Người đi qua đời tôi - Nghề đi qua đời tôi
Câu chuyện “ Nghề đi qua đời tôi” của Anh TDT quá hấp dẫn đã khiến Chín Bốn xôn xao bàn luận và chủ nhiệm Web Ngọc Anh đã vui vẻ mở chuyên mục mới cho mọi người kể chuyện về nghề của đời mình.
Tôi quyết định kết hợp kể cho các bạn nghe cả về người và nghề đi qua đời tôi.
Gọi là “nghề” không biết có chính xác không, nhưng từ khi còn rất nhỏ tôi đã kiếm được những đồng tiền chân chính từ mồ hôi của mình.
Năm 1963, gia đình tôi rời Làng Dạ Lê, Huế vào sinh sống ở Ban Mê Thuột, được ông Ngoại Em của tôi giúp đỡ. Ông tôi rất giàu, có nhiều nhà cho thuê, đã dành cho gia đình tôi một căn nhà nhỏ, ông còn cho gia đình tôi làm vườn trên đất của ông để có thêm miếng ăn và thu nhập. Sau này mẹ tôi dành dụm để làm nhà riêng gần đó, ông tôi vẫn tiếp tục cho gia đình tôi trồng trọt trên đất của ông. Ba tôi thì bận việc quân. Ông là Y tá Quân Y, còn mẹ tôi từ sáng đã quang gánh lên vai đi bán cháo lòng từ sáng sớm nên việc nhà, việc vườn chủ yếu do tôi làm, dưới sự chỉ dẫn của Bà Ngoại. Bà Ngoại tôi chủ yếu hướng dẫn, chứ không làm được nhiều, vì bà bị bệnh, tay chân co quắp, cử động rất khó khăn. Ngoài ra tôi còn chăm sóc năm đứa em nhỏ hơn mình. Tôi đúng là một cô nội trợ tí hon đảm đang mà học hành cũng không đến nổi tệ. Tôi còn giúp mẹ sáng sớm phụ nấu cháo lòng để mẹ kịp gánh ra cho bán.
Đến mùa thu hoạch khoai, bắp, mướp, bí, bầu, gia đình tôi dùng không hết nên tôi đem ra chợ bán bớt. Tôi ngồi cạnh mẹ tôi, hí hửng nghe mẹ tôi khoe kết quả lao động của tôi với mọi người. Số tiền bán được mẹ tôi cho tôi để dành mua sách vì tôi rất thích đọc sách.
Trong xóm tôi, có một người phụ nữ rất đáng thương. Bà bị thương tật do tai nạn phải đi nạng. Ông chồng bà có vợ bé, ở chung trong nhà. Bà vợ bé này hay kiếm chuyện và bà vợ lớn thường bị ông chồng đánh te tua bằng chính đôi nạng của bà. Bà thường dẫn mấy đứa con qua nhà tôi lánh nạn và khóc sụt sùi, làm tôi cũng khóc theo. Bà quý tôi lắm, vẫn thường nói sau này sẽ xin cưới tôi cho con trai lớn của bà, nhưng mối tình duyên này không bao giờ thành vì năm 1970 gia đình tôi chuyển ra Đà Nẵng sinh sống. Hôm chia tay, bà và con trai bà đều khóc. Đương nhiên tôi cũng khóc. Mới mười ba tuổi ta, tôi đã có một cảm xúc là lạ. Có thể nói đây là người đầu tiên đi qua đời tôi, dù chưa một lần nắm lấy tay nhau.
Đến Đà Nẵng, tôi được ba tôi xin vào học trường Hồng Đức. Mới lớp đệ thất đã được mặc áo dài rất dễ thương. Về Đà Nẵng, mẹ tôi bán cháo lòng không chạy như trước nên mẹ tôi chuyển qua bán thịt bò, thịt heo. Mẹ tôi không sát sanh, chỉ đến lò mổ lấy thịt về bán nhưng chứng kiến những con vật tội nghiệp bị giết, mẹ tôi rất thương xót và thường nguyện sẽ dứt nghiệp này khi con cái ăn học xong.
Mùa hè 1975, thời thế đổi thay, sau khi đi học tập cải tạo về, ba tôi bàn với mẹ tôi đưa cả nhà về quê nhưng mẹ tôi không đồng ý. Ba tôi quyết định đem 5 con lớn, trong đó có tôi, về quê, vừa học vừa làm ruộng, còn mẹ tôi giữ lại 5 đứa con nhỏ, tiếp tục mua bán nuôi con. Tôi trở thành một người nông dân, biết trồng lúa và hoa màu khác. Vẫn đi học, nhưng nhiều lần muốn nghỉ để giúp gia đình vì thấy ba mẹ vất vả quá. Nhưng ba tôi rất cương quyết: có thể ăn nữa đọi cháo, ngủ nữa giấc, nhưng không thể bỏ học nữa chừng. Tôi nghe lời ba, nhưng tranh thủ các ngày nghỉ và mùa hè để đi bán dạo ớt bột. “Ớt bột đây, ớt bột rất cay, ai mua ớt bột không?”
Năm ấy mất mùa. Ba tôi gần như mất trắng tài sản mà mẹ tôi giao để đầu tư vào nông nghiệp. Vậy là mẹ tôi thuyết phục ba tôi mang các con lớn về lại Đà Nẵng để khỏi một cảnh hai quê. Về lại Đà Nẵng, đi học về tôi tranh thủ thời gian ra ga gánh thuê cùng với Huệ, em gái tôi để kiếm thêm tiền mua sách vở.
Tôi thích nghề dạy học nên nộp ba bộ hồ sơ thi vào Trường Cấp 1, Cao Đẳng và Đại học Sư Phạm. Tôi đậu cả ba trường và quyết định theo học trường Đại Học Sư Phạm Huế. Thế là chấm dứt nghề gánh thuê. Tội nghệp em gái tôi, nó vẫn tiếp tục công việc nặng nhọc ấy. Có lần nó dành dụm số tiền ít ỏi để may cho tôi một bộ đồ mới, nhưng tôi chưa kịp mặt thì đã bị kẻ gian rạch xách lấy mất khi đi tàu ra Huế.
Lúc này tôi đã có “người ấy thứ hai” trong đời. Đó anh của Duyên, bạn rất thân, đã quá cố nhiều năm của tôi. Tôi quen “người ấy thứ hai” chỉ vì người ta có cái tên giống cái tên “người ấy thứ nhất” của tôi. Mối tình này kéo dài nhiều năm nhưng chẳng đi đến đâu vì tôi không đủ tiêu chuẩn để làm dâu gia đình ấy. Tôi ra trường làm giáo viên dạy tiếng Anh vào thời tiếng Anh ế ẩm. Quê người ấy lúc đó không có môn học tiếng Anh. Gia đình người ấy không muốn cưới tôi vì sợ mang về một gánh nặng. Tôi tình cờ biết sự thật này và quyết định chia tay vì tự ái, cho dù trong lòng rất đau đớn.
Từ khi tôi về dạy học ở Duy Xuyên, đã có một anh chàng kỹ sư nông nghiệp ngấm ngầm để ý. Anh chàng này thương cùng vài người bạn, đều là dân nông nghiệp đến trường tôi chơi. Anh chàng này tìm hiểu kỹ và biết rất rõ chuyện tình cảm đổ vở của tôi và tranh thủ mọi cách chiếm cảm tình của tôi. Dù tôi chủ động chia tay người cũ, tôi vẫn bị sốc về mặt tâm lý tình cảm, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe. Tôi bị liệt dây thần kinh số bảy, mặt mày méo xệch, ăn uống, nói năng đều rất khó khăn. Chính trong lúc này anh chàng kỹ sư nông nghiệp đã chăm sóc, bày tỏ tình cảm và tìm mọi cách để cưới tôi làm vợ. Đó chính là Quang, ông chồng già của tôi bây giờ. Là cha, là thầy, và cũng là Osin của mấy đứa con tôi, và cũng là của tôi, vì lắm khi tôi quá bận đi tua, nhà cửa giăng tùm lum, chàng phải ra tay dọn dẹp, dù đôi khi cũng có làu bàu một chút.
Hy vọng ông chồng già của tôi sẽ không là người đi qua đời tôi mà là người ở lại để đưa tiễn tôi lúc cuối đời.
Người đi qua đời tôi không nhiều, nhưng nghề đi qua đời tôi không ít. Lương tiền ít ỏi không đủ sống, sinh được con đầu là Huy lại càng khó khăn hơn, may mượn được miếng ruộng trồng lúa cái ăn, cái bán bớt để mua sắm cho con. Đến năm 1986 tôi được chuyện về dạy học tại trường Tây Sơn Đà Nẵng, năm 1987 tôi sinh cháu thứ hai là Nguyên. Ba mẹ con tôi ở nhà với mẹ chồng và các em chồng, cuối tuần chồng tôi mới về nhà. Em chồng tôi là thợ may, tôi phụ việc và trở thành thợ may tự lúc nào. Kiếm thêm được ít tiền nên tôi cũng say mê lắm. Tối đến, chuẩn bị giáo án dạy học xong, tôi ngồi vào máy khâu của cô em chồng, may vá đến tận khuya. Tôi còn học thêu máy. Thầy dạy tôi chính là bạn Thủy. Nhưng tôi chưa bao giờ kiếm được đồng bạc nào từ nghề mới học này. Mà học cũng không đến nơi đến chốn vì tôi đã quá bận rộn
Đến năm 1989, tôi được chuyển về trường chuyên Lê Quý Đôn. Lúc này Quang đã chuyển về công tác ở Sở Nông Nghiệp Đà Nẵng. Tiếng Anh bây giờ đã thịnh hơn. Tôi mon men đi đến các Trung Tâm Anh Ngữ để xin dạy thêm. Dần dần tôi “chạy sô” mệt nghỉ. Quang trở thành “xe thồ” chở tôi đi dạy. Đi làm về, anh đến chờ tôi, cầm theo một ổ mì, để tôi ăn lấy sức đi đến các trung tâm dạy tiếp. Trong lúc chờ tôi dạy, Quang tự học tiếng Anh. Có vợ là giáo viên, lại rất thông minh nên Quang rất tiến bộ. Đến khi tôi dạy thêm ở trường Đại Học Duy Tân, tôi đã đề nghị Quang đăng ký học đại học tại chức và trích tiền thù lao của mình để đóng học phí cho chồng.
Đất nước bắt đầu mở cửa cho du lịch nhưng lại thiếu tua gai trầm trọng. Tôi nghiễm nhiên thành tua gai nhờ vốn tiếng Anh và tính hoạt bát của mình. Ban đầu tôi chỉ tranh thủ xin tổ trưởng chuyên môn sắp xếp thời khóa biểu gọn hơn để đi tua nhưng dần dần mọi việc trở nên phức tạp hơn. Thế là cuối năm 1995 tôi quyết định nghỉ dạy để đi tua, vì tôi thích được gặp bạn bè quốc tế và nói tiếng Anh với họ. Hơn nữa, thời đó thu nhập của tua gai rất cao. Có công ty trả đến 25 đô la một ngày, khách du lịch lại rất hào phóng, cho tiền tip rất khá. Đi tua mấy ngày bằng tiền tương cả tháng nên nhiều người nghỉ dạy để đi tua. Khi biết tôi vốn là giáo viên, có nhiều du khách đã nói: không, cô vẫn đi dạy đó chứ, vì chúng tôi được học được nhiều điều về Việt Nam từ cô.