Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
NGHỀ ĐI QUA ĐỜI TÔI
Trần Đức Thái
Mỗi lần nghe lời ca “con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi, nhìn tôi lên cao, nhìn tôi xuống thấp” trong ca khúc Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn tôi lại chợt nghĩ về cuộc đời mình cũng ba chìm bảy nổi sáu lênh đênh. Cho đến hôm nay không biết bao nhiêu nghề đã đi qua đời tôi.
Là con trưởng của một gia đình nông thôn nghèo đông anh em, vì vậy từ thuở nhỏ tôi đã giúp mẹ tôi cáng đáng mọi việc nhà như đi chợ, nấu ăn, trông em, gánh nước; giúp bố tôi công việc đồng án, lại còn bán quán nhỏ bên vệ đường. Những công việc này đã đi theo cuộc đời tôi cho đến khi tôi thi đậu đệ thất (lớp sáu) của trường Trung học Nguyễn Tri Phương Huế và rời nông thôn lên thành phố sống với gia đình cô ruột tôi để đi học gần hơn.
Suốt thời gian học cấp hai (trung học đệ nhất cấp thời bấy giờ) trường chỉ học một buổi, buổi còn lại tôi giúp cô dượng tôi việc buôn bán vật liệu xây dựng, cân sắt, cắt sắt, đếm xi măng, may lại những bao xi măng bể. Khi may, dù nhiều hay ít đều được cô tôi trả tiền công như thuê công nhân may, ban đêm tôi còn kiêm luôn công việc kế toán, tính sổ sách ... Việc làm kiếm ra tiền trong thời gian này của tôi là khuân vác thuê xi măng, vôi Long Thọ ... mỗi bao nặng 50kg. Thuở ấy tôi rất khỏe mạnh, như lực sĩ, ăn nhiều, bơi lội giỏi, làm việc không biết mệt mỏi, và hình như sức khỏe đó nó tồn tại cho đến tận bây giờ? Khi có một ai đó đến mua xi măng, vôi ... vài chục bao mà không có phu khuân vác lên xe là tôi ra tay ngay, và được nhận một số tiền như phu thực thụ do người mua hàng trả. Công việc này khá thường xuyên, và cũng giúp tôi kiếm được tiền để chi tiêu trong việc học hành, và đi ciné rạp. Hồi đó tôi rất mê ciné, mỗi tuần tối thiểu cũng đi xem 2 phim, tôi thích nhất là các loại phim cao bồi, điệp viên, và kiếm hiệp.
Mùa hè năm 1963, sau khi thi vào đệ thất, lúc này tôi đã 14 tuổi, tôi ra giúp cô tôi (có trả lương) phụ thợ nề xây căn nhà 55 đường Duy Tân (nay là đường Hùng Vương) nơi mà sau này tôi đã sống tại đó nhiều năm. Sau mấy tháng miệt mài với công việc, căn nhà đã hoàn thành, cũng là lúc tôi thi đậu đệ thất. Nhờ chiếm được cảm tình của cô dượng tôi, bố mẹ tôi đã đồng ý cho tôi lên sống với họ. Và tôi rời nông thôn từ dạo đó.
Năm 1966, biến động miền Trung xảy ra, sinh viên, học sinh bãi khóa, bãi thi trong nhiều tháng liền. Năm đó, cô dượng tôi tiếp tục xây dựng căn nhà hai tầng ở đường Bà Triệu, thế là tôi lao vào công việc phụ thợ nề trong nhiều tháng như một công nhân xây dựng chuyên nghiệp. Khi tình hình chính trị ổn định, cũng là lúc căn nhà hai tầng đó hoàn thành, tôi trở lại trường học với thân hình vạm vỡ, rám nắng chứ không như dáng vẻ thư sinh của các bạn trong lớp. Bây giờ mỗi lần ghé về thăm cô (dượng tôi đã qua đời nhiều năm), tôi không khỏi nhớ lại chuỗi ngày tôi đã đổ mồ hôi để xây dựng nên căn nhà này.
Biến cố Tết Mậu thân (1968) qua đi, để lại cho thành phố Huế, nhiều đổ nát, điêu tàn, trường của tôi cũng chịu chung số phận. Sau nhiều ngày dọn dẹp trường lớp và xem bạn bè mất còn những ai, tôi lại trở về với nghề phụ thợ nề (lúc đó tôi đã lên cấp ba) vì trường hư hỏng quá nặng nên học sinh chưa thể đi học trở lại. Tôi đi khắp đó đây theo một người thợ quen biết lúc xây dựng nhà cho cô tôi để dựng lại nhà cửa. Lúc đó, con đường Phan Bội Châu (bây giờ là Phan Đăng Lưu) đã để lại trong tôi rất nhiều dấu ấn. Từ nóc nhà này sang nóc nhà khác, tôi phơi tấm lưng trần dưới nắng mặt trời để lợp ngói. Tôi biết lợp đủ các loại ngói, khó nhất có lẽ là lợp ngói liệt. Khi học sinh bắt đầu trở lại trường, tôi cũng trở lại với công việc học hành. Lúc này, lớp tôi thiếu vắng khá nhiều, không biết bạn bè tôi lên bưng hay đi vào lòng đất mẹ. Cố quên đi những đau thương và mất mát đó, chúng tôi lao vào học hành vì khoảng thời gian sắp tới là những kỳ thi đầy cam go. Sau năm 1975, nhiều bạn bè từ chiến khu trở về, cũng có người đã vĩnh viễn ra đi, gặp lại bạn bè nhưng chưa dám nhìn nhau. Sau này chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết cùng chung mái trường xưa.
Suốt ba năm cấp ba (đệ nhị cấp), phải trải qua 2 kỳ thi tú tài I, II và một năm dự bị y khoa đầy khó khăn và thách thức tôi chẳng làm gì khác ngoài việc học, mặc dù công việc buôn bán của cô dượng tôi vẫn rất bận rộn. Những năm học y khoa tôi không còn lao động chân tay, mà sử dụng sở trường của mình và uy tín của một sinh viên y khoa (SVYK lúc này oai lắm) để đi dạy kèm hai “jobs” trong nhiều năm. Tôi chỉ dạy Toán, Lý, Hóa cấp hai thôi cho đơn giản, thời gian còn lại tôi dành cho việc học. Học y khoa khó lắm, còn bận rộn hơn cả thời trung học, nếu thi rớt là đi lính như chơi (lớp tôi có nhiều bạn thi không lên lớp đành phải xếp bút nghiêng theo nghiệp binh lính).
Sau 30 tháng 4 năm 1975, măc dù không còn tiếng súng, nhưng cuộc sống đầy khó khăn đang chờ đợi trước mắt, tôi học tiếp những năm cuối y khoa và tốt nghiệp năm 1977. Ra trường được giữ lại trường y khoa Huế làm cán bộ giảng dạy, lúc này tôi xin phép cô dượng trở về quê sống với mẹ và các em tôi (bố tôi đã hy sinh trong năm Mậu thân). Chính tại làng quê này tôi làm nghề khám bệnh và chích thuốc dạo (y tá). Hồi đó hành nghề y dược tư nhân bị cấm, nhưng tôi chẳng có cách nào khác là phải làm thêm để kiếm sống vì không thể sống đủ với đồng lương ít ỏi của một cán bộ giảng dạy. Cứ chiều chiều sau giờ làm việc tôi đi khám bệnh và điều trị tại nhà cho bà con trong làng, trong xóm. Lúc bấy giờ thuốc men còn thiếu lắm, đau dạ dày chỉ có Cavet, Atropin, cốm nghệ; đau bụng có Ganidan, sốt có APC, lỵ amip có Emetin, trợ tim có long não nước, kháng sinh có Tetramycin, Penicillin G để chích, Penicillin V để uống; Bactrim và Gentamycin là thuộc hàng cao cấp. Ai không có tiền tôi liền trổ nghề châm cứu. Tôi làm nghề này chỉ được mấy tháng mà cả vốn lẫn công đều bay hết vì dân mình quá nghèo, nhiều bệnh nhân hẹn tôi đến mùa lấy lúa hoặc bán lúa mới trả tiền cho tôi được. Nhiều bà con của tôi từ Bắc vào thăm, khuyên tôi nên bám thành phố mà sống. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo tôi quyết định rời quê lần thứ hai.
Với tấm lòng ưu ái, cô dượng tôi đã dành căn nhà 55 đường Hùng Vương cho tôi ở. Tôi sống một mình, tự cung tự cấp. Ngoài giờ làm việc tại bệnh viện và trường tôi tiếp tục khám chữa bệnh “chui” tại nhà vì bệnh nhân có nhu cầu. Một buổi chiều thứ bảy dượng tôi đến thăm và hỏi đùa tôi rằng: “bác sĩ chích thuốc cho người mà có chích thuốc cho vịt được không?” Tôi nhìn dượng vừa cười vừa trả lời: “Dượng ơi! người chích được thì vịt chích cũng được thôi”. Dượng tôi vào đề ngay: “Thế thì ngày mai đi chích ngừa dịch vịt giúp dượng, thuốc men dượng đã chuẩn bị sẵn rồi”. Sau 1975 nghề buôn bán vật liệu xây dựng bị cấm, dượng tôi chuyển qua chăn nuôi vịt bầy và ấp trứng vịt. Sáng chủ nhật tôi và dượng ra đi khi trời chưa sáng, hai dượng cháu đi trên hai chiếc xe đạp với phích nước đá để bảo quản thuốc. Tôi chuẩn bị bơm tiêm, bông, cồn...đi về miệt làng Dương Nỗ, qua cầu Chợ Nọ đến một căn nhà dân bên bờ sông có một chiếc thuyền con đang chờ sẵn. Người lái thuyền đưa tôi và dượng ra ngoài đồng ruộng. Con thuyền trôi trên sông thật yên bình, hơi nước bay là là trên dòng sông nhỏ, những hạt sương mai đang còn đọng trên lá, mặt trời vẫn còn chưa ló dạng, xa xa tôi nghe thấy tiếng đàn vịt kêu vọng lại. Một nghề mới nữa lại sắp đến với tôi. Phút chốc chiếc thuyền đã đưa chúng tôi đến một trại nuôi vịt. Vịt ở đây có nhiều đàn khác nhau, lớn có nhỏ có. Tôi nghĩ bụng: “Nhiều vịt quá biết chích đến bao giờ mới xong?”, mà tôi thì chưa chích thuốc cho vịt bao giờ. Một người chăn vịt bảo tôi chuẩn bị thuốc để chích khoảng 500-600 con vịt trung này thôi, một người chăn vịt khác thấy tôi cầm chai cồn thì bảo: “Chích cho vịt là chích ở cánh vịt mà không cần cồn mô, có phải chích cho người mô bác sĩ!”. Liều lượng tôi đã đọc tài liệu từ tối hôm qua, tôi dùng bơm nhựa của Mỹ, một người bắt vịt, một người giữ con vịt dang cánh ra cho tôi tiêm. Tiêm được khoảng 100 con, tôi chợt nghĩ tiêm ở cánh thì hơi lâu, mà tiêm cho vịt thì tiêm ở đâu chẳng được! Thế là tôi nghĩ ra cách tiêm ở ức vịt và tôi bảo với họ rằng tôi mới đọc tài liệu hôm qua!! Với cách tiêm mới tôi tiêm rất nhanh có quá liều cũng chẳng sao, chết vịt chứ phải người đâu mà sợ. Mặt trời vừa mới lên sưởi ấm cả vịt và chúng tôi, thì tôi đã chích xong trên 600 con vịt, một việc làm ngoài dự kiến của tôi. Rời cánh đồng vịt, thuyền đưa chúng tôi về căn nhà của chủ vịt (trang trại vịt này có phần hùn vốn của dượng tôi), tôi được một bữa điểm tâm thịnh soạn với một tô cháo cá lóc ngon lành. Hành trang trở về nhà là 10 quả trứng vịt và 20 đồng bạc tiền công, dượng tôi bảo cứ nhận đi (lúc bấy giờ lương tôi mỗi tháng là 64 đồng, lãnh thành 2 đợt, sống theo chế độ tem phiếu). Cầm 20 đồng trong tay, số tiền bằng một phần ba lương bác sỹ một tháng, trong lòng mừng lạ lùng. Làm chưa đầy nửa buổi sáng mà được chừng đó tiền. Ôi chao nghề chích vịt đúng là hái ra tiền, tôi chào mọi người ra về và hẹn ngày trở lại.
Kể từ đó, tôi có thêm nghề mới đi chích ngừa cho vịt. Cứ một, hai chủ nhật lại đi về trại nuôi vịt một lần. Tiếng lành đồn xa tôi không chỉ chích vịt cho dượng tôi mà còn chích cho nhiều chủ vịt khác, có khi đi chích rất xa, ra đến huyện Phong Điền và cả huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Những lần đi xa, tôi phải đi từ chiều thứ bảy, qua đêm với những người chăn vịt trong láng trại ngoài đồng ruộng để sáng hôm sau dậy thật sớm kịp giờ chích vịt trước khi mặt trời lên cao. Nhiều lúc tôi chích hàng ngàn con vịt và thù lao lên đến 50 đồng, ngoài ăn tiêu tôi còn để dành được đôi chút lo cho tương lai của mình.
Vụ thu-đông năm 1980, trời chẳng thương tình, cho nhiều trận lụt lớn, thế là đàn vịt của dượng tôi và nhiều chủ vịt khác bị trôi ra biển. Nhiều người bị phá sản, dượng tôi giải nghệ, và nghề chích vịt của tôi cũng đi vào bế tắc. Đúng lúc này, nhà trường cử tôi ra Hà Nội học chuyên khoa cấp một, thế là tôi chia tay nghề chích vịt từ đó. Bây giờ mỗi lần đi ngang qua cánh đồng Thanh Lam, nhìn thấy trại nuôi vịt ngoài đồng tôi lại nhớ một thời kiếm sống nhờ nghề chích ngừa vịt.
Sau 3 năm học tại Hà Nội, trở về lại Huế với tấm bằng chuyên khoa cấp một chuyên ngành Ngoại khoa. Tay nghề tôi có khá lên, nhưng lương tiền vẫn còn thấp lắm, lúc này tôi đã lập gia đình, chưa có con, cũng chưa có nhà ở. Tôi nghĩ rồi mình cũng phải có nhà cửa để chăm lo cho gia đình của mình chứ. Thế là tôi cũng đành phải khám bệnh (chui) để sống, và dành dụm cho ngày mai. Nhờ chuyên môn khá, bên cạnh đó vợ tôi chuyên về gây mê, nên tôi cũng thực hiện được những ca tiểu phẫu ở nhà. Làm được vài năm thì vợ chồng tôi bị ghép tội mổ tư, thế là tai họa đến, tôi không còn khám chữa bệnh nữa. Lúc này tôi đã có đứa con đầu lòng, lấy gì để nuôi vợ con đây? Thế là nghề làm kem đã đến với vợ chồng tôi vào cuối năm 1987 nhờ một người bạn cũ hồi tiểu học truyền nghề và bán cho tôi dụng cụ làm kem. Căn nhà nhỏ của tôi (mà thật ra là của cô dượng tôi) đã trở thành quán kem ly Hướng Dương, khai trương vào mùa xuân năm 1988. Tôi không còn là bác sỹ nữa mà là người quây kem thực sự, vợ tôi trở thành người bán kem. Kem tôi làm rất ngon, mịn, dẻo, thu nhập cũng đủ cho gia đình tôi đắp đổi qua ngày. Họa vô đơn chí, quán kem của tôi mới bán được một mùa, thì con đường Hùng Vương được mở rộng, không còn vỉa hè, không còn bóng mát, nên chúng tôi không tiếp tục bán kem được nữa. Cuối thu năm đó đứa con thứ hai của chúng tôi ra đời, và nghề kem của tôi cũng ra đi. Tôi sang lại dụng cụ và dạy lại nghề kem cho một người quen.
Vợ tôi tuyên bố thua keo này ta bày keo khác, với châm ngôn “phi thương bất phú”. Khi đứa con thứ hai của tôi mới đủ tuổi đi nhà trẻ, vợ tôi đã chuyển sang nghề buôn bán đường dài, buôn tận gốc bán tận ngọn. Tôi một mình phải lo cho hai đứa con, đứa nhỏ đi nhà trẻ, đứa lớn đi mẫu giáo, và cả việc cơm nước chợ búa...Vợ tôi buôn hàng từ Khe Sanh, Lao Bảo đem vào Sài Gòn bán, rồi đóng hàng tại Sài Gòn gởi theo xe, tàu ra Huế bán. Tôi lang thang cùng vợ khắp đó đây khi thì Bao Vinh, Bãi Dâu, khi thì Thành Nội để nhận hàng từ xe tải, có khi thức trắng đêm theo chuyến tàu đến Huế. Vợ tôi buôn đủ thứ nồi niêu xoong chảo, áo quần, giày dép ... Rồi một đêm khuya tôi nghe tiếng kêu cửa thất thanh của vợ, tôi mở cửa ra thấy vợ mình mặt tái mét, cắt không còn giọt máu. Tôi dìu vợ vô nhà, vợ tôi vừa khóc vừa thều thào, chuyến hàng từ Khe Sanh của tụi em về đây mất hết rồi, em phải trốn vào nhà dân và thoát thân về đây. Tôi chẳng biết vợ tôi buôn gì mà mất hết, tôi vỗ về vợ: “Thôi mất hết rồi thì thôi, miễn em về đây là được rồi, ở nhà lo cho các con, chuyện đói no để anh lo”. Nhìn vợ tiều tụy thiếp đi bên hai đứa con thơ mà lòng tôi xót xa vô cùng, vợ tôi chân yếu tay mềm làm sao bươn chải nổi trên thương trường. Vợ tôi chia tay với nghề buôn hàng đường dài, và thay tôi làm nghề Ô-Sin cho gia đình. Vợ chồng tôi thầm mong sao sau cơn mưa trời lại sáng.
Tôi lần thứ hai trở lại với nghề làm kem. Sau nhiều tháng án binh bất động, tôi đang xoay sở suy nghĩ phải làm thêm nghề gì để sống, thì một người bạn thân của tôi, cũng là bác sỹ muốn học nghề kem, và tôi sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm. Sau đó, đôi bạn thân hùn nhau để mở quán kem với quy mô lớn hơn, công nghiệp hơn, tôi vào Sài Gòn học thêm một số kĩ năng, kĩ xảo trong nghề làm kem của một người bà con. Tôi dùng máy nước đá cỡ nhỏ để sản xuất kem theo dạng như cây nước đá thẻ. Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, quán kem Thanh Bình trước mặt bưu điện Huế đã được khai trương. Có đủ loại kem: dừa, dâu, cam, sầu riêng, đậu xanh, cà phê, cacao ... bán theo hình thức kem ly, kem ký, kem dĩa với giá rất bình dân. Chẳng mấy chốc quán kem của chúng tôi trở nên đắt khách. Học sinh, sinh viên, nam thanh nữ tú vào ra, tấp nập. Nhiều sinh viên Y khoa đến ăn kem, gặp tôi, chào thầy và khen kem của thầy ngon. Tôi không thể không mời học trò của mình lần sau nhớ trở lại ăn kem. Ngày nào chúng tôi cũng bán trên dưới 100kg kem. Cả hai gia đình chúng tôi, vợ chồng, con cái, người nào việc nấy, cứ đến buổi chiều lại lao vào bán kem, nữa đêm mới về đến nhà. Hai bà xã của chúng tôi, đêm nào cũng tính sổ sách, thu nhập hàng ngày, mặc dù rất mệt nhưng khi nào cũng thấy nụ cười nở trên môi, phải chăng đã qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai? Và cũng từ đây vợ tôi bắt đầu sắm được những chỉ vàng đầu tiên kể từ khi sống chung với nhau.
Mặc dầu bán kem rất đắt khách, lợi nhuận khá nhưng nghề kem cũng chỉ sống với chúng tôi được hai mùa thì tôi và bạn tôi đều được học bổng sang Pháp tu nghiệp về chuyên khoa của mình, và nghề kem cũng từ giã ra đi. Sau này, mỗi lần đi ăn kem với vợ con, các con tôi thường hỏi kem đây có ngon bằng ba làm không? Tôi chỉ mỉn cười và nhớ về những ngày tháng đó cũng qua đi lâu rồi.
Đã hơn hai mươi năm trôi qua, vợ chồng tôi chỉ lăn lộn với nghề chính của mình, yêu nghề, yêu người, say mê công việc và giờ đây công đã thành, danh đã toại. Tôi xin tạ ơn Người, tạ ơn đời, tạ ơn bố mẹ đã cho tôi hiện hữu trên cõi đời này. Cuộc đời tôi dù phải trải qua nhiều gian truân, nhưng tôi luôn cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn vì bên cạnh tôi luôn luôn có người vợ cùng đồng cam cộng khổ với tôi. Tôi thầm cảm ơn trời phật đã cho tôi có được người vợ hiền và các con ngoan, nên người.
Chẳng còn bao lâu nữa tôi sẽ gác kiếm, từ quan lui về quê cũ, vui thú điền viên. Hôm nay, tôi ghi lại những dòng chữ này để gửi cho các con tôi và thầm nhắn nhủ với các con rằng: “Trong cuộc sống luôn cần phải có niềm tin và nghị lực”.
Mùa xuân năm Nhâm Thìn
Trần Đức Thái
Chin Bon
Chin Bon