Nén nhang cho bạn
Ngọc Anh cho tôi số điện thoại và nhắc tôi gọi phone để thăm hỏi Bác gái, Mẹ của một người bạn thuở xưa. Tôi chỉ sợ là mình không ngăn được nỗi xúc động. Tôi biết mình vốn đa cảm, chắc chắn nước mắt tôi sẽ không ngừng rơi khi đặt mình vào tâm trạng của Bác. Có người Mẹ nào không đớn đau khi nhắc đến một đứa con dấu yêu đã mãi mãi lìa xa?
Tôi vẫn còn nhớ mái tóc uốn ngắn, vóc dáng khỏe mạnh, giọng Huế ngọt ngào nhưng không kém phầm nghiêm nghị của Bác. Mới đó mà đã gần bốn mươi năm…
Hai đứa có cái tên giống nhau, chỉ khác chữ lót. Tôi rất tự hào về cái tên không giống ai của mình, ít bị trùng, để không phải mang thêm chữ A chữ B theo đàng sau. Vậy mà năm đầu tiên tôi vào trung học phải đụng độ với một cái tên còn lạ hơn. Con nhỏ luôn mặc cái áo đầm trắng xòe nhiều tầng và hay đi giày bata, mỗi khi nó bước đi là mấy tầng của áo đầm cứ rung lên rồi nhịp xuống. Ngày đầu vào lớp, xếp chỗ ngồi và điểm danh, nghe cô giáo gọi: Trần thị Lễ Trinh! Con nhỏ đứng lên. Tôi thầm nghĩ chắc cô giáo gọi lộn, tại sao không phải là Lệ Trinh cho ướt át ta? Mà sao không đúng tên mình con nhỏ cũng ngang nhiên đứng lên. Tôi đem thắc mắc này hỏi con nhỏ:
- Ê, ấy ơi cô giáo có đọc sai dấu trong tên của ấy không? Lệ Trinh hay hơn chứ!
Con nhỏ trả lời tôi, với giọng Huế nhẹ nhàng:
- Mô có, me mình nói chữ Lệ là nước mắt, Ba me sợ mình sẽ khổ vì cứ rơi lệ hoài nên đổi là Lễ Trinh không phải Lệ Trinh mô.
Thuở đó mới mười hai tuổi, tôi không đồng ý với lối giải thích lạ lùng này, tôi xì…một tiếng nhẹ và nhủ thầm: Hừ, chắc ông thư ký hộ tịch đánh máy lộn cho nên con nhỏ mới được có cái tên nghe còn lạ hơn tên tôi!
Dần dần, sau mấy tháng học chung tôi mới biết, Lễ Trinh là một trong những nữ sinh đứng trong hàng top-ten của lớp tôi ngày ấy, có tài sinh hoạt văn nghệ và báo chí rất hăng say. Năm lên lớp bảy chúng tôi cùng nhau tập hoạt cảnh “Thỏ ngọc dưới trăng” để dự thi văn nghệ tất niên. Tôi cũng được chọn làm một thỏ con nên thường đến nhà Lễ Trinh để tập dợt, do đó tôi còn biết con nhỏ là con gái út, ở nhà được Ba Me, anh chị cưng chìu lắm, thường gọi nhỏ là Bé Ly.
Nhà nhỏ ở đường Lê Lợi, số nhà 35, gần nhà của Huyền TN Thu Dung và Thầy Vĩnh Khôi. Tôi vẫn còn nhớ căn nhà với khoảng sân rộng, có giàn hoa leo phủ kín đẹp lắm, lại còn tỏa mùi hương thơm ngát. Ngày ấy Lễ Trinh có một anh trai du học bên Mỹ, chị dâu và cháu gái Su Su ở chung với ba me. Một anh khác là anh Khánh học bên Phan Châu Trinh. Lễ Trinh còn có một chị gái là chị Cẩm Lai nổi tiếng dịu dàng và học giỏi. Chị Cẩm Lai cùng với chị Tuyết Sương của Hằng là những người có lòng giúp chúng tôi tập các tiết mục văn nghệ. Thích thú nhất là sau những lần tập dợt, nếu ngày đó có thư hay hình của ông anh từ Mỹ gửi về là cả bọn còn được thưởng thức những ly chè đậu ngự do me nấu hay nhâm nhi miếng bánh bông lan do chị dâu làm. Vì vậy, chúng tôi cứ cầu mong ngày nào cũng có thư của anh.
Hai hoạt cảnh “Thỏ Ngọc Dưới Trăng” năm lớp bảy và “Bạch Tuyết ba chún lùn”, năm lớp tám trong đó Lễ Trinh trong vai Mụ Phù Thuỷ đều được giải nhất đã đem vinh quang về cho lớp tôi, kéo tình bạn chúng tôi gần nhau hơn một chút trong các sinh hoạt văn nghệ, báo chí và học tập. Lễ Trinh thích mơ mộng và có khiếu văn chương, viết chữ đẹp và đã là một thành viên của lớp tôi thì chắc chắn là cũng nghịch ngợm không ít. Mấy năm liền nhỏ đều ngồi ở dãy giữa, chơi rất thân với Thu Sương, Bạch Huệ, Tuyết Hằng. Lễ Trinh còn được nhỏ Liên Hương khen tặng là có cặp giò đẹp như "nữ thần Vệ Nữ” hèn gì nhỏ hay mặc áo đầm đi học mãi cho đến năm lớp chín. Lễ Trinh của lớp tôi được nhiều bạn bè và thầy cô nhắc đến có phải vì cái tên rất lạ hay vì nhỏ là cô bé dễ thương, dễ mến trong lòng mọi người?
Những ngày sau tháng 3 năm 1975…gia đình tôi ở lại Đà Nẵng. Bạn bè tôi nhiều đứa theo gia đình vào Nam. Sư thay đổi chế độ kéo theo nhiều mất mát đổi thay khác. Trường mất tên, đường phố đổi tên. Dòng người rời quê hương ra đi ngày càng nhiều. Bạn bè tôi thất lạc, trôi dạt khắp nơi. Tôi nghe tin Ngọc Liên đi lọt sang Úc, tôi mừng cho bạn. Tôi nghe tin Ngô Thu Hương rời trường ĐH Huế cho một chuyến đi chưa biết đâu là bến bờ, tôi cầu nguyện cho Thu Hương. Rồi Ngọc Anh, rồi Bạch Huệ, Hà Thu Vân, Trần thị Liêm, Phù Ái Tuyết… cũng từ từ vắng bóng. Thỉnh thoảng gặp một đứa bạn cũ là tôi lại nghe một tin mới; lành có mà dữ cũng nhiều, cho đến ngày tôi nghe một người bạn cũ cho hay: “Hình như Lễ Trinh vượt biên, mất tích rồi!”. Tôi không tin, tôi lạy trời đó chỉ là một tin đồn, thời đó có nhiều tin đồn càng dữ dội hơn mà! Tôi hỏi lại, người bạn trả lời mơ hồ: ”Chỉ nghe nói vậy thôi, không biết có phải không!”. Giữa vô vàn khó khăn trong thời kỳ đó, hoài niệm của tôi về Lễ Trinh cứ lan man trong lòng nhiều năm.
Thật may mắn, mười mấy năm sau, tôi và gia đình được sang định cư ở đất nước tự do này bằng máy bay hẳn hoi. Có cơ hội sinh hoạt trong cộng đồng Người Việt, tôi thấu hiểu nỗi đớn đau, sự mất mát của những người đến đây bằng con đường vượt sóng, vượt rừng. Tôi thấm hiểu ý nghĩa của hai chữ tự do nghĩa là phải đánh đổi bằng máu, bằng xương, bằng sinh mạng cuả con người. Tôi thán phục cho sự can đảm của các bạn tôi và những người đã vượt biên trước kia. Hẳn nhiên, cũng có người ra đi vì lý do kinh tế nhưng tôi biết chắc, hầu hết người ta đành phải ra đi vì chẳng thể nào tìm thấy được chút ánh sáng cho tương lai nơi đó, vào thời kỳ mà mọi thứ đều được bọc dưới cái tên “quốc doanh hóa”. Và hơn hết, tôi cảm nhận được sự đớn đau của những gia đình có người thân bỏ mình trên con đường đi tìm một vùng đất mới.
Gần đây, tôi được biết chính xác tin người bạn cùng tên với tôi thật sự đã nằm lại một nơi nào đó giữa biển khơi, trong niềm thương nhớ không cùng của Ba me, anh chị và bạn hữu. Gia đình của bạn vừa mới làm đám giổ, lấy ngày Lễ Trinh xuống tàu ra đi để làm ngày tưởng niệm đứa con gái nhỏ nhất nhà. Bé Ly- Lễ Trinh ra đi khi mới mười mấy tuổi, nơi bạn đến chẳng có bàn tay dịu dàng của Me, chẳng có ánh mắt nghiêm trang của Ba, chẳng có ưu tư hờn giận của bạn bè thời cắp sách. Một mình trong giấc ngũ ngàn thu giữa đại dương. Chắc là bạn tôi cô quạnh lắm!
Tôi biết Bác gái mãi mãi vẫn đau lòng khi nghĩ về đứa con gái út của mình. Nếu miền Nam không đổi màu cờ, nếu ngày ấy Bé Ly không xuống tàu vượt biên, nếu Lễ Trinh ra đi bằng một chuyến tàu khác. Ôi bao nhiêu cái nếu trên đời đã gây ra nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhiều tai nạn thảm khốc. Nếu không thì nay Ly chắc đã thành công với một sự nghiệp vững vàng, một mái gia đình chồng con êm ấm.Trái tim người mẹ nào cũng dồn mọi tình thương yêu, chăm sóc về một ngăn đặc biệt cho đứa con nhỏ nhất, tấm lòng hy sinh vô bờ bến của mẹ chỉ để mong cho con mình có được một cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho dù bản thân mình phải chịu bao gian khổ. Ngày cả nhà đoàn viên nơi vùng đất tự do lại vắng bóng đứa con gái thân yêu nhỏ bé. Anh chị, còn đây, bạn bè còn đây mà nhỏ Lễ Trinh đâu rồi?
Tôi nay đã là một người mẹ, đã từng biết vui buồn, theo dõi mọi sinh hoạt của con mình từ ngày bé thơ cho đến lúc lớn khôn. Dù con đã trưởng thành, dù mẹ đã già cổi héo mòn đến bao nhiêu, đứa con gái mãi mãi vẫn nhỏ bé trong ánh mắt thương yêu, trong trái tim già nua của người mẹ. Lễ Trinh mất đi, chắc rằng Bác như mất đi một phần đời. Tôi xin phép được chia sẻ nổi đớn đau này với Bác.
Tôi biết mình không đủ can đảm để một lần nữa chạm vào vết thương tận trong tim Bác. Tôi chỉ muốn thưa với Bác là: Con người ai cũng có số mạng, Lễ Trinh dù ở thế giới này hay ở một cõi xa xăm nào đó, chúng ta hãy cầu mong và tin rằng Lễ Trinh đã ngũ được một giấc thật yên bình, nơi đó không có hận thù, không có sóng gió, không có những tranh chấp đem lại bao đau thương khổ lụy.
Xin gởi đến gia đình Lễ Trinh những dòng này như là một nén nhang tưởng nhớ đến một người bạn cùng tên, cùng lớp, rất tài hoa nhưng bạc mệnh.
Để tưởng nhớ bạn Trần thị Lễ Trinh
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta 8/2009
* Hình LT do BN gởi.