Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Ngày xuân đọc MẪU THƯỢNG NGÀN
Tôi tìm đọc Mẫu Thượng Ngàn, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, nxb Phụ Nữ, theo lời dẫn dụ của Hồ Nguyên Trừng, Trần Khát Chân và nhiều nhân vật chính-tà trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly cùng tác giả. Hồ Quý Ly đưa người đọc quay về bối cảnh Đại Việt cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, khi đất nước giãy giụa giữa hai gọng kềm: muốn thoát Minh đang hăm he đô hộ nước ta và Chiêm Thành phất lên thuở vàng son Chế Bồng Nga ở phương Nam. Theo dấu thời gian,vận nước suy vi cuối đời Trần, những tình tiết âm mưu chốn cung đình, có lẽ xa xăm diệu vợi quá so với độc giả thời đại dịch 2020-2021…, cũng có thể những nhân vật trong Hồ Quý Ly, dù có lúc bay bổng thăng hoa, vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái bóng kinh viện của hoàn cảnh, thời thế và con người. Dù vậy, Hồ Quý Ly là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, độc đáo, khúc dạo đầu báo hiệu Mẫu Thượng Ngàn/MTN hay Đội Gạo Lên Chùa.

Tiểu thuyết xuất bản lần đầu năm 2006. 15 năm sau tôi mới lần giở từng trang. Nhan đề MTN khiến người đọc dễ liên tưởng đến công trình khảo luận về Đạo Mẫu ở Việt Nam hơn là một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh làng quê châu thổ Bắc Bộ, bên rìa vùng trung du bán sơn địa, lại không quá xa miền đồng chiêm. Làng Cổ Đình mà có người muốn ghép với Cổ Nhuế, ngoại thành Hà Nội, quê hương tác giả.

Câu chuyện bắt đầu khi Henri Rivière tiến đánh Bắc Kỳ lần 2 vào tháng 5/1883. Lần 1 là với tay sĩ quan hải quân non choẹt Francis Garnier/Ngạc Nhi năm 1874. Cả hai đều bị nghĩa quân mai phục giết chết ở Ô Cầu Giấy. Những chương cuối cuốn tiểu thuyết dày hơn 800 trang mở ra với các lớp dạy chữ quốc ngữ, những tổ tương tế nông dân, những Huy, Tuấn, chàng trai Nước Việt tham gia phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu năm 1925, truy điệu Phan Chu Trinh năm 1926…Tất cả báo trước sự thay đổi tận gốc rễ của con người- làng nước khi bước sang thời điểm 1930. Năm của khởi nghĩa Yên Bái và thành lập ĐCSĐD.

Thấp thoáng xuyên suốt không gian và thời gian của mạch chuyện là những bàivăn/người Huế gọi là chầu văn, cảnh cô đồng lắc lư nhập đồng trong tiếng đàn, tiếng phách những cung văn, đèn nến lung linh, hương khói nghi ngút, không gian huyền ảo…gợi nhớ điện Hòn Chén Huế ngày vía Bà hay chiều xuân năm nào ở đền Thượng/đền Mẫu bên cầu Hà Kiều trên dòng Nậm Thi, nhìn sang bên kia là thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc.

Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa/Thêu non thêu nước, Cô thêu ra đôi rồng chầu. Những dải gấm nhiều màu thêu hình loan phượng tung bay uốn lượn trong thiên nhiên, khung cảnh và nếp sống làng quê kết nối những người nông dân châu thổ Bắc Kỳ/tựa một tác phẩm nghiên cứu về địa lý nhân văn của Pierre Gourou, chung quanh một hình tượng trung tâm: Mẫu Thượng Ngàn.

Họ là những nho sĩ sa cơ lỡ vận khi chữ quốc ngữ thay thế những khoa thi Hương, thi Hội cuối cùng năm 1919. Những ông nghè, ông cống bây giờ nằm co bên đám lý dịch vẫy vùng cơ hội mới, những nghĩa quân phong trào Cần Vương-Văn Thân tan tác quay về quê cũ sau thời lưu đày-phiêu tán, những thôn nữ đẹp bình dị như hoa cỏ đồng nội, những chàng trai tây học khát vọng cải tạo thế giới từ điểm xuất phát bùn lầy nước đọng quê nhà, những người đi đạo/Công giáo lạc lõng như dân ngụ cư trên quê hương mình, như ngôi nhà thờ kiến trúc Tân gothique với tháp chuông vươn lên giữa vùng đồng chiêm, những người cùng đinh phơi phới xuân thì như bà Ba Váy, chị Mõ hay những ông tây thực dân đồn điền Messmer/Mắt Mèo bị ám ảnh bởi hào quang khai hóa thuộc địa, nỗi hệ lụy và nhục cảm vàng ngất ngây tỏa ra từ rừng và người miền nhiệt đới mưa.

Trên châu thổ, con người là sự kiện địa lý quan trọng nhất/Pierre Gourou.
Những ghi chép địa lý nhân văn về làng quê Bắc Kỳ của Pierre Gourou,dù rất độc đáo, chi tiết và đầy thấu hiểu vẫn dừng lại bên ngoài lũy tre, cây đa, đụn rơm…MTN đưa người đọc đi quanh co góc ao đao đình, Đầu đình có một cây đa/Cuối làng cây gạo,ngã ba cây đề, đi trong mùi hoa sấu tháng ba, vào thăm khu nuôi ong cụ đồ Tiết. Đến với ong phải giống như người mẹ đến với con mình…Ong cũng có thể cảm nhận được bàn tay nào yêu thương chúng, không muốn hãm hại chúng/trg 49 hay lang thang Mùa xuân ở đây hầu như toàn bộ cây rừng trổ hoa chẳng sớm thì muộn. Chúng tạo thành hội hoa tưng bừng chỗ trắng, chỗ nâu, chỗ đỏ rực, chỗ vàng chóe, chỗ sặc sỡ, chỗ tưng bừng. Gió thổi tung phấn hoa lên trời.  Phấn hoa trộn vào không khí để lan tỏa, để mời gọi bướm ong côn trùng đến tạo ra mùa sinh nở, mùa giao hoan phồn thực ngọt ngào…/trg 191. MTN đưa người đọc nhập hồn vào những hội hè đình đám nơi làng quê, những đám rước phồn thực Ông Đùng, Bà Đà. Bởi con đường đi trong đêm xuân của Ông Đùng, Bà Đà cũng là con đường đi trong nhân gian của bao cô gái, chàng trai. Có điều, thân gái dặm trường, nên đường dài xa ngái với bao nỗi truân chuyên.

Cho nên, ngoài những trường đoạn hoan ca thiên nhiên, những trang viết diễm tuyệt nhất ưu ái dành cho phụ nữ, đủ mọi giai tầng và tuổi tác, từ cô bé Nhụ ngày nào chum chúm núm cau, cái Hoa hễ có mặt ở đâu là nơi ấy tươi tắn hẳn lên đến cô Mùi một đời xuân sắc trong ngày thường, mê đắm ảo diệu khi nhập đồng.Ám ảnh người nữ trong MTN là một hình thái say đồng tràn đầy ẩn ức nhục cảm giữa hương đất, hương rừng, hương cau, hương lúa ngan ngát đồng quê Bắc Bộ đầu thế kỷ 20. Những leitmotiv dồn nén, rạo rực như sóng trào, những vũ điệu giao hoan ấy là nỗi nhớ thăm thẳm về những ngày đẹp đẽ thuở hồng hoang…Bên kia địa đàng, những đám rước phồn thực ấy… có ảnh hưởng gì từ thiên nhiên hay không,hay chỉ tại mùa xuân đến…

Qua câu chuyện kéo dài 50 năm với bao phận người thấp thoáng bên dòng sông Son, Hồ Huyền, đền Mẫu, in bóng đến tận bìa rừng trung du, tác giả nhẩn nha ghi lại thú phong lưu ngày xưa: hình ảnh cụ đồ Tiết pha trà từ nước mưa chảy xuống tàu cau, cảnh đánh cờ, qua bày binh bố trận xe pháo mã có cờ quân tử, cờ tiểu nhân, đến thú chơi chim, cảnh Trịnh Huyền và Điều đi bắt chim khi sương còn treo đầu ngọn cỏ… Dù sao thì chim bay trên trời cao, vui đùa trên cành cây ngọn cỏ vẫn thú vị hơn là chim hót trong lồng.

MTN vẽ lại bức tranh đồng quê Bắc Bộ đầu thế kỷ 20, từ những phác hóa đã nhòa đi theo năm tháng như hình ảnh chiếc cối xay ngồi tùm hụp như bà già mặc váy ngồi ở gian ngoài nhà ngang, cái Nhụ giã gạo một mình nên chày rơi thậm thịch rất chậm đến tiếng lá mít rơi trên sân. Cái lá mít khô gặp gió chạy trên sân gạch phát ra một tiếng động mơ hồ nhè nhẹ…nghe thấy cả con mối trên mái nhà tắc lưỡi…tiếng đôi tắc kè trên cây bưởi ngoài vườn…đến sự xung đột đầy kịch tính của hai nền văn hóa Đông-Tây ngay trong điện Mẫu, khi anh tây thực dân Julien giang tay giật đôi rắn trắng bằng vải quấn quanh hai chiếc dầm vượt, vứt xuống đất trước mặt thần linh và con người, mà không biết đôi bạch xà, thân trắng toát, mào đỏ rực là đôi ngựa ngài của Mẫu. Hình ảnh đôi bạch xà trên nóc điện Mẫu, dây nón tua vàng tua đỏ phất phơ trước Tam Tòa Tứ Phủ nơi hậu điện chùa Hương, Bút Tháp, chùa Thầy...lại quay về trong nỗi nhớ mùa xuân.

Hóa ra, Mẫu là hồn của nước non ngàn dặm nầy. Thân phận Mẫu cũng là số kiếp của người phụ nữ chân quê. Hầu đồng, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng dân gian, còn là niềm vui hiếm hoi ở làng quê, là trở về với chính mình. Khi Thánh đã nhập đồng, trong khoảnh khắc, bao nỗi tủi nhục dồn nén của người đàn bà bỗng thăng hoa, vơi nhẹ. Nên mùa xuân của đất trời còn là hội hè đình đám của con người.

Theo dòng MTN, NXK đã tinh tế lồng ghép vào câu chuyện những ghi chép về phong tục tập quán, đan xen với vốn hiểu biết tường tận, những chiêm nghiệm về một miền đất lề quê thói.
Khi nạn dịch tả thản nhiên và lạnh lùng tràn qua làng Cổ Đình, ôn dịch chẳng thương xót riêng ai, chẳng nể nang ai, trong tiếng kèn ai oán khúc lâm khốc lẩn quất trong lùm tre, mái rạ, người đọc chứng kiến cảnh đưa ma rờn rợn, cảnh chôn cất người chết bán âm bán dương hay chôn cất nửa vời để tránh trùng tang mà nhà nghiên cứu Léopold Cadière gọi là quàn hạ và quàn thượng, khiến tôi liên tưởng đến những đám tang đơn côi thời đại dịch.

Những trường đoạn, những hình ảnh tưởng chỉ còn là những ghi chú dân tộc học tản mác đó đây hòa quyện với những đoạn tự sự hay độc thoại/Lời bà ba Váy, cùng cảnh sắc thiên nhiên…thôi thúc người đọc đi hết con đường của Mẫu Thượng Ngàn. Ngoài kia, mùa xuân đang về. Nhàn du, tôi lại theo ba cô Đội gạo lên chùa.

Tống Văn Thụy. 3/2021







Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
NA 2/18/2018