Nàng Dâu Thảo Hiền

Thương mẹ, đó là chuyện rất tự nhiên, vì mẹ đã sinh ra mình, yêu thương mình, nuôi dạy mình khôn lớn, vì trong thân mình có dòng máu của mẹ, trong tâm mình có tánh của mẹ. Tôi còn rất nể mẹ tui, nhất là về lãnh vực làm dâu thảo. Chuyện thì nhiều, tôi chỉ kể vài chuyện chính mình từng chứng kiến.

Năm 1972, và lần khác 1975, bà con tản cư vô Đà Nẵng. Ngôi nhà ba mẹ tôi trở thành mái ấm đùm bọc cả trăm người, chủ yếu là bà con bên nội. Mẹ tôi xưa nay vẫn có thói quen tích trữ gạo mắn trong nhà, phòng khi hữu sự. Mẹ tôi thích gạo quê Phong Thử, hương vị đậm đà rất ngon. Còn mắn thì cá nục, cá ngừ, cá cơm, ruốc do chính mẹ tôi làm, chứa trong những chiếc lu, chiếc vại to tướng đặt ở sân sau.

Thế là cơm với mắm, rau là chính đùm bọc bà con khi hoạn nạn. Khói lửa chiến tranh nguội dần, bà con lục tục về quê, hành trang còn có cả tấm lòng thơm thảo của mẹ tôi.
Sau 1975, đất nước thống nhất, nhưng gia đình tôi lại phải chia đôi. Ba tôi dắt mấy đứa con lớn về quê, vừa học, vừa phụ làm ruộng, vừa chăm sóc ông bà nội. Còn mẹ tôi giữ lại mấy đứa nhỏ hơn, tiếp tục buôn thúng, bán bưng.

Việc mua bán của mẹ tôi ngày càng khó hơn, còn việc ruộng trưa của cha con tôi gần như tắc tị vì mất mùa, mà không phải chỉ nhà tôi mất mùa, mà là cả làng, cả nước!
Rứa là mẹ tôi phải gạo mắm gửi về quê. Ông nội tôi thích bún Đà Nẵng, sợi trắng và nhỏ, không như sợi bún Huế hồi đó, to đùng, nên lương thực Đà Nẵng gửi ra, luôn có gói bún đi cùng.

Vốn liếng mẹ tôi giao cho ba tôi đem về quê làm ruộng, coi như mất sạch. Mẹ tôi thuyết phục ba tôi đem lại các con lớn về Đà Nẵng, chỉ phân công hai đứa lớn nhất, vừa học, vừa chăm sóc Ông Bà Nội, vừa làm vườn, chăn nuôi để phụ thêm kinh tế.

Học xong đại học ở Huế, tô đi dạy ở Duy Xuyên, cuối tuần mới về nhà. Một hôm, về nhà tôi rất ngạc nhiên vì thấy người anh con bác họ tôi, người xanh xao, gầy gò, ho sù sụ, đang nằm nghỉ trên chiếc giường nhỏ kê ở phòng khách. Anh họ tôi đau rất nặng. Mà nhà Bác tôi lại quá nghèo, nên Mẹ tôi thương cảm mang anh về nhà tôi để tiện chăm sóc, dù nhà tôi cũng chẳng khá giả gì, nhưng được cái gần bệnh viện hơn nhiều, và nhà thì luôn có sẵn thức ăn, Ba tôi lại giỏi thuốc men vì ông là một ý tá trưởng lâu năm của Tổng Y Viện Duy Tân hồi ấy.

Anh tôi ngày nay nhà cao cửa rộng, vợ chồng hạnh phúc, con cái thành đạt, có người con trai là Bác Sĩ giỏi giang. Còn mẹ tôi đã thành người Thiên Cổ, nhưng ánh mắt nụ cười vẫn tươi nguyên trên khung ảnh, và trong tâm trí của chúng tôi.

Nguyễn T. Lân
01/07/2016