Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
NGŨ ĐẠI HỒ
Âm vang bài học địa lý ngày xưa reo lên khi nhìn từ xa vòng cung trắng xóa hình móng ngựa tuôn trào thác đổ, tôi đến thác Niagara, hồ Ontario vùng Ngũ Đại Hồ.
« Phía Đông Bắc Hoa Kỳ là Ngũ Đại Hồ mênh mông với sông Saint Laurent biên giới thiên nhiên giữa Hoa Kỳ và Gia Nã Đại/ Canada. Đây là 5 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới gồm các hồ Superior, Michigan, Huron, Erie và Ontario. Nước từ hồ Erie trên vực cao đổ sang hồ Ontario, tạo thành ba dòng thác làm nên Niagara . »
Đến Niagara từ Toronto, Canada. Xa xa sau hàng loạt cao ốc lô nhô, nông trại nối tiếp xen kẽ đồi nho, quang cảnh những nhà máy sắt thép một thời vang bóng...là hồ Ontario, món quà mà thiên nhiên dành tặng cho thành phố đông dân và năng động nhất Canada. Tháng sáu, trời Bắc Mỹ xanh và trong veo như đôi mắt thiếu nữ “tóc vàng sợi nhỏ” đi bộ ngược chiều. Mùa hè đến sau đêm đông lạnh giá dài thăm thẳm với bão tuyết và những đợt gió rét căm căm từ Bắc Cực, sau mùa xuân năm nay trái gió trở trời nên trên đất nước nầy nắng là ân sủng. Nắng lung linh trên tóc, nhảy múa trên mắt môi thân thể, trải dài trên bãi cỏ xanh.
Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc
Anh có về gọi nắng đến cho em
Anh có về mang theo chút tình riêng
Em sưởi ấm trong những ngày mưa bụi.
Trần Mộng Tú. Gọi nắng.
Trong nắng đầu hè, dọc lối đi, trên xe bus, thỉnh thoảng, còn gặp người Amish, đó là hình ảnh hoàn toàn tương phản với cánh đàn ông đội mũ rộng vành, quần màu tối áo sơ mi, phụ nữ vấn tóc, đội mũ vải, mặc váy dài như thể gia đình họ vừa bước xuống từ chuyến xe ngựa thuở lập quốc Bắc Mỹ. Mùa hè ôn đới đầy sắc màu, vui tươi, bao dung và sung mãn như phương châm của thành phố bên hồ Ontario :“ Diversity our Strength”/ Đa dạng là sức mạnh của chúng tôi.
Dù khởi hành từ Toronto rất sớm, tôi đã thấy cả một dòng người nối đuôi hai bên bờ hồ Ontario để thăm thác Niagara. Bên này xứ Lá Phong, bên kia đất nước Cờ Sao và Vạch với cây cầu hình bán nguyệt nối lấy đôi bờ.
Đi tàu ngắm Niagara từ phía Canada, nhà tàu phát cho du khách áo mưa màu đỏ. Phía Hoa Kỳ, áo mưa màu xanh. Đề huề. Không có cảnh cá lớn nuốt cá bé. Hình như, thuyền phía Canada lớn hơn, khách đông hơn và trang hoàng đẹp hơn. Mấy người Québecois đồng hành với tôi trên thuyền còn chân chất góp ý với ngữ điệu Pháp lên bổng xuống trầm như chim hót: “ Niagara nhìn từ phía Canada đẹp hơn góc nhìn từ Hoa Kỳ ! “ Lời bàn của dân Việt : “J. Trudeau đẹp trai hơn D.Trump. »
Tàu thẳng hướng thác Móng Ngựa hùng vĩ nhất. Tiếng thác đổ đánh thức cliché Niagara quen thuộc tưởng ngủ quên trong tiềm thức. Muôn vàn tia nước bắn tung tóe trong tiếng hò reo phấn khích của khách trên tàu. Trời trong xanh. Nước trắng xóa. Hải âu bay lượn. Khi tàu quay đầu rẽ sóng vào bờ thì ký ức ngược dòng miên man.
Nhớ thác Pongour, Gougah ở cao nguyên Lâm Viên in dấu trên những con tem Việt Nam Cọng Hòa sưu tầm thuở nhỏ. Về sau, xê dịch đó đây, vẫn lưu giữ hình ảnh thác Damb’ri hoang dã ở Bảo Lộc thuở chưa trang bị hệ thống thang máy, thác Dray Sáp hay thác Khói phía nam Buôn Ma Thuột; thác Khói gieo vào dòng sông Srépok đổ vào Mékong. Nhưng nhớ nhất, nhớ đến quay quắt là lần đến thăm thác Bản Giốc, Cao Bằng, tháng 10/2015. Đó là ngày 1/10, Quốc Khánh Trung Hoa. Tôi đi cùng một cặp vợ chồng người Pháp lớn tuổi mà người chồng từng tham dự cuộc chiến Việt - Pháp, ông là lính dù nhảy xuống thung lũng Điện Biên Phủ trước khi cứ điểm nầy thất trận. Ở lứa tuổi gần đất xa trời, đây là chuyến đi cuối cùng lưu dấu Đông Dương, nơi đa mang “ nỗi buồn vàng “ một thời trai trẻ/ “ le mal jaune “(chữ của Jean Lartéguy).
Hôm ấy, từng đoàn khách Trung Quốc nườm nượp đổ bộ, múa may, tạo dáng chụp ảnh trên sườn núi, bên bờ sông, trên những chiếc thuyền hướng về thác Bản Giốc. Người Trung Quốc lục địa đi du lịch thường có cái « hồn nhiên » ở mọi nơi, mọi lúc. Lặng lẽ bên nầy dòng Quây Sơn, đường phân thủy biên giới giữa hai nước, thuyền chở ba người ngược dòng đến thác. Người chèo bè dân tộc Tày, khoảng trên dưới 70, đã sống gần hết cuộc đời ở đây.
Bản Giốc không hùng vĩ bằng Niagara, thác đổ cuồn cuồn ầm vang không dữ dội như nơi biên giới Hoa Kỳ - Canada, tia nước cũng không mãnh liệt như thác Thần Sấm, từ mà người bản địa gọi tên Niagara nhưng Bản Giốc tuôn chảy vào lòng nghe rét buốt. Khi chiếc bè với mái che phong phanh tiến gần thác, người chống bè chỉ nói vừa đủ nghe: “ Ngày xưa, đất nước Việt Nam nằm sâu bên kia biên giới. Nay một phần ba thác, phía tay phải trước mắt thuộc Trung Quốc “. Rừng núi lặng yên, chỉ nghe tiếng thác từ xa vang vọng. Thăm Niagara, thấy choáng ngợp vì sự hùng vĩ và kỳ diệu của thiên nhiên nhưng đến Bản Giốc tháng Mười năm ấy, tôi xúc động đến nghẹn ngào. Nước từ dòng thác trên non cao thấm đẫm hay nước mắt?
Sau khi rời tàu thăm thác Niagara, chúng tôi mua vé xe bus chạy dọc thành phố Niagara Falls, vé trọn gói, có thể lên xuống tùy thích ở mỗi trạm. Thành phố Niagara là điểm du lịch nổi tiếng với casino, khách sạn, home stay, nhà hàng, các loại hình giải trí du lịch đa dạng…Có cả chùa Tàu. Chúng tôi chọn đi cáp treo vượt qua sông Niagara, đoạn khuỷu tay nơi biên giới Canada và Hoa Kỳ. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Dưới vực sâu, nước sông Niagara cuồn cuộn va đập đôi bờ; giữa hai làn nước trong xanh là bán đảo trải dài thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ. Du khách phơi nắng, đi dã ngoại xuyên đảo. Chợt nhớ những lần đi thăm chợ phiên vùng cao Bắc Hà, Cốc Ly, Cán Cấu về lại Lao Cai, đợi chuyến tàu đêm đi Hà Nội, tôi thường đưa du khách ra cầu Hà Kiều. Bên kia cầu, thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc. Dưới chân cầu, nhánh sông Hồng mang tên Nậm Thi nước trôi trôi mãi. Mỗi lần dừng chân nơi đây, tôi thường tự hỏi : “ Nậm Thi có phải là Giòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh, từ đó nhà văn giã từ núi rừng Việt Bắc ?” Hình như, những dòng sông nơi biên ải, nước vẫn thường trong xanh hơn như Niagara, Rhin, Danube hay Nậm Thi…
Michel Tong, đứa cháu chào đời nơi xứ Lá Phong, đồng hành với tôi có nhận xét thú vị: “ Hình như bác vẫn chưa thực sự bỏ lại đằng sau quê hương của mình?“ “ Ở một lứa tuổi nào đó, làm sao có thể phong kín quê hương trong tim.” Nếu sang Canada thuở sinh viên, chiều cuối tuần, Thanks God, it’s Friday, tôi sẽ la cà khu Liberty Village*/* một trong những khu phố của giới trẻ, bàn chuyện “đổi thay thế giới”, sẽ rong chơi ta bà xuyên đêm suốt sáng trong hào quang tuổi trẻ. Nay lần mò tìm đường đi subway/ xe điện ngầm, streetcar/tàu điện, xe bus từ Toronto đi Ottawa, Montréal, Québec… là một thử thách!
Đi du lịch phương xa khi tóc không còn xanh. Như người ly hương chẳng thể lìa xa bản quán, nhớ lần ghé thăm một người thân tóc trắng xóa xa Huế từ độ ấy, ông tẩn mẫn hỏi tôi khi dừng chân bên dòng sông Saint Laurent, sông như sợi chỉ màu xanh khi ẩn khi hiện xuyên suốt miền Đông Canada:” T. ơi, làm sao có thể về lại bên bờ Hương Giang thương nhớ ấy?”
Lữ khách nhiều khi chân bước đi mà lòng còn ngoảnh lại…
TỐNG VĂN THỤY. 8/2019
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
NA 2/18/2018