Năm Nhâm Thìn tìm hiểu về địa danh và thi ca của Việt Nam
Đầu tiên là sự tích Con Rồng Cháu Tiên huyền thoại về Âu Cơ - Lạc Long Quân là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam.
Các địa danh mang tên Rồng:
Vùng đất mang tên Rồng cổ nhất là đất Long Đổ tức Hà Nội ngày nay nằm về tả ngạn sông Hồng, đối diện với Long Biên
Ngàn mây nổi áng phong trần
Âm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Năm 1010 Lý Công Uẩn bỏ đất Hoa Lư dời Đô về Hà Nội và lấy tên là Thăng Long (Rồng bay lên) được chọn tên cho Thủ Đô từ đó.
Mở nước về phương Nam người xưa luôn nhớ về cội nguồn nên đem chữ Long đặt tên cho phố cho chợ và làng xã của mình. Thừa Thiên có chợ Kim Long, chợ Long Hổ, Quãng Ngãi có chợ Long Từ, Bình Định có chợ Long Hưng.
Về núi:
Ở Quãng Ninh có ngọn Long Tu, Đồ Sơn nơi nghỉ mát nổi tiếng là một dảo hẹp gồm chín đợt giống con Rồng uốn khúc nên được đặt là núi Cửu Long. Ban đêm nhìn ra biển thấy ngọn Hải đăng ở đảo Long Châu soi đường cho tàu xuất nhập ở cảng Hải Phòng, núi có tên Rồng lâu đời nhất là núi Long Đội ở Tỉnh Hà Nam.
Thanh Hóa có núi Hàm Rồng, toàn sa thạch hùng vĩ dọc bờ sông Mã nối liền mạch giao thông có cầu Hàm Rồng
Hà Tĩnh về phía Tây Bắc có núi Long Tường và Long Mã
Quãng Bình có nọn núi Thanh Long, Bắc sông Gianh có núi Long Tỵ và Phúc Long
Thừa Thiên có núi Kim Long, mạn Tây Huyện Phú Lộc dưới chân đèo Hải Vân có mạch núi chạy dài giống con Rồng lượn được gọi là núi Rồng .
Quãng Ngãi riêng Huyện Mộ Đức có ba ngọn núi mang tên Lạc Long, Long Phượng và Long Cốt.
Nha Trang có núi Cảnh Long.
Bình Định có núi Hàm Long
Hà Tiên có ngọn Dương Long.
Biên Hòa có ngọn Long Ẩn.
Về sông: Các con sông cũng mang đậm dấu ấn về Rồng
Xưa nhất là Hoàng Long Giang ở đất Hoa Lư cổ kính.
Sông Long Môn có một đoạn của sông Đà chảy qua núi Long Môn có cửa đá chắn ngang chia nước làm ba dòng đổ xuống thành thác
Ở miền Nam tên sông tên bãi có chữ Long đều là sông to bãi lớn, sông Đồng Nai có tên củ là sông Phước Long trùng tên với tỉnh nó chảy qua.
Nhánh Tiền Giang của sông Mê kông chảy vào nước ta đã mang phù sa hình thành cù lao Cái Vừng lồi lõm như đầu Rồng nên có tên là bãi Long Sơn, sông nầy chảy qua Tỉnh Vĩnh Long.
Hậu Giang cũng là một con Rồng cuồn cuộn xuyên Tỉnh Long Xuyên đổ ra biển đông bằng chín dòng sông nhánh, mang tên Cửu Long Giang hùng vỹ.
Riêng tại Sài Gòn có bến sông mà tên đã đi vào lịch sử, đó là Bến Nhà Rồng.
Một cuộc bình chọn trong năm Tân Mão đã đem lại cho địa danh này niềm vinh hạnh khắp năm châu bốn biển, đó là vịnh Hạ Long, bao gồm hàng nghìn đảo lớn nhỏ trông như một khúc Rồng vừa hạ xuống nước, do vậy mới có tên ‘‘Hạ Long kỳ vĩ’’ thu hút khách du lịch muôn phương.
Con Rồng trong văn hóa dân gian
Trong cuộc sống đời thường Rồng được thể hiện qua lời ăn tiếng nói góp phần phong phú cho kho tàng ngôn ngữ dân gian. Chính vì Rồng là biểu tượng Vua Chúa được đề cao trọng vọng nên có câu ca dao
Một đêm tựa mạn thuyền Rồng
Cũng bằng chín tháng nằm trong thuyền chài
Vóc Rồng thì để hầu Vua
Vải thô lụa xấu thì chừa cho dân
Khi trai gái gặp nhau nỗi vui mừng được so sánh:
Tình cờ thiếp gặp chàng đây
Như cá gặp nước, như mây gặp Rồng
Phận gái lấy được chồng khôn
Cầm bằng cá vượt vũ môn hóa Rồng
Khi sa cơ thất thế, ý nguyện không thành đành an ủi
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình
Lâm vào nghịch cảnh, tránh sao khỏi người đời thờ ơ lạnh nhạt:
Trong lưng chẳng có một đồng
Lời nói như Rồng cũng chẳng ai nghe
Trong giao tế, lúc khách quý đến thăm chủ nhà thường viện câu “Rồng đến nhà tôm” bày tỏ sự vui mừng, vừa khiêm tốn khi ví khách là Rồng còn mình là tôm tép. Thiên hạ cũng ví von “Ăn như Rồng cuốn, nói như Rồng leo, làm như mèo mữa” để ám chỉ hạng người ăn khỏe, khoác lác song làm lụng chẳng ra gì.Tương phản, những ai làm ăn thành đạt, công thành danh toại, được qui là nhà nhiều hồng phúc “Mã táng hàm Rồng”.
Bên cạnh một số thành ngữ đầy ẩn dụ như “Trạm rồng trổ phượng” hoặc là “Thêu rồng vẽ phượng”
Trăm năm tạc một chữ đồng
Dù ai thêu phượng vẽ rồng cũng không
Rồng còn thâm nhập vào thế giới trẻ con bằng các trò chơi “Rồng rắn”
Rồng được đem chạm hai đầu nhà táng đưa ma còn gọi là “đòn rồng”
Phải chi dì ghẻ ẵm bồng
Mai sau dì chết, tôi vịn cái đòn Rồng tôi đưa
Trên mỗi ghe đua các lễ hội có kiệu rước Long Vương, Long Thần của ngư dân miền biển.
Tại Hà Nội, “Rồng Vàng” lại được dùng để đặt tên cho một hiệu bánh đậu xanh nổi tiếng.
Tài tử Lý Tiểu Long một thời vang bóng với phim quyền cước Hồng Kông cũng mượn tên Rồng “Song Long quá hải, Long hổ tranh hùng “
Năm Tân Mão đi qua, nhường trần gian lại cho năm Nhâm Thìn ngự trị trong mười hai con giáp Rồng (Thìn) là một con vật huyền thoại không có trong thế giới động vật, chưa ai nói Rồng xuất xứ từ đâu nhưng Rồng ăn sâu vào đời sống tâm linh song cũng rất xa vời và luôn nhập tâm qua hình ảnh tượng trưng.
Nhâm Thìn 2012 - Nhâm Thìn 1952 vòng giáp của 60 năm xin chúc cho những ai tuổi Nhâm Thìn lời chúc Sức khỏe và Bình an trong cuộc sống.
ĐN mùng 6 Tết
Dương T. Điệp (Sưu tầm)