Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Ngọn Lá Chưa Xanh --- Ngọc Minh
Ngày 9-3-72
Buổi tối, gặp lại bạn xưa ở thành phố lạ. Mừng và yêu biết mấy. Chúng ta đã nói những lời gì sau đó, quên cả! nhưng mà thấy rõ đời sống ngày càng đắp thêm cho mình những chiếc mặt nạ ngộ lắm, thấy không Dung? Với những chiếc mặt nạ, Ngọc đã ngày giả lơ cười ngất chỉ đêm về mới được trở mặt đối gương sầu. Và như thế, những người bạn đến rồi đi như nắng, như mưa, như gió, như mây, như ngày, như tháng. Vẫn còn đâu lại những người rất thân rất mến. Nhưng rồi, ở một nghĩa nào, vẫn nghe thất lạc hồn nhau ...
Ngày 10-3
Những gốc bàng lá đỏ nâu, ôi những gốc bàng lá đỏ nâu! Biển nào Phan Thiết, biển nào Nha Trang. Vẫn là những gốc bàng này tôi hát mênh mang theo mặt trời tan. Cái nợ cầm thư đã trút. Đêm nằm nghe sóng vọng từ bên kia đường mà nhớ Ph. Th,. quá đỗi. Thủ thỉ với Yến Vũ nằm cạnh: "Khi sáng, vừa đọc đề xong, em nghe "ứa gan" ghê Vũ ạ. Muốn bỏ phòng thi mà đi như Hữu Lễ đã tuyên bố không thèm làm những đề tài xoay quanh những bổn phận tầm thường của người đàn bà. Nhưng cơ mà phải rán nghĩ đến cụ Phan Bội Châu nhà mình mà ngồi lại. Nhưng rồi như Vũ thấy đó em làm tiếu ngạo kể gì. Cô Lâm lo lắng: "Thế có hy vọng chi không?". Tôi cười: "Rất, nếu những người chấm đều là những người bất bình thường, hay ít ra, có vài tâm hồn phóng khỏi khuôn khổ một tí. Tuy nhiên, xem những bài được giải của những năm trước, thầy giám khảo và Ngọc chẳng hợp gout đâu. Ngọc mãi trích dẫn những nhạc Phạm Duy, những thơ Bùi Giáng và một vài cảnh khó trong những cánh nghèo rất đỗi Việt Nam".
Như những bài luận thi trong lớp, thầy An vẫn dặn dò: "Vì có sáng tạo, tôi tạm cho em điểm cao nhất. Nhưng trong những kỳ thi toàn quốc phải gắng vào khuôn khổ để cứu mình, kẻo hỏng vì "phạm húy" kiểu ni thì oan uổng cho em lắm" ...
Ngày 11-3
Lasan với những ly rượu khổng lồ tràn trề hoa lá và buổi hoà nhạc chiều thứ bẩy của các père. Những tà áo màu bay nhiều quá. Ta thẩn thơ ra đầu mõm đất cao nhất. Ph. Th., giờ này, có biết nhớ không? Lúc về nghe Ngư kêu rêu quá, hỏi nhỏ hắn: "Thế mi có viết được bài thơ nào chưa?". Hắn cười tươi như ... hoa của đồi Lasan: "Dĩ nhiên là có nhưng cũng như cô nhỏ Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp "bài thơ này em nhớ, nên chả chép vào đây" ...
Buổi tối cả bọn đến hội quán Nha Trang Nghĩa Thục, người dẫn đầu dặn: "xem lề lối làm việc của người ta mà gắng về cổ động trong giới học sinh về việc thành lập Bình Thuận Nghĩa Thục của mình nghe". Gặp thầy V.H. và thầy hiệu trưởng của Nghĩa Thục. Câu chuyện lan man đến khuya. Anh Sơn có những dự phóng thật đẹp. Và việc anh giao cho em làm đó không khó lắm đâu nếu Phan Thiết ta cũng có thật nhiều những người đi trước hằng tâm, hãng sản, can đảm mà nhẫn nại như những thầy chúng ta nói chuyện đêm đó.
Ngày 15-3
Thế là bỗng dưng, tôi lại vướng mắc vào một trò chơi mới chỉ vì muốn "cứu bồ" Phương Mai. Phải nhờ Phúc Cận giúp một tay mới vững tâm. Trò chơi không khó, nhưng tôi không thấy hứng thú vì thấy mình cứ bị bó buộc hoài với những việc làm ồn ào, chỉ chuốc lấy sự ghét bỏ mà thôi dù thành công hay thất bại. Tủi thân mà nghĩ rằng một đời ta phải nói lên những điều ta không muốn nói, làm những việc ta không muốn làm. Sống như thế dễ bị ghét bỏ. Mà muốn tách bạch một cõi, âm thầm như cỏ cát cũng bị ngộ nhận là lập dị quá, là một lối quảng cáo ngầm ...
Ngày 18-3
Hai giờ đầu êm đẹp trừ một rắc rối nhỏ. Cô Tươi nói riêng: "So với những buổi lễ khác của trường tổ chức, sáng nay như thế xem như là đã thành công. Học sinh tự tổ chức trong khi tụi Ban Chấp Hành rã tan rồi mà được như vậy là khá lắm rồi". Tôi lo lắng: "Còn rắc rối kia, thưa cô ...". Cô trấn an: "Có gì đâu. Chỉ tại người lớn quan trọng hóa cái việc nhỏ nhặt đó mà thôi. Cứ yên tâm". Cô không biết, mọi người không biết ... Tự ý kiến đầu đến khi thu dọn khán đài đến phiến gỗ cuối, mặc dầu tôi có mặt, có làm việc nhưng trong thâm tâm không nhập cuộc một phần hồn. Với riêng tôi, tưởng niệm và noi gương hai bà thì vẫn nhưng cần gì những hình thức rình rang đó. Thầy Nào phê bình: "Bài diễn văn đó như là không viết sẵn. Nên có nhiều đoạn thật khá mà cũng có đoạn Ngọc cương ẩu quá đi".
Thật ra, không phải chỉ riêng bài diễn văn, mà cuộc sống tôi nữa, cũng là diễn kịch với nhau, đôi lúc xuất thần, lắm khi rã rời mỏi mệt thỏng tay buông xuôi mặc tình khán giả là ó chế nhạo ...
Ngày 22-3
Từ điểm nhỏ rắc rối bên lề ngày lễ. Học trò nổi loạn. Vui nhỉ, "mấy đời giảm thị có thương học trò" mà bây giờ học trò lại bênh giám thị. Mà lại là bác giám thị của liên 11 mà lấy nay vẫn được xem như "Giám Thị Chi Bảo" của Ban Giám Đốc. Tất cả cũng chỉ như một trò chơi thôi. Của lũ chúng ta, bồng bột một cách ngây thơ hay xác thực hơn chút nữa ... một cách ngu xuẩn. Nhưng mà đáng yêu, phải không? Vì tất cả chỉ là những bài học thực hành thích thú (thích thú như 6 chữ Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn trên biểu ngữ của chúng ta). Những điều học được rõ ràng nhất là học sinh liên nhị mình trong nguy khốn chẳng ai bỏ ai. Những khi "chính nghĩa" bị lệch lạc bởi người ngoài, phe ta đã biết tản đi thật đúng lúc. Đó là phần con nít. Còn người lớn, may thay, bên cạnh những vị bưng mặt bịt tai làm ông phổng đá đối với một thiểu số hẹp hòi, có ý bóp méo thiện chí đồng thời chụp mũ trẻ con, vẫn còn một vài chứng tỏ lớp người đi trước vẫn còn sót lại những tâm hồn mở rộng khoan dung, cảm thông tuổi trẻ ...
Ngày 1-4
Từ ngày nghe thầy Hóa cho biết có một giáo sư đang ngầm cho Ngọc một cái mũ, khá lớn, bỗng nghe có một nỗi gì chi phối tri óc trong những giờ khắc trên trường. Không phải là sợ sệt đâu, mà là thất vọng, thất vọng thật tình. Người lớn mà, có thể vậy sao? Rồi đẩy đưa đến hôm nay, vô tình làm giáo sư phiền lòng, tôi thẫn thờ muốn khóc. Và cảm thấy có nhiều điều cần nói với thầy. Nhưng thầy không cảm thông, tha thứ. Nên những lời lẽ đó đành ngậm kín như sò cắn chặt vỏ cứng một đời.
Ngày 8-4
Tôi chép lại những ý nghĩ này của một người lạ nói với một người ở xa về tôi, hình như đã lâu: "Minh Ngọc dạo này hoạt động mạnh "bản lãnh cao cường", song bản lãnh bất chấp liều lĩnh thiên về hình thức quá, thú thật, tôi không thích" ... Tôi đưa cho đại huynh coi và ghi thêm. D'accord?" Để hỏi xem dưới mắt huynh, muội muội có như thế không? Người nhìn thẳng vào mặt ta. Ánh nhìn cứng sâu mà bát ngát. Ôi, nơi ẩn trú của ta!
Ngày n ào huynh đã nói như khuyên nhủ với tiểu muội: "Nhiều người ghét Mai lắm. Nhất là bên nữ đó. Cẩn thận một chút nha". Thôi thì người cứ ghét. Cũng như ta vẫn sống, vẫn cười, vẫn thắt cứng lối đi của máu đến ngộp thở vì những lẽ rất vu vơ. Cũng như bao nhiêu người đã sống - hạng phúc hay nhọc nhằn - dù muốn hay không. Cũng như bao nhiêu người đã chết.
Tất cả đều sống như thế, đều chết như thế, có bằng lòng hay không. Thì có gì để nói nữa đâu. Vì kể lể có bao giờ hết. Mà nói ra phỏng có giúp được gì đâu, hay ngược lại, chỉ phủ thêm một lớp ngộ nhận nữa mà thôi. Tiểu muội vẫn biết chứ "Một giọt tình thương trong máu. Một hạt chân lý trong hồn. Cũng tỉ như những hạt kê cho chim sẻ cho trôi qua những ngày đông giá lạnh". Nhưng làm sao muội dám nhận giọt tình thương đó dù rằng có nó, muội thở dễ dàng hơn. Bởi đại huynh rồi cũng sẽ xa, muội không muốn có một ngày hẫng mọi đường hơi, đứt đi tiếng thở. Nên muội sẽ sống. Một mình. Với những khó khăn đổ về từ mọi phía như thế. Được mà! Và sẽ gắng học cho trọn bài học của Vincent Van Gogh "Đau khổ không than vãn, là bài học duy nhất, ta phải học trong cuộc đời này".