Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi …
Ở Atlanta tôi chỉ có thể ngắm hoa cúc vàng nở rộ trong các chậu kiểng nho nhỏ bày bán ở khu chợ Việt Nam. Tôi thưởng thức tiết xuân qua những tấm hình của các bạn gởi cho xem từ Đà Nẵng, Tuyết Hằng tươi tắn xinh đẹp ở chợ hoa, trước hàng quật đầy những quả chín đỏ trên cành, trước những chậu Mãn đình hồng thắm hoa. Hình của Ngọc Anh đưa ba mẹ đi chợ hoa quận Cam Nam Cali, có lan đất, có lay ơn, có hoa anh đào, có cả những cành mai vàng mới vừa hé nụ. Vào FB ngắm hình của Tía thật dễ thương, chụp với hàng hoa cúc vàng của ông ngoại bày bán trước cửa, góp vui ngày Tết.
Atlanta năm nay trời lạnh quá, những ngày giáp năm càng lạnh buốt, dự báo thời tiết sẽ lai rai có tuyết rơi. Hai ba lần, … tuyết không rơi nổi vì những chuyển biến của địa cầu. Trẻ con mong có tuyết để được nghỉ học chơi với tuyết, các bé lớn hơn mong có tuyết để được chụp ảnh vì Atlanta hiếm khi có tuyết rơi. Thiên nhiên như ưu đãi tiểu bang miền đông nam có địa hình đèo dốc, đường sá quanh co uốn lượn của một miền cao nguyên đất đỏ.
Hôm nay, trước khi đi làm tôi mở điện thoại ra xem thời tiết trong khu vực, lại dự báo có tuyết sau 12 giờ trưa, nhiệt độ lúc 5 giờ sáng là âm 10 độ C. Tôi chọn áo dài tay với áo len mỏng khoác ngoài, quần tây 2 lớp, khăn quàng, boot cao cổ loại mềm … và trùm bên ngoài chiếc áo lạnh dài, loại áo soft hai lớp. Nói chung tất cả đều có thể giữ ấm khi ra ngoài và thoải mái, êm ái khi ngồi làm 10 tiếng đồng hồ trong văn phòng. Phòng làm việc của tôi có khung cửa sổ lớn, nơi tôi đặt những chậu, lọ đủ kiểu, đủ cở. Tôi trồng nhiều loại hoa, cây cho bốn mùa. Những người cộng sự và ngay cả sếp tôi đều thích thú khi ngắm “vườn cây của Anne”. Như mọi khi, ăn trưa xong tôi thư giản bằng cách ngắm trời mây qua khung cửa nhỏ. Bên ngoài, mây trắng nặng và dày đặc bao phủ cả khung trời, những dãy xe ở sân bãi đậu xe chịu đựng khí trời lạnh lẽo, thật tội nghiệp. Khoảng một giờ trưa, những hạt tuyết li ti như hạt gạo bắt đầu rơi rơi, rồi lớn dần như hạt đậu phộng … bay bay trông thật dễ thương, khung cảnh mờ mờ, lãng đãng, trông rất lãng mạn. Gíam đốc bộ phận ghé vào phòng thăm hỏi và ngồi xuống nói về tình hình thời tiết, kết luận là: Nhân viên được phép rời khỏi sở sớm hơn thường lệ vì dự báo tuyết sẽ rơi đến nửa khuya, trong khi nhiệt độ lại xuống quá thấp nên có thể đường sá sẽ đóng băng, rất nguy hiểm cho giao thông, và ngày mai không bắt buộc phải để sở đúng giờ, tùy điều kiện đi lại của nơi mình ở, đặc biệt là những người có thời khóa biểu phải có mặt quá sớm như tôi. Chúng tôi reo vui, nhất là những người Việt Nam, vì đây là những ngày rộn ràng chuẩn bị đón cái Tết Giáp Ngọ. Được nghỉ đột xuất không bị cảnh cáo, được lãnh lương trọn vẹn, thích quá. Sếp hỏi tôi về công việc đang làm, tôi tình bày sẽ hoàn thành bản vẽ này để kịp đưa vào máy in sáng thứ bảy, ông ta nói nếu không cần thiết, không cần phải ở lại quá trễ. Tôi hứa sẽ xong trước 4 giờ chiều. Ông cho biết sẽ gọi hoặc gởi tin nhắn cho từng nhân viên để cập nhật thông tin.
Tôi thong thả tiếp tục công việc của mình, thỉnh thoảng nhìn ra sân đậu xe, lai rai đã có nhiều người xách giỏ ra về, tuyết vẫn rơi nhè nhẹ. Điện thoại của tôi chớp chớp … tin nhắn và hình của em, cháu, con, anh xã gởi vào. Tuyết rơi đẹp quá mà! Tôi cũng háo hức đi về, thu dọn giấy tờ, mặc áo, choàng khăn ra về. Ngang qua cửa bảo vệ, nhận thêm nụ cười với lời dặn dò: Lái xe cẩn thận, mong bà đến nhà an toàn. Tôi bước ra và thầm nghĩ, người Mỹ an toàn là trên hết, chắc không đến đổi nào đâu. Tôi bước đi thật chậm trên thảm tuyết ở lối đi, một chiếc xe ngừng lại, tài xế quay kiếng xe xuống: Bà có OK không, cần giúp gì không? Tôi cười, cám ơn và trả lời với ông rằng tôi đang hưởng thụ cảm giác đi trên tuyết.
Sân bãi đậu xe vẫn còn nhiều xe lắm, tôi ngơ ngác không tìm thấy xe của mình. Tuyết đã phủ kín, xe nào cũng màu trắng! Cũng may, chiếc CRV của tôi cao nên dù phủ đầy tuyết tôi vẫn có thể nhìn thấy. Hơi khó khăn để mở cửa xe vì lớp tuyết phủ ở cửa xe đã đông thành đá, cứng và trong veo. Tôi phủi lớp tuyết trên áo lạnh, trên tóc rồi nhanh nhẹn chui vào xe.
Rời công ty lúc 3 giờ chiều, đã sớm hơn thường lệ, tôi lái ra hướng đi xa lộ không đèn, đến lối ra đã thấy một chiếc xe truck chắn ngang lối đi, xe cộ ùn lại trước mặt. Tôi nhanh nhẹn đánh tay lái đi thẳng, chắc vào đường trong ít xe hơn. Tuyết vẫn rơi nhỏ hạt nhưng thật dày, xe chậy chầm chậm, qua một cầu xa lộ thấy xe bắt đầu đông hơn, mặt đường dày đặc một lớp nước đá, vì tuyết vừa rơi xuống gặp nhiệt độ quá lạnh đã đông lại, thành một lớp đá sền sệt trên mặt đường, tôi bắt đầu lo lắng. Xe như ngừng hẳn, không biết có gì đàng trước, hướng ngược lại thì có xe chạy lai rai. Nhiều người nóng nảy quay đầu xe đi lui, tôi không dám vì thấy bánh xe như trơn trợt, hơn nửa quay lại thì đi đâu đây? Lòng phân vân nhưng tôi vẫn kiên nhẫn, tin nhắn của anh xã ở nhà tiếp tục gởi vào: Tuyết rơi đến tối đó, lái xe cẩn thận, cài số hai, đi thật chậm nghe! Tôi nhủ thầm, stop tại chỗ chớ có đi được gì đâu. Thật lâu, xe nhích được một chút, tôi nóng lòng bắt đầu lấy bánh, kẹo, chip, bắp rang, trái cây khô, các loại hạt … trong xe tôi dự trữ đủ thứ mặn ngọt chua … có cả gói mứt gừng cay ăn cho tỉnh ngủ đây. Trong xe tôi còn có cả CD “Kinh vô lượng thọ” mỗi khi nghe cảm thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, Thế là tôi tà tà, vui vẻ hưởng thụ, bảo đảm kẹt xe đến tối mình cũng không chán nản, nhất là không bị đói.
Nhưng thật không ngờ, lòng kiên nhẫn của tôi dần dần vơi nhường chỗ cho sự lo lắng, phân vân. Ăn bao nhiêu thứ bánh, thứ kẹo … xe cũng chỉ di chuyển được chút chút. Cầm điện thoại trong tay, tôi bắt đầu chụp hình những chiếc xe bị tấp vô lề đường, thỉnh thoảng có chiếc bị trợt, xiêu xiêu đổ xuống bờ cỏ hay chênh vênh gần con dốc, ghê quá! Mãi đến 6 giờ tối, tính ra tôi mới đi được một khoảng đường cách chỗ làm 3 dặm. Còn một chặng đường 18 dặm nữa (khoảng gần 30 km) mới đến nhà. Trời đã tối hẳn, ở nhà ba má, anh xã, con gái và các em tôi mở TV ra xem trực tuyến truyền hình tình trạng giao thông, ai cũng lo lắng cho tôi … đang ở trong "thế triệt buộc” tiến thoái lưỡng nan. Xe của tôi là loại xe cao, có thể lái chậm trên đường tuyết, không đến nổi nào, nhưng khổ nổi, đàng trước mặt, nhiều loại xe không thể quay bánh chạy vì mặt đường quá trơn. Từ trong xe tôi nhìn thấy chiếc xe trước mặt mình hai bánh xe sau quay xoáy nhưng xe không hề nhúch nhích, thỉnh thoảng đuôi xe xẹo qua xìa lại, thấy phát sợ. Phía bên kia tuyến xe ngược chiều cũng không khá hơn, xe nào cũng chạy chệnh choạng vì đường quá trơn, tuyết đã đóng thành nước đá ùn lên những tảng to. Tuy xe mình không có cơ hội nhúc nhích nhưng hai tay cũng phải ghì chặc tay lái, chân phải ghì thắng nhè nhẹ, vì đạp thắng sâu xe sẽ bị quay vòng vòng. Tình hình càng lúc càng tệ, có rất nhiều người cố tình tấp xe vô lề đường. Tôi bắt đầu cảm thấy khát nước vì những thứ thức ăn khô dự trữ trên xe. Nhìn nhiệt kế trên xe, chỉ có âm 4 độ C mà tôi cảm thấy nóng bức, máu nóng như xông lên mặt, tôi lột khăn choàng, cởi áo lạnh để thư giản, mắt vẫn phải dán vào kính xe, hai chân mõi nhừ, vai, cổ đau buốt. Lâu quá, vẫn còn phải đứng tại chỗ, tôi cài số đậu xe để thả lỏng mình một chút. Tìm ở băng ghế sau, tôi lượm được chai nước lạnh còn một nửa, không biết lăn lóc từ bao giờ, tôi hớp một ngụm nhỏ, cảm giác như lữ hành trên sa mạc nóng cháy, gặp được hồ nước to. Tuy nhiên tôi không dám hưởng thụ nhiều vì không biết lúc nào xe mình mới di chuyển được để tìm “toillet”. Ngồi mãi đâm chán nản, tôi nghĩ đến đứa bạn mới bị rắn độc cắn, phải vào bệnh viện cấp cứu, may đâu còn kịp, nay phải nằm nhà, treo giò, mọi sinh hoạt bình thường đều phải có người giúp. Khi bị nằm treo chân bạn tôi đã nói, cảm giác như người tàn phế, tôi cười một mình. Rồi tôi lại lan man nghĩ đến tình trạng của mình, xe không hư, không trục trặc, xe mới … vậy mà giờ này tôi cũng đành phải bó tay ngồi đây, lòng thấp thỏm âu lo. Thỉnh thoảng hướng ngược lại có chiếc xe đi từ từ, lao chao, tôi cũng căng thẳng, sợ khiếp vì không biết nó sẽ trôi, tông vào xe mình lúc nào không biết. Mệt mỏi đã thấm tận xương tủy, xe cộ vẫn dồn đống, mọi ngõ ngách giao thông như tê liệt, tuyết đã ngưng rơi nhưng mặt đường láng bóng một nền nước đá trong veo, trơn trợt vì nhiệt độ đã hạ xuống âm 12 độ. Hơn một giờ sau, chiếc xe trước mặt tôi mới nhích đi được chút xíu, quẹo vào một khu nhà bên trái. Một nhân viên cứu hộ đến gõ cửa kính xe tôi, họ yêu cầu tôi cũng quẹo vào hướng bên trái vì đọan đường trước mặt đã không thể đi được nữa. Tôi đành phải nghe theo, hai nhân viên đẩy giúp tôi chiếc xe để tôi có thể quẹo trái theo đoàn xe trước mặt. Khu nhà rất lớn nhưng lại phải bò qua một con dốc. Tất cả xe đều không thể leo lên con dốc trơn trợt. Cứ nhấn ga lên thì xe lại tuột lùi xuống, nguy hiểm vô cùng. Lại phải chờ đợi tiếp. Một nhân viên cứu hộ đến yêu cầu mọi người cố gắng dời xe qua lề phải để ông ta mang máy cào lớp nước đá và đổ muối hạt to xuống, giúp tuyết mau tan chảy và bớt trơn trợt. Lâu lắm mới có một chiếc xe được ra lệnh phóng lên phía trước với sự trợ giúp của các nhân viên, tuyệt đối không được đạp thắng, chỉ điều khiển tay lái và nhấn ga. Đến phiên tôi, thật hãi hùng, tuy nhiên tôi cũng gắng nghe theo lời hướng dẫn, may quá, chiếc xe phóng lên con dốc trong tiếng reo hò của nhiều người: “Đi, đi, tiếp tục đi, không stop, tốt rồi, tốt rồi …”. Chiếc xe di chuyển được thì tim tôi cũng như ngừng đập, con đường trước mặt tối om, tôi cố gắng chạy chầm chậm theo chiếc xe đàng trước. Ra khỏi khu nhà đó, tôi lại rơi vào trạng thái phân vân khác, vì không biết mình nên rẻ trái hay rẻ phải cho đúng hướng. Chiếc xe vẫn trườn tới theo dộ trơn trợt của mặt đường nước đá, tôi gắng giữ vững tay lái, đi chầm chậm. Ngang qua một khu biệt thự lớn, vắng vẻ, cảnh vật bao trùm một lớp tuyết trắng xóa như bãi cát trắng, lạ lẩm. Bây giờ đã qua khỏi con đường nhỏ, xe cộ dồn đống thì phải lái xe trong hồi hộp, không biết đi về đâu đây, đã 10 giờ tối. Hình như khi quá mệt mỏi thì đầu óc, tâm trí cũng mụ mị, trong điện thoại có bộ phận định vị toàn cầu mà tôi cũng không nghĩ ra, hơn nữa, hai tay phải giữ cứng vô lăng xe, tôi điều khiển chiếc xe chạy trên nước đá như người mộng du. Chợt thấy xa xa có ánh đèn sáng và những dãy cao ốc, trông giống như một khu thương mại, tôi mừng rở quẹo phải ra con đường lớn vì rất khó để quẹo trái, phía sau xe tôi còn cả hàng xe nối đuôi. Cứ thế, tôi tiếp tục đi, vừa lái xe vừa nhìn đường, vẫn chưa có dấu hiệu gì quen thuộc nhưng lòng tôi tạm yên vì dầu sao cũng đã di chuyển được, không đến nổi đứng dậm chân tại chổ. Điện thoại lại hiện ra tin nhắn, tôi trả lời anh xã: Em đã tìm ra đường lớn, đang lái xe từ từ, nói cả nhà đừng gọi nữa, để yên em lái xe. “Em cần gì không”? Tôi còn đùa được: Ngộ muốn lái! Thật sự là đã bảy, tám tiếng đồng hồ ngồi trong xe, ăn uống lai rai nhưng chưa có nơi xã hơi. Cách đây mấy phút thì cứ mong ra đường lớn được sẽ tìm vào cây xăng hoặc tiệm ăn để giải quyết bầu tâm sự. Bây giờ, nhìn quanh, phố phường quán xá đã đóng cửa, tình trạng thời tiết làm mọi sinh hoạt cũng như đóng băng.
Lác đác trên đường rất nhiều xe nằm ngổn ngang, có lẻ chủ xe cảm thấy đường sá quá trơn trợt nguy hiểm nên thà để xe lại ngoài đường mà đi bộ. Bạn hãy thử đưa tay sờ vào một mảng nước đá rồi tưởng tượng phải ngồi điều khiển một chiếc xe lăn bánh trên đó, bạn sẽ hiểu được cảm giác đứng tim ra sao. Khi tim đứng thì những cảm giác khác cũng bị tê liệt thôi. Tôi thở dài ngao ngán, đoạn đường hằng ngày đi làm chỉ mất mấy chục phút, hôm nay phải trải qua hơn mười tiếng đồng hồ trong âu lo căng thẳng, tôi thật mỏi mệt. Cũng nay, đoạn đường còn lại tuy dài thăm thẳm và thỉnh thoảng có một con dốc nhưng hình như những đoạn nguy hiểm đều có xe của cảnh sát túc trực để giúp. Đến gần 12 giờ đêm tôi về tới khu nhà mình, vẫn chưa tin rằng mình đã lái xe thật giỏi, vượt qua con đường nước đá thăm thẳm, đến nhà một cách an toàn. Khó khăn lắm tôi mới đưa chiếc xe chở đầy tuyết của mình leo lên lối đi vào ga-ra. Nhìn quanh sân nhà, cả một trời tuyết trắng mênh mông. Trong nhà có ba má tôi đang lom khom vớt bánh tét trong nồi ra. Tết sắp đến rồi. Đêm cuối năm giá buốt làm sao!
Mệt mỏi rả rời, tôi đã ngã bịnh những ngày sau đó. Vai, cổ và lưng đau buốt, hai mắt như mờ đi. Khổ nổi lại phải lo mua sắm những thủ tục cúng kiến, bông hoa, mứt bánh … Thông báo của chính quyền tiểu bang cho tất cả công sở, trường học đóng cửa ngày tiếp theo vì tình trạng thời tiết chưa khả quan. Xem TV mới biết, có nhiều trường tiểu học phải giữ các bé ở lại trường đêm hôm đó để bảo đảm an toàn vì xe bus nhà trường không thể lưu thông. Các thầy, cô hiệu trưởng phải túc trực để lo cho các em ăn ngủ trong các phòng học. Hình ảnh trực tuyến trên TV cho thấy có rất nhiều đoạn đường như tê liệt, nhiều người phải ngồi trong xe gần hai mươi tiếng đồng hồ, xe cạn xăng, tắt máy thì bị nhiễm lạnh. Mặc dù có rất nhiều người tự nguyện giúp bằng cách lội trong tuyết mang áo lạnh, nước uống, thức ăn đến từng xe giúp người mắc nạn. Lúc gọi điện thoại kể chuyện dông dài cho con bạn nghe, mới biết hai đứa em của nó mãi đến 4 giờ sáng mới về tới nhà bằng cách bỏ xe lại, chạy bộ. Cả hai đứa đều đang ngã bệnh.
Đây là một kinh nghiệm quí báu về cách lái xe trên đường bị đóng băng, một cơ hội thử nghiệm tính kiên nhẫn, cẩn thận. Dầu sao tôi cũng chân thành cảm tạ ơn trên đã che chở và cho tôi có đủ bình tỉnh để vượt qua một ngày dài nhất của năm Quý Tỵ. Cám ơn những người trợ giúp lặn lội trong tuyết lạnh mà vẫn vui vẻ, hòa nhã hướng dẫn tôi cách đưa chiếc xe qua những con dốc cao trơn trợt. Cám ơn sự quan tâm lo lắng của anh xã, của gia đình khiến tôi ấm lòng khi phải trải qua một ngày dài nhất hôm đó. Cám ơn con bạn thỉnh thoảng gọi hỏi thăm, dù không cách nào giúp đở nhưng cũng làm tôi cảm thấy không cô đơn trong phong ba bão tuyết.
Mấy ngày sau, mỗi khi cần lái xe đi đâu, ngồi vào xe, tôi vẫn còn ám ảnh. Đoạn đường đi làm hằng ngày quen thuộc mà tôi hằng yêu thích, vui vẻ vừa nghe nhạc vừa ngắm phong cảnh mùa xuân hoa nở, mùa thu lá vàng … Ấy vậy mà ngày hôm đó, con đường này đã trở thành cơn ác mộng trong tâm trí tôi. Có phải chăng đó cũng là lẻ thường của hư vô?
Nguyễn Diệu Anh Trinh
2-2014