Vào một buổi sáng, anh Trần Huy Diệm, Trưởng ban liên lạc cựu học sinh trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng khóa 1957-1964 gọi điện yêu cầu tôi viết một bài hồi ký về ngày khai giảng đầu tiên khóa học của chúng tôi để đưa vào Bản tin sinh hoạt của nhóm tháng 9-2011.
Yêu cầu này hơi khó đối với tôi vì ngày ấy đã lùi sâu vào dĩ vãng, không biết tôi có còn nhớ được những gì. Vả lại 54 năm trôi qua, nhất là sau 1975, thầy cô, bè bạn mọi người một ngã, người thì xa cách nghìn trùng, kẻ vĩnh viễn ra đi còn cuộc sống của cá nhân tôi thì biết bao nhọc nhằn, vất vả không cho phép tôi có thì giờ rãnh rỗi để suy ngẫm về mình. Với một lương giáo viên ít ỏi, mà phải nuôi đàn con bốn đứa ăn học tôi không còn cách gì hơn là phải lao động quần quật suốt ngày thì còn đâu thời gian mà nhớ về quá khứ xa xôi. Giờ đây các con khôn lớn, tôi không còn phải tất bật sớm hôm thì cũng đã đến lúc sức khỏe kém đi vì tuổi đời xấp xỉ "cổ lai hy" rồi!
Tuy thế, ở lứa tuổi của chúng ta ai lại không tha thiết với ước muốn cho “thời gian trở lại”, đi tìm chút dư hương của tuổi học trò để sống vui với bè bạn trong những năm tháng còn lại của cuộc đời nên tôi cũng thử cố gắng nhớ lại đôi điều để góp vào bức tranh toàn cảnh của ngôi trường xưa.
Ngày ấy đã lâu lắm rồi, lúc đó chúng tôi chỉ là những cô bé, cậu bé trạc tuổi 12, 13 người lớn nhất cũng chỉ 14, ngỡ ngàng, lúng túng trong bộ đồng phục mới được mặc lần đầu nhất là các cô bé phải mặc áo dài đi học.
Hôm ấy, tôi còn nhớ là ngày 15 tháng 9 năm 1957, một ngày cuối thu, tuy không có lá vàng rụng nhiều ngoài đường và những đám mây bàng bạc trên không một cách thơ mộng như nhà văn Thanh Tịnh miêu tả trong bài “Tôi đi học” mà học sinh đã thuộc lòng từ những ngày tấm bé. Nhưng ngày ấy tiết trời Đà Nẵng cũng bắt đầu dìu dịu, không còn cái nắng gay gắt của xứ biển ngày hè. Sáng đó, không đợi mẹ gọi tôi cũng thức dậy thật sớm, ăn vội vàng chén cơm nóng lọt lòng rồi thay bộ áo dài lụa trắng mới tinh được mẹ may chờ ngày khi có kết quả trúng tuyển vào lớp Đệ Thất trường Phan Châu Tinh. Quả thật đây là một vinh dự lớn lao đối với tôi bởi vì trong cái xóm nghèo lao động nằm sâu trong con hẻm đường Hoàng Diệu, hiếm có đứa con gái nào cùng trang lứa được đậu ngay vào trường Trung học công lập duy nhất của thành phố như tôi. Đa số chúng cứ học hết bậc Tiểu học mà không vào được trường công, thì phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ bán buôn hay bồng em, lao động chứ cũng không có tiền đi học trường tư.
Học ở cấp một tôi quen mặc đồ bộ gọn gàng, chân mang dép thấp, chơi đùa, chạy nhảy dễ dàng, thoải mái, đôi khi đang say sưa nhảy dây, hay trốn tìm, nghe tiếng trống, vội vã chạy vào lop học bỏ quên cả dép ngoài sân trường còn giờ đây phải chỉnh tề trong bộ áo quần dài, guốc cao thì tránh sao khỏi vụng về, lúng túng. Từ nhà tôi đến trường xa gần vài cây số nên ba tôi còn thương cho một chiếc xe đạp để đi học. Vừa chuẩn bị ra đi tôi đã thấy Lưu chờ trước sân nhà rủ tôi đi học (Lưu là bạn thân của tôi từ thời Tiểu học và cùng học bảy năm trung học ở Phan Châu Trinh, nay đã ra người thiên cổ). Lúc sắp bước lên xe mẹ tôi còn dặn với theo bảo tôi phải vén áo cho gọn gàng kẻo áo bị cuốn vào sên xe. Tôi cầm tà áo dài gấp đi gấp lại mấy lần mà chẳng biết làm sao cho ổn chẳng lẽ cột túm lại thì đến trường mở ra sẽ nhàu nát mất, loay hoay mãi cuối cùng tôi cũng tìm ra được cách nhét hai góc của tà ao dài vào lưng quần vừa không bị vướng mà áo vẫn thẳng tưng. Tôi và Lựu vừa đạp xe vừa nói chuyện, dọc đường có rất nhiều anh chị học sinh cũng đang đến trường trong bộ đồng phục khiến lòng tôi cảm thấy vui hơn vì kể từ hôm nay mình đã được có mặt trong đội ngũ của họ. Mãi mê trò chuyện chẳng mấy chốc đã đến cổng trường.
Trường Phan Châu Trinh ngày ấy chưa có cổng tam quan đồ sộ như ngày nay, chỉ có một số lớp ở dãy chính giữa, chưa có hai dãy lầu ngang phía đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) và đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng). Hai dãy lầu này khi chúng tôi vào học đang xây dựng dở dang. Sân trường bằng phẳng hơn nhờ vừa được đổ thêm đất, mấy hàng cây kiền kiền và phượng vĩ mới trồng năm trước từ khi thầy Nguyễn Đăng Ngọc chuyển về làm hiệu trưởng còn thấp lè tè nên không có bóng mát.
Cột cờ cũng sơ sài và chưa có tượng chí sĩ Phan Châu Trinh. Tượng đồng này do giáo sư Đỗ Toàn thực hiện, được chính thức dựng trước cột cờ ngày 24 tháng 3 năm 1966 nhân lễ húy nhật thứ 40 của cụ Phan.
Trong sân trường học sinh từng nhóm quây quần bên nhau nói cười vui vẻ, họ đang kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn mà họ phải ấp ủ trong lòng suốt mấy tháng hè vì không gặp được nhau để nói.
Khóa của tôi mới được tuyển vào từ nhiều trường Tiểu học của thành phố và cũng có nhiều bạn từ Quảng Nam và các tỉnh khác chuyển tới nên trong ngày đầu khai giảng tôi chưa biết hết chỉ quen một số bạn học cùng lớp ở cấp một như Nguyễn thị Trân Châu, Đinh thị Kim An (hai người đẹp của lớp Nhất B (nay là lớp năm), trường Nữ Tiểu học Đà Nẵng đă từng được hóa trang làm Trưng Trắc và Trưng Nhị diễu hành quanh thành phố trong ngày lễ Hai Bà Trưng. Trân Châu hiện giờ sống tại Cần Thơ còn Kim An nghe nói ở Mỹ), Phạm thị Tuyết Nhung (học với tôi từ lớp Nhì tại trường Trần Quốc Toản, lớp Nhất tại trường Nữ Tiểu học và cũng vào Phan Châu Tinh, nay vẫn ở Đà Nẵng), Lưu thị Lưu, Nguyễn thị Lạc Giao v.v…Đặc biệt khóa học năm đó trường xếp tất cả nữ sinh vào lớp Đệ Thất 1 gồm 71 nữ, ba lớp còn lại toàn là nam sinh. Đến lớp Đệ Lục (nay là lớp Bảy) mới chia lớp có nam nữ học chung văn cứ vào sinh ngữ chính là Pháp văn hay Anh văn.
Nữ sinh lớp Đệ thất 1 của tôi nhìn chung ai cũng xinh cả nhưng có mấy người nổi bật được lắm kẻ trong trường chú ý nhất là các lớp đàn anh: Phan thị Thu Liên, Phan thị Thu Hà (hai cô gái Huế đẹp, duyên dáng, vui vẻ, hoạt bác, cởi mở và dễ thân thiện với mọi người. Liên và Hà là hai chị em ruột từ Nha Trang theo ba chuyển công tác về Đà Nẵng), Phạm thị Quỳnh Chi, Lê thị Quý Phẩm (cũng gốc Huế, hiền lành, thùy mị, hay rụt rè, ít giao tiếp với bạn bè), Phạm thị Duyệt (đẹp sắc sảo với nét Tây phương), Hồ thị Hồng (da bồ quân, sống mũi cao, mắt to rất giống Ấn Độ) và còn rất nhiều người nữa …
Đúng 7 giờ (bây giờ là 6 giờ), một hồi trống vang lên, tất cả học sinh rời nhóm bạn đến xếp hàng ngay thẳng theo đơn vị lớp, mỗi lớp hai hàng, nữ đứng trước, nam đứng sau.
Lớp được phân công trực buổi chào cờ thì xếp hàng chính giữa sân trường trước cột cờ, nam sinh phải mặc đồng phục màu trắng chứ không mặc quần xanh áo trắng như những lớp khác. Lớp trực phải hát quốc ca và cử hai nam sinh kéo cờ.
Buổi lễ khai giảng diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm. Chào quốc kỳ xong, thấy Hoàng Bich Sơn bắt bài Hiệu Đoản ca Phan Châu Trinh cho học sinh toàn trường cùng hát. Bản nhạc này do chính thầy sáng tác, lời hát ca ngợi sự hy sinh cứu nước, vì độc lập tự do, dân chủ, dân quyền chà Chí sĩ Phan Châu Trình và hô hào học sinh phấn đấu làm theo gương của cụ Phan.
Phần nghi lễ chấm dứt, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc uy nghi trong bộ veston màu đậm lên đọc diễn văn khải giảng năm học mới. Thầy tổng kết và biểu dương khen thưởng những thành tích xuất sắc về mọi mặt mà học sinh các lớp đã đạt được trong năm học vừa qua và đề ra hướng phấn đấu cho năm học mới. Giọng thầy dõng dạc, nét mặt nghiêm trang, quắc thước khiến cho tất cả học sinh phải chăm chú lắng nghe. Từng tiếng, từng tiếng của thầy như rót vào tai chúng tôi những lời căn dặn, cùng niềm tin và lòng tự hào về thế hệ học sinh của trường khiến chúng tôi khắc sâu lời thầy vào tâm khảm và tự nhủ phải học tập, rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu học sinh Phan Châu Trinh.
Ánh nắng ban mai đã tràn ngập sân trường và buổi lễ khai giảng cũng vừa kết thúc. Chúng tôi từng lớp theo giáo sư hướng dẫn vào phòng học của mình để xếp chỗ ngồi, bầu lớp trưởng, tổ trưởng, học nội qui và chép thời khoá biểu rồi ra về chuẩn bị sách vở để ngày mai chính thức bước vào năm học mới.
Châu Yến Loan
Ngày khai trường ~Cô Châu Yến Loan