Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Mùa Xuân Của Thầy
Chin Bon
Chin Bon
Kể từ ngày cô Ngọc Khuê yên giấc sau thời gian dài bạo bệnh. Được biết Cô Thầy có duyên làm vợ chồng nhưng không có nợ con cái. Do đó Thầy Nguyên thành … chim sáo mồ côi. Thầy sống một mình trong căn nhà nho nhỏ, có khoảng sân nho nhỏ dễ thương tại Đà Nẵng.

Nhắc đến cô Ngọc Khuê chúng ta luôn nhớ về một Cô giáo dạy môn học Sử Địa trường Nữ trung học ĐN. Cô có vóc người nhỏ nhắn, giọng Huế nhẹ nhàng nhưng tinh thần rất mạnh mẽ. Biết mình có căn bệnh nan y, cô cố gắng sống những ngày vui vẻ bên Thầy đến giây phút cuối cùng.
Ngày cô rời xa, Thầy nhờ học trò là các chị lớp lớn hơn chúng tôi trang điểm cho cô thật đẹp; mặc dầu lúc sinh thời cô Khuê luôn là cô giáo rất đơn giản, nhẹ nhàng từ giọng nói đến phong cách. Trang phục cô đi dạy luôn là áo dài màu nhạt hoặc hoa li ti giản dị.

Nhiều năm nhiều tháng qua, Thầy Nguyên ở lại căn nhà đó nhưng… Thầy không cô đơn vì ngay trong phòng khách nhà Thầy, học trò cũ lớn nhỏ ghé thăm đều cảm thấy có Cô Khuê hiện hữu - với tấm hình cười tươi được treo trên tường nhà.
Lớp chúng tôi là học trò xưa của cô Ngọc Khuê; tôi yêu môn học Sử Địa nên dĩ nhiên trong tất cả Thầy Cô giáo dạy các bộ môn, tôi vẫn ngưỡng mộ các Cô Thầy của môn học này một cách đặc biệt.
Riêng Thầy Nguyên, chúng tôi từng là học sinh của Thầy, môn Công Dân Giáo Dục năm học lớp 10A2 niên khóa 1974-1975, lớp do Thầy Thụy làm Giáo Sư Hướng Dẫn. Tuy nhiên đa số bạn cùng lứa chúng tôi đều biết Thầy qua chức vụ Quản Thủ Thư Viện Trường Nữ Trung Học Hồng Đức ĐN trước 1975.
Thuở đó Thầy Nguyên chừng chưa đến 40t . Cái tuổi đầy hăng say nhiệt huyết của người đàn ông trong sự nghiệp. Thầy là người có nhiều công sức, giúp cho Bà Hiệu Trưởng trường chúng tôi trong việc xây dựng và tổ chức những sinh hoạt nội bộ cho Thư Viện Nữ Trung Học Hồng Đức.
Ngày vui dưới mái Trường Nữ không dài, thời gian đùa vui nơi khoảng sân rợp bóng bạc hà có lát sỏi trắng, hàng cây sứ tỏa ngát hương trước Thư Viện… không bao lâu thì Trường bị giải thể vì vận mệnh đất nước. Lớp 10A2 của chúng tôi xem như chỉ học Thầy chưa tròn một năm học. Sau đó Thầy Cô, học trò tản mác khắp nơi, nỗi tuyệt vọng đến vô tận… tưởng chừng không bao giờ gặp lại nhau.

Thế nhưng… cuộc đời là một chuỗi dài chuyện hợp tan.
Sau khoảng thời gian dài biền biệt thì hầu như … học trò kẻ còn người mất; ngày gặp lại Thầy Cô thì đã quá già nua, yếu đuối.
Lớp chúng tôi tìm lại nhau nhờ một trang sinh hoạt trên Internet; cái thời Phây bút chưa thống trị. Từ đó chúng tôi có cơ hội tập trung thăm viếng Thầy Cô, nhất là các vị còn sống tại Đà Nẵng.
Thầy Nguyên trở thành chốn dựa tinh thần của chúng tôi. Mỗi năm chúng tôi đều chọn một ngày của tháng 12 để họp mặt. Thầy Nguyên và Thầy Thụy luôn là khách mời danh dự. Nhưng sau đại dịch Covid thì cơ hội gặp gỡ càng hiếm.
May mắn là qua bao đợt cách ly, xét nghiệm… Thầy Nguyên thì sau nhiều lần ra vào bệnh viện để chống chọi những căn bệnh khác. Hai Thầy vẫn còn dịp gặp nhau. Thăm viếng Thầy Nguyên vẫn là những cô học trò xưa.

Năm nay Thầy đã là U90. Tôi gọi điện thoại hỏi thăm và chúc thọ, Thầy vẫn giọng nói sang sảng của người đàn ông Quảng Nam: Tuổi tác chỉ là con số, Thầy cũng nhiều bệnh nhưng cố gắng sống vui vẻ, không hề muốn làm phiền ai, kể cả một chị học trò cũ ghé mỗi ngày giúp Thầy nấu bữa ăn trưa… cũng được Thầy tính chi phí đàng hoàng, đâu ra đó.
Ở tuổi gần chạm 90, Thầy Nguyên vẫn còn rất minh mẫn. Cũng như đa số người nam cao niên sống không có người bạn đời bên cạnh, Thầy rất hạn chế chụp hình … có thể nói là không ưa chụp hình. Thầy nói, không trẻ không đẹp thì chụp hình làm chi?

Mùa xuân năm nay Giáp Thìn 2024, trước Tết, bạn bè tôi thay vì mời Thầy đến một nhà hàng nào đó như mọi năm; các bạn chọn nhà Thầy làm nơi gặp gở, với lý do rất dễ thương là muốn đem chút không khí đầm ấm đến với Thầy.
Buổi tiệc đơn sơ nhưng rất ấm áp. Gần Tết Nguyên Đán nên ai cũng bận rộn. Ngoài vài bạn 9/4 có thêm một số bạn lớp khác; có đôi vợ chồng bạn Lệ Thuý từ Huế vào khiến Thầy rất cảm động.
Cũng từ bữa tiệc này, các bạn 9/4 mới có dịp để mắt tới bếp núc nhà Thầy. Đúng là chim sáo mồ côi! Thế là mấy ngày sau đó, Ba Phạm, Dương Điệp, Lân và Quang Ấn rủ nhau đến giúp Thầy dọn dẹp. Ban đầu Thầy phản đối lắm nhưng với tấm lòng và tình cảm chân thành của học trò, Thầy Nguyên đành ngồi yên… chấp nhận. Không những thế, các bạn còn mua sắm cho Thầy những vật dụng cần thiết cho nhà bếp… những thứ mà từ ngày Cô Khuê không còn, Thầy cũng buông xuôi không để ý đến. Rất thương cho bạn Điệp và Ba; dọn dẹp lau chùi mọi thứ. Hình như càng làm, các bạn càng cảm thấy thương cho cảnh neo đơn của Thầy nhiều hơn.
Tử trong ra ngoài, nơi nào các bạn để mắt đến là nơi đó được sửa soạn hoàn mỹ hơn.
Hãy nhìn cảnh Thầy Nguyên trưa nắng, không chịu đi nghỉ mà đội mũ bắt ghế ngồi, chăm chú nhìn hai nữ sinh chân yếu tay mềm, đem sơn đến cạo sạch bức tường ngoài sân; rồi sơn lại cho sạch đẹp để Thầy đón xuân. Hàng xóm đi qua tấm tắc khen; Thầy cười hãnh diện… còn các trò thì tự nhận là: con gái của Thầy! Có hạnh phúc nào hơn?

Mùa Xuân năm nay Thầy đón Tết tươm tất; cứ mỗi tuần một lần, các bạn rủ nhau đến ăn cơm chung cho Thầy vui. Bạn Điệp có khi cùng đưa ông xã đến. Thầy Nguyên vui lắm. Không chống đối việc chụp hình nữa… mới lạ chứ! Có khi các bạn nấu ăn hay cúng ở nhà xong thì đem thức ăn đến cho Thầy. Tủ lạnh nhà Thầy ngày Tết cũng rất phong phú, là quà cáp của học trò xưa đem biếu.
Mỗi khi có dịp gặp Thầy, các bạn đều gọi FaceTime để Thầy gặp tôi; đứa con gái ở xa của Thầy. Tôi tuy chưa bao giờ gặp Thầy kể từ sau 1975 nhưng tôi rất siêng năng liên lạc với Thầy qua thư từ. Nhìn Thầy tươi tắn và minh mẫn tôi thật mừng quá.
Tình cảm chân thành của mấy đứa học trò xưa; tự xem Thầy như một vị cha già đã khiến Thầy Nguyên thay đổi nhiều lắm. Điều này chúng ta có thể hiểu dễ dàng… là sự chăm sóc của học trò xưa khiến Thầy ấm lòng, yêu đời và hạnh phúc. Những cảm xúc mà Thầy tưởng như không còn kể từ ngày Cô ra đi. Cây cối còn cần được chăm nom huống gì con người.

Vài tuần là Thầy tự ý gọi mời học trò đi ăn… lý do này, lý do kia… Thầy luôn chọn nhà hàng cao cấp, món ăn ngon… giá cả là chuyện nhỏ. Thầy bảo: Vô tiệm là phải ăn cho ngon. Không được cãi lời nghe!
Hết ăn tối thì đi điểm tâm và cà phê sáng. Lần nào cũng vui vẻ chụp hình chung. Thầy đi đứng vững vàng, da dẽ hồng hào. Một người đàn ông cô quạnh ở lứa tuổi sắp 90 sống ở Việt Nam mà được như Thầy thật hiếm hoi.

Cám ơn các bạn mình đã hết lòng với Thầy, cám ơn các bạn đã đem lại cho người Thầy già nua những niềm vui, khiến Thầy như không còn đau ốm bệnh hoạn gì. Những việc nhỏ mà các bạn quan tâm, lo lắng đến Thầy có thể nói hơn là người ta “xây chín bậc phù đồ”

Từ phương xa, mình luôn cầu mong cho hoàng hôn của Thầy Nguyên sẽ mãi mãi là những ngày sống trong mùa Xuân, tươi vui và an lạc.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Xuân Giáp Thìn 2024