Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Ngày ấy và bây giờ TĐT
Những ngày này khoa tôi rộn ràng hẳn lên, người lo làm poster, kẻ làm báo, nhóm thì sửa lại các đề tài nghiên cứu khoa học; nhóm lo làm giấy mời gởi đi cho kịp, không chỉ trong nước mà còn nước ngoài, cả quan khách lẫn cựu sinh viên và sinh viên; nhóm thì làm đĩa CD hoạt động của khoa; nhóm lo văn nghệ; người lo chương trình lễ hội; nhóm thì lo đi chạy tiền ... Sinh viên điều dưỡng đang dấy lên một phong trào vừa học tốt vừa chơi tốt, những hoạt động của sinh viên để chào mừng ngày trọng đại này vẫn đang còn nằm trong vòng bí mật. Ôi thôi! một số lượng lớn công việc đang còn ngổn ngang mà ngày lễ kỷ niệm lại đang đến gần, đụng vào việc gì tôi vẫn thấy chưa xong, chưa yên tâm. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian. Thầy trò chúng tôi đã và đang làm việc hết sức mình, tất cả cho kỷ niệm 10 năm ngày thành lập khoa điều dưỡng.
Thấm thoát mà đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ ngày tôi rẽ sang một bước ngoặc khác của cuộc đời. Một ngày cuối đông năm 1997, Ban giám hiệu cho mời tôi lên để bàn về việc mở ngành đào tạo mới, lúc đó tôi đang là phó chủ nhiệm bộ môn giải phẫu, tôi hỏi nhiều người chẳng ai có giấy mời như vậy. Tôi lên phòng họp BGH, gặp Thầy Phụng - Hiệu Trưởng lúc bấy giờ, anh Lình là Hiệu phó. Để khỏi mất nhiều thời gian, thầy Phụng vào đề ngay: “Hôm nay chẳng phải buổi họp, BGH muốn mời anh lên trao cho anh một nhiệm vụ mới về điều dưỡng để mở ngành đào tạo mới, thầy Phụng nói tiếp “Anh vẫn làm giải phẫu, kiêm thêm việc này”.
Tôi hơi đăm chiêu suy nghĩ, anh Lình lại tiếp thêm: “Làm điều dưỡng cần một người ngoại khoa, với lại anh mới đi Pháp về, anh học được nhiều tinh hoa của điều dưỡng ở các nước tiên tiến, anh phải đem tinh hoa đó về mà phục vụ đất nước chứ. Đối với giải phẫu, anh cống hiến như vậy cũng đủ rồi, tài nghệ của anh ai mà chẳng biết, anh làm gì chẳng được. Anh mới thành công trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường, với vai trò trưởng ban trang trí”. Thầy Phụng nói tiếp: “Đảng Uỷ và BGH đã nhắm người rồi không có nhầm đâu, sẽ có thêm người giúp cho anh, bước đầu có một người nội khoa, anh có muốn chọn ai không?” Như bị “đánh phủ đầu”, tôi chỉ còn nói được một câu: “BGH nói đột ngột quá, cho tôi một thời gian suy nghĩ trước khi trả lời”. Anh Lình tiếp lời: “Không còn nhiều thời gian đâu anh Thái, năm học đến (1998-1999) là mình mở ngành mới, bao nhiêu công việc mình phải làm mới hy vọng kịp thời gian, mong anh trả lời sớm”.
Tôi chào Thầy Phụng và anh Lình ra về mà không thể không suy nghĩ về một mặt trận mới. Tôi sang Pháp đợt vừa rồi để học về ngoại thần kinh, tôi muốn xây dựng ngành ngoại thần kinh tại Huế, vốn là một ngành rất yếu ở Huế, tôi mới khởi động chỉ có mấy tháng thôi, một ngành nghề tôi thích dù gian khổ trong phẫu thuật thần kinh. Đối với BM giải phẫu, tôi đã công hiến nhiều, nhất là những năm tôi phụ trách BM, bây giờ BM giải phẫu khá mạnh nên tôi cũng có thể ra đi, mặc dầu tôi đã sống quen ở môi trường đó rồi. Điều dưỡng - một ngành mới, tôi biết, nhưng chưa một lần dấn thân, nhất là đào tạo đại học điều dưỡng, bao nhiêu ý tưởng đang quay cuồng trong tôi, đi đến một môi trường hoàn toàn mới hay là không? Một bài toán mà tôi cần phải giải trong một thời gian ngắn: “ở lại với giải phẫu hay ra đi???”.
Mấy hôm sau anh Lình lại mời tôi lên và giao cho tôi một số công việc xem như làm giúp cho Trường, chứ không nói là tôi về điều dưỡng hay là thành lập BM điều dưỡng gì cả. Anh Lình nói sẽ có BS An bên bộ môn nội qua cùng làm việc với anh. Anh Lình hỏi: “Anh có ý kiến gì về BS An?” Tôi trả lời: “Tôi làm việc với ai cũng được, miễn người đó có khả năng và thiện chí”. Trong bụng tôi nghĩ thầm: “BS An nguyên là bí thư đoàn trường, làm tổ chức, làm đào tạo, chắc là làm việc tốt thôi, mặc dầu tôi chưa làm việc chung với BS An bao giờ”.
Công việc trước mắt là lấy 1 phòng trên tầng 4 làm phòng làm việc, sửa sang phòng thực tập ở tầng 2 khoảng 20m2 (phòng thực tập GPB-PY bây giờ), và rất nhiều công việc khác liên quan đến các thủ tục hội thảo liên bộ, liên ngành về mở ngành đào tạo mới. Tôi nhận chìa khoá, cùng với anh Lình đến xem hai phòng đó, cả hai đều là phòng không nhà trống. Anh Lình nhìn tôi cười và nói: “Anh biến 2 phòng này thành một phòng thực tập cho SV và một phòng làm việc”. Tôi cũng nhìn lại anh Lình cười mà rằng: “Tôi lấy cái gì mà biến đây, tôi đâu có phép lạ gì”. Anh Lình lại tiếp: “Anh xuống phòng quản trị có bàn ghế cũ còn dùng được, cho người khiêng lên đây để làm việc. Phòng thực tập thì anh thiết kế, sửa sang, quét nước vôi lại, mô hình thì mượn dưới BM Giải phẫu của anh lên và qua bên Trường Trung cấp y tế mượn một số mô hình vì đây là phòng mà đoàn nghiệm thu sẽ đến tham quan. Công việc trước mắt chỉ có như vậy thôi anh Thái nhé”. Thế là anh Lình như là lấy đinh đóng tôi vào cột điều dưỡng.
Nhà trường đã giao như vậy, bây giờ chỉ có tiến lên thôi. Tôi lên một kế hoạch sửa sang 2 phòng, “miệng làm cai vai làm đầy tớ”, tôi đến phòng quản trị để đưa bản dự trù sửa chữa, về BM giải phẫu mượn các mô hình cũ, và những mô hình không sử dụng như các mô hình ở các cửa tiệm để mặc áo quần mẫu, qua Trường trung cấp y tế Huế mượn một số mô hình, tất cả đều để tại chỗ khi nào sửa xong phòng thực tập tôi sẽ cho mang phương tiện và mô hình về.
Vài hôm sau, BS An đến gặp tôi, tôi đưa BS An đi xem 2 phòng của BM điều dưỡng (tạm gọi như vậy), tôi cũng báo cho BS An biết là công việc sắp làm là như thế, chưa có kế hoạch thành lập BM điều dưỡng gì đâu. Bước đầu BS An hơi nản, qua ánh mắt của An tôi đọc được. Nhưng rồi BS An cũng phải dấn thân thôi.
Vào thời điểm này vai tôi bị đè nặng bởi 3 công việc: Vẫn dạy và làm việc tại BM giải phẫu cho đủ giờ giảng hằng năm, đi lâm sàng, mổ xẻ tại Khoa Ngoại thần kinh-dịch vụ BV Trung ương Huế, và nặng nhất đó là điều dưỡng vì công việc thì nhiều, nhưng không biết như thế nào? Đường đi ra sao ...?
BS An vẫn làm việc ở khoa nội, rảnh khi nào là sang bên Trường cùng tôi làm việc. Hai chúng tôi chung lưng đấu cật để làm mọi việc mà nhà trường đã giao phó. Công việc nhiều, nên phân công mỗi người một việc để chuẩn bị cho ngày hội thảo mở ngành mới. Phòng làm việc đã có đủ bàn ghế, phòng thực tập khang trang, sáng sủa. Tôi đem các mô hình từ BM giải phẫu, từ Trường trung cấp y tế Huế về. Nhìn đi, nhìn lại nó cũng giống một phòng thực tập (khoá I CNĐD được học thực hành tại đây).
Đầu năm 1998, Hội thảo lớn liên Bộ Y Tế-Giáo Dục và Đào tạo về mở ngành đào tạo mới có sự tham gia của Trường Cao Đẳng Y tế Nam Định, Trường Đại Học Y Hà Nội, Đại học Huế, BV TW Huế, Sở Y tế TT-Huế, Trường Trung Cấp Y tế Huế ... được tổ chức tại Trường. Hội nghị đã thành công, ngành đào tạo điều dưỡng đã được thông qua. Nhưng phải liên kết với Trường Đại Học Y khoa Hà Nội để mở lớp đào tạo Cao Đẳng Điều Dưỡng. Sau hội thảo, tôi hướng dẫn đại diện của các Bộ, Trường Y Hà Nội tham quan phòng thực tập, họ cũng có vẻ gật đầu và cười cười, tôi không hiểu họ có gật đầu thật hay không?
Năm học 1998-1999 lớp cử nhân cao đẳng điều dưỡng đầu tiên của trường tuyển sinh có 56 SV. Chúng tôi lao vào công việc luyện thi và tuyển sinh. Mùa hè năm 1998, tôi và An đi tham quan Trường Nam Định để học tập kinh nghiệm, mượn giáo trình ... Chúng tôi đã qua một đêm ở Trường Nam Định, ở lại trong nhà khách của trường, bị mất điện, trời nóng như đổ lửa, chúng tôi phải khiêng giường ra ngoài sân để ngủ, bị bọn muỗi hành hung quá trời; nhưng dù sao chúng tôi cũng học được một số kinh nghiệm nho nhỏ. Một thời gian sau đó, tôi đi tham quan BV Uông Bí ở tỉnh Quảng Ninh, đây là một BV hiện đại thời bấy giờ, một cơ sở thực hành điều dưỡng rất tốt. Chúng tôi đã đưa SV điều dưỡng khóa I và khoá II đi thực tế tại BV này. (sau này vì lý do kinh tế nên chương trình này chấm dứt).
Lớp CĐĐD khoá I đã học hết năm thứ nhất, bắt đầu học năm thứ 2, mà BM điều dưỡng vẫn còn nằm đâu đâu, chưa thấy một tín hiệu gì thành lập. Lúc bấy giờ, rất nhiều công việc chúng tôi phải làm: soạn giáo trình, giáo án, tài liệu giảng dạy...và ... mà trong tay không có người, không có sách vở và tài liệu tham khảo nào cả ... Vào quý III & IV năm 1999, thêm một số CBGD kiêm nhiệm và BS mới ra trường đều là nữ về BM (mặc dầu chưa có BM), làm cho chúng tôi phấn khởi và tinh thần lên hơn nhiều.
Cuối năm 1999 mới có quyết định của Giám đốc Đại Học Huế thành lập BM Điều Dưỡng thuộc Trường đại học Y khoa Huế, nhưng vẫn chưa có BCN bộ môn, mãi đến đầu năm 2000, Đại Học Huế bổ nhiệm tôi làm chủ nhiệm BM điều dưỡng và thôi làm phó chủ nhiệm BM giải phẫu. Trường bổ nhiệm BS An làm phó chủ nhiệm. Từ ngày đó, chúng tôi mới có danh chính ngôn thuận để làm việc.
Dự án Vietvoc của Phần Lan đến giúp đỡ cho Quảng Trị đào tạo nghề, trong đó có ngành điều dưỡng. Quảng Trị lại chưa có Trường điều dưỡng, nên những GV điều dưỡng này đã đến thăm trường tôi. Bà Kako, thạc sĩ điều dưỡng Phần Lan và Cô SV Christina Hoang Sario, mang trong người 25% dòng máu Việt Nam, đã đến Trường Y Huế vào đầu năm 1998. Đây là những GV và SV điều dưỡng nước ngoài đầu tiên đến với BM điều dưỡng Huế. Họ đã giảng dạy và học tập tại đây. Đồng thời mang đến những món quà đầu tiên cho chúng tôi gồm: Overhead, giường bệnh để SV thực tập, computer, TV, sách vở ... và một loạt CBGD của trường tôi đã đi tham quan học tập ngắn hạn tại Phần Lan, trong đó chỉ có tôi làm điều dưỡng và đi muộn hơn vào năm 2001. Tháng 4/2001, tôi đã thực hiện một vòng 3 tháng đến Phần Lan, Hoa Kỳ, Canada. Chuyến đi đã đem lại một kết quả đáng khích lệ cho công tác đối ngoại của BM-khoa điều dưỡng sau này.
Những người Phần Lan đã đến với trường tôi rất sớm, hợp tác giữa họ và chúng tôi sống mãi cho đến hôm nay, mặc dầu dự án Vietvoc đã kết thúc lâu rồi. Hợp tác với Phần Lan đã tạo một tiền đề để tìm đối tác nước ngoài giúp cho sự lớn mạnh của khoa điều dưỡng, và khoa tôi đã làm được điều đó. Từ đó, tôi nhận ra rằng hợp tác quốc tế là rất quan trọng cho sự phát triển của khoa. HTQT trong nhiều lĩnh vực đã trở thành một thế mạnh của khoa điều dưỡng trong hơn 10 năm qua.
BM điều dưỡng ra đời, một phòng làm việc, không đủ, tôi xin thêm 1 phòng nữa vẫn ở tầng 4. Phòng thực tập quá chật, thêm vào đó BM giải phẫu bệnh đòi lui để làm phòng thực tập cho SVYK, chúng tôi phải chuyển phòng sang một phòng khác rộng rãi hơn ở tầng 2 (khoá II bắt đầu thực tập tại đây).
Ngày tháng trôi đi Trường tôi đã hoạt động độc lập nhiều hệ đào tạo điều dưỡng được mở ra, số lượng SV ngày càng đông. Đào tạo CNĐD không chỉ tại trường mà còn vươn đến các tỉnh, đến tận cả miềm Nam xa xôi. CBGD và CB phục vụ giảng dạy được tuyển thêm hàng năm.
Nhiều đối tác nước ngoài đã đến với chúng tôi (gặp ai tôi cũng mời họ đến với khoa điều dưỡng), ngoài Phần lan còn có Hoa Kỳ, Canada, Hà lan, Đức, Úc ... Nhiều sinh viên nước ngoài cũng đến khoa tôi học tập. Hầu hết CBGD của khoa đã đi tham quan học tập ngắn hạn và dài hạn (học cao học) tại nhiều nước trên thế giới, không chỉ một lần mà còn đi nhiều lần. Tham quan học tập không chỉ dừng ở CBGD mà còn cả sinh viên điều dưỡng cũng được học tập ở nước ngoài. Nhiều dự án được ký kết hợp tác nhiều năm ...
Trong sự lớn mạnh của BM điều dưỡng, chúng tôi lại chuyển địa điểm từ tầng 4 xuống tầng 2 với 2 phòng làm việc, 2 phòng thực tập, một nhà kho, tương đối đủ cho SV thực tập, nhiều sách vở, mô hình, vi tính, projector ... cũng được trang bị từ các dự án, BM đã nối mạng Internet. Với sự lớn mạnh đó, năm 2004 Đại Học Huế đã ký quyết định thành lập khoa điều dưỡng, có 3 BM và một đơn vị huấn luyện kĩ năng trực thuôc.
Năm 2007, khoa lại chuyển chỗ ở lần thứ 3, về tầng 3 khu nhà chuyên sâu, khang trang và sạch đẹp hơn, khoa có 5 phòng làm việc với đầy đủ computer, sách vở, internet và các phương tiện khác cho CBGD làm việc; một phòng kho và 3 phòng thực tập có đầy đủ mô hình và phương tiện phục vụ cho sinh viên thực tập.
Khoa hiện tại có 16 CBGD phần lớn có bằng sau đại học, có trình độ tiếng Anh và vi tính tốt phục vụ cho công tác giảng dạy, NCKH và đối tác với nước ngoài ...
Sinh viên chính quy của chúng tôi ra trường là có công việc làm ngay. Nhiều sinh viên đang chuẩn bị học cao học. Sinh viên vừa làm vừa học phần lớn đều làm điều dưỡng trưởng khoa, trưởng bệnh viện, có nhiều SV bây giờ là điều dưỡng trưởng sở, nhiều cựu SV của chúng tôi được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.
Sinh viên điều dưỡng mới vào trường với ngỡ ngàng buổi ban đầu. Sau khi tiếp xúc với chúng tôi, SV đã tự khẳng định mình, nghề điều dưỡng mà mình tự chọn là một nghề cao quý, như một nghề “cứu người-giúp đời”. Người điều dưỡng hơn ai hết, họ xuất hiện khi sự sống bắt đầu và cũng chính họ có mặt khi sự sống kết thúc.
Cán bộ của khoa tôi đi đâu cũng được khen, làm việc tốt, hoàn thành mọi công việc được giao, tinh thần đoàn kết cao, ngoại ngữ lại khá, phần lớn có thể giao tiếp với người nước ngoài không cần phiên dịch ... SV điều dưỡng tốt nghiệp đạt loại giỏi đều có cơ hội ở lại Trường, chúng tôi đã giữ các em lại, đào tạo các em ở trong nước cũng như cho đi du học nước ngoài, để các em sẽ trở thành những giáo viên điều dưỡng chuyên nghiệp và thực thụ. Chính các giáo viên chuyên nghiệp này sẽ kế tục sự nghiệp giảng dạy điều dưỡng và thay thế chúng tôi trong một tương lai gần. Hiện nay, hầu hết cán bộ trong khoa đều là bác sĩ nhưng ai cũng đầy nhiệt tâm để xây dựng khoa điều dưỡng ngày càng phát triển ngang tầm quốc gia và sẽ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực ...
Lực lượng của khoa dù rất mỏng (17 người), nhưng không chỉ thực hiện công việc của khoa mà còn đảm nhận nhiều vị trí quan trọng của nhà trường: Trưởng phòng đào tạo đại học, giám đốc trung tâm gamma, phó trưởng khoa nội, phó phòng NCKH-đối ngoại bệnh viện. Bên cạnh đó còn đảm nhiệm nhiều chức vụ đoàn thể: 2 Đảng uỷ viên, uỷ viên hội đồng khoa học giáo dục, uỷ viên BCH công đoàn, thường vụ đoàn thanh niên. Khoa tôi làm việc đạt kết quả cao luôn luôn nhờ vào khẩu hiệu: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào phải vượt qua, công việc nào cũng thích hợp.
Chương trình thi đua của nhà Trường đề ra khoa điều dưỡng luôn luôn chiếm ưu thế: Thi triển lãm nhân 50 năm thành lập Trường, khoa tôi đoạt giải nhất. Trong ngày lễ hội 50 năm, phần lớn CB của khoa đều được chọn làm hướng dẫn cho các đoàn khách nước ngoài, đây là một vinh dự lớn cho CB trẻ của chúng tôi. Hai năm gần đây Trường tổ chức 2 kỳ kiểm định chất lượng đào tạo, khoa tôi đều đứng nhất bảng cả hai lần.
Khoa tôi đã tung ra thị trường nhiều sáng kiến mới mà nhiều khoa, BM khác chưa kịp trở tay như: In sách chuyên ngành rất sớm, 8 cuốn sách giáo khoa đã được Bộ Y tế xuất bản, làm tài liệu giảng dạy và học tập trong cả nước. Sổ thực tập lâm sàng song ngữ. Thông tin, liên lạc, điều hành công việc qua mạng Internet, nên rất ít họp hành trong khoa. Khoa hiện nay đã chủ trương mọi thông tin qua mạng đang từng bước dùng tiếng Anh để trao đổi. Khoa cũng đã mở một trang web riêng của khoa đang hoạt động tốt trong nhiều năm nay.
Công việc dù rất bận rộn, nhưng các thành viên trong khoa cũng không quên động viên nhau, chia sẽ với nhau những bài viết, những mẫu truyện cười, những hình ảnh đẹp để cả khoa cùng thư giãn. 2 cuốn tập san “Khung trời ta mơ” (2002), “Lời trái tim muốn nói” (2007) ra đời đã lưu giữ rất nhiều tình cảm chân thành của cán bộ và sinh viên điều dưỡng. Nhiều bài viết ca ngợi lòng yêu nghề, tình cảm thầy trò, tình yêu thương bệnh nhân rất sâu đậm, thể hiện tính nhân văn cao. Sắp đến nhân kỷ niệm 10 năm thành lập khoa, tập san “Dòng thời gian” sẽ ra mắt các thầy cô giáo và sinh viên điều dưỡng, các bạn nhớ đón đọc.
Mới đây thôi khoa tôi mặc đồng phục “complet veston đen” trong các ngày lễ, hội thảo ... làm cho mọi người đi qua, đi lại nhìn chúng tôi ngẩn ngơ và hình như họ đang khen thầm.
Đã hơn 10 năm, tôi gắn bó với ngành điều dưỡng với bao kỷ niệm vui, buồn, phấn khởi, lo toan ... Nhiều lúc vui chơi trên rừng núi Nam Đông, trong chương trình đưa SV của tôi và sinh viên nước ngoài đi thực tế. Ngày vui qua mau tại BV Uông Bí cùng đi thực tế với SV khoá I và khoa II, lênh đênh trên biển cả Hạ Long. Nhiều khi lại rong ruổi bên trời Tây, đất Mỹ để tìm đối tác, học tập, cho một ngày mai của khoa điều dưỡng ... Nhiều người bạn nước ngoài gọi tôi là Doctor-Nurse, tôi rất hài lòng với tên gọi này. Bất cứ ở đâu, bất cứ làm việc gì, tôi luôn luôn nghĩ về điều dưỡng cho một tương lai huy hoàng, nơi mà tôi đã dấn thân đầy tâm huyết một phần của cuộc đời mình.
10 năm qua những thành quả mà khoa tôi đã đạt được làm tôi cảm thấy vui vui trong lòng. Nhiều đêm thao thức, sung sướng vì các đàn em, các học trò của mình đã đủ năng lực, kinh nghiệm ... có thể thay thế mình trong một tương lai không xa.
Mười năm - một chặng đường để hình thành, xây dựng và phát triển, dù khoa còn rất trẻ, cán bộ còn rất trẻ, dù bao nhiêu khó khăn phải vượt qua. Nhưng khoa đã đạt được những thành tích mà chúng tôi cũng có thể tự hào.
Mười năm đến chúng tôi phải làm việc nhiều hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa, khoa sẽ mở nhiều ngành đào tạo sau đại học điều dưỡng. Đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất lớn hơn về cả chất và lượng. Hợp tác quốc tế bay cao và bay xa hơn.
Khoa điều dưỡng sẽ là ngôi sao chói lọi trên bầu trời của Trường Đại học Y Dược Huế trong ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa. Tôi hy vọng rằng ngày đó tôi vẫn còn rất khoẻ, để đến cùng chung tận hưởng niềm vui của khoa.
Huế, một chiều mưa đầu hè năm Kỷ Sửu, 2009
Chin Bon
Chin Bon