Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Mùa Đông và Giáng Sinh      Nguyễn Diệu Anh Trinh
Chin Bon
Chin Bon
“Đất Hứa không bao giờ em đến, dù đã hơn một lần em để tay mình trong tay người. Với em, đó là một lỗi lầm lớn lao vì mình đã nắm tay nhau mà chẳng giữ được đời nhau!”

Lần nào đọc lại những giòng chữ nhỏ của cô bé anh cũng cảm thấy đau buốt từ đầu đến chân. Nỗi đau như đọng lại trong tim, thấm vào trong máu. Anh không dễ dàng khóc được như cô bé nhưng anh đau, đau lắm ...

Không biết có phải là định mệnh hay ngẫu nhiên khiến lá thư của anh từ Đà Lạt gởi về thăm người dì ở Đà Nẵng lại rơi vào nhà cô bé. Vừa lẩm bẩm trách bác phát thư già sơ ý, cô bé đạp xe đạp mang lá thư đến tận tay bà dì, ''Cháu cứ sợ trong thư có gì quan trọng, gấp gáp nên hổng dám trả về cho Bưu điện''. Bà dì anh cám ơn cô bé riú rít. Một giòng chữ rất hờ hững ở cuối bức thư cho anh, dì viết, ''Con bé mang lá thư đến cho dì có đôi mắt nâu ơi là nâu, xinh lắm. Cháu cần phải cám ơn người ta nhé!''.

Mùa đông năm đó, anh về Đà Nẵng thăm dì trong dịp Giáng Sinh. Anh biết chắc không phải vì nhớ bà dì mà có lẽ vì cái đôi mắt “nâu ơi là nâu” mà anh chưa từng gặp.
Cô bé nhỏ nhắn hơn trong tưởng tượng của anh, vậy mà đằng sau ánh mắt nâu trong sáng, sau nụ cười kín đáo lại là một hình bóng đã làm anh lao đao một đời.

- Anh gọi em là bé con nhé, anh tên Thiên.

Cô bé lắc đầu:
- Không được đâu, anh cũng phải gọi em bằng anh chứ!

Rồi cô bé cười cười tự khai:
- Em là Anh T, tên trong giấy tờ đàng hoàng đó nghe. Anh bỏ mất chữ Anh trong tên em là hổng được đâu.

Anh cũng đùa laị:
- Vậy thì anh sẽ gọi bé là ''Anh T yêu dấu'' giống như trong truyện của Đinh tiến Luyện vậy nha.

Cô bé la lên:
- Í cha, anh già rồi mà cũng đọc truyện của con nít sao?

Anh ngớ người trước câu nói hồn nhiên của cô bé. Phải, anh già rồi. Năm đó anh vừa bước chân vào năm thứ 2 đại học, còn cô bé chỉ mới mười lăm.

Mùa đông ở Đà Nẵng không lạnh se thắt như Đà Lạt nhưng đêm Noel cũng có những hạt mưa nhỏ lây lất, đủ làm cho người ta thèm một bàn tay, một hơi ấm. Đêm 24 tháng 12 năm đó, có cô bé con hồn nhiên đi bên cạnh anh vào nhà thờ Chánh Tòa Đà Nẵng. Ngôi giáo đường lớn nhất thành phố. Khi hồi chuông Thánh lễ vang lên, cô bé cũng chắp tay, mắt hướng về Chúa, trang nghiêm, thành khẩn. Tình yêu của anh với một cô nhỏ ngoại đạo bắt đầu từ cái đêm Thánh lễ êm đềm như thế.

Có đìều gì đó rất thánh thiện trong tia nhìn, trong tâm hồn cô bé. Anh như chới với, nửa muốn nâng niu chìu chuộng, nửa lo sợ sẽ làm cho hạt sương trong mắt cô bé rụng xuống, tan đi. Cô bé vẫn thường nghịch ngợm kể cho anh nghe về đám bạn học của mình, đưa anh đọc những bài thơ trong báo Tuổi Ngọc mà cô đã chép vào cuốn sổ nhỏ. Mái tóc ngắn cứ lắc lắc, đôi mắt tròn xoe, nụ cười hồn nhiên, anh mơ hồ thấy mình như đi lạc vào vườn yêu thương đầy hoa thơm cỏ lạ. Lần đầu tiên, khi anh xòe bàn tay để bàn tay cô bé vào ấp ủ, đôi mắt nâu tròn nhìn anh ngập ngừng ''Anh nắm tay em thì anh phải giữ được đời em nha anh!'' Anh cảm thấy trái tim mình xôn xao, gợn sóng. Thằng bạn thân khi nghe anh tỉ tê đã bật cười to và phán một câu, ''Chết rồi, mày lo tập hát bản nhạc ... hồn lỡ ... sa vào đôi mắt em ... đi là vừa. Mày nắm tay con bé nhưng nó đã nắm lấy trái tim mày rồi đó, ''ông trời con'' ạ!''.

Thằng bạn thường gọi anh là ''ông trời con'' vì cái tên Hoàng-Ngọc-Thiên mà mẹ anh đã đặt. Anh chào đời tại một khu phố nhỏ vùng cao nguyên Đà Lạt. Thừa hưởng của mẹ nét đẹp nửa Á Châu, nửa Tây phương. Anh là niềm tự hào của người phụ nữ vốn là hoa khôi trường Tây ngày xưa. Dù bố anh qua đời đã lâu nhưng nét kiêu sa, qúy phái của mẹ đã khiến bao ''anh hùng hào kiệt'' thời bấy giờ chỉ biết chiêm ngưỡng, yêu thầm. Không biết có điều gí bí ẩn mà mẹ anh không bao giờ trở về Đà Nẵng, nơi anh còn có bà dì già cô độc, người thân duy nhất còn lại của mẹ. Cứ mỗi năm một lần mẹ cho phép anh về thăm dì. Anh cứ đi đi về về như làm tròn bổn phận với mẹ, với dì, Đà Nẵng không có gì níu chân anh ... cho đến ngày anh gặp cô bé. Cái hạt tiêu nhỏ xíu đã khiến anh thấy một tuần lễ ở Đà Nẵng sao qua đi quá nhanh.

Ngày anh rời thị xã, cô bé buồn hiu đưa anh ra trạm hàng không Air Việt Nam, thuở đó chiến tranh liên miên, người nhà không được phép tiễn người thân vào tận phi trường. Anh cố gắng cười khi nghe cô bé dặn anh, “Anh nhớ tập thói quen, khi buồn thì lấy giấy bút ra ... Đà Lạt ngày tháng ... năm ..., thư cho em anh phải viết dài, ít ra cũng phải bằng đoạn đường từ Đà Lạt về Đà Nẵng nghe hông!''. Xe vừa lăn bánh, anh quay nhìn cái dáng nhỏ xiú của cô bé, mái tóc ngắn, đôi mắt tròn, tà áo dài của cô bé nhè nhẹ bay trong gió, chơi vơi như nỗi nhớ trong lòng anh.

Kể từ dạo đó cứ mỗi thứ năm là cô bé nhận được thư anh. Bác phát thư già lẩm cẩm lúc trước dần dần trở nên thân thiết với cô bé. Bắt chước cô bé, anh hòa mực tím viết thư tình. Anh đong nhớ thương qua những dòng thư, anh ướp mật ngọt trong từng bài thơ nhỏ gởi về cô bé. Anh nâng niu tất cả những gì thuộc về cô bé, con chim sâu bé bỏng của anh. Nhớ giọng nói phụng phịu của cô bé, “Mỗi chúa nhật anh nhớ cầu nguyện cho em nha, Noel nào anh cũng phải đưa em đi lễ nha, nếu không, anh xưng tội cả đời Chúa cũng không tha cho anh đâu”.

Khi muà Giáng Sinh đến, không cần cô bé hăm doạ anh cũng bay từ Đà Lạt về Đà Nẵng chăm chỉ “thăm bà dì” trong sự ngạc nhiên của mẹ và bạn bè. Anh mang cái lạnh dịu dàng của Đà Lạt về Đà Nẵng. Gói bàn tay nhỏ của cô bé trong bàn tay mình lạnh buốt anh muốn nói với cô bé cả ngàn lời nhớ thương. Không gian, thời gian như ngừng lại chỉ có anh và cô bé là hiện hữu trong cái tĩnh lặng của một đêm thánh vô cùng.

Đã bao nhiêu lần những hàng cây, những ngọn đèn vàng ở Đà Nẵng làm nhân chứng cho hai cái bóng đi song song trên đường phố. Cô bé cứ vô tư kể cho anh nghe bao nhiêu là chuyện, kể cả chuyện nhớ thương cô bé cũng thật thà, “Trời bắt đầu lạnh, Noel sắp về là em nhớ anh khủng khiếp, em nhớ lần đầu tiên anh gặp em, tức cười, hai người mình giống như quen biết lâu lắm rồi phải không anh. Cũng may là mùa Giáng Sinh là tụi em thi học kỳ xong rồi, nếu không chắc em học bài không dzô đâu, mắc công anh mang tội với Chuá!”. Cô bé con ngoại đạo của anh lúc nào có dịp là đem Chúa ra hăm doạ anh. Về Đà Nẵng, anh chỉ thích dắt cô bé đi bộ, lang thang qua nhiều con đường đẹp và nên thơ của phố thị. Đường phố Đà Nẵng không có nhiều đồi dốc như Đà Lạt, anh thích những nhánh hoa cườm thảo trước sân ngôi biệt thự ở đường Quang Trung. Đêm về, mùi hương toả ra thơm dịu dàng. Cô bé thì thích hoa cúc vàng. Anh cười và chọc quê cô bé, “Bé con không thích hoa hồng nhỡ có ai mang hoa hồng đến cầu hôn thì bé có nhận không?”. Anh T yêu dấu của anh làm bộ suy nghĩ rồi trả lời, “hay đó nha, nếu vậy thì em sẽ nói hắn mang hoa hồng về, em chỉ nhận những hạt sương trên đó thôi!”. Ôi bé con của anh thật lãng mạn và đáng yêu vô cùng, anh ước gì có thể gom hết hàng ngàn hàng vạn hạt sương mai trên thế gian này âu yếm riêng tặng cô bé. Cả anh và cô bé đều quên rằng những hạt sương lóng lánh kia “nhìn xa ai cũng ngỡ là những hạt kim cương óng ánh, mà lại gần có thể là những giọt nước mắt!”.

Tình yêu cô bé dành cho anh thật đằm thắm, dịu dàng, anh thương cái nét buồn buồn mỗi khi cô bé nói, “Không có anh ở đây, em đi đâu thấy cũng buồn. Em không có đạo nhưng Giáng sinh mà không có anh chắc em trùm mền nằm khóc quá!”.

Những lá thư vẫn đều đặn theo năm tháng, nhưng lời yêu thưong nào cũng không đủ chuyên chở hết những gì anh muốn nói. Người ta khi yêu nhau thường chờ mong những lần hẹn hò, sớm đón chiều đưa, bé con của anh chỉ mong có những đêm Giáng sinh đi bên anh đầm ầm. Giá như có được một điều ước, anh cầu mong cho tất cả những cặp tình nhân trên thế gian này mãi mãi không chia xa.

Thế nhưng cuộc sống là một chuỗi dài đầy biến động, tình yêu của anh và cô bé dù êm đềm như một đêm lễ thánh thì vẫn không thoát ra được những biến động của thời cuộc đất nước. Anh và cô bé tưởng như lạc mất nhau vào những ngày sau tháng tư năm đó. Mùa đông Đà lạt kéo dài lê thê, anh nóng lòng bay về Đà Nẵng chỉ mong được tin cô bé bình yên. Đà Nẵng thay đổi nhiều chỉ sau vài tháng, ngôi trường con gái đầy tự hào của cô bé cũng xác xơ. Lòng anh rối bời. Căn nhà với điạ chỉ quen thuộc anh thường nắn nót viết vào bì thư trước kia giờ đây là một cơ quan của chính quyền mới. Anh hỏi thăm mới biết gia đình cô bé sau chuyến di tản thất bại trở về thì nhà đã bị niêm, hiện được chỉ định cho sống tạm trong một căn phòng nhỏ trước kia là kho chứa hàng. Gia đình tan tác khi chỗ dựa vững chắc, trụ cột của gia đình bị vào vòng lao lý. Cô bé vừa khóc vừa kể cho anh nghe mọi chuyện. Anh đưa cô bé đến nhà thờ, lễ đêm được tổ chức sớm hơn để “bảo đảm an ninh”. Vẫn tay trong tay như chưa từng chia cách, cô bé thì thầm, “Em mong anh về biết bao nhiêu, em hỏi Phật, em hỏi Chúa nhưng không có ai trả lời. Anh về bên em đêm Giáng Sinh năm nay, em nghĩ ... Chúa Phật chắc đã nghe lời em cầu xin, phải không anh?”.

Khi tiếng chuông giáo đường vang lên, lòng anh rộn ràng, thông điệp yêu thương Chúa ban đến cho người người trong đó có anh, có cô bé không biết một câu kinh nào nhưng lòng vẫn thiết tha hướng về Chúa.

Chia tay cô bé, anh trở về với vùng cao nguyên gió lạnh. Anh vẫn thư cho cô bé nhưng ít nhận được hồi âm, có điều gì đó trăn trở trong từng giòng thư của cô bé. Yêu nhau ba, bốn năm. Gặp nhau cũng chỉ ba bốn lần. Sóng gió bên ngoài đời sống đã làm cho cô bé trưởng thành hơn. Khi mẹ anh quyết định làm hồ sơ đi xuất cảnh sang trời Tây, anh mơ hồ thấy như đất trời sụp ngay dưới chân mình. Anh nói với mẹ về mối quan hệ với cô bé. Người đàn bà đẹp và lạnh lùng có tiếng, người mẹ thân yêu của anh đã buông một câu khiến anh sửng sốt, “Mẹ không muốn con dẫm lên những dấu chân mẹ đã đi qua, bố con ngày xưa cũng là một người ngoại đạo. Mẹ biết, yêu một kẻ ngoại đạo là kể như mất tất cả, con đừng mong thay đổi đựơc mẹ”. Anh cảm thấy mình bất lực giữa hai con đường. Cô bé con của anh yêu Chúa hồn nhiên làm sao có thể chịu được nỗi đau này.

Khó khăn lắm anh mới thuyết phục đựơc mẹ, anh về Đà Nẵng trước ngày cô bé thi tốt nghiệp một tháng. Lần đầu tiên bất ngờ anh xuất hiện không phải là mùa Giáng Sinh, cô bé ngỡ ngàng vài giây, vẫn đôi mắt mở to như một dấu hỏi:
- Có chuyện gì phải không anh, đừng làm em sợ nghen!

Anh khó mà che được nét bối rối:
- Anh ... có chuyện không muốn giấu bé.

Bỗng nhiên cô bé nói thẳng:
- Anh sắp bỏ em đi xa phải không?

Anh nhìn cô bé không trả lời.

Cô bé lắc lắc bàn tay anh:
- Nói em nghe đi, anh sắp vựơt biên hả?

Anh vẫn lặng im như một tượng đá, phải chi anh khóc được một tiếng, than được một câu. Cổ họng anh như nghẹn cứng, nỗi nghẹn ngào không thể thốt nên lời. Cuối cùng anh nhìn cô bé, lòng tái tê:

- Phải, anh sắp đi xa.

Ngoài sự tưởng tượng của anh, cô bé không khóc, không hờn trách, chỉ lặng im. Gió từ bờ sông Hàn thồi mơn man trên tóc cô bé, hai bàn tay đan vào nhau cô bé nhìn thẳng ra hướng sông, vài chiếc thuyền xuôi ngược, nắng buổi chiều thấp thoáng trên mặt nước như lòng anh đang chao đảo. Anh xoay cô bé lại, nhìn vào nét chịu đựng thay vì sự hồn nhiên trước kia, anh khẽ khàng:

- Nói gì với anh đi bé, đừng phạt anh bằng cách im lặng.

Cô bé lắc đầu:
- Anh không có lỗi, em biết điều này không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra. Đất Hứa xa lắm, em biết mình khó mà đến được.

Anh khó khăn lái câu chuyện để che đi nỗi ân hận trong lòng:
- Bé hứa với anh học hành đàng hoàng nghen.

- Em hứa mà. Thôi mình về đi anh, em với anh đi hoài cũng chẳng gặp nhau đâu.

Tự bao giờ, cô bé của anh đã biết nói những lời nghe đắng lòng như muối xát, như hàng ngàn mũi kim châm vào trái tim anh?

Cô bé đã giữ đúng lời hứa, nghe đâu năm đó cô tốt nghiệp với số điểm khá cao. Còn anh, nhiều năm trôi qua, lý do anh buộc phải rời xa cô bé vẫn mãi mãi là một ẩn số, anh không đủ can đảm nói ra ngày ấy thì ngàn đời anh vẫn còn mang nặng trong lòng. Đường đời trăm vạn nẻo, sao anh và cô bé lại không có được một lối đi chung? Mảnh giấy nhỏ cô bé viết cho anh vẫn còn giữ, ép giữa những master card, visa …

Ngày xưa, cô bé trong bài thơ Chùa Hương của Nguyễn-nhược-Pháp đã không viết tiếp những dòng nhật ký vì ... “cuối cùng hai người lấy nhau, lấy nhau là hết chuyện!”. Anh và cô bé mắt nâu có lẽ vì “lấy nhau chẳng đặng ... thương hoài ngàn năm” nên cứ mỗi mùa đông về, anh lang thang qua nhiều con phố, đất trời mênh mông, xứ người tuyết rơi lạnh buốt. Bao nhiêu mùa Giáng Sinh đi qua trong đời, anh đi hoài không tìm ra được vùng đất hứa, nơi có cô bé con mắt nâu ngoại đạo đã cùng anh hát câu, ”Đêm thánh vô cùng ... giây phút tưng bừng ...”