Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Năm Sửu Nhớ Tuổi Còn Thơ            TĐT
Chin Bon
Chin Bon
    Hắn sinh ra vào năm Kỷ Sửu của thế kỷ trước, là con đầu trong một gia đình nghèo. Bố hắn theo kháng chiến hoạt động bí mật tại quê nhà, mẹ hắn đòn gánh đè vai, tảo tần nuôi con ngày 2 bữa. Hắn lớn lên ít khi thấy bố hắn về, cho đến một hôm bố hắn ra khỏi tù cuối năm 1958, lúc này hắn đã lên chín và đã có 3 em. Một mình mẹ hắn nuôi cả gia đình, bố hắn chưa kiếm được một việc gì để làm, ruộng vườn cũng không có. Tuổi của hắn đáng lẽ đã cắp sách đến trường, nhưng không, hắn chỉ đi học trong xóm cho biết đọc biết viết mà thôi, hắn còn phải giúp mẹ nấu ăn, giữ em và làm mọi việc trong nhà.

    Một buổi chiều đầu xuân năm Kỷ Hợi (1959) định mệnh, hắn bồng em qua nhà hàng xóm chơi, đây là một nhà quyền quý gọi là nhà mụ Nghè. (Lúc bấy giờ thường không gọi tên thật mà chỉ gọi tên chức của ông chồng: chồng mụ làm chức Nghè, ông đã qua đời thời Pháp). Nhà mụ Nghè là một căn nhà rường xưa, rất đẹp, uy nghi, mái ngói, nền xi măng, còn nhà hắn chỉ là mái tranh, vách đất nền nhà cũng đất. Cho nên, hắn hay đưa các em qua nhà mụ chơi. Cũng chiều đó, mụ Nghè có mấy người cháu trên phố về thăm Tết, hắn được một người trong số đó tên là Hồng chú ý. Cô Hồng hỏi hắn: “Năm nay em mấy tuổi rồi?”. Hắn lễ phép đáp: “Dạ thưa 10 tuổi”. Cô hỏi tiếp: “Em học lớp mấy rồi?”. Hắn ngập ngừng không đáp rồi oà lên khóc, khóc càng lúc càng to. Cô lại tiếp: “Tại sao em khóc?”. Hắn ấp a ấp úng trả lời, lẫn với tiếng khóc: “Em đã được đi học mô mà học lớp mấy”. Cô nói tiếp: “Em lớn rồi sao không đi học, thôi nín đi để cô xin ba mẹ cho em đi học, đừng khóc nữa nghe”.

    Hắn vui mừng lau nước mắt đang còn chảy dài trên đôi má, chào mụ Nghè và các cô để bồng em về nhà. Cô Hồng còn nói vọng theo: “Cô sẽ xin cho em đi học”. Một tia hy vọng đi học đã đến trong đầu hắn. Sau bữa ăn tối, hắn đem câu chuyện hồi chiều bên nhà mụ Nghè kể lại cho chú, mạ nghe (hồi đó, ở nông thôn thường gọi ba bằng chú, hoặc cậu), chú hắn nghe qua than ngắn thở dài: “Gia đình mình nghèo, làm răng đi học được, chú mới ở tù về chưa có ruộng để cày cấy, mạ con đi bán chỉ đủ ăn thôi”. Mạ hắn bật khóc, hắn cũng khóc theo, mạ hắn nói rằng: “Đời mạ đã mù chữ chẳng lẽ đời con cũng mù chữ ư! Mạ sẽ cố gắng cho con đi học để cho biết chữ, may ra còn thoát khỏi cảnh nông thôn nghèo đói ni”. Chú hắn nói tiếp: “Chú mạ sẽ cố gắng, nhưng còn khổ nỗi là con chưa có giấy khai sinh làm răng mà vào trường được hở con”. Mạ hắn tiếp: “Mai mạ đi bán, mạ nhờ mấy người trên phố giúp làm giấy khai sinh cho con, thôi chừ mình đi ngủ đã, mai mạ còn dậy sớm để đi bán”.

    Đêm đó hắn không sao chợp mắt được, cứ nghĩ đến ngày đi học, mà hắn hằng mong ước. Bấy lâu nay hắn cũng đi học, nhưng chỉ học trong xóm. Nay hắn lại nghĩ khác, học lên cao, sau này còn làm thầy dạy học để giúp đỡ cho chú mạ, rồi có thể đi xa khỏi cái xứ nông thôn nghèo đói này. Hắn cứ trông cho trời mau sáng để đem câu chuyện hồi tối kể lại cho mụ Nghè, rồi hắn ngủ lịm đi lúc nào không hay.

    Sáng ngủ dậy, mẹ hắn đã đi bán tự lúc nào, chú hắn cũng ra khỏi nhà. Hắn tự hỏi là chú đi lo giấy khai sinh cho hắn chăng? Cũng như mọi ngày, hắn lo ăn sáng cho các em, thường ăn bún với nước bún nhưng không có thịt, do mẹ để lại, rửa dọn những thứ mà ban sáng trước khi đi bán, mẹ hắn chưa làm xong. Khi mọi việc đã hoàn tất, hắn bồng đứa em thứ ba mới hơn 1 tuổi, và dẫn thêm 2 đứa nữa, một đứa lên 4, một đứa 7 tuổi qua nhà mụ Nghè chơi. Gặp hắn, mụ hỏi ngay: “Chuyện đi học răng rồi?”. “Mụ ơi! cháu không có giấy khai sinh làm răng mà đi học được!”, hắn đáp. “Ồ, làm giấy khai sinh dễ lắm, cháu nói chú mạ cháu lên nhờ ông Minh ở xóm Tứ Đông, ông đang làm bên Toà án, ông sẽ giúp cho”. Hắn nghe mụ Nghè nói mà lòng rộn rã lên, mặt tươi hẳn, hắn vui chơi bên nhà mụ cho đến gần trưa, rồi chào mụ Nghè đem 3 đứa em đi về, còn lo cơm nước buổi trưa. Hắn vừa cho các em ăn vừa nghĩ: Sao giờ này chú mạ mình chưa về, hay là cả hai người đang đi lo giấy khai sinh cho mình. Gần chiều mẹ đi bán về, hắn chạy ra đón mạ từ đầu ngõ, hắn hỏi mạ với giọng gấp gáp: “Mạ đi lo giấy khai sinh cho con hay răng mà về chiều rứa?”. Mẹ hắn trả lời: “Hôm nay bán ế quá, nên mạ chưa đi hỏi cho con được, ngày mai mạ sẽ hỏi”. Hắn nói: “Mạ ơi, mụ Nghè nói: ở xóm trên có ông Minh làm bên Toà án làm giấy khai sinh được”. Mẹ hắn nói: “Mụ Nghè nói rứa thì mình đi nhờ thử”. Hắn mừng rỡ nói: “Tối mình lên nhờ họ làm nghe”. Hai mẹ con về nhà, thì thấy chú hắn đã về, vẻ mặt chú hắn cũng vui, hắn hỏi: “Chú làm giấy khai sinh cho con rồi há?”. “Chưa, hôm nay chú mới đi xin ruộng” chú hắn đáp “mùa tới mình có 5 sào ruộng để cày, khỏi lo sợ đói, còn giấy khai sinh để mạ con lo, chú mới ở tù về, chú không thích đến nơi chính quyền”. Hắn đem câu chuyện mụ Nghè nói ông Minh xóm Tứ làm được giấy khai sinh, chú hắn gật đầu: Rứa thì việc ni để mạ con đến nhờ họ giúp cho, nhưng không biết tốn nhiều tiền không?”

    Ăn cơm tối xong, hai mẹ con đi đến nhà ông Minh, nhà hắn cách nhà ông Minh khoảng một cây số. Đầu xuân tiết trời hơi lành lạnh, dưới ánh trăng non, hắn vừa đi vừa nghĩ ngợi bâng quơ, mùa xuân là mùa cây đâm chồi nẩy lộc, là mùa của niềm vui, là mùa của hy vọng, chắc là ông Minh sẽ giúp mình thôi, phút chốc đã đến nhà ông Minh. Mẹ con khép nép đi vào nhà ông, vì nghe ông làm toà án. Không đợi mẹ hắn mở lời, ông vào đề ngay: “Bà đến xin làm giấy khai sinh, phải không?”. Mẹ hắn liền nói: “Răng chú tài rứa?”. Ông Minh cười đáp: “Lâu nay cũng có, cha hoặc mẹ dẫn con đến đây thì biết ngay là xin làm giấy khai sinh, để tôi giúp cho”. Ông Minh hỏi hắn: “Cháu mấy tuổi rồi?”. Hắn lễ phép trả lời: “Dạ mười tuổi, tuổi sửu”. Ông tính nhẩm và nói là như vậy sinh năm 1949, tuổi này năm nay phải học lớp nhất (bây giờ là lớp 5). Ông hỏi tiếp: “Cháu lâu nay có đi học không?” Hắn gật đầu: “Dạ có”. Ông Minh bảo: “Nhưng cháu không thể vào học lớp nhất được, chỉ xin tối đa là vào học lớp tư (lớp 2) thôi, tức là phải khai trụt 3 tuổi”. Mẹ hắn nói: “Chú giúp cho cháu học lớp mô cũng được, miễn là được đi học”. “Thôi thống nhất học lớp tư”. Thế là ông Minh nặn ra cho hắn một ngày sinh, tháng đẻ mới. Đó là ngày 10 tháng 7 năm 1952, ngày tháng năm sinh mới đó đã đi theo hắn suốt cuộc đời. Khoảng một tháng sau, hắn cầm trên tay một tập bản sao gọi là “Chứng chỉ thế vì khai sinh”. Đời hắn bắt đầu đi qua một bước ngoặc; mùa tựu trường năm đó cô Hồng đã xin cho hắn vào học lớp tư Trường Tiểu Học An Cựu (Huế). Cô cũng xin cho hắn miễn đóng lệ phí đầu niên học, số tiền đó bố mẹ hắn cũng không có đủ để đóng. Khi biết cô là chị của ông Hiệu Trưởng, hắn lại tiếc nuối, phải chi gặp cô sớm hơn thì hắn đã được đi học sớm hơn rồi.

    Bốn năm tiểu học đi qua đời hắn cũng đầy gian lao, vất vả, ngày hai buổi đến trường, thì giờ còn lại phải giúp cả bố lẫn mẹ, chỉ có ban đêm mới có thời giờ để học bài mà thôi. Giúp mẹ đi chợ, nấu ăn, trông em, giúp bố công việc đồng áng, đem cơm, đem nước ra ruộng ban ngày lẫn ban đêm. Mấy năm sau của bậc tiểu học, đứa em gái thứ hai của hắn cũng khá lớn, nhưng nó cũng chỉ được học biết đọc biết viết mà thôi, chịu thiệt thòi ở nhà giúp mẹ. Hắn thì rảnh tay hơn một tí để lo việc học hành. Công việc đồng áng của bố hắn cũng không được mùa lắm, có năm lại mất mùa, nhà lại không có con trâu nào, cũng không có đủ người lao động, cái gì cũng thuê cả. Đầu kiệt nhà hắn có một nhà làm nông, có đủ lao động, lại có thêm 2 con trâu, cho nên kinh tế có vẻ khá hơn. Mỗi lần hắn đi ngang nhà đó, đều cầu nguyện làm sao nhà mình có con trâu để đỡ vất vả hơn trong công việc đồng áng, nhưng lấy đâu ra tiền để mua trâu bây giờ. Lúc hắn 11 tuổi, mẹ lại sinh thêm một đứa con trai nữa, như vậy nhà hắn đã có 5 anh em. Vì thế, kinh tế lại càng eo hẹp hơn. Bố hắn làm thêm giàn bầu, bí trước nhà, giàn mướp sau nhà, thêm mấy vồng nưa, vồng môn. bữa cơm nào cũng cơm độn nưa, lại nấu canh nưa, hoặc canh bầu, canh bí, mặc dầu mẹ hắn đi bán bún bò, giò heo, nhưng thịt cá thì hiếm khi thấy trong bữa ăn. Nhiều bữa ăn nưa ngứa miệng không chịu nổi, nhưng phải chịu khó ăn thôi nếu không ăn thì đói lại càng không chịu nổi hơn.

    Mấy vụ lúa liên tiếp bị mất mùa làm cho gia đình hắn đã khó khăn càng khó khăn hơn nữa. Nhưng “thua keo này ta bày keo khác”, bố hắn đã thuộc lòng câu nói của người xưa “phi thương bất phú”, thế là bố mẹ bàn nhau mở một thêm một quán bán tạp hoá ngay góc đường Đặng Văn Ngữ và Trường Chinh bây giờ. Xin đất của bà Lãnh (chồng bà chức Lãnh, lúc bấy giờ đã qua đời, con bà tập kết ra Bắc, nhà bà là căn nhà xưa rất đẹp, đất rất rộng), với lòng thương người của bà, thế là một quán bán bên đường được dựng lên, bán đủ thứ: bánh, kẹo, bánh tráng (do chính tay hắn nướng), rượu, trà, trái cây, dầu hoả ... Vốn liếng bỏ ra là nhờ đi vay, mượn của bà con. Năm đó hắn đang học lớp nhì, ngoài giờ học, hắn ngồi bán quán, nhiều người thợ nề, thợ mộc chiều đi làm về thường ghé quán hắn uống một ly rượu để chống mệt mỏi, và tối ăn cơm ngon hơn. Trẻ con trong xóm kiếm được đồng nào là nộp cho hắn để đổi lấy miếng thơm, trái ổi ... Ngày qua ngày, quán của hắn buôn bán có vẻ khấm khá, việc buôn bán nhẹ nhàng và rảnh rỗi hơn đi phụ bố hắn công việc đồng áng. Những lúc quán vắng khách, hắn tranh thủ cố gắng học bài. Mấy tháng buôn bán trôi qua, một hôm có bà Đinh trong xóm ra bàn với hắn mở bán thêm hàng ăn, món đầu tiên là làm bánh khoái (bánh xèo) hai người hùn bán hàng ăn, bố mẹ hắn cũng đồng ý, thế là hắn có thêm nghề làm bánh khoái.

    Một mùa Tết bội thu cho quán của hắn, xuân qua, hè đến, mùi bánh khoái ngày nào cũng bốc lên, đón khách qua lại mỗi lúc chiều về. Mùa Tết năm thứ hai của quán hắn lại đến, mẹ hắn đem hết vốn liếng dành dụm trong năm qua để mua hàng bán Tết. Mặc dầu lo buôn bán, nhưng hắn không quên năm này là năm thi vào đệ thất. Đây là một kỳ thi rất quan trọng đối với học sinh nhà nghèo, nếu thi đậu vào học trường công thì sau này có thể trở thành ông này, bà nọ. Thi hỏng không có tiền học trường tư, có thể trở thành bác nông dân lo chuyện cày bừa. Ý thức được điều đó, cho nên hắn rất lo học để bước qua cửa ải quan trọng này của cuộc đời.

    Tết năm Nhâm Dần, ngày nào quán của hắn cũng đắt khách, hắn không thèm đi chơi Tết, mồng một, mồng hai, mồng ba gì cũng bán hết. Rồi một đêm tai hoạ xảy đến, những ngày Tết hắn chưa đi học, nên đến mở cửa sớm. Hôm đó, khi đến quán, hắn thấy cửa đã mở rồi, hắn tưởng chú hắn đến mở sớm hơn, nhưng khi vào trong quán, thấy hàng hoá mô hết rồi, bánh kẹo không cánh mà bay ... “Ôi! ăn trộm! ăn trộm!” Tiếng kêu thất thanh của hắn, kèm theo tiếng khóc, la: “Ôi! bà con ơi! họ ăn trộm hết quán con rồi! ôi! chú ơi mất hết rồi! ôi! mạ ơi! mất hết rồi ..., mất hết tất cả rồi”. Thật tội nghiệp, kẻ nào dã tâm đã ăn trộm của hắn đêm qua, mất hết tài sản quán của hắn đành phải đóng cửa từ hôm đó.

    “Hoạ vô đơn chí”, nợ nần chồng chất, ôi! trời ơi! biết làm sao đây? Kể từ đó hắn trở về phụ giúp bố với công việc đồng áng, mùa gặt sắp đến, mùa thi cũng sắp đến, mùa nào cũng quan trọng. Cái ăn đi trước, cái học theo sau. Hắn phải giúp bố trong mùa gặt, nhưng cũng phải học cho kỳ thi sắp đến, hắn học bất kỳ lúc nào, rất chăm học: học ngoài đồng ruộng, học trên lưng trâu, học lúc nấu ăn, học lúc đem cơm ra ruộng ... Thật may ông trời vẫn còn ngó lại, lúa năm đó được mùa, nhà hắn lúa đầy bồ, mạ buôn bán cũng khá hơn. Thế là mùa thi cũng đến, hắn đi thi vào đệ thất (nay là lớp sáu) ở Trường Trung Học Nguyễn Tri Phương, trong lòng vừa hân hoan vừa hồi hộp. Kỳ thi này rất khó, những năm trước 13 thí sinh mới đậu 1 người.

    Kết quả của kỳ thi chưa có, hắn đã lao vào một công việc khác để kiếm tiền, đó là đi phụ thợ nề cho nhà cô ruột (em bố hắn). Cả tháng trời lăn lộn với xi măng, sắt, thép, cát, sạn; cuối cùng nhà cô cũng hoàn thành. Đêm đó hắn không về nhà mà được cô thưởng cho đi xem cải lương cùng với gia đình cô. Đây là lần đầu tiên hắn được đi xem ở rạp hát. Cũng đêm đó, kết quả thi đệ thất được thông báo trên đài phát thanh. Trong khi hắn đi xem hát thì cả gia đình hắn lại qua nhà mụ Nghè có đài (radio) để nghe người ta đọc tên những học sinh thi đậu. Từng tên một qua đi, 100 học sinh đã được đọc tên mà chưa nghe tên hắn, bố mẹ hắn lo quá, rồi 101, 102, đến 105 tên hắn được đọc lên. Cả nhà reo mừng khôn xiết khi nghe tên hắn đậu vào lớp đệ thất Trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Nguyễn Tri Phương (Huế), mụ Nghè cũng reo lên: “Hắn đậu rồi! hắn đậu rồi!”. Mụ Nghè rất thương cái cảnh cơ hàn của hắn. Còn hắn thì lại đang thả hồn theo những khúc hát du dương trong rạp hát, hắn có biết đâu gia đình hắn đang tận hưởng niềm vui tột cùng, không có niềm vui nào lớn hơn. Xóm hắn ở, năm đó thi 6 em, nhưng chỉ có một mình hắn thi đậu đệ thất.

    Những ngày phụ thợ nề cho gia đình cô, dượng (chồng cô), hắn đã để lại một ấn tượng tốt cho ông bà. Cô dượng có ý muốn xin bố mẹ hắn cho hắn lên thành phố ở để đi học cho gần. Gia đình hắn vẫn còn quá nghèo, sợ không đủ chu cấp cho hắn đi học, đứa em thứ ba bắt đầu lên lớp năm (lớp một bây giờ). Thế là bố mẹ hắn quyết định cho hắn ra đi, xa hẳn cái xóm nhỏ với con trâu đi trước, cái cày theo sau. Giờ lên đường đã đến, hắn chia tay chú mạ, các em hắn, bạn bè cùng trang lứa, chia tay xóm nhỏ với bao kỷ niệm thời thơ ấu, để rẽ sang một hướng khác của cuộc đời. Hắn không quên chào mụ Nghè, người mụ tinh thần của hắn, mụ dặn dò: “Cố gắng học lên nghe cháu, khi nào rảnh về thăm mụ, cháu đi mụ nhớ cháu lắm đó”.

    Hắn sống tại nhà cô dượng trong một thời gian dài, được cô dượng đối xử như con ruột của mình và hắn cũng được xem như anh cả trong gia đình, cùng ăn, cùng học, cùng ôn thi đèn sách với các em con của cô dượng. 7 năm Trung học, tốt nghiệp tú tài phần một, tú tài phần hai, rồi 7 năm đại học và kể cả những năm tháng ra trường cũng ở nhà của cô. Sống tại nhà cô dượng trong chừng ấy năm, trải qua biết bao kỷ niệm nào là vui, là buồn, là gian khổ, đôi lúc lại cảm thấy tủi cho thân phận mình theo dòng đời đổi thay. Hắn nhận ra rằng cô dượng là những người hiếm có trên đời với một tấm lòng vàng, bao dung. Cô dượng cũng làm lụng rất vất vả nuôi mười mấy đứa con, mà lại còn nuôi thêm cả cháu là hắn ăn học nữa. Công ơn của cô dượng không gì sánh được, hắn luôn luôn ghi lòng tạc dạ. Năm nay cô đã ngoài 80 thật may mắn là cô vẫn còn khoẻ mạnh, còn dượng thì đã đi vào cõi vĩnh hằng nhiều năm rồi. Mười ba người con cô cũng nên người hữu dụng, nhiều người đã thành danh trong xã hội. Nơi suối vàng dượng có lẽ luôn luôn mỉm cười vì đàn con đã khôn lớn thành người.

    Có thể vì là tuổi trâu, nên cuộc đời hắn gắn liền với lao động, vất vả, long đong. Những năm tháng sống với cô, hắn thường phụ giúp cô trong việc buôn bán vật liệu làm nhà, đi dạy kèm, mùa hè đến là đi phụ thợ nề, việc gì dù nặng nhọc mà làm ra tiền là hắn đều trải qua ... để kiếm thêm tiền mua sách vở, may áo quần ... Chiến tranh dày xéo trên quê hương càng ngày càng khốc liệt. Biến cố Tết Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa năm 1972, rồi mùa xuân năm 1975. Những biến cố của lịch sử xảy ra liên tiếp do sự tàn phá của chiến tranh đã gây nhiều tổn thất và đau buồn lớn cho gia đình hắn, như biến cố Tết Mậu Thân, nhà cô bị bom đánh sập, nhà hắn ở quê bị cháy sạch, bố hắn hy sinh, xóm làng tiêu điều, tưởng như phải bỏ học để đi làm giúp đỡ mẹ và các em. Thế nhưng, cuộc đời vẫn đẹp sao, tình thương của cô dượng bao la vẫn tiếp tục cưu mang hắn. Hai năm trước Mậu Thân hắn có thêm một em gái út, mẹ hắn thì vẫn chỉ đòn gánh đè vai, một mình nuôi năm em của hắn, dù rất vất vả mẹ cũng cam lòng. Hắn vẫn tiếp tục sống, tiếp tục lao động và học tập vì một ngày mai tươi sáng hơn.

    Từ năm Kỷ Sửu này nhớ năm Kỷ Sửu xưa, nơi xóm nhỏ đó có một cậu bé ra đời, cậu bé ấy đã trải qua thời thơ ấu trong nghèo khó và chiến tranh, đến nay tuổi đã 60. Mỗi lần về quê thăm mẹ, hắn không khỏi bùi ngùi nhớ lại cái chuỗi ngày xưa: Ngôi trường xưa với bao kỷ niệm, nay đã thay hình đổi dạng, tên gọi An Cựu dễ thương ấy, nay đã mang một tên khác rồi. Nhà ông Minh vẫn còn đó, nhưng ông thì không biết bây giờ đang ở đâu. Góc quán ngày xưa vẫn còn đó, nhà bà Lãnh cũng vẫn còn đó, nhưng bà thì đã từ giã cõi tạm lâu lắm rồi. Những người thợ đến uống rượu mỗi chiều, nay ai còn ai mất, hắn cũng không biết rõ. Bà Đinh nay đã già, mỗi khi gặp lại hắn, bà vẫn hay đùa rằng: “Mới ngày nào bán bánh khoái đó mà nay đã là ông này, ông nọ”. Những thửa ruộng ngày xưa xanh tốt lúa, nay cũng đã được thay thế bằng những căn hộ mới. Năm đứa trong xóm cùng học tiểu học mà không thi đậu đệ thất, 3 đứa đã đi vào lòng đất mẹ, hy sinh cho cả bên này lẫn bên kia, một đứa đang làm bánh kẹo, còn một đứa bán quán nơi góc đường như hắn từng bán ngày xưa, cũng sống qua ngày. Nhà mụ Nghè xưa cũng bị cháy trong biến cố Tết Mậu Thân, đã thay bằng một căn nhà ngói khác, nhà mụ còn đó nhưng mụ thì đã khuất núi lâu rồi. Cô Hồng ngày xưa giờ không còn ở Huế nữa, mà đang sống tại Sài gòn và vẫn còn khoẻ mạnh.

    Mẹ hắn nay đã 85 tuổi rồi, mấy mươi năm tảo tần vất vả nuôi đàn con dại nay đã khôn lớn thành người, bây giờ bà vẫn còn minh mẫn, khoẻ mạnh, mặc dầu lưng đã còng theo năm tháng. Mẹ hắn vẫn sống trên mảnh đất của tổ tiên mà tuổi thơ hắn đã cùng chung sống. Căn nhà mái tranh vách đất ngày xưa, nay đã thay bằng ngôi nhà khang trang đẹp đẽ. Góc trồng nưa, trồng bầu, trồng bí nay cũng đã thay bằng hoa thơm cỏ lạ. Mẹ hắn vẫn ngày 2 bữa hương khói phụng thờ ông bà. Công ơn cha mẹ như trời biển, các con phải ghi nhớ và báo đáp.

    Từ đáy lòng hắn xin ghi ơn những người đã giúp hắn gây dựng cơ nghiệp ngày hôm nay.
   
    Một nén hương lòng hắn xin kính dâng hương hồn ba và dượng, suốt cuộc đời tận tuỵ vì các con.


Những ngày cuối năm Mậu Tý