Mỹ Hoa

Giữa những bận bịu, tấp nập hằng ngày của công việc kinh doanh, bên cạnh người bạn đời đã hơn ba mươi năm chung sống, cùng chia vui sẻ buồn cùng lên thác xuống ghềnh, trải qua bao thăng trầm có nhau. Tôi biết mình đã có thật nhiều may mắn. Và cảm giác hân hoan đó chẳng thể nào lấp được đôi khoảnh khắc ưu tư khi tôi nhớ về người những người bạn thân đã đi qua cuộc đời tôi. Dù có nhắm mắt, tôi vẫn còn hình dung được hình ảnh cô bạn nhỏ ngày nào.

Tên bạn là Mỹ Hoa, khuôn mặt rất xinh, rất trẻ thơ với cái miệng hay cười để lộ đôi lúm đồng tiền thật sâu, cái môi dưới trề ra như nũng nịu. Làn da trắng và đặc biệt đôi gò má ửng hồng những đường gân máu, trông Mỹ Hoa thật dễ thương y như tên gọi. Tôi chỉ hiểu nôm na, Mỹ Hoa là Hoa Đẹp, đó cũng là ý nghĩa mà hai đấng sinh thành đã cầu mong cho cuộc đời con nhỏ sẽ luôn thắm tươi như một cành hoa. Mãi nhiều năm sau này tôi mới biết rằng nét mặt xinh tươi, làn da hồng hào kia lại nằm trong cung số của người hồng nhan bạc mệnh!

Cùng học chung lớp ở những năm bậc trung học, chúng tôi cùng đi về có nhau nên tình thân có phần gắn bó. Sau tháng 3 năm 1975 gia đình tôi dọn về quê sinh sống. Mười mấy tuổi rời ghế nhà trường với hai bàn tay trắng, bao mộng ước tan tành theo vận nước. Trong hoàn cảnh khó khăn bi đát của một gia đình đông con từ thành phố về, chân yếu tay mềm, ruộng nương đối với tôi thật xa lạ. Nghe lời chị Hai là chị ruột của tôi, tôi bắt đầu bước vào con đường buôn bán để mong giúp đỡ gia đình qua cơn khốn khó. Từ đó, trên tuyến đường Ái Nghĩa Đà Nẵng có thêm một cô bé nét mặt còn ngơ ngác đang tập tành đi buôn là tôi.

Giữa những chuyến hàng từ trong quê ra, tôi thường ghé nhà của Mỹ Hoa để thăm bạn, quà cho người bạn thành phố là những giỏ khoai sắn, đôi khi là bắp. Hai đứa gặp nhau kể lể đủ chuyện, niềm vui được nhân đôi khi chúng tôi cùng nhận được thư của Võ Thị Nghĩ ở Sài Gòn. Bạn bè thời đi học lúc này đã lưu lạc khắp nơi.

Đến tháng 5 năm 1978 tôi lập gia đình với một anh bạn là người cùng chung bút nhóm Hoa Sương trước 1975. Tôi còn nhớ, chiều hôm trước ngày cưới, Mỹ Hoa dắt tôi ra tiệm uốn tóc Minh Hoàng để làm tóc và trang điểm. Quê tôi ở tận Đại Quang nên người thợ đề nghị chỉ nên bối tóc, phần trang điểm thì sáng ngày mai nhờ người khác làm vì đường xá quá xa xôi, e rằng khi tôi về đến quê thì phấn son đã phai nhạt. Làm tóc xong, anh Hiệp, chồng sắp cưới của tôi đèo tôi và Mỹ Hoa trên chiếc Honda chạy về quê. Suốt đêm hôm đó, tôi sợ hị hư đầu tóc nên không dám nằm ngủ, tôi ngồi trên ghế và Mỹ Hoa ngồi bên cạnh. Hai đứa thức trắng đêm trước ngày tôi lấy chồng.

Quê anh Hiệp ở làng Đại Cường, tận bên kia sông. Nhà trai phải đi một chuyến đò qua dòng sông Vu Gia để đến làng tôi. Đám cưới nghèo, lễ vật được đặt trong những rổ, thúng để mang sang rước dâu, tuy nhiên anh Hiệp cũng nhờ người chụp cho vài tấm ảnh. Người thợ quá chuyên nghiệp nên rốt cuộc cô dâu và chú rể chỉ thấy tay chân mà không thấy hình. Vậy mà gói ghém rồi …  đâu cũng vào đó. Đám cưới xong anh Hiệp phải chở Mỹ Hoa trở ra Đà Nẵng. Phút chia tay, con nhỏ ôm tôi khóc nức nở khiến tôi ngạc nhiên hết sức:

- Ê, chi rứa mi … thì gái lớn ai cũng phải có chồng, mi phải mừng cho tau yên bề gia thất mới phải chớ?

Mỹ Hoa không trả lời, vẫn ôm vai tôi khóc sướt mướt, nó làm như tôi sang sông gặp gió bảo không bằng! Tôi đành an ủi nó:

- Thôi, phận gái mười hai bến nước, mi mai mốt cũng lo mà kiếm nơi nương tựa cho rồi, đừng khóc nữa.

Mỹ Hoa lên xe, vẫn còn thút thít, tôi thật sự không hiểu nổi những giọt nước mắt của bạn mình. Cho đến một hôm …

Sau đám cưới một thời gian tôi mới ra Đà Nẵng và ghé lại thăm Mỹ Hoa, tôi không gặp nó. Mẹ của Hoa vừa kể lể vừa than thở:

- Con chị nó đã ưng thằng anh, ai dè con Hoa lại thân thiết bồ bịch với thằng em. Ai đời hai chị em cùng ưng hai anh em, bộ thế gian ni hết người à? Bác hỏi con, mình làm cha làm mẹ la rầy nó là muốn điều tốt cho nó rứa mà nó nghe lời thằng kia, hai đứa rủ nhau bỏ nhà đi rồi.

Tôi nghe kể mà ngậm ngùi cho Hoa, chuyện tình duyên của nó éo le vậy, hèn gì Hoa mặc cảm và giấu tôi. Thì ra hôm đám cưới tôi, Hoa đã có ý định bỏ đi nên lúc chia tay nó khóc như chưa bao giờ đưọc khóc. Tôi tự trách mình vô tình không chia sẻ được gì với người bạn kém may mắn này. Lòng tôi cứ phân vân, không biết Mỹ Hoa và anh chàng Bình kia dắt díu nhau đi đâu, nó sẽ làm gì để sinh sống giữa buổi giao thời đầy những khó khăn với hai bàn tay trắng? Từ đó tôi cũng ít ghé đến nhà Hoa nên tôi mất liên lạc với Võ Thị Nghĩ.

Tôi không đi buôn hàng chuyến nữa khi có đứa con đầu lòng. Một hôm đang ngồi bán ở hàng dép su gần chợ Cồn, tôi thoáng thấy một dáng người quen quen:

- Ê, Mỹ Hoa phải không?

Người phụ nữ gầy nhom, tiều tụy đang mang thai kia lúng túng, tôi nhìn kỷ thì đúng là Mỹ Hoa, tôi la lên:

- Trời ơi, mi về hồi mô? Có bầu rồi hả, tháng mấy mi sinh?

Chuyện trò một hồi tôi mới biết Hoa đang rất túng thiếu nên dù có thai đã sáu tháng mà vẫn phải bưng cái thúng cam đi bán dạo. Tôi dắt Hoa vào nhà gom một ít áo quần thời tôì mặc bầu cho Hoa, tôi khuyên Hoa nên nghĩ để dưỡng sức và tôi hứa sẽ giúp Hoa bằng hết khả năng của tôi. Từ đó, tôi chắt chiu, để dành những đồng tiền kiếm được trong những tháng ngày mới lập gia đình để san sẻ cho cô bạn thân. Mỗi tháng đều đặn, cố gắng lắm, tôi chỉ có khả năng chu cấp cho Hoa mười ký gạo để Hoa có thể sống tạm qua ngày chờ khi sinh. Đứa con đầu lòng của vợ chồng Hoa ra đời trong thiếu thốn, lớn lên trong nghèo đói và bệnh hoạn nên cháu mất sau đó không lâu.

Bẳng đi một thời gian không thấy Hoa đến nhà, tôi tìm cách hỏi thăm thì mới biết Hoa đã sanh tiếp một đứa con gái, tên cháu là Minh Phương. Hoa buôn bán lặt vặt một thời gian thì dành dụm, vay mượn và sang được một quày hàng trái cây ở chợ Cồn. Tôi tìm ra gặp Hoa đang buôn bán tấp nập, tôi thật mừng cho bạn nhưng vẫn trách:

- Mi tệ rứa, lâu ni không ghé tau chơi?

Mỹ Hoa từ tốn:

     -   Hoa nhờ Ba nhiều rồi, mắc cở quá nên ít ghé.

     -  Thì cũng phải ghé cho ta biết để mừng cho mi chớ, bạn bè mà!

Từ đó tôi có phần yên tâm về đời sống của Hoa, mỗi tháng vào ngày rằm và mồng một tôi đều ghé lại quày của Hoa để mua trái cây về cúng, lại là một dịp thăm bạn và trò chuyện. Mặc dù đã có cơ sở buôn bán tương đối ổn định nhưng kỳ lạ là khuôn mặt Hoa lúc nào cũng rầu rầu, đau khổ.
Một ngày đầu tháng, tôi ghé mua trái cây không thấy Mỹ Hoa, tôi hỏi người bán hàng bên cạnh thì hết hồn khi nghe trả lời:

- Cô Hoa … nghe nói sang hàng cho người ta rồi, ông chồng cờ bạc, uống rượu, nợ nần nhiều quá nên phải sang gian hàng để trả nợ cho người ta.

Tôi hụt hẩng như chính mình vừa sa chân vào một hố sâu:

- Trời ơi, ai mang nợ mà Hoa phải trả?

- Cô không biết hả, thằng chồng đâu có lo làm ăn, nhậu nhẹt tối ngày, về nhà còn đánh đập vợ con thê thảm, cô Hoa mà không nghe lời là bị đòn, có bửa đi bán hàng mà mặt mày thâm tím kìa, tội lắm. Trời ơi, đã rứa lại còn sồn sồn, có bầu liên tục mới ớn chớ!

Tôi không hiểu nổi, ông Trời sao bắt Hoa gánh chịu lắm nỗi truân chuyên. Niềm vui chưa đưọc bao nhiêu ngày thì tai họa lại đổ ập xuống trên đôi vai gầy của bạn. Tôi thương Hoa hiền lành, nhu mì, mười hai bến nước để sang sông mà sao Hoa vô phước gặp nhằm bến đục, để cuộc đời cứ phải long đong, biết ngày nào mới ấm êm. Không có được một đám cưới cho duyên phận con gái, quãng đời làm vợ lại quá ê chề, thảm thương.

Thời gian này, nhóm cựu nữ sinh trường Hồng Đức bắt đầu có những buổi họp mặt, trước là dịp để bạn xưa biết tin tức nhau sau đó cũng là cơ hội để thể hiện tình tương thân tương trợ khi cần thiết. Nhóm U 50 ở Đà Nẵng gồm nhiều bạn đồng khóa, đồng lứa với chúng tôi trong một cuộc họp mặt, các bạn có ý muốn đóng góp để giúp đỡ cho vài bạn có hoàn cảnh bi đát. Một món tiền nhỏ quyên được đã san sẻ cho hai bạn Mộng Linh và Mỹ Hoa, mỗi bạn nhận một ít để có điều kiện qua cơn ngặt nghèo. Ngọc Diệp là bạn mang số tiền đến trao cho Mỹ Hoa, nhờ đó Mỹ Hoa có chút vốn trở lại nghề bán trái cây dạo, lang thang qua nhìều đường phố, nhiều khu chợ.

Thời gian qua đi, thỉnh thoảng tôi cũng hỏi thăm một vài ngườì quen về Hoa, khi thì nghe tin Hoa bán chuối ở chợ Cây Me, lúc thì bán ở chợ Đống Đa. Vợ chồng thì lục đục hoài, con cái nheo nhóc, thiếu thốn. Bình, chồng Hoa đã không lo làm ăn, sáng nhậu tối nhậu, về nhà đánh đập vợ con. Thảm cảnh tưởng như chỉ xảy ra trên mặt báo, ai dè đó chính là hiện thực của đời Hoa. Có lần tôi nghe một bạn khác kể, có thấy Hoa bán chuối ở vỉa hè, chưa kịp hỏi thăm thì Hoa đã bị công an hè phố vác dùi cui đuổi chạy, cả gánh hàng lắc lư theo bước chân, trông Hoa tơi tả như một tàu lá chuối gặp bão, răng cửa đã rụng hết, trông già như một cụ bà sáu mươi. Tôi nghe mà xót cả ruột gan. Người ta thường nói “Sau cơn mưa trời lại sáng” mà sao cuộc đời của Mỹ Hoa hết mưa thì đến bão, cứ vùi dập đến ê chề. Rồi tôi cũng bận bịu theo nhiệm vụ làm mẹ, làm vợ và bận rộn với cơm áo gạo tiền, hình ảnh người bạn thương tâm cũng nhạt nhòa, khuất lấp đâu đó trong tâm tư tôi.

Một ngày cuối năm 2001, tôi nhận được tin từ người chị của Hoa bất ngờ đưa tới:

- Em ơi, Mỹ Hoa mới bị tai nạn hôm qua, chấn thương sọ nảo đang nằm ở Bệnh viện!

Tôi tức tốc gọi cho một vài người bạn cùng lớp, Quang Ấn, Tuyết Hằng, Lệ Hồng, Thu Sương, Bạch Nhạn, Phạm Hoa, Thu Hạnh, Ngọc Diệp … (và một số bạn nữa mà tôi đã quên mất tên, xin lổi) chúng tôi đến bệnh viện chỉ được nhìn Hoa qua khung cửa kính của phòng Hồi Sức cấp cứu. Thằng con trai ngồi trước cửa kể lại, hai vợ chồng đi thăm đứa cháu ngoại mới chào đời. Chồng Hoa chúc mừng đứa cháu ngoại mới ra đời bằng cách … cụng ly với thằng rể, anh ta nhậu quá đà nên say ngất ngư. Trên đoạn đường lái xe về anh ta mất thăng bằng, tay lái chập choạng khiến xe ngả xuống, đầu của Hoa bị đập vào con lươn giữa hai lằn đường nên Hoa bất tỉnh ngay tại chỗ.

Đám bạn thờì trung học rủ nhau gom góp kẻ ít người nhiều để giúp đỡ gia đình Hoa lo thuốc men, trong khi Hoa vẫn nằm mê man. Tấm chân tình và cả món quà vật chất của chúng tôi gần như bất lực trước cơn đau của bạn.

Một ngày sau thì Hoa vĩnh viễn đi luôn không một lời trăn trối, chúng tôi đến nhà Hoa để nhìn mặt người bạn thân lần cuối. Mỹ Hoa nằm đó, nhỏ bé và hiền lành như đang say ngủ, tấm chăn đắp hờ hửng không che hết cái thân hình gầy gò, nhỏ xíu như một đứa trẻ con. Tôi trào nước mắt thương bạn, vậy là xong một kiếp người, hơn bốn mươi tuổi chẳng có được một ngày vui. Mỹ Hoa nằm xuống là chấm dứt bao nhiêu khổ ải, đày đọa tấm thân, chỉ thương bốn đứa con của Mỹ Hoa từ nay mồ côi mẹ.

Chúng tôi tập trung lại đi đám, ngoài nhóm bạn xưa của lớp chín bốn còn có số đông các bạn lớp khác cũng có mặt. Kim Cúc, Thu Hiền, Thu Hương, Thơ, Hồng Kim Oanh … đều có mặt trong buổi lễ tụng kinh cầu siêu cho Hoa. Các bạn ở xa như Chế Thu Hương, Quách Ngân khi nghe tin cũng gởi lời chia buồn và góp phần phúng điếu. Lớp trưởng Kim Anh từ Sài Gòn vội vàng bay về gấp để dự tang lễ. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm để linh hồn Mỹ Hoa được ra đi thanh thản, ấm cúng.

Tôi và Lệ Hồng là hai người bạn cùng lớp có cơ hội đưa tiễn Mỹ Hoa đoạn đường cuối ra huyệt mộ. Tháng mười hai, Đà Nẵng mưa lê thê, chúng tôi chạy xe Honda theo xe tang lên nghĩa trang Hòa Khương. Số phận Mỹ Hoa cực khổ cho đến giờ phút cuối đi vào lòng đất vẫn là người thiếu hụt trăm bề. Trời mưa lớn, nước ngập đầy dưới huyệt, khi hạ huyệt thì phải đào tới đào lui hai ba lần vì lô đất quá nhỏ không để lọt cái quan tài. Mọi người có mặt đều khóc thương cho số phận không may của Mỹ Hoa. Tiếng kinh cầu vang lên đều đều, không biết có làm ấm lòng bạn tôi nơi huyệt sâu. Tôi và Lệ Hồng sụt sùi, nước mắt hoà lẫn nước mưa và lòng chúng tôi cũng ngập tràn đau đớn.

Bình, chồng Mỹ Hoa cũng là người cha vô trách nhiệm của bốn đứa nhỏ đã không hối cải, vẫn suốt ngày say xỉn sống vờ vật như một bóng ma. Sau cái chết thảm thương của vợ, anh từ chối hẳn nhiệm vụ làm cha. Tội nghiệp bốn đứa nhỏ sau ngày chịu tang mẹ phải trở về nương náu trong vòng tay của anh Phi và chị Linh, là Bác và Dì ruột của các cháu. Đúng bốn năm sau, năm 2005 vào ngày đám giổ Mỹ Hoa, chứng nào tật nấy, anh ta cũng ăn nhậu say sưa và chạy xe ra đường, lịch sử đớn đau tái diễn … Vì ăn nhậu quá chén, anh ta đã mất thăng bằng, xe ngã, đầu anh ta va vào tảng đá, kết thúc cuộc đời một con người sống không có trách nhiệm ngay với chính bản thân mình. Bi kịch của gia đình Hoa lại một lần nửa đẩm nước mắt của bốn đứa trẻ bơ vơ, tất cả đều trông nhờ vào tình thương yêu và đùm bọc của vợ chồng bác Phi, dì Linh.

Thời gian thấm thoát qua đi, nhờ sự đùm bọc của bác, dì và họ hàng, các con của Mỹ Hoa nay đã nên người. Cháu gái lớn nhất, Minh Phương đã lập gia đình và có ba đứa con gái, út Minh Anh thì được một trai và một gái. Hai cậu con trai của Mỹ Hoa là Nam và Sơn cũng đã có công việc làm ăn tạm qua ngày. Chắc ở một nơi xa lắm cao lắm, Mỹ Hoa cũng thường nhìn về và phù hộ cho các con yêu thương của mình.

Riêng tôi, ở tận một góc rất sâu trong tim, Mỹ Hoa vẫn luôn hiện diện, nụ cười có má lúm đồng tiền thật dễ thương mà nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung được. Tôi ray rức mỗi khi khi nhớ lại một đêm dài Mỹ Hoa đã thức trắng bên cạnh tôi trước ngày tôi vu qui. Nó cười trong nưóc mắt để chúc mừng cho tôi. Ai dè sau ngày chung vui với tôi là bắt đầu cho một cuộc phiêu lưu tình ái của Mỹ Hoa cũng là mở màn cho bi kịch đời Hoa, một cuộc đời bất hạnh vừa nghèo khổ vừa sóng gió. Đánh đổi tuổi thanh xuân, đi theo tiếng gọi của trái tim để có được một người chồng đầu ấp tay gối vũ phu, vô dụng, những bữa cơm đã không đủ no mà lại chan đầy nước mắt và rồi kết thúc bằng một cái chết thảm thương.

Thắp nén nhang trong lòng, hằng đêm tôi cầu nguyện cho người bạn nhỏ sẽ quên đi bao đau khổ nơi trần thế. Cầu cho bạn được ngủ yên trong giấc ngủ ngàn thu. Mỹ Hoa ơi, ta nhớ mi!
                                               
Viết theo lời kể trong nước mắt của Phạm thị Ba
Nguyễn Diệu Anh Trinh (10/2010)