Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
                  MÙI HƯƠNG LẠ
                                                                  Trần Đức Thái


        Tôi đang xem lại những tấm hình và mấy đoạn video-clip vừa tác nghiệp tối nay (16/9/2014) tại nhà họa sỹ Bích Thúy trong đêm nhạc Thu Ca của hai nhóm “Hoàn Gia”-“Giả Quỳ”để tiễn Bích Thúy đi New Zealand, thì chuông điện thoại reo, phá tan không gian yên tĩnh, như báo hiệu một điều gì lạ lẫm. Vẫn giọng nói thân quen, gãy gọn ấy: “Ôn Thái ơi, sáng mai 6 giờ tập trung tại Liễu Quán đi A Lưới cả nhóm Canon tay trái, chỉ đi một buổi sáng thôi, nhưng đặc biệt có người ấy đi nữa vì buổi chiều người đẹp bận hội thảo và sau đó từ giã Huế đi Sài Gòn luôn. Tay lái lụa vui lòng chuẩn bị xe cộ, xăng nhớt đầy bình, máy ảnh đầy pin nhé”.

        Tôi vừa dứt hai tiếng OK, đầu dây bên kia, tiếng ngắt điện thoại nghe một cái rụp, tôi chưa kịp hỏi người ấy là ai? nhìn đồng hồ, kim dài kim ngắn điểm sắp qua nửa đêm.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi vẫn thức dậy sớm, nhưng thay vì như thường lệ đạp xe thể dục buổi sáng, tôi lại dành thời gian chuẩn bị đầy đủ tư trang hành lý để ngược lên vùng cao.

         Chuyến đi này có năm thành viên, gồm bốn canon phái mạnh tay trái, và...đặc biệt vô cùng...thêm một giai nhân, cũng canon luôn. Ôi chao, bóng hồng vừa vào trong xe, tôi cảm nhận thoang thoảng một hương thơm lạ, đặc biệt, khác với mùi hương hằng ngày bên cạnh tôi. Mùi hương ấy cứ như phảng phất, cứ như quyến rũ mấy tay phó nhòm già nua này.

         Vẫn lộ trình thường lệ Nam Giao, cầu Tuần, lăng Minh Mạng, Bình Điền, tiếp đến là vượt qua mấy đèo để đến A Lưới. Dọc đường đến vùng nào cảnh đẹp, chúng tôi lại dừng chân tác nghiệp, nhất là khi thấy có bóng người dân vùng cao xuất hiện.

         Khoảng 8g00, chúng tôi đến chân đèo A Co, đây là đèo dài nhất, cao nhất và cũng nguy hiểm nhất nằm trên quốc lộ 49 nối Huế-A Lưới, mà ba năm trước (2011), trong chuyến đi lãng tử Khe Sanh-A Lưới-Huế, tôi đã bị kẹt xe mấy giờ ở đây do khi đó con đường đang tái xây dựng toàn bộ, đất đá ngổn ngang, nhưng bây giờ khác hẳn, con đường trải thảm rộng thênh thang, độ dốc vừa phải, xe lăn bon bon, quanh co uốn lượn theo triền núi, một bên vách núi, bên kia là vực thẳm, rừng cây, có con suối chạy dọc theo chân núi. Mặc dầu là đèo, nhưng tôi cảm giác rất an toàn, không chút mảy may lo lắng, vừa lái xe vừa mừng thầm cho giao thông miền ngược đã có được con đường như thế, nối với miền xuôi, tạo nhiều thuận lợi cho việc giao lưu, hội nhập giữa hai miền. Đang miên man suy nghĩ, thì xe đã mang chúng tôi lên đỉnh đèo tự lúc nào.
Chin Bon
Chin Bon
        Vẫn tiếng nói quen thuộc ấy, ôn tài ơi, cảnh núi rừng mây nước đẹp quá ôn ơi. Dừng xe cho
với. Dừng xe cho với. Tôi từ từ ép xe bên đường, dừng lại cho mọi người tác nghiệp.

        Mặt trời đã lên lưng chừng, những hạt sương mai vẫn đang óng ánh, đọng hững hờ trên cành
cây ngọn cỏ, giữa không gian quang đãng, không khí trong lành của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ,
những cơn gió mát mang hương rừng dồn dập thổi.

        Mỗi phó nhòm tìm cho mình một chân trời riêng, tả xung hữu đột, người nhìn xuống suối, kẻ
hướng về rừng cây, người theo những đám mây lơ lững trôi… Nàng, phận nữ nhi, nhưng không thua
kém gì chúng tôi đâu. Sau một hồi tìm những khoảnh khắc cho riêng mình, cô ấy tựa trên xe tôi để
thưởng thức những tác phẩm vừa kiếm được, thì... đột nhiên chàng Bô-lê-rô Chợ Nọ gọi tôi ơi ới:
Anh Thái mở cửa xe gấp, nhanh nhanh cho với. Tôi như phản xạ tự nhiên, bấm nút mở xe (điều
khiển từ xa), chàng Bô-lê-rô một tay mở cửa cho người ấy vào trong xe, tay kia quay cuồng loạn
xạ. Chúng tôi chạy đến thì thấy đàn ong bay vù vù quanh cô ấy. Khi nàng vào trong xe, lũ ong bám
sát người, bay thẳng vào trong xe như tấn công người ấy. Vất vả lắm, chúng tôi mới đuổi được
những con ong cuối cùng ra khỏi xe để cứu thoát nàng. Chàng Bô-lê-rô, mặc dầu bận đuổi ong, thế
mà máu nghề nghiệp cũng ghi được vài tấm hình người ấy&ong. Mọi người lên xe, nhưng lũ ong
vẫn còn luẩn quẩn như luyến tiếc một điều gì.
        Ong ơi chào mi! Tôi lái xe về hướng Bốt Đỏ, A Lưới. Chúng tôi có một trận cười khoái chí,
người ấy đôi má ửng hồng, thẹn thùng không nói. Tôi mới ngộ ra một điều: Chính nó, mùi hương
đặc biệt đó đã quyến rũ cả đàn ong. Khứu giác của loài ong hơn hẳn con người, ong đâu mà nhanh
thế gữa chốn rừng núi bao la này. Các phó nhòm bây giờ mới thú nhận mùi hương đó cũng đã
quyến rũ mình.

        Chúng tôi đến A Lưới, nhưng không dừng chân ở đây mà muốn đi tìm một buôn làng của
người dân tộc để ghi những hình ảnh về những căn nhà GƯƠI cũng như sinh hoạt của người vùng
cao nơi đây. Bây giờ nhà cửa miền núi cũng đổi khác nhiều gần giống ở miền xuôi, muốn tìm những
căn nhà sàn chắc phải đi sâu vào rừng mà chúng tôi không có thời gian nhiều.
Đèo A Co (quốc lộ 49-Huế-A Lưới)
Con suối quanh đèo A Co
Săn ảnh
Nhắm khoảnh khắc
Tìm đối tượng
Người ấy & ong
Nhà Gươi của dân tộc Cơ Tu ở Nam Đông, TT-Huế
        Vẫn tiếp tục theo hướng cầu Dakrong, con đường này rất tốt và đẹp, phong cảnh núi rừng thật hiên ngang, lau lách mọc nhiều hai bên đường, nghiêng ngã miên man trước gió. Chúng tôi dừng chân để anh em tác nghiệp cảnh núi rừng của A Lưới ngày nay mà quên đi xưa kia là chiến trường ác liệt, bao nhiêu thanh niên trai trẻ đầy sức sống đã phải vĩnh viễn nằm xuống nơi đây.

        Vùng đất nầy lau lách và cây rừng um tùm quá, chắc chắn cũng là nơi lý tưởng cho bầy ong làm tổ, và cũng vì mùi hương lạ vẫn còn phảng phất quanh chúng tôi. Rút kinh nghiệm, và để chắc ăn, tôi bẻ mấy cây lau cầm sẵn, đi theo hộ tống người đẹp, để cho cô ấy được yên tâm và tự do săn ảnh. Thỉnh thoảng, vài ba con ong lảng vảng vu vơ, nhưng hình như chúng nó sợ tôi nên không dám đến gần người đẹp. Người ấy bảo tôi đi tác nghiệp đi, nhưng qua ánh mắt và nụ cười của nàng mà tôi đọc được là nàng thích tôi đi canh chừng ong. Tôi bảo với nàng là hôm nay anh thích làm tài xế và cận vệ cho một giai nhân, mặc cho mấy chàng kia ham nghệ thuật mà quên đi cơ hội này. Nàng cười hớn hở, trên khuôn mặt biểu cảm một tài-sắc vẹn toàn. Đúng vậy, người ấy không chỉ học giỏi mà còn đam mê nhiếp ảnh, âm nhạc và thể thao. Người ấy du học ở Úc, sau khi ra trường, nàng tiếp tục làm việc cho một Đại Học bên Úc, nhiệm vụ về Huế lần này là tuyển NCS du học tại ĐH bên đó.
Đèo trên đoạn đường A Lưới-Dakrong
Bông lau ở A Lưới
Xe tiếp tục chạy đã cách xa thị trấn A Lưới mấy chục cây số mà chưa tìm thấy một buôn
làng. Đã 11 giờ trưa rồi, về đi thôi, không còn thời gian nên tôi quay lại theo lộ trình cũ để về Huế
kịp giờ cho người ấy đi hội nghị. Dọc đường thấy học sinh miền núi tan học, các em bây giờ đi học
bằng xe đạp, cười nói vui vẻ nên chúng tôi cũng dừng lại ghi hình và xem như đã tậu được những
sinh hoạt của người vùng cao.
Học sinh miền cao tan trường
        Tạm biệt A Lưới, trực chỉ hướng Huế, khi đến đèo A Co chúng tôi không quên nhắc lại câu chuyện người ấy&ong và cùng nhau cười thú vị, mặc cho người ấy xấu hổ, ngượng ngùng. Còn hơn một giờ lái xe mới đến Huế, tay lái lụa vẫn nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, phải nhìn đường mà lái, chỉ được nghe mà không được nói. Nhóm Canon tha hồ tán chuyện từ nhiếp ảnh đến các loại hình nghệ thuật, chuyện quê hương đất nước và không quên bàn đến mùi hương của phái yếu. Nhờ vậy chúng tôi càng hiểu nhau, đồng cảm với nhau hơn trong chuyến photo-trip này. Rất tiếc chiều đó người ấy tạm biệt rồi, một thoáng “chiều buồn len lén tâm tư” âm thầm đến với chúng tôi.

        Về đến Huế, chúng tôi cùng nhau đi ăn trưa tại quán cơm bình dân quen thuộc ở Nam Giao và sau đó đưa người ấy về khách sạn để kịp giờ hội nghị.

        Câu chuyện mùi hương lạ trong chuyến photo-trip này đã ghi lại một kỷ niệm vui, dễ thương trong những hành trình khám phá của chúng tôi.


Kỷ niệm chuyến đi A Lưới 17/9/2014
Mùa Thu năm Giáp Ngọ (2014)