Ngọc trong tim

   Trường Nữ trung học Hồng Đức nằm thơ mộng ở góc đường Thống Nhất - Lê Lợi thành phố Đà Nẵng, nhìn xéo qua bên kia là trường Nam Trung học Phan châu Trinh. Góc bên này là Nhà sách Việt, góc kia là trường Nam Tiểu học. Thuở đó, tôi mới là cô bé vừa xong bậc Tiểu học. Ngôi trường Nữ đối với tôi thật là vĩ đại, từ cái cổng trường cao như một con dốc cho đến những hàng cây kiền kiền già nua trước đường Thống Nhất với tàn lá che rợp mát rượi khiến đoạn đường ngang qua trường trở thành một khoảng trời êm đềm thơ mộng lạ lùng. Từ trường Nữ đi xuống bờ sông Hàn hoặc đi về hướng Cầu Vồng lúc nào cũng thấy bóng dáng những cô cậu học sinh áo dài trắng tha thướt hoặc áo sơ mi trắng quần tây xanh. Và cũng thuở đó, tôi ao ước cái tên của mình có chữ đệm là: Ngọc. Bởi hình ảnh của một cô giáo trẻ. Cô tên là Ngọc Thanh.
    Cô còn rất trẻ, đẹp và dáng người thanh mảnh như một nữ sinh. Đặc biệt là dáng đi của cô nhanh nhẹn, đầy tự tin. Cô Ngọc Thanh dạy môn Triết, trong khi chúng tôi chỉ chập chững là những cô bé mới rời tiểu học. Môn học này còn quá cao siêu nên chúng tôi chưa hề có may mắn được ngồi nghe cô giảng bài. Cô Ngọc Thanh với mái tóc vừa chạm đến bờ vai thon, luôn luôn được sửa soạn cho ngửa ra, trông vừa lạ vừa xinh. Cô còn độc thân nên rất nhiệt tình trong các công tác nhà trường, từ văn nghệ đến báo chí. Cô là niềm ngưỡng mộ của chúng tôi khi trường Nữ dành được nhiều giải thưởng về văn nghệ… mà nhất là một học trò của cô, lớp đàn chị chúng tôi đạt điểm Triết cao nhất toàn quốc trong kỳ thi tú tài năm 1973.
    Ước mơ được ngồi nghe cô giảng bài dưới mái trường Hồng Đức thân yêu của tôi chưa kịp đến thì sau mùa hè 1975 trường chúng tôi đã mất tên. Nhiều thay đổi đưa đến khiến thấy cô, bạn bè tản mác đi khắp nơi, trường Nữ còn đó với một tên gọi khác. Gia đình không bỏ Đà Nẵng ra đi, tôi trở thành học sinh của ngôi trường hàng xóm thuở xưa - trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Và dưới mái trường với những lớp học chung nam nữ học sinh, cô Ngọc Thanh trở thành cô giáo dạy Địa Lý của tôi năm tôi học lớp 11A2, niên khóa 1975- 1976. Niên khóa đó, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi là cô Ng Thị Anh, dạy Văn. Tôi học Văn khá và yêu thích môn Sử Địa, cô Anh và cô Ngọc Thanh là hai cô giáo tuyệt vời, dễ thương mà tôi hằng mến mộ. Cả hai cô đều nói giọng Huế, cư xử với học trò rất nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm khắc. Sân trường Phan Châu Trinh thỉnh thoảng có dáng vài cô giáo còn mặc áo dài đi dạy, trong đó có cô Ngọc Thanh và cô Anh. Tôi không bao giờ quên cách xử sự của cô Ngọc Thanh khi những nam sinh cá biệt trong lớp phạm lỗi hay trốn giờ học. Từ thuở đó, tôi hiểu rằng “lạt mềm, buộc chặt” và tôi càng hiểu hơn biết bao khó khăn, trăn trở của thầy cô trong những năm tháng đất nước vừa im tiếng súng. Nếu không có viên ngọc trong tim … thì không thể nào đi theo con đường dạy học đầy tâm huyết như cô.
   Tốt nghiệp trung học khối A với số điểm tuyệt đối cao cho hai môn Sử Địa, tôi nộp đơn đi thi vào trường Đại Học Tổng hợp Huế với mơ ước sau này trở thành một phóng viên. Thuở đó, có những lý do không liên quan đến trình độ học vấn đã giết chết niềm mơ ước của tôi. Ngày tôi đến trường Phan Châu Trinh để rút hồ sơ, tôi gặp cô Ngọc Thanh ở phòng giáo vụ. Cô ân cần hỏi thăm về gia đình tôi, nhìn vào ánh mắt buồn chất chứa nỗi thất vọng của cô bé học trò mới mười tám tuổi, cô Ngọc Thanh nhẹ nhàng an ủi và khuyên tôi đừng nản chí. Cô kín đáo dặn dò tôi hãy sống và tiếp tục xây mơ ước, khi mình có quyết tâm thì sẽ có một ngày cơ hội sẽ chào đón. Tuy rằng thời gian làm học trò của cô Ngọc Thanh không lâu, quá bận bịu với chủ trương vừa học tập vừa lao động thời đó. Khoảng thời gian trống thì lại đau đầu với họp hành và những buổi nghe thuyết trình về đề tài chính trị nhưng sự quan tâm và tình cảm đôn hậu của cô đã thuyết phục được tôi, tôi mang những lời khuyên bảo của cô trong những ngày đầu rời trường học để bước vào trường đời.
   Nhiều năm trôi qua, tôi sống ở Đà Nẵng lây lất với nhiều nghề nghiệp khác nhau, chỉ là buôn gánh bán bưng, mùa nào làm nghề đó không liên quan gì đến ước mơ thời cắp sách. Cô giáo tôi vẫn dạy ở ngôi trường Phan Châu Trinh đó, nghe đâu sau này cô trở lại với công tác Thư viện rồi làm việc ở một nhà xuất bản…tất cả những công việc đều phục vụ cho ngành Giáo Dục. Bao lứa học sinh đến rồi ra trường, cô Ngọc Thanh vẫn cần mẩn làm nhiệm vụ của “người đưa đò trên giòng sông tri thức”.
    Sau này, các chị trường tôi có thành lập nên trang web trường xưa, nhiều tin tức và hình ảnh của cô trong tất cả cuộc họp mặt ở Đà Nẵng được đưa lên trang web, đến với bao thế hệ học trò xa gần càng làm tôi mến phục cô hơn nữa. Dĩ nhiên, năm tháng khiến dáng đi của cô không còn nhanh nhẹn như xưa, mái tóc cũng nhuốm màu sương khói nhưng tính cách của cô vẫn biểu hiện qua từng cách trang phục. Vẫn là “bộ sưu tập áo khoác và khăn choàng” hoàn hảo như lời thầy Thụy diễn tả, vẫn nụ cười dịu dàng, cởi mở. Nhất là tấm lòng của cô đối với học trò và công việc chung của trường lớp vẫn gắn bó, đầy trách niệm.
   Giữa thời buổi bài học “Tôn sư trọng đạo” gần như sắp bị lãng quên, tình thầy trò vừa trang trọng vừa thân thiết trong học đường sắp mai một, đối với chúng tôi cô Ngọc Thanh luôn là một vị thầy đáng kính, vừa sáng ngời gương mẫu vừa gần gủi  bởi cô có viên ngọc trong tim. Cô mãi mãi là cô giáo trẻ trong lòng chúng tôi. Tôi rời quê hương, tạo được sự nghiệp và đời sống tương đối ổn định nơi xứ người. Những gì tôi có được hôm nay ảnh hưởng bởi hình ảnh cuộc đời, phong cách sống và dạy dỗ của cô. Tôi tâm niệm và mang theo suốt đời mình như là một viên ngọc quý.
  Chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày họp mặt cựu nữ sinh trường Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng - một hoài niệm cho trường xưa. Cô Ngọc Thanh không quản ngại khi tuổi đã cao, cô vẫn tất bật bận rộn cho công việc chung. Tôi viết những dòng này như một lời cám ơn chân thành từ một nơi xa, cách quê hương tôi hàng vạn dặm, với lòng kính phục vô biên và cầu mong cho cô được an vui mãi mãi. Viên ngọc trong tim cô Ngọc Thanh sẽ luôn soi sáng trong tâm hồn bao thế hệ học trò.

Atlanta 20/2/2012
Nguyễn Diệu Anh Trinh
(Chín4 - NK 1973 - 1974)