Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Ngày Tôi Tuyên Thệ Vào Quốc Tịch Mỹ
Chin Bon
Chin Bon
Mãi đến giữa năm 2000 tôi mới làm giấy tờ xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ, mặc dầu tôi đã định cư ở đất nước này được gần 20 năm. Ba tôi có lần nói đùa với tôi là: “Bộ tưởng có chồng người Mỹ rồi thì khỏi làm thủ tục vào quốc tịch Mỹ hay sao?” Thật ra, đó là vì tôi lười biếng và không thấy sự quan trọng hay cần thiết phải vào quốc tịch Mỹ. Không có quốc tịch thì tôi cũng vẫn được đi học, đi làm, mua nhà, mua xe, ... không có gì trở ngại cả. Còn việc bảo lãnh gia đình thì đã có anh tôi lo liệu rồi, tôi không phải bận tâm.
Ông xã tôi tình nguyện gia nhập ban nhạc của không quân (Air Force band) sáu tháng sau khi chúng tôi kết hôn. Vừa thích đời sống quân ngũ, vừa yêu âm nhạc và muốn được "đi đây đi đó,” là những lý do khiến chồng tôi tình nguyện gia nhập ban nhạc quân đội. Đây là ngành dự bị nên mỗi tháng chồng tôi chỉ “đi lính” hai ngày cuối tuần, và mỗi năm thì đi thụ huấn hai tuần tại các thành phố hay tiểu bang khác, và có khi tại các quốc gia khác. Phục vụ trong ban nhạc không quân được 14 năm thì ông xã tôi xin chuyển qua Quân Đội Trừ Bị (Army Reserve), hy vọng rằng với tư cách là thông dịch viên cho cơ quan phụ trách việc tìm hài cốt các quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong cuộc chiến ở Việt Nam, sẽ có nhiều cơ hội về thăm “quê vợ”. Vào ngành này, một trong những yêu cầu là cả hai vợ chồng đều phải là công dân Mỹ, vì vậy chồng tôi hối thúc tôi phải làm giấy tờ nhập quốc tịch.
Sáu tháng sau khi nộp đơn, tôi được gọi phỏng vấn và thi đậu quốc tịch Mỹ. Tôi nhận được thơ mời đi làm lễ tuyên thệ vào quốc tịch tại Toà Án Thành Phố San Francisco, lúc 10 giờ sáng thứ ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Sáng hôm đó, tôi thức dậy thật sớm để chuẩn bị đi tuyên thệ. Chồng tôi cũng dậy theo và mở TV để xem tin tức. Trên TV đang trực tiếp truyền hình cảnh một toà cao ốc của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (The World Trade Center) ở New York bị sụp đổ, người chạy tán loạn, khói bay mù mịt, rồi một lúc sau có một chiếc phi cơ đang bay đâm vào toà cao ốc bên cạnh và bốc cháy.
Sợ bị trễ giờ tuyên thệ nên tôi phải đi. Trên đường lái xe đến trạm xe điện (bart station) ở Oakland, tôi mở radio để nghe tin tức, nhưng chỉ nghe tường thuật về toà nhà bị sập và sự hỗn loạn của thành phố New York lúc đó thôi, chứ vẫn chưa biết lý do tại sao những chiếc máy bay này lại đâm vào hai toà cao ốc đó (the Twin Towers). Đến trạm xe bart, tôi đón chuyến xe đi San Francisco, và đi bộ đến Toà Án để làm lễ tuyên thệ. Buổi lễ diễn ra long trọng và bình thường như không có chuyện gì đang xảy ra cho nước Mỹ cả. Lúc đó tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều, chỉ lo đứng nghiêm trang làm lễ tuyên thệ mà thôi.
Xong buổi lễ, tôi đón xe bart về lại Oakland và lái xe đến sở làm. Khi đi đậu xe, tôi lấy làm ngạc nhiên vì thấy nhiều chỗ đậu xe còn trống quá. Vừa bước vào sở thì nhân viên bảo vệ cho biết là hôm nay sở đóng cửa và tôi có thể ra về. Tôi đi ra xe và mở radio nghe tin tức, mới biết là hai toà cao ốc ở NewYork bị sụp đổ là do không tặc khủng bố gây ra. Về đến nhà thì thấy cả gia đình tôi đang ngồi trước TV coi tin tức và ai nấy đều trông rất buồn bã.
Bọn không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Twin Towers của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, thành phố New York - mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sập đổ. Một không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Ngũ Giác Đài ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania sau khi các hành khách trên máy bay này chống cự lại nhóm không tặc.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một ngày đau buồn của nước Mỹ và cũng là một ngày đau buồn và đáng nhớ đối với tôi vì đất nước này là quê hương thứ hai của tôi, một đất nước đã cho tôi những cơ hội để vươn lên mà không cần tra xét đến “lý lịch” của tôi.
Hà Thị Thu Vân
Feb 06, 2009