phong trào thể dục thể thao sôi nổi, đội banh các lớp được thành lập. Lớp tôi có cuộc thi đấu đá banh với lớp 12A 3, phòng học bên cạnh. Mười hai tên con trai là mười hai cầu thủ. Lớp trưởng là thủ quân, thằng Mạnh Hùng cao nhất lớp được giao chức thủ môn, Hoàng Nam ẻo lả nằm dự bị. Đám con gái trong lớp có nhiệm vụ đi theo cổ vũ. Đội banh không có huấn luyện viên nhưng rốt cuộc lớp tôi đã thắng lớp thằng Phước cận. Tôi dành chức vua phá lưới nhờ những tràng vỗ tay và la hét om sòm của cô nhỏ, nhờ những ly nước trà đá giờ giải lao, ly nước lạt thếch nhưng tôi uống vào nghe ngọt tê cả đầu lưỡi vì cô nhỏ đã trao cho tôi với ánh mắt đầy khuyến khích, tôi tự tin như thế! Ly nước mát do chính tay cô bạn nhỏ mang đến cho tôi niềm hạnh phúc còn hơn là được gắn huy chương vàng giải Olympic.
Từ dạo ấy, những giờ học đối với tôi là những giờ vàng son, ngày nào tôi cũng mong thấy cô nhỏ và nụ cười kín đáo, nụ cười lạ lùng khiến tôi nhớ hoài. Lạ lùng bởi đó là nụ cười nở ra ra từ đôi mắt, không phải ở vành môi. Suốt những giờ học cô nhỏ hay nhìn ra phía dãy bàn tôi ngồi, những ngày thi cử sắp đến, ánh mắt cô nhỏ càng đong đầy luyến lưu. Thuở học sinh, trò chơi bút đàm không phải là lạ, nhất là đám nữ sinh. Ngồi cạnh nhau thì viết vào vở nháp, đưa qua đưa lại. Ngồi xa thì viết vội vài dòng trong mảnh giấy be bé, ném qua ném lại, có khi là hỏi về bài học, có khi là một vài câu nghịch ngợm trêu ghẹo nhau hay hẹn hò giờ tan học đi đây đi đó … trò chơi này cũng làm đám học sinh đở buồn ngủ trong những môn học nhàm chán. Tôi thấy cô nhỏ hay nhìn qua hướng tôi ngồi, hai ba đứa con trai chung bàn bắt đấu xầm xì, thằng Trung cận lên tiếng trước:
- Ê, con Trúc nhìn mi kìa, Tường!
Tôi sung sướng lẫn mắc cở nhưng chối lia chối lịa:
- Đâu có, Trúc đang nhìn thằng bí thư ngồi sau lưng ta mà.
- Mắc chi con Trúc nhìn thằng Đinh?
- Thì lớp phó nhìn bí thư, hai tư tưởng lớn nhìn nhau, có chi mà lạ?
Thằng Trung cười:
- Không phải, nhìn bí thư mà đôi mắt nó ướt át rứa? Hay là hắn nhìn mi hả Minh?
Minh ngồi bên cạnh, nảy giờ lầm lì mới lên tiếng:
- Mệt tụi bay quá, con Trúc nhìn ai cũng cải. Ừ, nhìn ta đó, còn đá lông nheo nữa kìa. Thôi nghe Trúc, coi chừng thầy chiếu tướng nghe cưng!
Tôi nghe thằng Minh xác nhận và ba hoa mà tức anh ách. Lạ thiệt, chỉ là một ánh mắt của người dưng, có gì quí báu đâu mà cũng tức! Vậy đó, ánh mắt của cô nhỏ cứ hướng về dãy bàn chúng tôi với nhiều nghi vấn. Cho đến một hôm … tờ thư rơi của cô nhỏ bay qua, rơi xuống ngay chân tôi, tôi hí hửng thầm nhủ, chắc của nhỏ phóng cho mình. Tôi bí mật lấy chân dậm lên, âm thầm chịu đựng mãi đến giờ ra chơi tôi mới kiếm cớ chậm chạp một chút để len lén nhặt tờ thư rơi ra … tận hưởng, thì ra tờ thư rơi … lâm ly như vầy:
" Ê, mấy bữa nay cây hoa phượng trước lớp mình lá xanh mướt, trên cành bắt đầu nhú mấy cái nụ rồi, dễ thương lắm, suốt giờ học ta cứ phải quẹo cổ để dòm ra cửa sổ, hơi mỏi đó nghe Ngọc!"
Té ra lâu nay ánh mắt cô nhỏ không phải nhìn tôi để gởi gắm tâm tư và chắc chắn một trăm phần trăm là cô không thèm nhìn thằng Minh ngồi bên cạnh. Cô chỉ theo dõi cây phượng trước cửa lớp với những nụ hoa be bé đang trở mình trên cành. Vậy là tôi vui rồi. Nhỏ Ngọc ngồi bàn trên, ngay trước mặt tôi không nhận được lá thư chắc cũng không biết gì về lá xanh với phượng đỏ. Chỉ riêng tôi là biết cô nhỏ đặc biệt yêu và thích ngắm những cánh phượng hồng đong đưa trên cây phượng trước lớp khi hè đến. Tôi từ đó cầu mong cho mùa hè đến sớm và có khi còn dại dột mong cho một năm có cả bốn mùa hè để ánh mắt cô bạn nhỏ cứ nhìn qua dãy bàn tôi ngồi. Tôi mong sao hoa phượng cứ e ấp mãi trên cành. Lung linh hoài trong mắt cô bạn nhỏ của tôi.
Mùa thi đến, những cây phượng ở sân trường đang bắt đầu nở hoa vào giữa tháng năm. Tàn lá phượng la đà, màu xanh thẳm xen lẫn rất nhiều nhành hoa đỏ thắm rung rinh trong nắng. Mùa hè đang đến và sắp sửa qua đi. Cánh cửa đời học trò của chúng tôi đang dần khép, mở ra một tương lai kéo theo bao âu lo không tên. Những ngày cuối của năm học, cũng như bao nhiêu cô nữ sinh khác, mấy cô gái lớp tôi bắt đầu chuyền những cuốn lưu bút đến thầy cô, đến bạn thân. Tôi nhận được cuốn lưu bút của Trúc và suy nghĩ mãi, tôi biết đây là cơ hội cuối cùng để tôi bày tỏ cảm tình của mình với cô bạn nhỏ. Cuốn lưu bút đên tay tôi với nhiều trang đã được các cô bạn khác viết bằng mực tím. Tôi cũng muốn hòa mực tím viết đôi dòng vào trang lưu bút của cô nhỏ lắm … Anh thay mực cho vừa màu áo tím … Thi sĩ Nguyên Sa đã xúi tôi như thế, nhưng sau cùng tôi dùng màu mực xanh lá cây và … biết viết gì đây, tôi mượn vài câu trong một bài hát mà Jo Marcel hay ca thay cho lời từ tạ "… Xa nhau, hãy vui lên đi, xa nhau, xin may mắn cho nhau. Bằng ánh mắt khi quen nhau, bằng nước mắt khi chia ly …"
Tôi nộp đơn thi đại học ở nhiều trường và cô nhỏ cũng thế, những ngày từ Đà Nẵng khăn gói ra Huế dự thi tôi tình cờ thấy cô nhỏ một lần trong khuôn viên trường Đại Học Sư Phạm ở Huế, có lẻ vì hai đứa có số báo danh gần nhau. Cô nhỏ đi chung với đám “quái nữ “ trong lớp khiến tôi ngại ngùng, không dám hỏi thăm. Những buổi chiều từ phòng thi ra, tôi thường thả bộ dọc con đường Lê Lợi, ngang qua Khu Đại Học, tôi ước mơ hai đứa sẽ tiếp tục chung lớp ở Đại học. Ước mơ không có gì là xa tầm tay nên ước mơ cháy bỏng trong tôi. Tôi mường tượng hai đứa có những ngày sánh vai lang thang dưới tàn phượng trên con đường Lê Lợi, trong tiếng ve kêu râm rang trên cành. Tôi hạnh phúc hát Mưa hồng (TCS) cho cô nhỏ nghe ”…Em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá … xanh gần với nhau…” Thằng con trai mười tám tuổi ngu ngơ là tôi thuở ấy, chỉ xây mơ ước đến đó mà thôi. Tưởng tượng rằng đôi mắt cô bạn nhỏ sẽ tròn xoe như một dấu hỏi khi tôi đặt tên con đường Lê Lợi ở Huế là “Đường phượng bay”.
Tháng sau, tôi nhận được giâý báo từ trường Đại Học Sư Phạm, lớp Anh Văn. Thời đó, Anh văn là một sinh ngữ hơi lỗi thời, các trường trung học tập trung vào môn Nga văn. Tôi biết, nhưng tôi không có chọn lựa nào khác, lớp tôi có giấy báo trúng tuyển vào các trường Đại học ở Huế cũng khá đông so với các lớp khác. Có nhiều đứa thời trung học chẳng mấy nổi bật trong lớp vậy mà sau mùa thi nghe đâu có giấy báo cả hai ba trường, vậy mà cô nhỏ lại lọt sổ. Nghe bạn bè nói rằng vì cô bạn nhỏ của tôi có cái lý lịch gia đình không được trơn tru lắm. Thì ra thực tế ở trường đời chua chát hơn những bài giảng của thầy cô trong lớp học.
Thời sinh viên xa nhà của tôi luôn bận rộn trong thiếu hụt. Tôi bắt đầu tập tành uống những ly cà phê đắng ngắt, ngắm mưa xứ Huế mà nao lòng nhớ đến cơn mưa cuối năm ở Đà Nẵng. Lang thang dưới hai hàng phượng đầy hoa đỏ rực mà lòng như chùng xuống, nhớ làm sao ánh mắt ai kia đang bâng khuâng gởi những mộng mơ ra ngoài khung cửa sổ, nơi có gốc phượng già đang trổ hoa báo hiệu hè sang. Tôi quay cuồng như thế suốt bốn năm. Vừa học cách làm thầy giáo, vừa phải đi lao động ngày hè, rồi học lớp huấn luyện quân sự học đường, họp hành, đi thực tập … Có dịp về Đà Nẵng chỉ kịp để bà già tẩm bổ cho chút ít hoặc dúi cho tí tiền để dành ăn sáng, uống cà phê lai rai … Trong khi đó, cô bạn tôi có lẻ vì vấp phải thực tế quá đắng cay của xứ sở miền trung khe khắc, không kiếm được một chỗ đứng nơi quê nhà, cô tìm đường vào nam làm ăn sinh sống. Nghe đâu cũng long đong ghê lắm. Theo vòng xoáy của thời cuộc, tôi lao đao ngắt ngoải còn cô bạn nhỏ như mất hút tận vực sâu.
Ngày tôi nhận mảnh bằng tốt nghiệp với số điểm không cao lắm, nhiệm sở nơi thành phố không dễ gì chen chân được nên tôi chọn Đắc Lắc trước sự ngạc nhiên của nhiều người và đôi mắt rưng rưng của mẹ tôi. Tôi ra đi với hy vọng sau khi hoàn thành ba năm nhiệm vụ nơi ”vùng sâu vùng cao” đó tôi sẽ được chuyển về thành phố.
Tuổi thanh niên đâu có ngại khó khăn, hơn nữa, tôi vốn được giáo dục rất kỹ trong tinh thần “vì nước quên mình” nên tâm trạng tôi hân hoan lắm. Dẫu có phải vượt đoạn đường mấy trăm cây số lên nơi đìu hiu làm thầy cho người sắc tộc thiểu số, dẫu có trải qua bao tháng ngày nắng núi mưa rừng, những buổi chiều về, nghe tiếng vượn hú vọng lại từ khu rừng già xa thẳm, đêm đêm khó ngủ bởi tiếng lá xào xạc nảo lòng, tôi vẫn không hề nản chí. Tôi tập vui với những tháng ngày dài đăng đẳng ở ngôi trường Cao Đẳng Sư Phạm Đắc Lắc, học trò tôi là những người sẽ làm thầy cô giáo trong tương lai. Ngày ngày lên lớp giảng dạy, tối về tôi tìm vui trong tiếng đàn guitar, tôi tập hát những câu hát đầy tính lãng mạn nhưng rất lạc quan, cái kiểu lạc quan đúng nghĩa của một người thanh niên trong "thời đại mới" như là "… Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh …, mà khi em xa anh, đời vẫn xanh vời vợi … Có gì đâu em ơi, tình yêu là cuộc sống …".
Nghỉ hè, tôi về Đà Nẵng và tìm đến nhà tên lớp trưởng thuở trung học để hỏi thăm về tin tức bạn bè xưa. Khánh, lớp trưởng nay là giáo viên dạy Sử ở ngôi trường Phan Châu Trinh chúng tôi một thời theo học. Tánh chu đáo quan tâm đến bạn bè của Khánh mãi làm tôi khâm phục. Tôi được Khánh cho biết cô bạn nhỏ ngày xưa của chúng tôi nay đang buôn bán tại một quán cơm gần Ga Đà Nẵng. Tôi hơi yên lòng vì dù sao cô nhỏ vẫn còn có mặt tại thành phố này để tôi có cơ hội thăm hỏi. Buổi trưa, tôi chọn cái giờ sau giờ cơm trưa để tìm đến nơi cô bạn buôn bán. Từ bên này đường Hoàng Hoa Thám, tôi dễ dàng nhìn thấy cái quán cơm phía bên kia, đó là một quán cơm bình dân, phục vụ cho đa số khách đi đường vừa xuống tàu của Ga Đà Nẵng. Cũng như bao quán hàng khác, quán cơm có cái tủ kiếng bày thức ăn, có cái bàn nhỏ bày chén bát và … có những thau, xô rửa chén để ngổn ngang dưới đất, mặt đất nhầy nhụa những thức ăn vương vải bên cạnh những vũng nước được che đậy bằng mấy tấm ri sắt gập ghềnh. Cô bạn tôi đang ngồi rửa chén, khuôn mặt cuối xuống khiến tôi không nhìn rõ được nét mặt nhưng cái vóc dáng mới thảm hại làm sao! Trời ơi, cái vóc dáng gầy gò và xơ xác trong bộ áo quần vừa cũ kỷ vừa rộng quá khổ. Chiếc quần dài đen, dưới ống được bó vào chân bằng hai sợi dây thun để hai ống quần khỏi bị ướt khi phải đi qua đi lại trên vũng nước. Một hình ảnh ốm yếu, luộm thuộm, đầy vẻ cam chịu khiến cô nhìn xa như một bà cụ chứ chẳng phải một cô gái mới ngoài hai mươi. Mái tóc nâu nâu ngắn ngắn chấm ngang vai ngày xưa nay đã thưa thớt, cắt ngắn hơn và uốn lăng quăng khiến tôi không còn nhận ra được một chút gì quen thuộc như trong trí nhớ. Không biết vì đau lòng cho hoàn cảnh cô bạn hay quá thất vọng trước một thực tế phủ phàng, tôi đứng sửng người nhìn cô bạn nhỏ đang rửa chén, dọn dẹp lăng xăng. Miếng cơm manh áo đã làm biến đi mất hình ảnh cô bạn một một thời vui tươi, nhí nhảnh của tôi. Tôi ngậm ngùi bước đi mà không hề ghé qua chào hỏi cô bạn nhỏ ngày xưa đến một lời. Sau đó, trong một lần uống cà phê với Khánh, tôi được cho biết, cô đã có một bé gái sau một cuộc tình duyên tan vở và đang nuôi con một mình. Tôi bàng hoàng như chính trái tim mình cũng tan nát.
Những ngày nghỉ hè tiếp theo của tôi ở Đà Nẵng bỗng trở nên ray rức, khó chịu. Tôi ngần ngừ sau nhiều lần khi đứng bên lề đường, nhìn bóng dáng người bạn năm xưa qua những sinh hoạt thường ngày, con đường trước sân Ga Đà Nẵng vẫn nhộn nhịp, lao xao người lên kẻ xuống. Tôi chỉ nhìn thôi và quay đi, nghe lòng như muối xát. Tôi trở lại đứng bên lề đường Hoàng hoa Thám đôi ba lần sau đó nhưng chưa một lần dám hỏi han. Những ngày nghĩ hè còn lại, tôi đạp xe ngang con đường Lê Lợi, ngang qua cổng trường xưa, những cây phượng trong sân trường, trước phòng học của lớp tôi năm xưa đang trổ hoa, màu hoa đỏ thắm lung linh trong nắng, tôi nhớ đến những câu trong một bài hát “… Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm ...”
Tôi mang nỗi đau buồn này theo trong những ngày còn lại khi trở lên Đắc Lắc, đời sống của tôi sau đó là những ngày dài thầm lặng, vô hồn. Đắc Lắc buổi hồi sinh được trang điểm bằng nhiều loại lan rừng, không một bông hoa nào làm lòng tôi say đắm. Bởi Đắc Lắc không có hoa phượng đỏ thắm cành khi hè sang nên lòng tôi cứ mơ hoài về một mùa phượng cũ, nơi sân trường xưa.
Ba bốn năm công tác nơi miền núi rồi cũng qua đi, chỉ có tôi và nỗi buồn không duyên cớ là tồn tại. Trong khi bạn bè xưa đã lần lượt lập gia đình, bận rộn cho những tổ ấm nhỏ riêng tư. Thỉnh thoảng hay tin đứa này mới đám cưới, đứa kia sanh được thằng con … Tôi vẫn sớm chiều đi về một mình trong cô đơn, sau đó tôi được chuyển về Đà Nẵng. Nhiệm sở mới của tôi là ngôi trường con gái ngày xưa của cô nhỏ, nay đã đổi thành cơ sở giáo dục cho đội ngũ giáo viên trong tương lai, với tên gọi là trường Cao Đẳng Sư Phạm Ngoại Ngữ Đà Nẵng. Cô bạn tôi không còn bán buôn ở quán cơm cạnh sân Ga mà đã vào nấu nướng cho Căn tin Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng, Khánh cho tôi biết như thế. Đời sống lúc này tương đối bớt chật vật hơn.
Lớp học cũ của chúng tôi thời trung học bắt đầu có những sinh hoạt thăm viếng, họp mặt sau nhiều năm bận rộn cho đời sống riêng. Các bạn hầu hết đã lập gia đình, đa số là giáo viên đủ các cấp, trong số đó có vài đứa ra đời với tấm bằng giáo viên, cuối cùng lại phát đạt hơn hết nhờ … bỏ nghề, rời nhiệm sở, bỏ mộng ước thời sinh viên để về thành phố, theo gia đình buôn bán hàng phế liệu hoặc những mặt hàng ăn khách khác như máy móc, hàng xa xỉ nhập từ nước ngoài, nhiều bạn có cơ sở làm ăn rất lớn. Thằng bạn thân nhất của tôi từ thuở trung học lên đến những ngày cùng đói no vui buồn thời sinh viên xa nhà là thằng Trung cận, sau này nó cưới Nguyệt Minh, hai vợ chồng đều là giáo viên dạy Sử Địa ra trường về Thăng Bình. Đeo đuổi giấc mơ làm thầy cô không bao lâu, sau đó Nguyệt Trung đều bỏ trường, rời đám học trò không luyến tiếc để về mở một tiệm vàng, đó là thời kỳ mở cửa trong lảnh vực kinh tế, khi xã hội Việt Nam có phong trào đổi mới. Thế mới biết, xây mộng ước và quyết tâm đeo đuổi ước mơ có khi là điều chẳng thực tế. Khi người ta không thực hiện được hoài bảo, ước mơ cứ canh cánh bên lòng không biết có được hạnh phúc hơn là khi giấc mơ đã thành mà thực tế đời sống lại xoay chiều khiến người ta phải loay hoay tìm một hướng đi khác, cuối cùng lại đưa người ta đến vàng son hơn.
Tôi thì không ươm giấc mộng làm thầy giáo, con đường đưa tôi đến cái nghiệp dạy môn Anh Văn chẳng qua vì thời thế, cuối cùng tôi lại say mê mới lạ. Tôi yêu nghề lắm nên cũng có được sự bù đắp. Những năm tiếp theo đó là sự giao dịch với các nước phương tây được phát triển trở lại, môn Anh văn chiếm nhiều ưu thế so với các ngoại ngữ khác. Chẳng bù với khoảng thời gian trước, môn học này đã có một thời gian dài bị lơ là như trù dập. Các chương trình xuất cảnh cuốn hút người ta rèn luyện ngoại ngữ, tất cả các trường đều cần người giảng dạy môn Anh Văn, giáo viên đâm ra thiếu. Lác đác ngoài phố, xuất hiện những lò luyện sinh ngữ công khai quảng cáo, các trung tâm dạy sinh ngữ ban đêm bắt đầu hoạt động trở lại. Tôi có nhiều lớp dạy thêm và dần dà dành dụm sắm được một chiếc DD màu đỏ để đi dạy, là model nổi bật thời đó.
Cuối tháng năm hàng năm là dịp họp mặt bạn bè trong lớp, năm này tổ chức tại nhà Kim Liên, bạn bè gặp nhau tất cả như trở về thời học sinh. Những cô giáo, thầy giáo trút đi vẻ đạo mạo thường ngày trước đám học trò để trở lại cái thời nghịch ngợm thuở nào. Thằng Đinh, bí thư của lớp năm xưa nay là một cán bộ Đài Truyền Hình Đà Nẵng, nói năng vui vẻ cởi mở hơn xưa nhiều; thằng Hỷ không biết học gì sau ngày rời trung học mà nay lại là một phó nhòm, chuyên phụ trách khu du lịch Non Nước, thu nhập dư sức nuôi một vợ và bốn con; Khánh, nay là Giám Thị ngôi trường mang tên cụ Phan mà chúng tôi học ngày trước, thằng này đúng là kiểu người gương mẫu và theo đúng nghiệp dĩ, nó hình như được ông bà, cha mẹ, hay kẻ bề trên sắp xếp để làm công việc này. Thanh Thủy xưa kia là lớp phó phụ trách lao động với dáng người lao động đúng kiểu, ăn nói mạnh mẽ, nay là một thương gia thành công, xuôi nam về trung, đi Đà Nẵng - Sài Gòn như đi chợ. Cũng trong buổi họp mặt này những mối tình thời đi học, thập thò trong lớp học thuở xưa nay được đem ra mổ xẻ, đùa giởn. Thằng Phương và cô Hằng ngày xưa tưởng là một cặp không rời, nay gặp lại đứa nào cũng tay bồng tay bế, lại không chung một tổ ấm. Phương nay là chàng bán than vui tánh, vợ đẹp con xinh, Hằng thành cô giáo viên, vợ một thầy giáo dạy chung trường, hai đứa đều có mái ấm riêng rất hạnh phúc, mới lạ chứ. Tôi thắc mắc, Phương cười to trả lời:
- Ôi, tình yêu thuở học trò, như mưa bong bóng!
Hắn nói xong lại cất lên giọng ca mùi mẫn:
- Nhớ … nhớ mưa bong bóng, nhớ dáng em buồn, nhớ lệ em tuôn. Nhớ, … nhớ … khi tan trường em sánh vai anh, hai mái đầu xanh thì thầm ước nguyện, hai mái đầu xanh, tình yêu trọn vẹn. Ai ngờ bong bóng vở tan, ai ngờ em cũng sang ngang theo chồng. Ngày xưa bong bóng phập phồng, em đi lấy chồng để khổ cho ai? Tôi về, ôm mối tương tư em đi có nhớ mưa nào năm xưa, phải chi hôm ấy đừng mưa phải chi hôm ấy … đừng đưa em về …
Phương cố tình kéo dài cái câu ”phải chi hôm ấy đừng đưa em về” ra, dài lê thê, ca xong hắn bật cười ha hả, và cứ lẻo đẻo theo chọc cô bạn tên Hằng, cái giọng Quảng Bình của hắn làm ồn ào suốt buổi họp mặt. Thấy nét mặt tôi trầm trầm, hắn đi theo phá:
- Ê, ngày xưa mi giấu tấm hình thẻ học sinh của con Trúc, để mần chi? Không làm ăn chi được hả?
Cái thằng thiệt quỷ quái, chuyện bí mật vậy mà nó còn nhớ và đem ra giữa chốn thanh thiên bạch nhật này trêu ghẹo. Tôi xấu hổ tự khai:
- Thằng Đinh bí thư la chí chóe, hai đứa tau dành qua giật lại rách mất tiêu.
Thằng Phương cười nham nhở, còn la to:
- Ê, bí thư Đinh, té ra hồi xưa mi cũng kết con Trúc hả? Trúc mô rồi … hai thằng hồi xưa dành nhau xé mất tấm hình nộp dán vô học bạ của mi kìa, rứa mà lâu ni mấy người đổ thừa cho tui ngày xưa làm thư ký không chu đáo, để rớt mất hình của mấy bà nghe.
Đám con trai, con gái thi nhau tố cáo, người ít nói như nhỏ Phương cận thị cũng phải bật cười. Trúc nhỏ nhẹ cho tôi biết, gia đình cô đã không còn ở chỗ cũ đã lâu. Sau khi căn nhà bị trưng thu cả gia đình hơn mười người theo sự sắp đặt của nhà nước đã dọn về một xóm lao động, ở trong một căn phòng nhỏ chung vách với một gia đình cũng thuộc diện bị trưng thu. Sau khi ba cô từ trại cải tạo về được một năm, gia đình đã nộp hồ sơ xuất cảnh và cả hai mẹ con cô may mắn đã được phái đoàn chấp thuận. Hiện cô đang kiếm nơi để học lại Anh văn chuẩn bị cho cuộc sống mới. Giọng cô băn khoăn:
- Trúc ghi tên đi học ở các trung tâm ban đêm, chưa khai giảng nhưng sao nghe nói kiểu cách dạy dỗ cũng chơi bời lắm, đa số học sinh là đám con nít mới lớn … chơi nhiều hơn học …
- Mình có thể giúp Trúc.
- Giúp, bằng cách nào?
- Mình … dạy Anh văn mà!
- Hả?
Đôi mắt tròn ngạc nhiên, Trúc ngơ ngác như vừa từ cung trăng rơi xuống:
- Tường là thầy giáo môn Anh văn hả?
Tôi được dịp nói đùa:
- Ừ, kêu bằng thầy đi rồi mình dạy cho, miễn phí.
- Thôi đi, …
Tôi chỉ đùa thế thôi, thật lòng, nếu tôi có thể làm được điều gì để giúp Trúc thì khó khăn cách mấy tôi cũng không ngần ngại. Mấy tuần sau đó tôi giới thiệu một thầy giáo trẻ dạy cùng trường đến nhà Trúc để dạy kèm sinh ngữ cho cả nhà.
Trúc quả đã không làm mất mặt tôi, trong mấy chị em cùng theo học, Trúc là học sinh chăm chỉ và giỏi nhất. Từ dạo đó tôi có dịp lui tới nhà Trúc, ba của Trúc là một người rất thông thái, nói chuyện với ông tôi học hỏi được nhiều điều hay. Gia đình, anh em Trúc và tôi càng ngày càng thân thiết. Trong tôi, Trúc trở lại là hình ảnh cô bạn nhỏ chung lớp ngày xưa. Đứa con gái chin tuổi của Trúc rất dễ thương, dễ gần gũi. Chúng tôi đã cùng nhau có những ngày thân tình gắn bó. Mỗi chủ nhật tôi đều đến nhà Trúc để cùng ba và các em trai của cô đi uống café, trò chuyện rất tâm đắc. Cái xóm nhỏ ấy trở nên quen thuộc với tôi vô cùng. Hình như chưa bao giờ tôi tìm hiểu về chuyện đau buồn của cô trong quá khứ, Trúc cũng chẳng hỏi tôi một lời về tình cảm cá nhân của tôi, chúng tôi đến với nhau hoàn toàn là thứ cảm tình trong sáng, đẹp như lời thơ
Nhưng, những ngày vui bao giờ cũng qua mau, kỳ họp lớp vào tháng năm năm sau, lớp chúng tôi tổ chức đàng hoàng hơn vì đó cũng là buổi chúng tôi chia tay cô bạn nhỏ. Tôi đưa hai mẹ con đến buổi họp mặt tại nhà Thanh Thủy, thằng Phương đã đến trước và đang phụ xếp bàn ghế, thấy tôi chở Trúc và bé gái đến, nó liếc nhìn Trúc rồi nói nhỏ vào tai tôi:
- Ê, chắc con Trúc đi rồi thì tụi tau mới được ăn đám cưới mi phải không?
Câu nói vô tình của Phương khiến lòng tôi bâng khuâng, chùng xuống.
Buổi họp mặt năm nay trở nên đầm ấm, thân tình hơn do có sự xuất hiện của thầy Huấn, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi ngày xưa, nay thầy và trò trở thành đồng nghiệp rồi nên trò chuyện rất cởi mở, phóng khoáng.
Tôi đưa Trúc và con bé ra về, theo yêu cầu của con bé, tôi chở hai mẹ con đi một vòng ra bờ sông Hàn. Ở một quán nước dọc bờ sông, Trúc kể cho tôi nghe những kỷ niệm ngày còn học ở trường Nữ trung học Hồng Đức, những lần cùng đám bạn mua vé "Đò ngang sông Hàn" chỉ để lên chiếc phà đi qua, đi lại trên sông, ngắm trời mây cho đến chiều tối mới lên bờ. Trúc nói:
- Dạo đó, dọc bờ sông này gần bến phà, có những cây phượng, mùa hè cành cây đầy những hoa đỏ la đà xuống mặt sông rất đẹp. Trúc ước mơ, nếu được … trúng số, Trúc sẽ đầu tư một khoản tiền lớn để trồng thật nhiều hoa phượng, đến mùa hè chắc là đường phố Đà Nẵng sẽ rực rỡ lắm. Hồi đó mới mười sáu mười bảy nên thích nhiều thứ vu vơ lắm. Thích nhặt hoa sứ rụng cài lên tóc, thích nhìn mây trắng bay, thích ngắm mưa rơi. Bây giờ ra đời, già cỗi rồi, nghĩ lại lúc nào cũng thấy nhớ, thấy tiếc.
Trúc còn bảo, tôi may mắn hơn cô, làm thầy giáo ở trong môi trường học đường, tiếp xúc với học sinh hằng ngày nên lúc nào cũng trẻ trung yêu đời. Bất chợt, cô hỏi:
- Nè, hỏi thiệt nghe, thầy giáo trẻ vui tính như Tường … có cô nữ sinh nào yêu thầy không?
- …
Tôi không trả lời, đây là lần đầu tiên Trúc đề cập đến chuyện tình cảm của tôi, cô nói tiếp:
- Thiệt ra … cũng lớn rồi, Tường nên nghĩ đến chuyện lập gia đình, có vợ đi chớ. Trong lớp mình ông là người chậm chạp nhất đó nghe. Thời gian không dừng lại để chờ ai đâu.
- Ừ …
- Ừ là sao?
- À … thì Trúc đi rồi, mình sẽ có vợ.
- Trời ơi, vợ ở đâu mà chờ sẵn vậy? Bộ … có bồ hồi nào mà mình không được biết?
Tôi lúng túng:
- À, … là cô học trò đó mà.
- Ý cha, có học trò yêu thầm thầy hả, hay là … thầy yêu học trò?
- Đâu có yêu.
- Trời, không yêu … sao cưới, cha?
- Thì … thấy con bé cũng dễ thương, hồi đó trường tổ chức văn nghệ, học trò thấy thầy hát hay nên … để ý thầy. Tôi trả lời một cách lúng túng.
- … Rồi thầy … để ý lại hả?
- Ừ, mình thấy nó cũng có vẻ quan tâm săn sóc mình đặc biệt nên … chỉ để bụng thôi, con bé năm nay học 12, không phải là học sinh của lớp mình phụ trách.
- Vậy hả, cô bé tên gì?
- Cẩm Hải.
- Ô, quê ở Hội An à?
- Đúng rồi, Trúc hay quá!
- Vậy mà lâu nay giấu nghe!
- Thiệt ra cũng không có gì để kể, ngày nào thầy trò cũng gặp nhau, ít khi nói chuyện nhưng mình biết con bé rất hiền … hiền y như Trúc ngày xưa vậy.
Cô bạn nhìn tôi:
- Nhưng mà … Tường có thương người ta không mà đòi cưới?
Tôi đành bật mí:
- À … mình biết cô bé học trò đã có cảm tình với thầy, lâu rồi, sau đó biết rỏ hơn vì … cô ta … viết thư cho mình, có khi giận hờn lung tung vì những cái vô tâm của mình.
- Cha, hấp dẫn nghe, chừng nào cho tui gặp học trò được không?
- Được chứ, nè Trúc đọc đi và … cho ý kiến.
Tôi lấy trong túi ra lá thư của cô học trò tên Cẩm Hải, lá thư làm tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần và cứ băn khoăn, không biết trả lời sao đây. Trúc đọc xong nhìn tôi rất lâu rồi nói với giọng rất chân tình:
- Nói thiệt lòng nghe, Tường may mắn lắm đó, có một người con gái yêu thương mình như thế này. Trúc chưa gặp cô bé nhưng cũng có cảm tình sau khi đọc lá thư. Cô này bày tỏ tình cảm rất chân thành, thật sâu sắc. Trúc nghĩ ông cũng đã xác định tình cảm của mình trước khi cho Trúc đọc lá thư tình này. Nếu Tường cũng có ý muốn đi đến hôn nhân với người ta …
Cô ngừng một chút rồi đưa ngón tay ra:
- Trúc chỉ muốn ông … đừng làm cho người ta khổ sau này. Hứa đi!
Tôi nghéo vào ngón tay Trúc:
- Mình hứa.
Hai đứa cười vang, tôi cảm thấy hạnh phúc thật gần kề, không biết vì lòng tôi đang vui hay vì ngay lúc đó, tôi nhìn thấy trong mắt cô bạn lấp lánh niềm vui.
Ngày Trúc rời Đà Nẵng tôi đến nhà cô rất sớm, tôi phụ với cả nhà sắp xếp hành lý đưa ra ga ký gởi. Hai giờ chiều, tôi chở Trúc ra ga, tôi mua một cái vé “tiễn đưa” để có thể chia tay với Trúc ngay ở toa tàu. Chúng tôi đi bộ dọc theo đường rầy xe lửa, đá sỏi lởm chởm trên những thanh sắt ngang dọc của đường tàu, Trúc chập choạng sắp té, cô níu tay tôi. Tôi giử bàn tay Trúc trong tay mình, hai đứa đi đến toa tàu chỗ Trúc ngồi. Tiếng loa phóng thanh vang vang “Đoàn tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào thành phố HCM đang dừng ở ga Đà Nẵng. Chỉ còn vài phút nữa, tàu sắp rời sân ga, yêu cầu quí khách…”. Gia đình Trúc đã vào chỗ ngồi, tôi nói vài lời chia tay vội vàng và lật đật nhảy xuống tàu. Đoàn tàu từ từ chuyển bánh, tôi chạy dọc theo con đường sắt song song, đưa tay lên vẩy vẩy, hơi ấm của bàn tay Trúc như còn đọng lại trong lòng bàn tay tôi. Tôi không muốn vẩy, tôi sợ hơi ấm đó sẽ bay đi, lan tỏa vào không gian. Tôi nhìn lên khung cửa của toa tàu, chỗ Trúc ngồi, khuôn mặt cô bạn nhỏ đang chồm ra ngoài cửa. Tôi đưa cánh tay lên như muốn níu khoảng thời gian này dừng lại. Ước gì … tôi có thể níu thời gian dừng lại.
Thời gian không dừng lại như Trúc nói hôm nào, nhớ lời hứa với Trúc, tôi lập gia đình, dĩ nhiên với Cẩm Hải, cô học trò quê quán Hội An, sau này nghĩ học để làm cô thợ may. Ngày cưới tôi không mời bạn bè cùng lớp ngoại trừ lớp trưởng Khánh. Có lẻ tôi không muốn lẫn lộn giữa hình ảnh cô dâu ngày cưới của tôi hôm đó với hình ảnh cô bạn nhỏ thuở nào qua sự có mặt của những người bạn thời trung học, sẽ khiến lòng tôi lao xao. Tôi hứa với Trúc sẽ không để cho Cẩm Hải buồn. Mấy thằng bạn sau này gặp tôi trách móc, tôi chỉ cười, xin lỗi. Gia đình tôi sống yên vui, hạnh phúc với đứa con gái đầu lòng, Cẩm Hải là học trò ngoan, là người vợ tốt. Hình ảnh Trúc, cô bạn thời trung học xưa kia vẫn mãi như cành hoa phượng đong đưa trong trí tôi mỗi khi hè đến, như một nét son trang điểm cho tâm hồn tôi những khi vui cả khi buồn, là nét son muôn đời không phai nhạt.
Sáu, bảy năm sau, không phải … mười năm sau, Trúc trở về vào một ngày đầu tháng chín, cô liên lạc được với tôi qua một người bạn bán quày sách báo, nơi tôi thường lui tới khi có dịp ra phố. Không làm sao nói hết được những vui mừng trong lòng tôi. Trúc nay là một phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, mái tóc cắt thật ngắn kiểu demi-garcon rất ngổ ngáo, trong mắt tôi Trúc vẫn hiền như xưa. Cô bạn ưu tiên để dành cho tôi trọn một ngày. Tôi chở Trúc đi hết những con đường mới mở ra ở Đà Nẵng, tôi đưa cô qua bên kia sông, đến ngôi trường tôi đang dạy, ngôi trường do một cơ quan nước ngoài tài trợ không mang cái tên VN. Sân trường mới làm có những chiếc ghế đá mới toanh đặt rải rác hai bên lối đi. Tôi hào hứng chỉ cho Trúc mấy cây phượng mới được trồng trong sân trường. Tháng chín, mới khai giảng năm học mới, không còn một nhánh phượng hồng nào trên cây, hoa đã kết thành những trái phượng dài lủng lẳng trên cành, vậy mà Trúc cũng chụp mấy tấm hình ở sân trường, để làm kỷ niệm. Chúng tôi leo lên Ngũ hành Sơn, Trúc rất tự nhiên khi nắm tàn tay tôi để leo hết cả trăm bậc tam cấp bằng đá đường lên chùa. Tay trong tay, bỗng dưng cảm giác ấm áp năm xưa lại trở về khiến tôi vui vui. Hôm đó không phải là ngày lể nên khu du lịch này không tấp nập lắm. Tôi có dịp chuyện trò với Trúc, một ngày thú vị. Trúc có bảo tôi đưa cô về nhà thăm Cẩm Hải, khi biết tôi đã là ông bố của một công chúa và một hoàng tử, cô chúc mừng bằng cách gởi cho tôi ít quà cho bà xã và hai đứa nhỏ. Tôi cùng cô bạn thời trung học đi loanh quanh, ăn trưa. Chiều về, xuống cầu sông Hàn lai rai, tôi chọn một quán nhỏ ở chân cầu, Trúc muốn uống bia. Chúng tôi như hai kẻ tri âm, có nhiều điều Trúc chưa nói đến tôi đã hiểu và ngược lại. Cô chậm rãi kể cho tôi nghe về những tháng ngày nơi phương xa, làm ăn sinh sống, ánh mắt cô thoáng buồn khi nói đến chuyện tình cảm riêng tư, tôi tôn trọng nỗi buồn của bạn nên cũng lặng yên chia sẻ. Tôi cũng hoàn toàn không nhắc đến đời sống ấm êm của mình. Tôi xúc động khi ánh mắt long lanh của Trúc nhìn tôi:
- Cám ơn Tường đã … trốn bà xã … dành cho mình một ngày riêng, đặc biệt cho tình bạn, có một người bạn chưa nói đã hiểu nhau, đã biết bạn mình vui hay buồn, một người bạn biết yên lặng để chia sẻ … là một may mắn hiếm có trong cuộc đời mình.
Tháng chín, mới đầu mùa khai giảng tìm đâu ra một cành hoa phượng khoe sắc trên cành để mà nhớ, để mà vấn vương, nên mùa phượng cũ năm xưa trong sân trường, nơi cửa lớp vẫn nở thắm trong hồn tôi.
Không biết cô bạn nhỏ có biết rằng Trúc bây giờ cũng như Trúc ngày xưa, mãi là hình ảnh cô bạn nhỏ thuở nào, tuy nhỏ bé vẫn có đủ sức mạnh, đôi lúc làm tâm hồn tôi lao xao.
Tôi đưa cô nhỏ ra về, đã quá nửa khuya, đường phố Đà Nẵng vắng tênh …
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta 8/2010
Mùa phượng cũ
Tôi đưa cô nhỏ ra về, đã quá nửa khuya, đường phố Đà Nẵng giờ đó
vắng hiu, ngang cầu sông Hàn, gió từ dưới sông thổi lên lành lạnh. Tôi
hát nho nhỏ, "Khi em về, chừng như sang đông, trời tháng năm mà nghe
lành lạnh. Khi em về, ngồi nghe biển hát, chiều qua nhanh như em xa
anh …"
Cô nhỏ cười thúc vào hông tôi, nói, "Tường làm y như thiệt!"
Một ngày qua nhanh quá, tôi cho học trò nghỉ khi biết tin cô về Đà
Nẵng. Cô nhỏ dành cho tôi trọn một ngày trong cái thời khóa biểu mười
ngày ở lại đây. Chỉ một ngày cho gần mười năm không gặp …