Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Mùi Tết
Chin Bon
Chin Bon
Ba tôi là người rất thành kính, tỉ mỉ trong việc cúng kiến. Càng lớn tuổi Ba càng thành tâm, lúc nào cũng trọng vọng việc thờ cúng ông bà, tổ tiên ... nói chung là các vị khuất mặt khuất mày.

Mỗi tháng hai lần, Ba gọi điện thoại nhắc nhở tôi mua hoa quả để Ba cúng rằm và mồng một. Những dịp đám giỗ thì Ba luôn phụ với Má tôi để làm các loại bánh; luôn miệng nhắc nhở về kỷ niệm đối với vị này vị kia thuở sinh thời. Nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà tôi luôn rộn ràng.

Đầu tiên là đi chợ Tết. Gần cuối năm, những chợ Việt Nam khu vực nhà tôi ở tưng bừng chưng bày các món hàng phục vụ cho bà con đồng hương. Từ những hộp mứt bánh đến trà rượu, hoa tươi nhiều loại, hoa nylon, hoa vải, rau củ quả, hương đèn, bao lì xì, lịch năm mới… nghĩa là thượng vàng hạ cám đều có, đáng kể là gian hàng gạo nếp, lá chuối gói bánh …
Nếu Má tôi yêu thích làm các loại bánh đặc sản Quảng Nam để trước cúng sau biếu... thì Ba tôi thích chăm chút sửa soạn bàn thờ, hoa quả tốt tươi, hương trầm đầy đủ. Gần Tết, bàn thờ được lau dọn sạch đẹp. Thay khăn trải, nếu mua được bộ ấm trà mới thì cũng chưng lên bàn thờ ông bà trước.

Cuối năm, 23 tháng chạp tục lệ đưa Ông Táo về trời; ba tôi lau dọn bếp sạch sẽ. Mâm cúng đúng bài bản: 3 chén chè, cái bánh tráng nướng bẻ làm 3; hoa quả, bộ áo cho Ông Táo…Ba tôi nói đùa là… hối lộ để ông về trời khai báo tốt.
Đến cúng Tất Niên thì có mâm cơm kính cáo ông bà, đầy đủ thịt cá, tôm cua, trứng… rau quả.

Chiều cuối năm, hay còn gọi là 30 Tết lại có mâm cơm rất đàng hoàng để rước ông bà. Ngoài các món ăn ngon còn phải đầy đủ các loại bánh trái, mứt...sắm sửa ăn Tết món gì đều phải cúng món đó… cho xôm tụ. Ngoài vườn dù mùa đông băng giá, ba tôi cũng luôn nhớ trồng mấy chậu cúc vàng, thược dược… những loại hoa cho ngày Tết.

Đêm giao thừa Ba tôi thường bày bàn ra trước cửa nhà, trời lạnh cách mấy cũng  không ngại. Cúng lễ Thành khiến thường là 3 mâm chung một bàn và chỉ cúng hoa quả bánh trái. Tất cả các loại bánh đặc sản Quảng Nam: bánh tét, bánh tổ, bánh in cùng với những thứ mứt. Mỗi mâm đều có đôi đèn, bát hương và một đĩa giấy vàng bạc ...mấy ly nước trà...Đã nhiều năm tôi sửa soạn mâm cho Ba cúng nên tôi cũng thuộc nằm lòng.
Cúng xong là đã quá nửa đêm, giao thừa trong nhà ấm áp mùi hương trầm. Cái không khí trầm mặc, tĩnh lặng của thời khắc đất trời chuyển từ năm cũ qua năm mới có lẽ vì vậy mà khiến lòng người cảm thấy nó thiêng liêng và trang trọng vô cùng.

Tha hương đã 30 năm, Ba tôi luôn luôn gìn giữ phong tục tập quán của quê nhà; không những thế, ông còn giải thích cặn kẽ từng ý nghĩa tốt đẹp của những việc ông làm cho thế hệ con cháu hiểu.
Năm tháng qua đi, trí nhớ mỗi ngày một bào mòn. Vài năm gần đây, Ba tôi không còn nhớ nhiều nữa, nhất là ngày tháng…
Lâu rồi, tôi không còn nghe điện thoại của Ba nhắc nhở mua hoa quả mỗi tháng hai lần. Không còn dịp chở Ba má đi chợ Tết, chợ hoa mỗi dịp cuối năm. Không còn hình ảnh ba tôi ngồi lau lá chuối hay giúp má tôi những việc lặt vặt, xếp giấy cúng, lau chùi bộ lư đồng … với tâm thái rất thành kính.

Ba nay đã dần dà đi vào quên lãng. Ngày cuối năm, chúng tôi giúp ba trang hoàng, dọn mâm cúng với các món do chị em tôi học được từ má và một số mua từ chợ Việt Nam. Cứ chắp tay vái lạy là ba quay lại hỏi: “Năm ni năm chi?” Em trai tôi phải viết tờ giấy để ngay bàn thờ cho ba đọc.

Tôi nhìn hình ảnh này mà ngậm ngùi. Vô thường là đây, từ một người rất thông thái, chuyện lớn chuyện nhỏ… thiên kinh địa nghĩa gì cũng thông thạo. Bây giờ ngơ ngác như trẻ thơ. Dường như tâm trí ba đã bị lớp sương mờ bao phủ. Chuyện cúng kiến, giỗ kỵ, cúng rằm mồng một … chúng tôi luôn khuyến khích ba làm để gợi nhớ những thói quen trong tiềm thức của ba… vậy chứ đôi khi ba cũng làm theo một cách uể oải, vô hồn.

Những ngày vào đông, tiết trời Atlanta thật lạnh, sức khỏe của Ba tôi cũng giảm dần. Ba tôi không còn biết ngày đêm, sáng tối. Ba nằm nhắm mắt lơ ngơ cả ngày lẫn đêm.
Có nhiều khi trong lúc lái xe đi làm về; nhìn những khu nhà bên đường giăng đèn kết hoa trong mùa lễ, tôi nhớ, tôi thèm nghe tiếng Ba tôi nhỏ nhẹ qua điện thoại: “Con nhớ ghé chợ mua hoa quả cho Ba cúng nghe”.
Biết bao giờ tôi lại có cơ hội chở Ba đi chợ  Tết, chen lấn trong khu chợ đông người để tìm Ba; cuối cùng thấy Ba đang lẫn thẩn, lơ ngơ đứng trước hàng bán hương đèn, trầm, giấy cúng. Mặt ngơ ngác, tay rụt rè lấy món này, món kia… xem giá rồi rụt rè đặt xuống.

Ba ơi, Xuân đang về, Tết sắp đến; con nhớ vô cùng ánh mắt thành kính của Ba, thái độ trân trọng, nhẹ nhàng, thành tâm từ hành động đến lời khấn vái. Nhớ nhất là mùi hương trầm, mùi hoa Vạn thọ trên bàn thờ, quyện với mùi bánh mứt bày cúng đêm giao thừa… lan tỏa trong nhà… nồng nàn ấm áp mà Ba thường gọi là: Mùi Tết!

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Norcross- GA