Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Nếu có con gái, tôi sẽ không bao giờ dạy con ba chữ ‘phải hy sinh’
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
Thân thể và tâm hồn của một cô gái là do cha mẹ cô ấy trao tặng, là thứ cần phải được nâng niu và nuôi dưỡng, chứ không phải là để thả trôi vô định cho đến lúc tàn phai.
Chẳng biết từ bao giờ, “đức hy sinh” đã được nhiều người tôn thành vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Sự hy sinh của người phụ nữ đã trở thành một khía cạnh quen thuộc từ bao đời nay, văn thơ nhạc họa đã không hết lời ngợi ca. Người ta ngưỡng mộ người phụ nữ, ca ngợi họ, tung hô họ vì sự hy sinh miệt mài ấy, nhưng liệu có bao giờ người ta đã đồng cảm với họ và xót xa cho họ chưa?
Một người chồng được xem là giỏi giang khi anh ta có một công việc tốt, có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội và kiếm được nhiều tiền. Còn người vợ được xem là giỏi giang, chu toàn là khi cô ấy vừa biết kiếm ra tiền để không mang tiếng phụ thuộc chồng, vừa khéo léo chăm sóc cho nhà cửa, chồng con, phục vụ chồng con chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ.
Tôi sẽ dạy cho con biết nấu nướng, trước hết là để lo cho mình chứ không phải là để phục vụ ai.
Tôi sẽ cho con ăn học đàng hoàng, con sẽ tìm được một công việc tử tế để tự chủ tài chính, trước hết là để chăm lo cuộc sống của mình chứ chưa vội phải cung phụng cho ai.
Tại sao cứ là phụ nữ thì mặc định phải sống một cuộc đời hy sinh? Trong khi chúng ta cứ suốt ngày kêu gọi rằng cần bình đẳng giới, thế nhưng sự hy sinh của người phụ nữ dường như đã trở thành một thứ “luật ngầm” khó có thể rũ bỏ trong ngày một ngày hai.
Cũng đều có hai chân, hai tay, cũng có một ngày 24 tiếng không hơn không kém, thế nhưng sự nhìn nhận, đánh giá về phụ nữ và đàn ông lại chẳng hề giống nhau.
Có bao giờ bạn nghĩ người phụ nữ luôn sẵn sàng nhận về mình tất cả sự vất cả, cam chịu và lo toan để làm gì không? Chẳng phải họ muốn được người đời ca ngợi và tung hô đâu, tất cả chỉ bởi hai con chữ quyền lực “tình yêu”. Họ yêu thương chồng con đến nỗi quên luôn cái cách để yêu bản thân mình. Họ quay cuồng trong việc bày tỏ tình yêu của mình mà lại quên mất rằng chính cái cơ thể bé nhỏ kia, chính cái tâm hồn nhạy cảm kia cũng cần phải được sưởi ấm từng ngày.
Thế nên mai này có con gái, tôi sẽ chẳng bao giờ dạy con ba chữ “phải hy sinh”. Ngày tiễn con về nhà chồng, tôi sẽ không cầm tay con mà dặn dò “phải hy sinh vì nhà chồng” hay “có gì cũng phải nhẫn nhịn con nhé!”.
Hôn nhân là dấu mốc thiêng liêng của cuộc đời mỗi con người, là khi con quyết định sẽ nắm tay ai đó đi đến hết cuộc đời. Đừng khiến sự kiện ấy trở thành điều gì đó nặng nề, là khi phụ nữ phải gấp lại mọi ước mơ còn đang dang dở.
Tôi luôn trân trọng những người đã và đang tận tụy hy sinh. Nhưng thực lòng tôi không mong họ sẽ sống mãi một cuộc đời như vậy. Nói gì thì nói, cuộc sống vợ chồng cần nhất chính là sự sẻ chia, không thể nào có cái chuyện một người thì cứ mãi phơi phới, phong độ và trẻ trung, còn một người thì cứ dần héo úa và tàn phai theo năm tháng.
Chắc chắn, tôi sẽ không dạy con đối xử với bản thân mình một cách tàn nhẫn như vậy. Thân thể và tâm hồn của một cô gái là do cha mẹ cô ấy trao tặng, là thứ cần phải được nâng niu và nuôi dưỡng, chứ không phải là để thả trôi vô định cho đến lúc tàn phai.
Tôi sẽ dạy con cách để làm đẹp mình, để nó được tự hào về mình chứ không phải để làm hài lòng một ai khác.
Và…tôi sẽ dạy cho con cách sống thật tốt, cách cười thật tươi và cách tự tin bước đi để kiêu hãnh vào đời, trước hết là để con sống thật hạnh phúc chứ không phải là để đem lại hạnh phúc cho bất kỳ một người nào khác.
Nguồn: phunuvagiadinh