Nếu Mai Không Nở …
… Anh đâu biết … xuân về hay chưa …?
Ngày đó, nỗi băn khoăn mỗi khi nghe câu hát này thật mơ hồ, nhưng vẫn khiến cô bé buồn. Cái buồn ngây thơ, man mác của một bé con mới mười một, mười hai tuổi.
Ba cô là người rất yêu văn nghệ, ông sắm nguyên một bộ trống, kèn, đàn và ampli cho một ban nhạc bỏ túi. Ông bà đã có bảy đứa con, bốn trai, ba gái. Ông kỳ vọng mỗi đứa con của ông sẽ biết xử dụng thông thạo một loại nhạc cụ. Đàn con còn bé quá, không biết đến bao giờ cái ban nhạc gia đình của ông mới hình thành đây? Trong khi đó tình hình chiến sự vẫn tiếp diễn, lan rộng khắp cả nước, vợ chồng ông thường đứng ra bảo trợ cho một vài người cháu từ trong quê tản cư ra đi học. Đây là cách vừa giúp đở họ hàng, cũng vừa có người dạy kèm cho mấy đứa nhỏ.
Một trong những anh chị rời làng quê ra Đà Nẵng trọ học có anh Thuyết, cháu gọi ba cô bằng chú, anh hát hay lắm, thuở bảy tám tuổi đã biết đàn guitar, đi diễn khắp nơi trong quận. Đám bạn văn nghệ của anh thường tụ tập lại nhà ông chú để hát hò vui vẻ. Ông chú hào phóng, yêu văn nghệ khuyến khích mấy anh em thành lập một ban nhạc nhỏ, vừa ca sĩ vừa nhạc công chừng bảy tám người, hầu hết là bạn bè cùng trang lứa, đang ở bậc trung học. Ban nhạc theo gợi ý của chú lấy tên là ban “Nhạc Về Giới Tuyến” hay đi hát giúp vui ở các đồn lính quanh thành phố, phát thanh đều đặn ở làn sóng của Đài phát thanh thành phố. Mỗi chiều cuối tuần, ban nhạc cũng có chương trình phát hình trực tiếp ở Đài Truyền hình Đà Nẵng tận bên Sơn Chà. Cô bé ham chơi, ham học đôi khi cũng tập tò hát hò. Mỗi kỳ thi lục cá nguyệt, cô thường hát để lấy điểm mười thay cho môn thi học thuộc lòng. Cô bắt chước mấy anh chị trong ban nhạc hát những bài hát người lớn, thời đó thịnh hành là những bài hát điệu rumba viết về đời lính chiến. Loại nhạc với lời hay, dễ hát, dễ đi vào lòng người.
Thuở đó anh Cương là người dạy kèm cho mấy chị em cô, anh là ca sĩ chính của ban nhạc, anh thường song ca với chị Hoài Trang, một nữ sinh Hồng Đức, khóa đàn chị của cô. Anh là đồng hương với ca sĩ Duy Khánh. Giọng hát của anh cũng tương tự vậy, ảnh hưởng cái giọng nằng nặng của người dân Quảng Trị. Gia đình cô khắng khít với ban Nhạc Về Giới Tuyến lắm, hàng tuần các anh chị thường tụ tập tại nhà cô để tập hát, đùa giởn náo nhiệt. Khoảng thời gian rộn ràng này kéo dài không bao lâu, các anh đến tuổi phải nhập ngũ, các chị đến tuổi lập gia đình.
Tình hình đất nước những năm đầu thập niên bảy mươi chẳng yên ổn. Đêm đêm, cô bé thường lên sân thượng nhà mình, ngắm những đóm hỏa châu rực sáng ở một góc trời. Tâm hồn ngây thơ của cô chưa hình dung được những khắc nghiệt của chiến tranh, nhất là cuộc nội chiến đang xảy ra trên quê hương cô. Tuy vậy, lời hát của những bản nhạc cô thường nghe cũng chạm đến một vùng êm ả trong tâm hồn ngây thơ của cô “… Những đóm mắt hỏa châu, bừng lên trong màn tối, như mắt em sáng ngời theo anh đi ngàn lối, những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi …”
Người đầu tiên chia tay ban nhạc để bước vào đời lính là anh Bình, anh là một tay đàn của ban nhạc. Vì chưa tốt nghiệp tú tài một nên anh chỉ mang cấp bậc binh nhì sau mấy tháng huấn luyện ở thao trường. Cô bé cũng chưa được nghe anh Bình kể gì về buồn vui đời lính thì đã hay tin anh tử trận. Ngày đưa tang anh, nhìn bà mẹ già ôm quan tài thằng con trai còn quá trẻ, khóc ngất, chút hoang mang đến với cô bé mười ba tuổi. Thế rồi lần lượt các anh khác cũng lên đường, chị Hoài Trang kết hôn với anh Đỗ Kha, anh Cương vào quân trường Thủ Đức. Anh Thuyết vào Võ bị Quốc Gia Đà Lạt … Ban Nhạc Về Giới Tuyến không còn hoạt động nữa. Thỉnh thoảng mấy anh chị cũng ghé nhà thăm ông chú, niềm vui còn lại là những mẩu chuyện nhắc đến thời vàng son của một ban nhạc bỏ túi hoàn toàn phục vụ cho nghệ thuật.
Năm 1974, cô bé đến tuổi trăng tròn, gia đình cô đã dọn nhà từ trong xóm ra một biệt thự khá lớn ngoài mặt tiền. Một trưa mùa hè, có một chàng lính, quân phục nghiêm trang ghé vào nhà cô, cô bé chạy ra mở cổng. Là anh Cương, người dạy kèm cho cô năm xưa. Trong bộ đồ trận của binh chủng biệt động quân, làn da ngăm ngăm đen, trông anh thật cứng cỏi, dạn dày sương gió. Anh Cương vào thăm gia đình cô bé. Qua câu chuyện thì ba cô mới biết là sau khi làm giấy tờ khai sụt tuổi nhiều lần, cuối cùng anh Cương cũng đến tuổi nhập ngũ, anh vào quân trường Thủ Đức mùa hè năm 71. Hàng năm anh đều về thành phố để tham dự cuộc thi tay súng thiện xạ. Cô bé rót nước ra mời chàng trai, miệng lí nhí, nét e thẹn của một thiếu nữ mới lớn khiến anh Cương ngơ ngẩn. Anh mang hình ảnh đó theo trong ba lô trong những ngày tiếp tục lao vào cuộc chiến. Những đợt hành quân, những đêm trăng sáng nơi tiền đồn, đốt điếu thuốc, nhìm cụm khói bay mà mơ tưởng về hình ảnh một cô gái nhỏ dễ thương, ánh mắt trong sáng, nụ cười kín đáo. Lòng anh ấm áp hẳn lên.
Chiến tranh leo thang, mỗi ngày anh phải chứng kiến bao nhiêu sự ra đi vỉnh viển của người thân. Một đồng đội, mới hút chung nhau điếu thuốc, cùng nằm bên nhau trong một giao thông hào, mới đó đã bị đạn bom cướp đi sinh mạng. Những dòng máu đổ xuống, thấm trên mảnh đất hình cong chữ S đều là máu của giống dân da vàng đã từng tự hào là cùng chung bọc trứng, là anh em của cả hai miền nam bắc mà! Mạng sống con người trong thời lửa đạn sao quá mong manh, anh không dám mơ đến một mái ấm cho riêng mình, hình ảnh cô bé ngày nào anh giữ ở một nơi rất sâu kín, anh lẩm nhẩm hát những câu nhạc tình như gởi theo gió mây nổi niềm của mình …
Mùa xuân năm 1975, nghe đâu có lệnh sẽ cắm trại 100% từ sĩ quan đến lính. Trước Tết vài tuần, anh liều mình chuồn về thăm gia đình tại Đà Nẵng. Bước chân anh không quên ghé qua căn nhà có ông chú vui tánh và cô bé dễ thương. Tình cờ gặp bữa ăn, anh được mời ăn chung với gia đình cô một bữa ăn tối rất ấm áp. Mặc kệ cái án phạt hít đất hay cấm cố, … gì gì rất khắc khe trong quân đội, anh cũng quên luôn khuôn mặt khó đăm đăm của vị chỉ huy trưởng. Đời lính rày đây mai đó, biết đâu … một thoáng bi quan đến trong anh.
Sau bữa ăn, cả nhà ngồi lại nhắc lại những kỷ niệm với Ban Nhạc Về Giới Tuyến, ông chú thăm hỏi những anh đã vào quân đội, ai còn ai mất, đóng quân ở đâu? Cô bé mang cây guitar ra đặt vào tay anh, rồi lại nhìn ông bố:
- Ba, lâu quá, không nghe anh Cương hát?
Anh cầm cây đàn, ánh mắt cười cười nhìn cô bé trong bộ đồ lụa vàng óng ả, tóc ngắn và đôi mắt tuổi mười sáu sáng như hai vì sao. Anh chới với, lúng túng. Ông chú vui vẻ:
- Phải đó, lâu nay ra trận, cầm súng. Nay phải cầm đàn, hát vài bản cho cuộc đời thêm thi vị chớ con!
Tiếng con, không biết ông chú dùng với đứa con gái hay với mình mà sao anh nghe thân thương vô cùng. Thế là anh bắt đầu hát, giọng anh như nức nở nói lên tâm trạng của người lính đón xuân nơi tiền đồn … Hỏi xuân có gì vui, xuân làm dáng cho đời, đẹp tình câu hát thôi … Ôi đất nước hai nơi, xuân đi làm sao tới, dặn lòng xin chớ vui! ... Cô bé đứng dựa ở ban công nhìn anh, nét rắn rỏi trên khuôn mặt, ánh mắt u buồn, trông anh thật phong trần, chững chạc. Phải rồi, anh lớn hơn cô cả một con giáp là mười hai tuổi mà. Cô thỏ thẻ:
- Anh Cương, bộ lính … không được nghỉ để ăn Tết hả?
Anh cười với cô rất hiền:
- Bọn anh phải canh gác để các em được ăn Tết chứ!
- À…
Rồi anh hát:
… Đồn anh, đóng bên rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa, hẹn em, một cánh thư xuân …
Cô bé nhìn anh, cô hình dung ra sự lẻ loi của những người đón xuân nơi tiền tuyến. Không có hội chợ rộn ràng, không có mai vàng nở, không có câu đối đỏ, bánh chưng xanh … làm sao biết có mùa xuân đang đến. Tiếng súng đì đùng đêm đêm vọng đến thay cho tiếng pháo mừng xuân. Cô đến ngồi xuống bên cạnh anh, bàn tay nhỏ của cô xoa nhẹ lên cánh tay rám nắng của anh Cương, ánh mắt cô như rươm rướm ...
… Không có ai, cả anh và cô bé, hay nói chung là tất cả người dân hai miền nam bắc có thể ngờ rằng cái Tết năm đó là cái Tết cuối cùng trong khói lửa. Sau đó thì cả nước thống nhất, không còn tiếng súng, không còn cắm trại hay giới nghiêm. Những năm sau 1975 bình yên về chính sự nhưng cả nước phải thắt lưng buộc bụng để xây dựng lại đất nước và khắc phục những thương tích do chiến tranh để lại. Tất cả những nhân viên trong guồng máy hành chánh hay quân đội đã từng phục vụ cho chế độ cũ đều được tập trung vào những trại cấm, để cải tạo tư tưởng. Dĩ nhiên trong số đó có ba cô bé và những người thân, kể cả các anh trong ban nhạc nhỏ ngày xưa. Thỉnh thoảng, mỗi năm một hoặc hai lần, gia đình cô sắm sửa lương thực để thăm nuôi ông bố. Cô bé bây giờ đã lớn và biết phụ với mẹ buôn bán nuôi đàn em.
Dần dần, những người cải tạo cũng lần lượt được tự do. Anh Cương được trả về đời sống dân sự sau bảy năm cải tạo. Anh đến nhà thăm gia đình cô và kể biết bao nhiêu chuyện trên trại. Anh Cương cho cả nhà biết anh và ông chú dễ thương, ba cô bé có duyên cùng ở chung một trại trong suốt bảy năm vừa qua. Lúc này, cô bé đã có một sạp hàng buôn bán ngoài chợ. Tương lai của cô chỉ dừng ở đó, ngày hai buổi đi về với nhiều lo toan vượt quá mức của một thiếu nữ mới lớn. Anh Cương lui tới nhiều lần, anh ghé đến chở cô bé đi dọn hàng vào sáng sớm, thả cô ở cổng chợ, anh cười nhẹ với cô, ánh mắt anh lấp lánh niềm vui, anh chúc cô một ngày buôn bán đắt đỏ. Buổi tối, anh lại ghé đón cô về. Chiếc xe đạp cũ kỹ, già nua cũng là phương tiện để anh kiếm cơm vào thời điểm đó. Những đêm trăng sáng, anh Cương đưa cô về rồi vào nhà chơi, uống ly nước với ông anh trai cô. Sau đó anh ôm đàn ngồi hát, anh hát rất khẻ những bài hát thuở xưa mà nay đã bị tạm cấm. Cô bé lắng tai nghe trong nỗi xúc động đến khôn cùng. Thế giới có bao nhiêu đổi thay nhưng anh Cương vẫn vậy, ít nói, thích hát hò và ánh mắt anh nhìn cô vẫn ấm áp, đầy yêu thương. Tình cảm của anh Cương đối với cô và gia đình rất thân thiết, anh có mặt hầu hết những dịp vui buồn của gia đình, các em của cô thương anh như anh ruột. Chỉ có riêng cô bé là mãi mê với việc buôn bán và đôi ba chàng trai đang theo đuổi cô. Cô biết anh Cương đang dành riêng cho mình một cảm tình đặc biệt. Anh không còn là anh Cương của mười mấy năm về trước dạy cô học, cầm tay nắn nót cho cô từng nét chữ, ôn tồn giảng cho cô những bài toán khó. Bà mẹ tinh ý đôi khi nhắc chừng cô: “Ưng thằng Cương cho rồi, má thấy nó đàng hoàng, gia đình mình cũng thân thiết với nó từ lâu. Má thấy nó lui tới hoài, chắc là có tình ý với con đó, chọn lựa chi nữa …”. Mặc cho lời nhắc khéo của mẹ, cô bé vẫn ung dung đi về theo sự hối thúc của trái tim.
Ngày đó cô mới lớn, tình yêu đối với cô không phải là chọn lựa, không phải là một cái gì có thể đem lên bàn cân để cân đo, đong đếm mà là một cảm xúc rung động từ trái tim. Sau một lần rơi lệ cho mối tình đầu tưởng như đánh cô ngã gục. Cô đứng lên được, lại đang vi vu với một tình yêu khác. Hình ảnh anh Cương với những câu hát bóng gió xa gần, những săn sóc nhẹ nhàng không làm cô rung động như thuở còn bé. Cô không hề biết rằng nhiều năm trước đây, khi cô ngây thơ xoa nhẹ cánh tay anh để chia sẽ nổi cô đơn mà cô chỉ hình dung từ những câu anh hát. Cái hành động bất ngờ nhưng dịu dàng, đi kèm với ánh mắt long lanh lệ của cô đã làm ấm lòng anh như thế nào trong những ngày còn mang quân phục, rồi những đêm giá lạnh nơi tại cải tạo thiếu thốn từ vật chất đến tình thương. Cô bé làm sao biết được những điều đó đã mang bước chân anh gần gia đình cô nhiều hơn. Cô đang mãi mê với những niềm vui mới…Cả cô và anh đều chẳng bao giờ ngờ, cuộc đời vốn là một chuổi dài liên kết những bất trắc, phước hoạ không ai lường được.
Hơn một tháng sau khi sanh đứa con đầu, cô mang con về nhà mẹ trong một hoàn cảnh éo le, thiếu thốn mọi bề vì căn nhà cũ vừa bị trưng thu. Anh Cương đến thăm mẹ con cô với những thăm hỏi rất thân tình. Không ngở ngàng, không xa lạ, anh giúp gia đình cô với tất cả khả năng anh có được của một người đi làm thuê ngày hai buổi. Gần Tết năm 1985, nhân đám cưới đứa em trai của cô, anh mang bộ ampli cũ kỷ anh mua được và cây đàn đến giúp vui văn nghệ, giọng hát của anh trong một bản nhạc vui lúc này sao nghe nức nở da diết, ánh mắt anh vẫn nhìn cô với đứa con dại trong vòng tay. Ánh mắt anh trìu mến, không đổi thay “… Bằng lòng đi em, về với quê anh, một cù lao xanh, một dòng sông xanh. Bằng lòng đi em thưa má, thưa ba ...”. Ngoài kia, những nụ mai vàng chưa kịp nở, xuân chưa đến và lòng cô là một mùa đông băng giá. Những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên đôi má người thiếu phụ trẻ bởi đời cô chẳng khác gì, cũng chẳng có mùa xuân.
Tết năm đó, mẹ cô đi thăm ông bố về, lẫn trong những câu chuyện trao đổi giữa hai ông bà, mẹ cô đã nhắc đến anh Cương. Bà được ông bố cho biết, những ngày chú cháu gặp nhau trên trại cải tạo, anh Cương thường nhắc đến cô con gái đầu của ông chú với nhiều tình cảm. Ông chú hào sảng đã hứa: “Con về, nếu thấy có cảm tình chân thật với em thì chú thím gả nó cho con, năm nay con nhỏ cũng đã hăm mấy rồi. Vợ chồng lo đùm bọc, làm ăn …”. Lời hứa của ông chú chính là một động lực kỳ diệu, một liều thuốc hồi sinh cho chàng trai trẻ đã dâng hết quãng đời thanh xuân cho chiến trường và tiếp theo là nơi cải tạo. Cái tin đến trể này chỉ khiến bà mẹ ngậm ngùi cho duyên phận lở làng của cô con gái và thương cho chàng rể hụt dễ thương, đầy tình nghĩa. Tuy vậy, lâu lâu nhìn thấy cảnh con gái lẻ loi ôm con dại, bà mẹ nổi nóng cũng chì chiết: “Hồi đó mà ưng thằng Cương thì đâu đến nổi này …”
Anh Cương sau đó vẫn tiếp tục lui tới nhà cô bé nhiều lần, anh chính thức ngỏ lời và muốn cùng hai mẹ con cô vượt biên theo một đường dây của gia đình anh. Bà mẹ khuyến khích con gái nhận lời nhưng vết thương lòng của cô còn nhức nhối, nên một lần nửa, cô từ chối tấm chân tình của anh Cương.
Thế rồi, tuổi thanh xuân của cô bé trôi theo những tháng ngày lận đận vì cơm áo. Bà mẹ cô khi hay tin anh Cương đã vượt biển thành công, mừng cho anh bao nhiều thì bà lại càng bực bội với con gái: “Cá không ăn muối cá ươn …”. Cô bé lầm lì: “Con người có số hết má à, biết đâu có mặt con trong chuyến đi thì ảnh mất hên!”
Cuối cùng, từ trại cải tạo, ông bố được trở về sau mười một năm. Nhờ chương trình định cư nhân đạo, hai mẹ con cô bé cũng được đi Mỹ theo hồ sơ của ông bố. Ngày được phái đoàn chấp thuận, cô bé nói với bà mẹ: “Má coi, con số xuất ngoại, đâu có cần vượt biển vượt rừng, rốt cuộc con cũng ra nước ngoài bằng máy bay nè!” Bà mẹ hứ con gái một tiếng dài.
Cô đã rời quê hương lâu lắm, mỗi dịp xuân đến, các trung tâm băng nhạc phát hành biết bao nhiêu băng nhạc xuân, lời ca tiếng hát như đưa người ta trở về với những tháng ngày xưa cũ. Hình ảnh đêm giao thừa, tiếng pháo mừng xuân, những phong tục tập quán dân tộc được nhắc đến nhiều trong các chương trình mừng xuân, hội chợ Tết … Nhưng nơi cô ở không bao giờ thấy một cành mai, không bao giờ được ngắm những nụ mai be bé, xinh xinh. Đêm trước mới bắt đầu hé những cánh vàng nhỏ xíu, ngủ một giấc, qua sáng hôm sau đã thấy hoa mai vàng rợp khắp cành cây. Cái màu vàng tươi của hoa mai và màu xanh nỏn nà của những chiếc lá biếc, sáng bóng trên cành, xen lẩn những cánh thiệp xuân đủ màu sắc trang điểm cho cành mai thêm thi vị. Ngắm cành mai vàng với trăm hoa đua nở người ta như thấy cả mùa xuân về với đất trời.
Từ lâu lắm, gia đình cô vẫn không hề biết tin tức gì của anh Cương. Gần Tết, cứ nghe câu hát “Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa …” cô chợt thoáng nhớ đến anh Cương. Cảm xúc ngày xưa chợt kéo về khiến cô nghe lòng mình rưng rưng.
Ngắm hoa đào xứ người khoe đủ màu, đủ sắc, thắm tươi, cô nhớ cành mai vàng ngày Tết ở quê cô. Thật lâu không được ngắm mai nở, nên đi giữa mùa xuân mà cô không biết xuân đã về hay chưa?
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta 15/1/2011